Phim từ video game – Mỏ vàng mới của Hollywood?

Đã từng và… thất bại
Trước đó, trong tháng 5, công chúng cũng sẽ được thưởng thức “The Angry Birds Movie”, dàn dựng từ tựa game nổi tiếng của hãng Rovio dành cho các thiết bị di động. Thật đáng ngạc nhiên bởi trò chơi điện tử được ưa chuộng và đã liên tục phát triển trong khoảng 30 năm qua với vô vàn siêu phẩm độc đáo, có sức lôi cuốn mạnh mẽ không thua bất cứ phim bom tấn nào. Và nó là loại hình giải trí gần gũi với điện ảnh nhất, có nhiều yếu tố tương đồng nhất trong khâu sản xuất. Tại sao nó vẫn bị Hollywood thờ ơ?

Công bằng mà nói, Hollywood cũng đã đưa nhiều video game lên màn ảnh rộng nhưng chưa bao giờ có được thành công xứng đáng. Nổi bật nhất là hai tập “Mortal Kombat”, hai tập “Tomb Raider”, “Doom”, “Silent Hill”, “Hitman” (phiên bản năm 2007), “Prince Of Persia: The Sand Of Time”, “Need For Speed” và series “Resident Evil”… nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức “chấp nhận được” về mặt giải trí và không để lại quá nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Sau “Hitman: Agent 47” ra mắt hồi năm ngoái, một số nhà phê bình đã phát biểu bi quan rằng Hollywood hoàn toàn không biết cách biến một trò chơi hay thành bộ phim hấp dẫn. Số lượng người chơi có thể lên đến hàng chục triệu người trên khắp thế giới ở mỗi trò chơi ăn khách là bảo chứng vững chắc cho việc gặt hái mức doanh thu khổng lồ, chưa kể đến nhóm khán giả thông thường. Vậy mà Hollywood vẫn lâm vào cảnh bế tắc trong việc khai thác “kho báu” đó…
Vấn đề mấu chốt có lẽ nằm ở cấu trúc của hai loại hình giải trí này. Trò chơi điện tử được thiết kế để mang đến những niềm vui trong việc giải quyết vấn đề. Cho nên, về lý thuyết, một game “hạng nặng” như Watch Dogs cũng chẳng khác gì một game cực đơn giản là Tetris. Người chơi hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, đi tiếp, cho đến cuối cùng. Dĩ nhiên không thể áp dụng hoàn toàn công thức đó vào phim ảnh, dù Hollywood cũng có một ngoại lệ “khác thường”: “Edge Of Tomorrow”. Bắt nguồn từ một bộ truyện tranh ngắn của Nhật Bản nhưng bộ phim là hình ảnh phản chiếu của mọi trò chơi điện tử kiểu cổ điển: thực hiện nhiệm vụ – thất bại – tái sinh, cứ thế cho đến lúc thành công, hoặc nói theo ngôn ngữ “thuần game” là “phá đảo” mới thôi. 
Nhưng sẽ không đạo diễn nào dám dàn dựng một bộ phim dựa vào trò chơi điện tử theo cấu trúc như vậy. Bởi nó sẽ rất nhàm chán. Chưa kể việc phải mang đến cho khán giả, đặc biệt là những người mê chơi game, cảm giác ít nhiều tương tác với nhân vật, với bối cảnh, là một phần không thể tách rời của câu chuyện. Nói ra thì dễ nhưng thực hiện rất khó khăn, chí ít là cho đến thời điểm hiện tại chưa có bộ phim dựng từ game nào đạt được tiêu chí như vậy. 

Như “Warcraft” vốn là một trò chơi chiến thuật (ra mắt lần đầu năm 1994), vậy công chúng sẽ trông đợi gì ở bộ phim này? Nhà sản xuất chắc chắn không thể bê mọi kinh nghiệm, chiêu trò xây dựng đế chế, dàn quân chiếm thành của người chơi lên màn ảnh. Thay vào đó, họ sẽ phải tạo ra những trận chiến hoành tráng, nảy lửa giữa hai phe nhân loại và Orcs; bằng các thủ pháp quay phim, dàn dựng, bằng hình ảnh, kỹ xảo, âm thanh, họ phải làm cho người xem thấy như mình đang thực sự ở trong những trận chiến đó.

Phiêu lưu với ”thuốc thử”… liều cao” 
Và “Assassin’s Creed”, ra mắt vào cuối năm nay sẽ là một dạng “thuốc thử liều cao” thực sự. Đây là series trò chơi nhập vai phiêu lưu – mạo hiểm ăn khách bậc nhất của hãng Ubisoft trong suốt 7 năm qua với 20 phiên bản trên mọi nền tảng (console, máy tính, thiết bị di động). Với kinh phí lên đến gần 200 triệu USD, nó là một bom tấn thực sự, và công chúng, đặc biệt là những người hâm mộ trung thành của loạt game này, đang hết sức tin tưởng họ sẽ được thưởng thức một kiệt tác. Nhiệm vụ của đội ngũ sản xuất thật nặng nề: tái hiện lại những hình ảnh quen thuộc trong game một cách thuyết phục nhất, đặc biệt là các kỹ năng độc đáo của nhân vật chính như leo trèo, ám sát, sử dụng thành thạo các loại vũ khí bao gồm dao găm, kiếm, dây móc và dĩ nhiên, không quên khai thác thật kỹ mối thù hận truyền kiếp giữa hai phe Assassin và Templar. 
Tham vọng của nhà sản xuất Ubisoft Motion Pictures và nhà phát hành 20th Century Fox khá rõ ràng: Họ sẽ làm cả một loạt phim ăn theo video game này và tập đầu tiên, dù được đầu tư “khủng” nhưng vẫn mang tính chất thăm dò, nên chưa sử dụng nội dung của “Assassin’s Creed II” – là phần được yêu thích nhất, được đánh giá cao nhất và được trông đợi dàn dựng thành phim nhiều nhất. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, có lẽ các tập tiếp theo sẽ trở về với câu chuyện xuyên suốt qua 9 phần game cơ bản của series “Assassin’s Creed”. 
Có lẽ rất nhiều hãng phim lớn ở Hollywood cũng như các nhà sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu đang “nín thở” chờ đợi kết quả của “The Angry Birds Movie”, “Warcraft” và “Assassin’s Creed”. Nếu cả ba đều gặt hái được mức doanh thu đúng kỳ vọng thì kể từ năm sau, hàng loạt video game kinh điển sẽ nối đuôi nhau lên màn ảnh rộng, mà ngay từ thời điểm này các game thủ đã lên danh sách những cái tên nổi bật hơn hết: God Of War, Grand Theft Auto, Gears Of War, Far Cry, Devil May Cry, Final Fantasy, Street Fighter, Mortal Kombat X… Theo những thông tin mới nhất, Thief – trò chơi ra mắt năm 2014 – sẽ được chuyển thể thành phim điện ảnh trong năm 2017 với đội ngũ sản xuất là những người thực hiện “Hitman: Agent 47”

Liệu dòng phim này có thể trở thành một trào lưu mới cạnh tranh với phim siêu anh hùng bước ra từ thế giới comic? Câu trả lời vẫn nằm ở phía trước!

Bài: Hoài Điệp
logo


From the same category