NTK Võ Việt Chung: Tôi chấp nhận bị ném đá, chỉ thương Loan - Tạp chí Đẹp

NTK Võ Việt Chung: Tôi chấp nhận bị ném đá, chỉ thương Loan

Sao

Long Vũ Khúc mà là của nhà thiết kế ngoại, sẽ không ai chỉ trích

Nếu không phải là trang phục áo dài mang đến một cuộc thi, tôi luôn cho rằng, áo dài trắng của nữ sinh là đẹp nhất, hay một tà áo dài nhung đơn giản thôi cũng đã đủ đẹp rồi.

Nhưng với một cuộc thi quốc tế, không thể mang một chiếc áo dài truyền thống rập khuôn  hàng thế kỷ đi tham dự. Với tôi, áo dài chính thống là nền tảng mãi mãi, tôi không thể sửa, hay chắp vá những mảnh ghép vô đó, chỉ để nhận về lời tán dương. Nhưng là một trang phục dự thi, phải có sự cách tân mới lạ.
 

Bộ áo dài Long Vũ Khúc được Nguyễn Thị Loan mặc dự thi “Miss World 2014” đang gây tranh cãi

Nếu ai nhìn kỹ bộ áo dài Long Vũ Khúc mà Nguyễn Thị Loan mặc dự thi Miss World 2014 sẽ thấy, áo dài đỏ bên trong hoàn toàn không phá cách, áo choàng ngoài cũng hết sức bình thường. Chỉ có hai bên tay áo được cách điệu như một cái gọng (mà nhiều người có trí tưởng tượng phong phú bảo giống condom!) là tôi lấy ý tưởng từ chiếc thắt lưng đeo ngang bụng trong trang phục của quan lại trong triều đình xưa. Chiếc nón quai thao kết hợp phần tua rua của người Dao đỏ. Nếu là người theo dõi thời trang các bạn sẽ thấy nhà thiết kế (NTK) Pie Cardin cũng dùng gọng trong rất nhiều thiết kế của ông. Bộ trang phục này tôi thiết kế dựa trên văn hóa các vùng miền của Việt Nam.

Khi bộ áo dài Long Vũ Khúc được công bố, sau khi chê đã đời, cư dân mạng thắc mắc thế này: “Tại sao không mang áo dài trắng đi dự thi”; “Tại sao không mặc áo lụa Hà Đông, đội nón quai thao bình thường để biểu tượng cho trang phục truyền thống Việt Nam?”… Chưa kể, có những câu hỏi mắc cười: “Ủa, mặc áo dài đi thi chi vậy?”. Tôi muốn nói, rất nhiều người đưa ra nhận xét nhưng không hiểu mình đang nói gì, chưa hiểu sự việc mình đang nhận xét là gì. Cư dân mạng ở ta có văn hóa hùa theo, chê bai chỉ trích, ít tính xây dựng.

Tôi biết, nếu bộ áo dài Long Vũ Khúc là của một NTK nước ngoài có lẽ sẽ không ai có ý kiến. Và tôi cũng biết tại sao Thái Lan, Trung Quốc hay giành được giải trang phục đẹp nhất. Đó là do họ có đầu tư, họ làm và được công chúng ủng hộ, chứ không chỉ hùa nhau chê bai chỉ trích.  

Tôi đã học văn hóa truyền thống và làm trong nghề 20 năm, tôi hiểu một cuộc thi quốc tế cần điểm nào để tôn vinh, cần điểm nào để “show” nghệ thuật. Ở các cuộc thi hoa hậu thế giới, trang phục truyền thống của các nước luôn được thiết kế rất cầu kỳ. Nếu không cần sự phá cách, sáng tạo thì sao phải tổ chức thi?

