NTK Diễm My: Không muốn là bong bóng xà phòng

“Tôi đã bỏ ra 6 tháng ròng rã để lên ý tưởng và làm BST…  Một mình tôi tự tay đan, móc, kết, may… để hoàn thành cả bộ sưu tập trình diễn trong DFS vừa rồi.”




>> DFS 10 Đam mê: Hãy cháy hết mình, dù chỉ lần duy nhất trong đời!


>> Vở diễn của Đam mê




ĐFS 10 vừa mới xong và dư âm của nó vẫn còn trong lòng nhiều người yêu thời trang. Chị có thể nói một chút về bộ sưu tập mà chị đã trình diễn ở DFS10?





Bộ sưu tập của tôi có tên gọi “Lover & roses” lấy cảm hứng từ sự dịu dàng của người tình cùng sự quyến rũ và gai góc của hoa hồng kết hợp với vẻ đẹp thẩm mỹ của hội họa và tính tạo hình của điêu khắc. Tôi đã dành sáu tháng trời, tự mình móc lên những chiếc váy mà không dùng một người thợ nào cả. Tôi đã chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất và miêu tả tất cả trên chất liệu vải, sợi, len, ren…

Tôi nghĩ những chiếc váy của tôi chân thực đến từng chi tiết bởi tôi thích cảm giác “muốn sờ vào trang phục khi nhìn thấy chúng” vì thế từng đường lượn, nếp cắt, từng gờ nổi trên trang phục của tôi đều được làm rất tỉ mỉ.





Lí do nào mang chị đến với DFS 10?




Tôi tham gia DFS nhờ vào lời mời bất ngờ từ chị Hà Đỗ – giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. Chị Hà Đỗ rất thích những thiết kế mà tôi đã diễn ở Hồng Kông. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhận được lời mời của chị Hà và càng bất ngờ hơn khi biết rằng tôi là nhà thiết kế đầu tiên được mời cho DFS năm nay.




Chị có cảm thấy DFS có thể sẽ là quá sức cho chị?





Sau khi được mời, sau khi những bất ngờ qua đi, thì tôi thật sự cảm thấy rất hồi hộp. Lúc đó tôi cũng chỉ là sinh viên vừa tốt nghiệp. Việc được mời tham gia một sân chơi lớn như DFS là cái gì đó không thể tưởng tượng được. Nhưng tôi đã chấp nhận thử sức để được tự do thể hiện và bay bổng với ý tưởng sáng tạo của mình.




Tại sao những nhà thiết kế trẻ tuổi như chị gọi DFS là một “sân chơi”? Đây phải chăng là lối mòn trong ngôn ngữ, hay bởi vì nhà thiết kế tham gia là những người chơi, chơi cho vui, mà không cần bàn đến tính chuyên nghiệp?





Tôi hiểu ý chị nói. Từ “sân chơi” hiện tại đang bị lạm dụng quá và chắc chắn DFS là một sàn diễn thời trang, nơi tất cả các cá nhân tham gia phải nỗ lực và cố gắng hết sức để chứng tỏ mình. Từ “sân chơi” tôi dùng để diễn tả về một “sân khấu” lớn, nơi các nhà thiết kế “chơi” cùng với các ý tưởng bay bổng và sáng tạo.




Là nhà thiết kế trẻ, trong một sàn diễn lớn như DFS, giữa những nhà thiết kế gạo cội, chị đã thu nhận được điều gì?





Tôi đã bỏ ra 6 tháng ròng rã để lên ý tưởng và làm bộ sưu tập. Một mình tôi tự tay đan, móc, kết, may… để hoàn thành cả bộ sưu tập trình diễn trong DFS vừa rồi. Điều tôi thu được lớn nhất chính là nhìn thấy thành quả của sự cố gắng của bản thân mình và tôi thật lòng rất hạnh phúc khi trong đêm diễn, đứng tại một góc của khán đài, lặng lẽ ngắm nhìn bộ sưu tập của mình được trình diễn, và nhìn sự tiếp nhận từ phía khán giả.




Bên cạnh những nhà thiết kế mới mà cùng với chị, DFS giới thiệu đến khán giả, chị cảm thấy thế nào nếu bị so sánh cùng họ?




