Phim Tết 2014: Hài nhưng chẳng mấy ai vui - Tạp chí Đẹp

Phim Tết 2014: Hài nhưng chẳng mấy ai vui

Review

Nếu năm ngoái, thị trường phim Tết khá sôi động với những cái tên như “Mỹ nhân kế”, “Bay vào cõi mộng”, “Nhà có năm nàng tiên” và thương hiệu hài nhảm Phước Sang với “Yêu anh, em dám không”, thì năm nay, các bộ phim ra mắt mùa này là Cô dâu đại chiến 2”, “Cưới chạy”, “Hai lúa” “Năm sau con lại về” “Cuộc chiến chằn tinh 3D”.

Nhìn chung, trong số 5 bộ phim Việt ra mắt dịp Tết này thì 4 phim đã được đóng mác phim hài. Điều này không khó hiểu, vì với tinh thần Tết là phải vui tươi, thoải mái nên các nhà làm phim dĩ nhiên muốn mang lại tiếng cười cho khán giả đến rạp, để người ta coi xong rồi, lỡ phim có không hay thì cũng xuề xòa bỏ qua theo kiểu: “kệ, Tết mà, cười vậy là được rồi.”


 

Điều đáng mừng nhất của năm nay chính là hãng Phước Sang và Lê Bảo Trung đều không có sản phẩm tham gia thị trường hài nhảm. Nhưng niềm vui chưa kịp tày gang thì người xem lại té ngửa vì chất lượng của các bộ phim hài khác.

Công thức làm phim hài hiện tại nhìn chung theo kiểu như sau: gom các diễn viên hài nổi tiếng vào chung một phim, dựng lên các tình huống khiên cưỡng, cho diễn viên tận dụng những mảng miếng của sân khấu hài kết hợp, thế là được một bộ phim.

Công thức này năm nay được áp dụng vào ba phim “Cưới chạy” “Năm sau con lại về” “Hai lúa”. Nhìn vào dàn diễn viên của ba bộ phim này, mọi người sẽ thấy những cái tên đang nổi nhất hiện nay trong việc chọc cười khán giả: Việt Hương, Hoài Linh và Trấn Thành. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên rằng điện ảnh không phải là sân khấu hài. Có những mảng miếng khi dùng trên sân khấu, chúng rất duyên, rất đắt, nhưng nếu bưng y chang lên màn ảnh, thì độ duyên của chúng gần như mất hẳn.

Thêm vào đó, sự xuất hiện của những diễn viên trụ cột này liên tục trong nhiều năm qua cũng đã gây tâm lý nhàm chán cho khán giả, các vai diễn lặp lại, cách thức chọc cười cũ, câu thoại có thể bắt gặp được ở tất cả những phim họ từng tham gia… những thứ đó làm cho khán giả cảm thấy nản và bắt đầu nhận ra rằng: nếu trong năm sau những cái tên này xuất hiện thì chưa chắc đó là phim hay.


 

Một đặc điểm khác của phim Tết, chính là sự xuất hiện ồ ạt của những cái tên ngôi sao, với vai trò góp vui là chính. Hai lúa” có Phương Mỹ Chi xuất hiện vài phút, hát mấy câu dân ca sở trường, nhưng hình ảnh vẫn được đăng lên poster chính. “Năm sau con lại về” mời Lê Khánh vào vai thứ chính nhưng đất diễn gần như không có, chỉ đơn giản là làm nền cho vai chính và chọc cười bằng vài câu thoại. “Cưới chạy” thì có Kim Hiền vai chính nhưng vai diễn này lại phi logic khiến người coi chẳng hiểu muốn nói về vấn đề gì. Khá nhất có lẽ là “Cô dâu đại chiến 2” với dàn “sao khủng” như Bình Minh, Vân Trang, Lan Phương, Maya, Lê Khánh… nhưng tụ chung trong kịch bản quá tham lam làm cho sự duyên dáng giảm quá nhiều so với phần 1.

Đặc biệt, cùng với Lê Khánh, thì Chí Tài xuất hiện ở cả hai phim trong mùa Tết năm nay: vai chính trong “Cưới chạy” và vai phụ trong Năm sau con lại về”, chưa kể trước đó đã xuất hiện trongThần tượng”. “Đại náo học đường”. Có lẽ năm nay là năm mà Chí Tài đắt phim nhất trong mấy năm qua, nhưng khổ cái, toàn những vai diễn thiếu chiều sâu như nhau.