Bộ áo dài có họa tiết Burberry của NTK Võ Việt Chung

Tôi chỉ tiếc cho Loan

Nhớ lại chương trình Duyên dáng Việt Nam 6 –  khi những chiếc áo dài sát nách, áo dài tay ngắn trong bộ sưu tập “Thiên – Địa – Thủy- Mộc” của mình trình diễn trên sân khấu, tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng của các đàn anh, đàn chị, trong đó có cả những NTK đang nổi. Họ cho rằng tôi đã phá nát chiếc áo dài Việt Nam. Nhưng chỉ 5 năm sau, chính họ lại là người cổ súy cho xu hướng áo dài sát nách, áo dài tay cộc.

Và mới đây thôi, bộ áo dài bằng ngọc trai do tôi thiết kế được Đặng Thu Thảo mặc tham dự Miss International 2014 tại Nhật Bản cũng bị nói ra nói vào không ít. Nhưng sau đó, bộ áo dài này đã lọt vào top 10 trang phục truyền thống đẹp nhất cuộc thi.

Còn bộ áo dài có họa tiết Burberry khiến nhiều người thắc mắc tôi xin nói rõ thế này: không phải bây giờ tôi mới sử dụng họa tiết như vậy trong thiết kế của mình. Hơn 10 năm trước đây, tôi đã từng làm bộ sưu tập sử dụng họa tiết từ khăn của một số thương hiệu nổi tiếng khác.

Tôi là nhà thiết kế, tôi thấy những họa tiết đó đẹp nên muốn sử dụng nó trên bộ áo dài Việt  Nam – đó là chuyện bình thường. Về vấn đề thương hiệu, khi mua hàng, tôi nói rõ mình là NTK Việt Nam và những chiếc khăn này sẽ được ứng dụng vào các thiết kế của mình và tôi đã nhận được sự ủng hộ từ những thương hiệu đó. NTK không phải là những người sản xuất hàng loạt nên việc kết hợp chi tiết hàng hiệu vào ý tưởng thiết kế váy áo của mình là cách mà các NTK thế giới đã làm từ lâu và còn được khuyến khích nữa.

 

NTK Võ Việt Chung vừa từ Mỹ trở về sau khi tham dự Tuần lễ thời trang tại New York và được bình chọn vào Top 10 NTK xuất sắc thế giới tại Mỹ. Trong ảnh anh chụp cùng diễn viên nổi tiếng của phim “Người Nhện” – Kristen Dunts , cô cũng đặt Võ Việt Chung thiết kế các trang phục cho mình sắp tới

Về sản phẩm của mình, tôi xin chia sẻ thế này: Dù bị mọi người chê nhưng tôi vẫn giữ quan điểm cá nhân, bảo vệ sản phẩm của mình. Tôi thích làm những gì người ta chưa làm, chấp nhận bị ném đá vì muốn được tạo ra khuynh hướng của riêng mình. Tôi là người đi nhiều, làm nhiều về giá trị truyền thống, tôi đã học được, nghiên cứu được, có được những kinh nghiệm trong nghề nên tôi có lý do của mình. Sự sáng tạo của tôi luôn bắt nguồn từ cái mới cái lạ, tôi chú trọng giới thiệu những gì tinh túy nhất nhưng không mất đi truyền thống văn hóa vốn có.

Dù sao tôi cũng cảm thấy vui vì sản phẩm mình đưa ra được nhiều người quan tâm, khi đưa ra mà không ai nói gì, không ai quan tâm mới nên buồn. Chỉ buồn và tội cho Loan, đi thi quốc tế mà bị nhiều áp lực dư luận không đáng có. Tôi cũng đã khuyên Loan không nên đọc tin tức những ngày này để không bị ảnh hưởng đến tâm lý trong cuộc thi.

Không chỉ riêng chuyện chiếc áo dài Long Vũ Khúc dự thi trang phục truyền thống quốc tế lần này, mà trong một số cuộc thi quốc tế trước đây, tôi thấy một điều, đáng ra chúng ta phải cổ vũ các thí sinh của mình, nhưng đáng tiếc đa số đã không làm vậy mà còn lao vào chê bai, chỉ trích.

 

NTK Võ Việt Chung
Ảnh: Nhân vật cung cấp
logo

 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

27/11/2014, 17:45