Những cô nàng 'đẹp trai' của 'cuộc chơi phi giới' - Tạp chí Đẹp

Những cô nàng ‘đẹp trai’ của ‘cuộc chơi phi giới’

Xu Hướng

Từ Viktor&Rolf Pre Fall 2011

Nhìn vào những bức ảnh của Viktor&Rolf Pre Fall 2011, khó mà nhận ra được giới tính của người mẫu nếu không chú ý đến những chi tiết đặc biệt. Viktor & Rolf đã tạo ra một sân chơi vui nhộn, ở đó, tủ quần áo của người đàn ông được cắt cúp, chỉnh sửa để tạo ra một bộ sưu tập ultra-feminine, với những chi tiết nữ tính và quyến rũ phải thật tinh ý mới nhận ra được.

Màu đen trắng be ghi xám cổ điển được nhấn nhá với đôi chút đỏ trở nên lãng mạn hơn và thoát ra khỏi sự nghiêm nghị thường lệ. Sơ mi trắng được biến hóa với cổ áo, chi tiết lông trang trí và các hiệu ứng khác. Tuxedo được làm mềm bằng các điểm nhấn satin. Phụ kiện đi kèm tạo ra ấn tượng về nữ tính với các họa tiết, ví da cá sấu và những đôi giày cao gót ấn tượng.

Những chất liệu được Viktor&Rolf sử dụng khá quen thuộc với nữ giới: lụa, satin, lông, taffeta, nhung, len, bông, chiffon, organza, da…Sự kết hợp của những điều này đã tạo ra một người đàn bà đẹp kiểu unisex, song cũng đầy lãng mạn.

Dấu ấn Urbansexual

Không chỉ ở Viktor&Rolf, sự vay mượn và trộn lẫn các chi tiết nam tính cổ điển của đàn ông cũng xuất hiện ở các tên tuổi như Alexander Wang, Ermanno Scervino, Giambattista Valli, Giorgio Armani, Gucci, Michael Kors, Proenza Schouler, The Row…Tất nhiên, mỗi nhà thiết kế lại khai thác các chi tiết theo những cảm hứng và phong cách khác biệt.

Chúng ta có thể thấy tinh thần đương đại và những dấu ấn Urbansexual (phong cách nam tính cổ điển mạnh mẽ) thô ráp trong sưu tập của Alexander Wang, phong cách tomboy thanh lịch có chút điệu đà trong sưu tập của Ermanno Scervino, sự cổ điển đơn giản phóng khoáng trong Giambattista Valli hay sự mộc mạc của Michael Kors…

Những dấu ấn phi giới tính đã xuất hiện trên sàn diễn thời trang ngay từ những năm 20. Coco Chanel đã đưa vào y phục nữ giới những đường nét vốn là đặc quyền của nam giới, những bộ váy áo với đường cắt thẳng hay những chiếc áo gilê và vét len đơn giản lịch lãm.
 

Một thiết kế của Gucci

Coco Chanel chống lại sự cầu kỳ và diêm dúa, ngay cả khi thế giới ngây ngất vì “New Look” của Christian Dior, bà đã cho rằng những mốt này chẳng thể tồn tại được lâu, vì chúng quá kỉểu cách trong khi phụ nữ ngày càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm chẳng khác gì một người đàn ông.

Tuân theo đúng tinh thần này, rất nhiều thiết kế của Coco Chanel lấy ý tưởng từ y phục đàn ông, mặc dù vậy bà vẫn không hể bỏ qua những đường cong duyên dáng trên cơ thể người phụ nữ. Do đó, lịch sử thời trang ghi nhận sự cách tân của Coco Chanel nhưng bà không phải là cha đẻ của thời trang phi giới tính.

Danh hiệu này thuộc về Pierre Cardin, ra đời sau Chanel gần 40 năm, người nổi danh vì những mẫu thiết kế tiên phong (avant- grade), trong đó chú trọng đến kiểu mẫu và quên đi cơ thể con người dưới những kiểu mẫu ấy.

Nhiều thử nghiệm của Cardin từ những năm 50 hoàn toàn lãng quên những đường cong quyến rũ của người phụ nữ, cứ như khái niệm về giới tính không hề tồn tại. Đó là những bộ sưu tập lạ lùng mà người mẫu gần như chỉ là cái giá đỡ để biểu hiện ý tưởng, với những cấu trúc vượt ra ngoài cơ thể mang tính chất hình học (những khung tròn uốn lượn quanh chân, những chiếc váy thẳng suôn đuột, hay những khối hình nón, hình chóp thay thế cho bộ ngực tròn đầy của ngưỡi mẫu).

Và mặc dù không mang tính thực tế, nhưng những thử nghiệm này biểu hiện một sức sáng tạo đáng kinh ngạc, về sau gắn liền tên tuổi ông với xu hướng thời trang tương lai và kỹ thuật.

Cho đến những năm cuối của thập niên 60, sau Chanel, việc nam tính hóa những y phục của phe tóc dài đã được nhà tạo mẫu tài năng nhất nửa cuối thế kỷ 20 kế tục xuất sắc: Yves Saint Laurent. Nhiều người cho rằng chính Saint Lauren là người đã kiến tạo nên mốt quần âu dành cho nữ giới (trước đó, việc phụ nữ chuyển từ váy sang quần âu có thể gây ra cả một vụ bê bối).


Hai sáng tạo độc đáo của ông là kiểu áo đuôi én (tuxedo) và áo jacket mang tên “smoking” (áo dạ hội của đàn ông) dành riêng cho nữ giới. Khi những thiết kế này lần đầu tiên xuất hiện trong bộ sưu tập Thu Đông năm 1966, chúng đã thành công đến mức khiến cho những quy ước truyền thống giữa thời trang nam và nữ đứng trước lằn ranh hết sức mong manh.

Một cộng sự lâu năm của nhà thiết kế, Pierre Berge, nhận xét Yves Saint Laurent mang lại sức mạnh cho phụ nữ từ những y phục của đàn ông. “Những y phục mang hơi hướng đàn ông của Saint Lauren chuẩn bị cho người phụ nữ trước những cuộc gặp mặt mà nhiều khi họ sẽ vấp phải sự xung đột và đối mặt với một thế giới đầy những người xa lạ”, nữ diễn viên Catherine Deneuve bình luận vào thời điểm đó.


Cho đến mùa thu này, những cô nàng đẹp trai của sàn diễn lại trở lại, tất nhiên không phải để đương đầu với bất cứ sự kỳ thị giới tính nào như của thập niên 60. Đơn giản đây chỉ là một câu chuyện mới của fashion trong sự dịch chuyển thời thượng đầy cảm hứng của thế kỷ 21 mà thôi.

Nam Thanh

Thực hiện: depweb

29/07/2011, 15:30