Những chuyện bức xúc ở rạp chiếu phim - Tạp chí Đẹp

Những chuyện bức xúc ở rạp chiếu phim

Tin Tức



Khán giả mệt mỏi vì một cặp đôi làm ồn trong rạp chiếu.

Đang tập trung lên màn hình chiếu phim, bỗng uỵch, 1 lực mạnh đập phía sau lưng ghế khiến tôi giật cả mình, đoán là mình vừa bị người ngồi phía sau tông chân vào ghế. Chưa kịp định hình thì tự nhiên thấy ai đó giật mạnh vào thành ghế phía sau, quay lại thì thấy hai người đang di chuyển giữa hàng ghế ra ngoài. Thật khó chịu hết sức mà không biết phải phản ứng thế nào với những vị khán giả thiếu ý thức kia.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, trong một buổi chiếu Harry Potter and the Deathly Hallows part 1 tại cụm rạp MegaStar Hà Nội, tôi và người đi cùng gần như phát điên vì gần như suốt cả suất chiếu kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, ở hàng ghế bên cạnh bà mẹ không những đọc phụ đề cho cậu con trai mà còn bình luận về từng cảnh phép thuật?! Quay sang làm dấu yên lặng và góp ý nhiều lần nhưng chỉ được một lúc là mọi chuyện lại tiếp diễn khiến chúng tôi không biết phải xử trí thế nào. 

Nói chuyện điện thoại to trong rạp là hiện tượng khá phổ biến.

Mấy ngày trước, trên dòng trạng thái của một người bạn đồng nghiệp mới đây viết khá bức xúc: “Xem phim, ngồi cạnh một cặp đôi, mà mình quan sát thấy cô gái có đủ giác quan tai mắt, và chắc chắn có cả não. Nhưng bạn trai cô ấy cứ nói từ đầu tới cuối, tường thuật những gì đang diễn ra trên phim. Như thể cậu ta là cái CPU, còn cô bạn chỉ là cái màn hình. Lúc đó mình chỉ có một mơ ước cháy bỏng là làm sao dính được một đoạn băng keo lên cái loa ấy! Thảm họa!”. 

Cảm giác bực bội khi xem phim do những người vô ý thức bên cạnh tạo ra gần như ai cũng đã từng gặp ít nhất một lần. Một nhà báo nam chia sẻ: “nhớ lần trước mình đi xem phim gặp phải một đôi cũng thế, cắn hạt dưa tí ta tí tách, rồi nhai bỏng roàm roạp như châu chấu ăn ngô, rồi chuyện trò linh tinh”. Và để phản ứng với cặp đôi coi rạp chiếu như nhà mình, anh quay sang khuyên họ “nên đi Trâu Quỳ là hợp nhất”. Vậy là tiếng nói chuyện im bặt.

 

Đọc phụ đề, giải thích cặn kẽ các tình huống cho người đối diện.

Chị Thu Lượng, một khán giả Hà Nội kể kinh khủng nhất là một lần xem phim giải trí, đứa bé ngồi giữa bố mẹ. Mẹ của cậu ta liên tục ‘răn dạy’ con giữa lúc phim chiếu, rằng là con phải ngoan, nếu không thì cũng hư như nhân vật trong phim vậy, rồi không được nhúc nhích vì khi đi xem phim phải thể hiện mình có văn hóa, phải văn minh và biết ‘trật tự’ chứ!

Bây giờ rạp hiện đại nên không bị ngồi nhầm số ghế, nhưng có điều vẫn còn tồn tại là ý thức khán giả không cải thiện nhiều. Nhiều người ngồi cứ vô tư kê chân lên ghế người ngồi trước, hoặc thậm chí rung đùi bần bật. Chưa kể tình thế nan giải là khi có ai đó vô tình rút chân ra khỏi giày, và khiến những người xung quanh phải chịu đựng mùi tất thối.

Văn hóa xem phim còn đáng sợ ở chỗ chọn phim mà không tìm hiểu. Có lần, một nhóm học sinh tuổi teen cùng cô giáo vào rạp xem ‘Rừng NaUy’. Sau khi phim chiếu được một lúc, cô giáo ‘nóng mắt’ với những cảnh nóng và ‘hò hét’, lùa tất cả học sinh ra về một cách hậm hực ‘Phim với chả ảnh, tục tĩu, vô văn hóa’. Những người ngồi cạnh chết lặng vì lời bình luận”.

Những khán giả có văn hóa luôn gặp những chuyện bực bội trong rạp.

Tại những buổi chiếu ra mắt báo chí, những câu chuyện bức xúc trong rạp dù ít hơn nhưng cũng không kém phần khó chịu. Có những nhà báo trổ tài bình luận từ đầu đến cuối và không bỏ sót bất cứ tình huống nào, thậm chí còn lên tiếng “cảnh báo” diễn viên trên phim khi anh này đang bị một diễn viên khác rượt đuổi?!

Đặc biệt, nhiều bộ phim rõ ràng là không phù hợp cho trẻ em và dù đã được nhà phát hành khuyến cáo không kèm trẻ em nhưng vẫn mang con vào rạp. Không ai khó khăn gì trong việc thêm một chỗ ngồi trong suất chiếu ra mắt nhưng điều đáng nói là sẽ rất không hay cho các em nhỏ khi phải xem những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, nhất là với những lời thoại tục tĩu hay cảnh quay nhạy cảm về đời sống tình dục của người lớn. 

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

30/01/2013, 08:40