Tôi khởi đầu rất chậm rãi, vì cho rằng trong ngành sáng tạo, ai cũng phải cần có thời gian lâu dài mới có thể chứng tỏ được năng lực của bản thân mình. Tôi không bao giờ muốn mình chỉ như “bong bóng xà phòng” mà ngược lại, tôi từng ước muốn đạt đến sự vững vàng trên chính đôi chân của mình. Tôi cũng nghĩ khi bắt đầu với nghề, tất cả các nhà thiết kế đều đã xác định cho mình một con đường riêng, một phong cách riêng và họ sẽ phấn đấu hết mình để thành công. Mọi sự so sánh sẽ luôn khập khiễng và nếu muốn nói ai hơn ai thì thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất.




Và sau đêm diễn, có ý kiến cho rằng các nhà thiết kế trẻ khác có phần “lấn lướt” chị, chị nghĩ sao?





Tôi nghĩ điều này là không chính xác. Tôi không cho đây là một “cuộc chiến” và các nhà thiết kế đến với DFS không tự biến mình thành “đấu sĩ” để chiến đấu với nhau, tranh giành phần thắng về mình. Tôi nghĩ, nghệ thuật sáng tạo rất vô cùng và cái đẹp hay sự phù hợp đều tùy thuộc vào con mắt của mỗi người.

Tôi và các nhà thiết kế trẻ may mắn cùng đến một sàn diễn thời trang chuyên nghiệp và có ảnh hưởng như DFS đơn giản để được thiết kế và có nơi trình diễn tuyệt vời bộ sưu tập của mình. Nếu bộ sưu tập của các nhà thiết kế nói chung và của tôi nói riêng không được khán giả hưởng ứng, điều đấy thể hiện việc chúng tôi cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể chinh phục được trái tim khán giả. Nhưng tôi cho rằng sự đánh giá và sự hưởng ứng là hai mặt của một nhận xét và bao giờ cũng mang đầy tính phiến diện!



Chị thích đêm diễn của DFS chứ?





Đây thật là một trải nghiệm thú vị, trên hai cương vị là nhà thiết kế tham gia và là khán giả! Là nhà thiết kế, tôi thật sự trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Trang phục của tôi không chỉ được những người mẫu xinh đẹp thể hiện, mà với các chiêu trò của ê-kíp dàn dựng, các bộ trang phục được cộng thêm những diện mạo mới mẻ khác. Tôi là người thiết kế mà đôi lúc còn cảm thấy ngỡ ngàng và thích thú vì sự bất ngờ này!

Đêm diễn tuy hơi dài nhưng vì thế đã thể hiện được trọn vẹn nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trên cương vị là người xem, vì tôi đã ngồi và xem 7/9 màn trình diễn, tôi luôn cảm thấy học thêm được một điều gì đó từ sân khấu. Tôi nghĩ người xem mới là người sẽ có nhận xét đúng nhất về những gì các nhà thiết kế và ê-kíp chương trình đã mang lại.





Chị thích “vở diễn thời trang” hay là một show thời trang thông thường?




Tôi thích sự tối giản trong tổ chức một show diễn nên trước đây thường hứng thú với runway hơn. Nhưng việc được tham gia một vở diễn thời trang thực sự có chất lượng như DFS là một trải nghiệm tuyệt vời và tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình.




Có nhiều người bắt đầu biết đến cái tên nhà thiết kế Diễm My sau đêm diễn thời trang của DFS vừa qua, kế hoạch của chị với thương hiệu Diễm My sẽ như thế nào trong tương lai gần?


 


Hiện giờ tôi chỉ mới làm các bộ sưu tập và diễn trong một số show. Tôi cũng đang chuẩn bị cộng tác với một người bạn ngoài Bắc để triển lãm và kinh doanh bộ sưu tập của mình. Tôi vẫn chưa mở shop và có lẽ còn khá lâu nữa, thương hiệu Diễm My mới được hiện thực hóa ra công cụ giấy tờ, văn bản. Tôi vẫn còn rất trẻ nên cần thêm kinh nghiệm trước khi tự kinh doanh riêng. Tôi nghĩ có một cái tên gọi thì rất dễ nhưng tôi không muốn cái tên gọi đó chỉ là một cái gian phòng nho nhỏ, một cái shop nho nhỏ. Tôi cần tích lũy thêm kinh nghiệm, quan hệ, và vốn để có một thương hiệu theo đúng nghĩa của nó!


Bài: Hồng Nhung




From the same category