Những thủ đoạn khó tin của cướp giật Sài Gòn

Cướp giật nhắm vào du khách nước ngoài

Chị Melissa kể, chập choạng tối chị lững thững đi bộ để ngắm đường phố Sài Gòn. Khi đến ngay giao lộ Lê Thánh Tôn – Phan Bội Châu, P.Bến Thành, Q.1, bất ngờ chị Melissa bị một nam thanh niên điều khiển xe gắn máy đi từ phía sau chạy đến ép sát.

Chưa kịp hiểu chuyện gì, Mellisa đã bị gã thanh niên giật mất chiếc ví, bên trong có chưa 1 ĐTDĐ, 800 ngàn đồng, hơn 80 USD, 2 thẻ tín dụng…rồi rồ xe tẩu thoát.

Nghe tiếng ú ớ kêu cứu của chị Melissa Koh, 2 nhân viên bảo vệ chợ Bến Thành là anh Nguyễn Văn Phú và Đỗ Trần Thanh Bình đã lập tức nhập cuộc truy đuổi tên cướp.

Trường hợp du khách nước ngoài nhận lại tài sản vừa bị cướp giật tại công an Q.1, TP.HCM 

Cả 2 đã kịp thời khống chế, bắt gọn tên cướp chuyển giao cơ quan công an xử lý. Tại cơ quan công an, hắn khai nhận là Châu Tấn Hòa (35 tuổi, ngụ quận 10).

Khi nhận được số tài sản, dù giá trị không nhiều, nhưng chị Melissa Koh rất vui mừng và liên tục bắt tay cảm ơn 2 nhân viên bảo vệ chợ Bến Thành nghĩa hiệp nói trên.

Tuy nhiên, những người may mắn được nhận lại tài sản như du khách Melissa Koh không nhiều, nhất là trong bối cảnh nạn cướp giật tài sản nhắm vào du khách nước ngoài xảy ra như cơm bữa tại khu vực trung tâm TP.HCM.

Một cán bộ thanh tra đô thị Q.1 làm nhiệm vụ chốt trực tại khu vực công viên 23/9 đã khẳng định với P.V rằng, tại ngã tư Phạm Hồng Thái – Trương Định, Phạm Hồng Thái – Lê Lai, ngày nào cũng có trường hợp du khách nước ngoài bị cướp giật túi xách, tài sản…

Được biết, trước đây du khách nước ngoài, khi vừa bước ra từ chợ Bến Thành, nếu để túi xách hớ hênh, ngay lập tức bị các đối tượng cướp giật ra tay chớp nhoáng rồi tẩu thoát.

Thời gian gần đây, lực lượng TNXP, bảo vệ chợ… được tăng cường quân số, nên tình trạng cướp giật đã giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, khi du khách ra khỏi khu vực chợ Bến Thành đến các tuyến đường như: Trần Hưng Đạo, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, đường Nguyễn Huệ…thì lập tức trở thành nạn nhân của cướp giật.

Một vụ điển hình khác là trường hợp của Yan Kit Kay và Ka Kei Doris (cùng SN 1988, người Hồng Kông) đã bị cướp giật sạch tài sản vào đêm giữa tháng 12/2011 khi đang đi dạo phố tại Q.Bình Thạnh.

Thảm cảnh của họ đã gây xôn xao dư luận khi không còn một xu đính túi, giấy tờ tùy thân mất sạch; cặp nam – nữ này phải ở nhờ nhà người dân, bán bưu thiếp tại khu phố Tây Phạm Ngũ Lão để sống qua ngày.

Người dân truy đuổi, khống chế đối tượng cướp giật trên đường phố Sài Gòn. 

Cuối cùng thì cả 2 đã may mắn nhận được giấy tờ tùy thân để về nước. Trước khi rời Việt Nam, Yan Kit Kay nói với P.V báo chí rằng: “Tôi đã đến nhiều nước, nhưng phải nói thẳng, nạn cướp giật ở TP.HCM ghê gớm quá!”.

Không chỉ gây án nhắm vào du khách nước ngoài tại trung tâm TP.HCM, nạn cướp giật tại nhiều quận, huyện khác tại TP.HCM cũng trở thành “đại nạn”, làm người dân vô cùng hoang mang.

