Ốc Thanh Vân: Làm sữa giả – một hành vi tội ác cần trừng trị

Không chỉ là chuyện làm giả một hộp sữa

Lại thêm một cơ sở làm sữa giả cho bà bầu và trẻ em bị phát hiện. Đây không phải là lần đầu tiên việc làm sữa giả được phát giác, nhưng không hiểu sao tình trạng sữa giả vẫn tràn lan trên thị trường như vậy? 

Đây cũng không còn chỉ là chuyện làm giả một hộp sữa mà nó là hành vi tội ác của những con người không có lương tâm. Vì sữa là nguồn nhu yếu phẩm vô cùng thân thuộc với tất cả mọi người, đặc biệt là thức ăn không thể thiếu với trẻ em.

Ốc Thanh Vân và hai con lớn – bé Coca và bé Cola

Trẻ em là tương lai của cả một đất nước, nếu những đứa trẻ của chúng ta uống phải sữa không đảm bảo chất lượng, chúng sẽ bị ảnh hưởng thế nào đây?  Nếu sữa giả là thức ăn gây ngộ độc cấp, các bé uống phải, xảy ra vấn đề gì đó, ngay lập tức mà được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời thì vẫn còn may. Nhưng nếu những chất độc hại trong sữa giả ngấm từ từ, ăn dần ăn mòn vào cơ thể của các bé, ảnh hưởng đến thần kinh, thị giác, đến các cơ quan khác trong cơ thể, thì thật khó tưởng tượng được hậu quả sẽ thế nào!
Những bà mẹ đang mang bầu lúc nào cũng muốn những thực phẩm tốt nhất cho con. Bản thân tôi cũng vậy, khi mang bầu tôi luôn cố gắng nạp cho mình những nguồn dinh dưỡng tốt nhất, trong đó không thể nào thiếu sữa, từ sữa bầu cho đến sữa tươi để mong cung cấp đủ dưỡng chất cho đứa con trong bụng. Sẽ thế nào khi các bà mẹ phát hiện ra việc hàng ngày thay vì thu nạp tinh chất bổ dưỡng mình lại nạp vào những chất độc hại, gây tổn thương cho chính con mình?!

Tôi tự hỏi, những người đi thu gom lon về làm hàng giả họ có lương tâm không? Đồng tiền hay sự vô tâm đã khiến họ mờ mắt? Hàng ngày báo chí đưa tin, rau củ quả, lương thực, thực phẩm… chỗ này bị tẩm hóa chất, chỗ kia tiêm thuốc kích thích. Mỗi ngày ở Việt Nam có bao nhiêu người phát hiện bị bệnh nan y… vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh được những việc làm tội ác như thế này hay sao?

Ốc Thanh Vân và con thứ ba – bé Cacao

Mỗi người mẹ hãy là một chiến sĩ trên mặt trận chống hàng giả

Tôi thương những đứa trẻ nhỏ xíu vừa ra đời đã phải đối diện với những điều dối trá. Tôi chỉ biết tránh cho con mình bằng cách, khi sinh con, tôi cố gắng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, như cháu thứ ba hiện tại. Nhưng những cháu lớn vẫn hàng ngày uống sữa bột. 

Tôi từ lâu chỉ mua sữa ở địa chỉ uy tín và luôn luôn để ý nhìn hạn sử dụng và ngày sản xuất của sản phẩm để đảm bảo an toàn cho con. Tôi cũng luôn để ý xem hộp sữa đang cho con uống có thay đổi gì không, có vấn đề nào khiến mình nghi ngại không. Mong rằng các bà mẹ cũng chú ý những điều nhỏ này.

Tôi mong rằng không chỉ có các bà mẹ, mà tất cả mọi người nên quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, đừng vì lời dụ dỗ ngon ngọt mà bán vỏ sữa cũ để có thêm chút tiền hay quà tặng. Không nên bán lại vỏ lon sữa để cho những kẻ vô đạo đức có cơ hội làm sữa giả.

Theo tôi, các mẹ khi vứt vỏ lon hãy làm móp, hỏng lon đựng sữa, để bọn người xấu không có cơ hội phục hồi, tái chế vỏ hộp để làm hàng giả. Nhưng, việc xử lý triệt để phải là việc của các cơ quan quản lý. Tôi mong, khi phát hiện ra những cơ sở sai phạm, phải xử lý thật nghiêm minh mới mong ngăn chặn tình trạng này. Mong rằng các bà mẹ và tất cả mọi người hãy đánh động vấn đề nhức nhối nói trên trong cộng đồng, để chấm dứt ngay việc làm vô đạo đức này càng sớm càng tốt.

Diễn viên Ốc Thanh Vân
logo



Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.



From the same category