Nhuộm tóc có an toàn?

 

 

Chỉ mới phổ biến chừng đôi mươi năm gần đây nhưng thực tế, nhuộm tóc là một phần trang điểm của con người đã xuất hiện cách đây trên 4.000 năm. Người Ai Cập cổ được xem là “ông tổ” sáng tạo ra các loại mỹ phẩm, cũng là những người đầu tiên trên trái đất biết dùng màu để nhuộm tóc. Dĩ nhiên, loại màu để nhuộm cho tóc lúc bấy giờ đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, cụ thể là từ cây henna, indigo và chamomile. Ngoài mục đích trang điểm cá nhân, nếu như đối với người Ai Cập nhuộm tóc phục vụ cho thủ tục tín ngưỡng thì đối với phụ nữ La Mã vào giai đoạn 300 năm TCN, họ sử dụng màu tóc nhuộm để phân biệt tầng lớp trong xã hội. Phụ nữ quý tộc sẽ nhuộm tóc đỏ; tầng lớp trung lưu được quy định bởi màu tóc bạch kim (blonde); còn với tầng lớp bình dân nghèo khổ thì nhuộm tóc đen.

Một bước ngoặt trong lịch sử của thuốc nhuộm tóc là vào thời điểm 1863, khi nhà hóa học người Đức – August Wilhelm von Hofmann công bố thành phần thuốc nhuộm tóc có para-phenylenediamine (PPD). Nối gót theo đó, những phát minh mới cho ngành mỹ phẩm thuốc nhuộm tóc cũng được ra đời và đáp ứng nhu cầu nhuộm tóc ngày càng nhiều của con người. Người tóc bạc thì nhuộm đen mong níu giữ tuổi thanh xuân cho dáng vẻ bên ngoài, người có tóc cháy nắng thì muốn nhuộm tóc để mái tóc đều màu hơn, có người lại muốn thay đổi màu tóc để phù hợp với gương mặt hơn hoặc thể hiện cá tính của riêng mình.

Thuốc nhuộm tóc và sức khỏe con người

Cuộc cách mạng thuốc nhuộm tóc đem đến hiệu quả cao nhưng đi kèm với sự tiện dụng và giá thành rẻ thì thuốc nhuộm tóc cũng ẩn tiềm trong nó những tác hại khôn lường đến sức khỏe con người.

Điều dễ nhận thấy nhất khi sử dụng thuốc nhuộm là nó sẽ tác động đến lớp vỏ bảo vệ của tóc gây ra hiện tượng xơ tóc, giòn, dễ gẫy, hoặc rụng tóc. Đối với những người da mẫn cảm thì thuốc nhuộm có thể gây viêm da kích ứng như: đỏ, rát, bong tróc da, ngứa, sưng nề da đầu, mụn nước, mụn mủ… ngay cả khi nhuộm thuốc tốt, đảm bảo chất lượng chứ chưa nói đến trường hợp gặp phải thuốc dởm, kém chất lượng. Người thường xuyên nhuộm tóc thường bị đau khớp, nhất là các khớp nhỏ như khớp bàn tay, khuỷu, gối, cổ chân… Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc thuốc nhuộm như: ung thư bàng quan, ung thư hệ tạo máu, u não, u màng não, thần kinh thính giác… ở các loại thuốc nhuộm dởm, không có xuất xứ rõ ràng.

Dùng phấn nhuộm – trào lưu ẩn chứa nhiều nguy hại cho giới trẻ

“Mốt” nhuộm đuôi tóc (dip dye) đang trở thành trào lưu thể hiện cá tính bản thân của nhiều bạn trẻ. Cùng với “mốt” này, loại thuốc nhuộm được nhiều bạn trẻ sử dụng hiện nay chính là phấn nhuộm, loại thuốc nhuộm tóc tạm. Loại phấn nhuộm này gần giống với phấn viết bảng nhưng mịn hơn, có giá thành rất rẻ và vô cùng dễ sử dụng. Chúng có rất nhiều màu sắc khác nhau giúp các bạn trẻ tha hồ thể hiện cá tính của mình. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chỉ cần làm ẩm tóc, dùng phấn tô màu lên lọn tóc cho đến khi được màu ưng ý. Dùng lược gạt cặn phấn thừa, sau đó sử dụng máy là là tóc để phấn bám chắc vào tóc. Tuy nhiên, bên trong những những viên phấn sặc sỡ này lại chứa rất nhiều chất độc hại như para-phenylenediamin – loại hóa chất nếu dính vào da mặt, da đầu… sẽ có nguy cơ bị ung thư da. Ngoài ra, chất này còn gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng. Bên cạnh đó, propylenglycol và isopropyl alcohol có trong phấn nhuộm được xem là một dạng chất độc có thể ảnh hưởng tới gan, thận, não, và sẽ gây trầm cảm, nhức đầu ở những giai đoạn đầu. Ngoài ra, phấn nhuộm tóc có thể gây nên bệnh xơ cứng bì toàn thể – một bệnh khớp khiến da mặt, da tay, thậm chí da toàn thân bị xơ cứng, dày lên khiến người sử dụng mất khả năng diễn đạt cảm xúc trên gương mặt.

 

Loại phấn nhuộm này chưa được bày bán chính thức  mà chỉ được tiêu thụ bằng hình thức xách tay, có xuất xứ không rõ ràng.

Tuy nhiên, không vì những tác hại trên mà chúng ta từ bỏ hình thức làm đẹp này, có điều nên chú ý khi sử dụng chúng để hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra như: chỉ dùng loại thuốc nhuộm có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có thành phần từ thiên nhiên; khoảng cách giữa 2 lần nhuộm cách nhau ít nhất 6 tháng; tránh để thuốc nhuộm dính vào chân tóc; dùng găng tay khi nhuộm; hoặc cắt tóc nhuộm; thỉnh thoảng hấp dầu cho tóc; nếu sử dụng phấn nhuộm nên tìm địa điểm thoáng mát, thông gió để tạo sự lưu thông luân chuyển trong không khí để tránh ngộ độc phấn nhuộm. Tốt nhất, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc khẩu trang để phục vụ việc thay đổi màu cho tóc.

Khải My (Theo Young)

From the same category