Sau khi bị trai “đẹp nhưng đểu” lừa gạt tình cảm ở phần đầu tiên, trong “Cô dâu đại chiến 2”, cô đầu bếp Quyên quyết định biến đau thương thành thù hận, giành lại công bằng, vạch mặt bọn đàn ông gian manh bằng cách lập nên hội kín mang tên Quả phụ áo đen, chuyên đi điều tra thói mèo mỡ của các đấng mày râu. Cùng hội với Quyên còn có bác sĩ Châu từ phần một, và xuất hiện thêm cô giáo Huyền cùng em gái của Quyên là Vi.
Vụ án đầu tiên họ phá thành công là giúp cô hiệu trưởng của trường tiểu học Huyền đang dạy vạch mặt lão chồng hói trốn vợ đi ăn vụng. Nhờ thành công này, họ được Ngọc, một cô gái chuẩn bị lên xe hoa cùng anh chồng hoàn hảo tên Việt, nhờ giúp đỡ để tìm hiểu xem chồng mình có phải là một gã lăng nhăng hay không. Mặc dù đã dùng đủ mọi biện pháp để tấn công từ trái tim cho đến bao tử, nhóm Quả phụ áo đen vẫn không tìm ra được sơ hở nào. Cả nhóm quyết định “phải sở hữu cho bằng được người đàn ông hoàn hảo duy nhất còn sót lại này”. Tuy vậy, khi câu chuyện đi xa hơn, những sự thật bắt đầu được hé mở, người ta lại hỏi lòng rằng: “Phải chăng một gã trai hoàn hảo đúng là chỉ có… trong phim?”
Như đã nói ở tên bài viết, điều đọng lại với tôi khi xem xong bộ phim này, chính là cảm giác đạo diễn Victor Vũ đang quá tham lam khi cố gắng dồn nhét rất nhiều thứ vào một bộ phim.
Sự tham lam đầu tiên, nằm ở dàn diễn viên “khủng”. Xuất hiện trong bộ phim này đều là những tên tuổi đã từng gắn liền với Victor trong suốt quá trình làm phim tại Việt Nam từ năm 2009, đều là những cái tên quen thuộc và đủ sức hút khán giả đến phòng vé, dù có thể đơn giản chỉ là để thấy thân hình bốc lửa của Maya, cơ ngực đã có phần hơi phát phì của Bình Minh, vẻ đẹp đẹp mà điên điên của Vân Trang, nét điệu đà quá mức cần thiết của Lan Phương, hay chỉ là để nghe Lê Khánh kêu “bấy bi à.”
Điều này cũng tốt, vì nó đảm bảo phòng chiếu luôn hết ghế, nhưng nó lại khiến cho dàn diễn viên tự dẫm lên nhau để tìm đất diễn. Lê Khánh, với sở trường hài duyên dáng từ sân khấu kịch, gần như chiếm trọn đất diễn trong phim, phần còn lại chia đều cho Vân Trang, Maya và Bình Minh. Vai diễn của Lan Phương dù đã rất cố gắng nhưng cũng đơn thuần là bình hoa di động, đẹp chỉ để nhìn xong rồi thôi. Yu Dương có lẽ cũng là một phát hiện mới của Victor, nhưng trong bộ phim này, cô bé cũng không có nhiều đất diễn, chủ yếu đóng vai trò làm nền cho những diễn viên còn lại, và là một trong những nút thắt ở gần cuối phim.
Cái tham lam thứ hai nằm ở việc đạo diễn để quá nhiều yếu tố không cần thiết vào phim. Trước đây, Victor không thường làm phim ca nhạc, nhưng có lẽ thấy được trào lưu flashmop trong năm qua được nhiều người dùng, nên các nhân vật cũng có một màn nhảy tập thể tung hê mà bỏ ra khỏi phim cũng chẳng ảnh hưởng gì. Những màn hài hước trong phim được được dẫn dắt khá duyên dáng, dễ chấp nhận, ít ra là không bị đánh giá dễ dãi, phô như phim “Tèo em”, nhưng cũng dính phải một hạt sạn to đùng của Khương Ngọc và Huỳnh Đông. Hai anh chàng này xuất hiện theo kiểu cameo (người nổi tiếng xuất hiện rất ít, chủ yếu như khách mời tạo điểm nhấn) với màn ôm ấp ưỡn ẹo, rồi mặc quần áo bó sát, màu sắc sặc sỡ, khi nghe đến hai chữ “chuẩn man” thì liền buông nhau ra, cầm tạ “gồng”. Đem đồng tính ra làm trò cười kiểu vậy, cái tham này của Victor coi bộ hơi quá đà.
Cái tham thứ ba, chính là những cú chuyển của phim. Được đánh giá là có tư duy điện ảnh Mỹ, phim của Victor luôn có những cú chuyển làm cho người xem phải ngạc nhiên, gật gù tâm đắc. Ví dụ điển hình nhất là ở những phim trước đây như: “Giao lộ định mệnh”, “Bức huyết thư”, “Scandal”, “Cô dâu đại chiến 1”, những cú chuyển này luôn được đặt đúng nơi, đúng lúc, tiết chế vừa đủ để khán giả có thể bất ngờ, thì đến “Cô dâu đại chiến 2”, người xem sẽ nhận ra rằng những cú chuyển được đặt quá gần nhau, khiến tính cách nhân vật bị biến chuyển một cách liên tục và không đủ sức thuyết phục. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu bỏ đi những cảnh hỗn chiến làm màu mè quá mức cần thiết, hay bỏ đi hai cú chuyển cuối cùng, thì phim sẽ có được chiều sâu, làm người xem nhớ và suy nghĩ về nó nhiều hơn.
So sánh với “Tèo em” hay một vài bộ phim hài ra rạp thời gian gần đây, có thể xem “Cô dâu đại chiến 2” là một bộ phim hài “sạch”. Nhưng theo dự đoán, bộ phim này sẽ phải rất vất vả để vượt qua con số doanh thu cao chất ngất của “Tèo em” vừa lập được. Mặc dù yếu thế trong kịch bản và thể hiện rõ sự tham lam của mình, nhưng Victor Vũ vẫn đảm bảo cho mọi người thấy được khả năng đạo diễn, dựng phim đậm chất Hollywood của anh.
Bài: Chú Hề
Ảnh: Phương Nam
>>> Có thể bạn quan tâm: Câu chuyện của Walter Mitty nhắc chúng ta nhớ về lằn ranh giữa mơ mộng và thực tế, giữa suy nghĩ và dám hành động, giữa ngồi yên nhìn cuộc sống bình lặng trôi qua và dám đứng dậy, đi để trải nghiệm, nhận ra cuộc đời này thật đáng sống biết bao.