Thực tế trong thời gian qua, công an TP.HCM cũng như các quận, huyện đã bắt giữ nhiều băng nhóm cướp giật; nhưng người dân mỗi khi ra đường, nhất là vào ban đêm thì hoang mang, lo sợ tột cùng.

Thủ đoạn gây án của tội phạm cướp giật

Báo cáo của công an TP.HCM trong cuộc họp “Sơ kết công tác phòng chống tội phạm xâm phạm tài sản của người nước ngoài tại khu vực trung tâm TP.HCM” vừa tổ chức mới đây cho thấy, trung bình 1 tháng tại trung tâm TP.HCM xảy ra khoảng 20 vụ xâm phạm tài sản người nước ngoài, trong đó có đến 16 vụ là cướp giật tài sản.

Tuy nhiên, đây chỉ là ‘con số khiêm tốn’, những vụ mà cơ quan công an ghi nhận khi nạn nhân đến trình báo.

Anh Tuấn – nhân viên bãi giữ xe tại giao lộ Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực, Q.1 cho biết, tình trạng cướp giật tài sản du khách thường xảy ra vào lúc chập choạng tối.

Các đối tượng cướp giật chủ yếu đi hai người, có trường hợp “đơn thương độc mã” gây án. Chúng sử dụng “xế độ”, gây án khá nhanh, tiếp cận người nước ngoài giật túi xách, dây chuyền, ĐTDĐ…sau đó rồ ga tháo chạy.

Góc đường Phạm Hồng Thái – Lê Lai, Q.1, nơi du khách nước ngoài thường xuyên bị cướp giật tài sản. 

Nhiều thanh niên xung phong kể rằng, tội phạm cướp giật tài sản người nước ngoài có nhiều chiêu thức khó lường.

Cụ thể, một số đối tượng lê la tại khu vực như: Nhà thờ Đức Bà, vòng xoay Nguyễn Huệ, công viên 23/9, trước các trung tâm thương mại…khi có người nước ngoài nhờ chụp ảnh dùm thì lập tức chúng cầm máy ảnh, tháo chạy lên xe gắn máy đồng bọn đang chờ sẵn rồi tẩu thoát.

Có trường hợp du khách để máy ảnh tại vị trí cố định, mở chế độ tự động chụp thì bị đối tượng tới giật máy ảnh rồi bỏ chạy.

Nhiều nhất hiện nay vẫn là tình trạng người nước ngoài đi dạo phố, bị giật túi xách, dây chuyền, ĐTDĐ…. Đã có một số trường hợp, nạn nhân chống trả bị các đối tượng tội phạm hành hung, gây thương tích.

Trao đổi với PV, “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến và các trinh sát hình sự đặc nhiệm thuộc đội Cảnh sát đặc nhiệm, phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) – Công an TP.HCM đều có chung nhận định: có 3 cách nhận ra “diện mạo” của các đối tượng cướp giật.

Loại thứ nhất, chúng không chạy xe nhiều, hay đứng trên lề đường, vỉa hè giả vờ mua đồ ăn uống, đọc sách báo…nhưng chủ yếu là quan sát khi thấy con mồi là lao tới giật…

Loại thứ hai thường đảo qua đảo lại, đi vòng vòng săn mồi.

Riêng loại thứ ba loại xảo quyệt nhất, chúng “hóa trang” thành những người ăn mặc rất lịch sự, mắt không nhìn chằm chằm con mồi, mà chúng chỉ cần liếc mắt, thấy con mồi sơ hở là lao vào cướp giật.

Trong đó, tội phạm cướp giật ở trung tâm TP.HCM đa số nằm vào loại thứ ba, rất khó phát hiện. Điều đáng nói là khi bắt giữ các đối tượng này, khám xét người và xe, cơ quan công an thu giữ nhiều hung khí như bình xịt hơi cay, tuýp sắt, roi điện, dao…mà chúng khai nhận là để “phòng thân” khi đi cướp giật; trường hợp nạn nhân chống trả thì chúng hiện nguyên hình là những tên cướp cực kỳ nguy hiểm.

Một số đối tượng cướp đường phố thậm chí là con nghiện. Theo một thống kê của ngành công an, trong khoảng 10 vụ bắt giữ thì có đến 7 – 8 trường hợp là con nghiện hoặc đối tượng hồi gia tái nghiện.

Theo Vietnamnet


From the same category