Khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đã kéo theo hàng loạt thay đổi trong nền công nghiệp thời trang cũng như cách thức ăn mặc của phái đẹp ngày nay. Tự tìm niềm vui khi làm việc tại nhà bằng cách phối đồ là sở thích được nhiều phái đẹp ưa chuộng thời gian qua. Nhìn chung, thứ họ tìm kiếm không phải là những món đồ lộng lẫy, đắt giá hay “trendy” mà là trang phục mang lại sự thoải mái và đơn giản. Điều đó đã lý giải lý do tại sao loungewear là dòng trang phục lên ngôi mạnh mẽ kể từ khi đại dịch bùng nổ đến nay.
Nếu như khoảng 4 – 5 năm về trước, xu hướng streetwear khiến cộng đồng thời trang thế giới đảo điên với những mốt trang phục ấn tượng. Họ sẵn sàng chi trả với mức giá cao ngất ngưỡng chỉ để sở hữu những bộ quần áo in logo thương hiệu to bản, họa tiết độc bản hay các mẫu sneakers phiên bản giới hạn. “Làm mưa làm gió” từ những góc phố cho đến sàn diễn thời trang lớn, streetwear cuối cùng phải nhường chỗ cho những set đồ loungewear kể từ khi đại dịch bùng nổ.
Dịch bệnh cơ bản đã có thể kiểm soát một phần vì đã có vaccine phòng bệnh. Nhiều nhà mốt cũng đã lên kế hoạch ra mắt BST của họ trên sàn runway vật lý, có khách mời tham dự nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch của chính phủ. Tuy nhiên, quay trở lại vào thời điểm dịch mới bùng phát khi mọi người đều không thể ra ngoài để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, có thể thấy không còn ai quan tâm đến việc phối đồ sao cho đẹp để xuống phố, chụp ảnh ootd đăng đàn mạng xã hội như trước đây. Lúc này, streetwear không còn là xu hướng được ưa chuộng nữa. Mọi người bắt đầu tìm về những gì đơn giản, bền vững hơn nhưng vẫn thật đẹp khi ở nhà: Đó là loungewear.
Liệu rằng sự trỗi dậy của loungewear có đặt dấu chấm hết cho thời huy hoàng của streetwear trong và sau đại dịch không? Câu trả lời là không. Nói đúng hơn, đây có thể xem là sự chuyển hóa của streetwear. Lấy một ví dụ điển hình nhất của NTK Virgil Abloh – Giám đốc Nghệ thuật mảng thời trang nam của Louis Vuitton, ông là người đam mê mãnh liệt sự hào nhoáng của streetwear và theo đuổi nó suốt sự nghiệp thiết kế của mình. Thế nhưng, chính ông cũng cho rằng đã đến lúc streetwear phải lụi tàn. Sau lời khẳng định chắc nịch đó, các BST sau đó của ông không còn mang đậm dấu ấn đường phố nữa mà là các món đồ tailoring cổ điển được làm mới nhờ ứng dụng thiết kế đồ streetwear sẵn có khiến các đường nét trở nên mềm mại, thời thượng nhưng cũng không kém phần nam tính.
Một cái tên khác cũng không kém phần nổi bật trong việc kết hợp giữa streetwear và tailoring có thể kể đến Giám đốc Sáng tạo Dior Men và Fendi – NTK Kim Jones. Các thiết kế của ông mang tính nghệ thuật cao nhưng không vì thế mà đánh mất đi tính ứng dụng cần thiết của từng món đồ thời trang. Ngoài ra, Kim Jones đã khéo léo sử dụng kỹ thuật may đo cao cấp của dòng Haute Couture lừng lẫy nhà Christian Dior để các sáng tạo của mình thêm phần bay bổng hơn. Tại Fendi, Kim Jones đã thổi một làn gió mới vào các thiết kế lông thú “cộp mác” nhà sáng lập Karl Lagerfeld trước đây bằng việc chơi đùa cùng các kiểu họa tiết, cấu trúc vải và bảng màu sắc vô cùng phong phú để mỗi BST của Fendi trở nên đa dạng và chiều lòng số đông phái đẹp hơn.
Xét cho cùng, dù đồ loungewear hiện được đông đảo giới mộ điệu khắp nơi trên thế giới ưa chuộng nhưng không vì thế mà khiến cho streetwear hoàn toàn bị xóa sổ. Vì bất kỳ khủng hoảng nào ít nhiều sẽ kéo theo những thay đổi tích cực hoặc tiêu cực nên sự chuyển hóa của dòng streetwear thời dịch có thể xem là lẽ tất yếu. Cũng giống như đồ loungewear trước đây chỉ được sử dụng để mặc ở nhà, nhưng giờ đây, đây là món đồ mà các quý cô có thể thoải mái diện xuống phố như những set đồ thời trang khác.
Dù quan niệm về thời trang đã cởi mở hơn rất nhiều nhưng rất khó tránh khỏi nhận định cho rằng đồ loungewear quá đỗi đơn điệu và không nên mặc ra ngoài. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, đồ loungewear không còn bị gói gọn trong khuôn khổ đồ bộ mặc ở nhà, giờ đây, phái đẹp có thể sử dụng chúng để xuống phố. Nhiều nhà mốt cũng đã liên tục ra mắt các set đồ lấy cảm hứng từ loungewear, pajamas và nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu thích từ giới mộ điệu.
Xét từ nhiều khía cạnh, từ kiểu dáng, chất liệu cho đến thiết kế phom dáng, đồ loungwear gần như đáp ứng được mọi yêu cầu của người dùng. Quan trọng hơn hết chính là yếu tố thẩm mỹ thời trang của loungewear cũng được các NTK chăm chút kỹ lưỡng hơn rất nhiều để chúng trở thành một phần thiết yếu của nền thời trang trong và sau đại dịch.
Một lần nữa chúng ta lại “xa nhau để được gần nhau hơn”. Lúc này đây tất cả những gì ta có thể dành cho nhau là những lời động viên cùng một cái hẹn tái ngộ không xa. Trong khoảng thời gian ấy, hãy cùng Đẹp đọc 4 lần câu thần chú “Ở nhà vẫn Đẹp” tương ứng với 4 hoạt động gồm “Ở nhà vẫn KHOẺ” (thể thao), “Ở nhà vẫn XINH” (dưỡng da), “Ở nhà vẫn STYLE” (thời trang) và “Ở nhà vẫn CHILL” (trang trí nhà cửa). Tin Đẹp đi, với “câu thần chú” quyền năng này thì khi mọi thứ được bình thường mới, bạn sẽ trở lại và “lợi hại” hơn bội phần!
#onhavanSTYLE
Sự lên ngôi mạnh mẽ của đồ loungewear sẽ đặt dấu chấm hết cho đế chế streetwear hậu đại dịch?
Mặc đẹp ngày “work from home” chưa bao giờ dễ đến thế với 5 gợi ý phối đồ này
6 xu hướng thời trang mùa dịch làm thay đổi quy chuẩn ăn mặc của phái đẹp
Siêu mẫu Võ Hoàng Yến gợi ý bí quyết phối đồ ngày giãn cách “xịn xò” cùng đồ bộ, pyjamas
Phủ sắc màu tươi sáng cho set đồ thời trang mùa dịch thêm phần rực rỡ với 4 kiểu tie-dye này