Sợ tăng dần đều
Đó là khi họ nhận lời giúp đỡ cho vợ chồng nhà Carolyn Perron (Lili Taylor) và Roger Perron (Ron Livingston). Tuyến truyện thứ hai bắt đầu hướng đến gia đình có 5 cô con gái xinh xắn, dễ thương khi họ chuyển đến ở trong một căn nhà rộng và thoáng, nhưng khá cũ kỹ ở ngoại ô vùng Rhode Island.
Sắc màu xám lạnh bắt đầu gợi lên không khí u tối cho những thước phim bắt đầu từ ngôi nhà nằm tách biệt với khu dân cư này. Màu sắc, nhịp điệu, vật dụng… trong phim cũng kéo người xem chìm vào bối cảnh những năm 70 của thế kỷ trước.
Những nhân chứng đó, sau hàng chục năm, liệu còn bị ám ảnh về những gì xưa kia đã xảy ra, như những gì người làm phim sau này diễn tả? Có lẽ thật khó nguôi ngoai, bởi đó đã từng là nỗi sợ tăng dần theo từng cơn, từng đêm, từng len lỏi vào mỗi căn phòng, mỗi con người trong gia đình Perron.
Khi xem trailer, khán giả yêu thích dòng phim kinh dị có thể hình dung phần nào đó về mức độ “kinh dị” của “The Conjuring”. Tác phẩm này được chờ đợi và soi xét nhiều hơn bởi trước đó đạo diễn James Wan đã thuyết phục được rất đông khán giả “đi mua nỗi sợ” với “Saw” (Lưỡi cưa, năm 2004) và “Insidious” (2010).
Đây là hai phim được dân “ghiền” phim kinh dị chấm điểm tốt và mang về thành công vượt trội ngoài phòng vé. Về doanh thu, “Saw” có kinh phí sản xuất chỉ 1,2 triệu USD nhưng mang về 103 triệu USD phòng vé, tức là gấp gần 100 lần. Tuy 3 phần sau của “Saw”, James Wan lùi về với vai trò đồng sản xuất, nhưng đây vẫn là series phim kinh dị ăn khách nhất mọi thời đại.
Với những thành công ấn tượng như thế, “bộ sưu tập” phim kinh dị của James Wan quả là con gà đẻ trứng vàng, là nỗi khát thèm của bất kỳ nhà sản xuất nào. Cùng với đó, James Wan nhanh chóng được biết tới tại Hollywood như một đạo diễn chuyên trị phim kinh dị.
Điều đáng nói hơn vẫn chưa hết, nếu như biết rằng, James Wan là đạo diễn gốc Á, sinh ra ở Malysia, được đào tạo tại Australia. Vị đạo diễn này sinh năm 1977, tức là khi James Wan đạo diễn “Saw” năm 2004, anh mới có 27 tuổi. Thành công liên tiếp đến với một đạo diễn gốc Á như thế rõ ràng là một “niềm kinh dị”, bởi đến nay vẫn thuộc về số ít.
Thành công của James Wan cho thấy đạo diễn trẻ này đã không xa rời “công thức” chung của dòng phim kinh dị và phong cách làm phim mà mình theo đuổi. “Công thức” đó là cốt truyện không cần cầu kỳ, phức tạp, quan trọng là dẫn khán giả đi từ từ, tự nhiên vào nhịp phim, từ đó tung ra các chi tiết gây sợ hãi và đảm bảo chất riêng của thể loại phim này. Hãy xem, ở “Insidious” hay “The Conjuring”, bối cảnh chính của môi câu chuyện chỉ diễn ra trong một căn nhà, bắt đầu với một gia đình và gia đình đó có những đứa trẻ bị ma ám.
Có thể gặp nhiều câu chuyện kiểu như thế trong nhiều bộ phim kinh dị khác, ví dụ như “Possession” (Đánh cắp linh hồn), nhưng cái tài của James Wan là ở chỗ, qua những bộ phim của mình, anh khiến khán giả thấy được chốn yên bình sau dồn dập sợ hãi, thấy được ánh sáng của tình thương yêu sau khi đã chìm trong nơi u tối nhất. Điều này có lẽ sẽ còn được chứng thực qua “Insidiuos 2” và xa hơn nữa là “House of Horror” (Ngôi nhà kinh dị), bộ phim vừa được đóng máy dưới danh nghĩa công ty James Wan Presents.
Ảnh: Galaxy Studio