 

Sau thành công của “Nhà có năm nàng tiên” năm ngoái, việc “độc quyền” một diễn viên nào đó trong phim bắt đầu được đem ra làm chiêu bài. Đơn giản độc quyền ở đây là trong mùa Tết này, nếu muốn thấy ngôi sao đó trên rạp thì chỉ có thể xem phim đó. (Nhưng buồn cười ở chỗ, theo nhiều nguồn tin cho biết thì thật ra là chẳng có hãng phim nào mời diễn viên đó đóng phim, thế nên nghiễm nhiên họ chỉ có thể xuất hiện trong 1 phim duy nhất, và thế là thành độc quyền). Chiêu này có vẻ chưa hết đất dụng võ, nên năm sau chắc chắn sẽ lại thấy nhiều bộ phim “độc quyền” khác.

Doanh thu của những bộ phim Tết luôn là món mồi hấp dẫn để càng ngày càng có thêm các doanh nghiệp quyết định nhảy vào sản xuất phim. Như cách đây hai năm, “Hello cô ba” của Phước Sang công bố doanh thu tầm trên 40 tỷ, rồi “Cô dâu đại chiến 1” cũng thu 24 tỷ trong ba ngày phát hành, “Nhà có năm nàng tiên” cũng ngót ngét kéo về 52 tỷ trong năm ngoái. Với doanh thu khủng như vậy, dĩ nhiên ai cũng nghĩ rằng làm phim hài Tết sẽ “một vốn mà… bốn chục lời”.

Nhưng những con số trên đa phần là số ảo, do chính nhà làm phim cung cấp cho báo chí để bơm phồng cho sự thành công của mình. Năm nay, cũng có một đơn vị làm phim mới nhảy vào thị trường là Hoàng Thần Tài với “siêu phẩm” “Cưới chạy”. Trong buổi họp báo ra mắt phim, danh hài Hoàng Mập (chủ đầu tư) cũng như Việt Hương (diễn viên chính của phim) liên tục nhắc nhở báo chí “chém nhẹ nhẹ tay để còn đường sống”, nghe xong câu này thì người ta cũng dư sức đoán ra được chất lượng phim ra sao. Mà dù báo chí không chém, thì khán giả cũng sẽ có câu trả lời công tâm nhất về chuyện lần sau có nên đến coi một sản phẩm đầy lỗi được gọi là “Bom tấn Tết 2014” nữa hay không.

Tách ra khỏi dòng phim hài, “Đại chiến chằn tinh 3D” dự định ra rạp ngày 29/01, trễ nhất trong tất cả những phim Việt. Chưa cần nói đến nội dung ra sao, nhưng nhìn kỹ xảo dựng hình, 3D của phim, khán giả đã lờ mờ nhận ra rằng mình chuẩn bị được coi một bộ phim Mỹ ở khoảng… 40 năm trước. Nhưng dĩ nhiên người xem cũng hi vọng rằng kịch bản và diễn xuất của dàn diễn viên mới có thể cứu bộ phim hiếm hoi “không phải hài Tết” này.


 

Tóm lại, sau mùa phim Tết 2014, không khó để nhận ra các nhà làm phim đang dần bỏ đi miếng bánh ngon mang tên “Phim Tết” mà tập trung vào làm phim trong dịp hè, mùa phim sôi động nhất của cả thế giới. Nếu tính đến việc đáng coi phim nào nhất, theo quan điểm cá nhân thì “Cô dâu đại chiến 2” là lựa chọn tốt nhất cho Tết năm nay, vì ít ra Victor Vũ vẫn thể hiện được sự chuyên nghiệp và trân trọng sản phẩm của mình làm ra. 

Tuy nhiên, do “Cô dâu đại chiến 2” đã gắn mác 16+, nên nếu gia đình có con nít đi coi thì “Năm sau con lại về” là một lựa chọn thay thế không tồi. Hai phim khác, “Hai lúa” và “Cưới chạy”, theo nhận định của người viết, có lẽ khán giả nên… trốn chạy.

Mùa phim Tết 2014 coi như đã khép lại, hiện tại chỉ còn chờ đến ngày tổng kết xem doanh thu ra sao. Hi vọng trong mùa Tết năm sau, những tên tuổi năm nay vắng bóng như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng sẽ quay trở lại, mang đến những thứ mới mẻ hơn.

Bài và ảnh: Chú Hề

>>> Có thề bạn quan tâm: Năm 2013, điện ảnh Việt Nam đã đón nhận nhiều “thảm họa” như “HIT: Hoàng tử & Lọ lem”, “Biết chết liền”, “Yêu anh em dám không”… thì đến đầu năm 2014, danh sách phim thảm họa đã được mở màn bằng cái tên “Cưới chạy.”

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

26/01/2014, 17:00