Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi: Từng “sốc” khi phải làm bố ở tuổi 23 - Tạp chí Đẹp

Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi: Từng “sốc” khi phải làm bố ở tuổi 23

Men's Talk

“Cuộc tình kéo dài 5 năm đã toan kết thúc, sắp đường ai nấy đi thì bỗng dưng xuất hiện… một đứa bé”, Mạnh Bi mở đầu như thế khi kể về cú sốc làm bố ở tuổi 23. Cái sự bất đắt dĩ đó dù đã có lúc đẩy anh vào tận cùng của bàng hoàng nhưng hóa ra đó lại là điều ngọt ngào nhất.

Người ta biết nhiều đến Mạnh Bi – nhiếp ảnh gia 9X với những bức ảnh đầy tính nghệ thuật trên các bìa tạp chí hàng đầu hay một thương hiệu chụp hình cưới khá nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng ngoài hành trình của anh chàng dám bỏ học Bách Khoa để theo đuổi đam mê thì vẫn còn câu chuyện bên lề khác: bố của hai cậu con trai Muối và Vừng.

 “Hồi mới biết tin mình có con, tôi sốc lắm!”

Trong suốt cuộc nói chuyện, khi nhắc về sự chào đời của Muối, Mạnh Bi lặp đi lặp lại nhiều lần từ “sốc”. Không choáng váng sao được bởi khi ấy, anh chàng mới 23. Ở cái tuổi Mạnh Bi thật thà thừa nhận vẫn chưa trưởng thành và còn nhiều bồng bột. Nhất là, cuộc tình kéo dài 5 năm đã toan kết thúc, sắp đường ai nấy đi thì bỗng dưng xuất hiện… một đứa bé. Rồi thì cưới, rồi thì trở thành ông bố trẻ dù trong lòng đầy ắp hoang mang.

Khó khăn lúc ấy được anh gói gọn bằng một câu hóm hỉnh: “Người ta thường bảo lấy vợ, sinh con như sang trang mới. Còn tôi thấy đời mình như lật hẳn qua một quyển mới”. Thử thách anh phải đối mặt không chỉ về vật chất mà còn tinh thần, khi hai vợ chồng quyết định dọn ra ở riêng thay vì sống cùng bố mẹ.

Nhưng sau tất cả thì mọi thứ chỉ còn là một vệt ký ức mờ nhạt. Duy chỉ một điều khiến Mạnh Bi trăn trở mãi đến bây giờ là sự thiệt thòi của con: “Tôi 23 còn vợ 22, hai đứa vẫn chưa sẵn sàng trở thành bố mẹ. Mâu thuẫn cứ diễn ra hằng ngày, tranh cãi là điều không tránh khỏi. Trong khi, phụ nữ mang thai phải có tâm lý thoải mái vui vẻ thì con mới phát triển tốt được. Nhiều lúc tôi nghĩ, giai đoạn khó khăn đó hẳn đã ảnh hưởng ít nhiều đến Muối, khi con có phần chững chạc, nghiêm túc còn Vừng thì hồn nhiên, hài hước hơn.”

Với Muối, Mạnh Bi mong mình có thể đón con khi ở tuổi ngoài 30. Lúc mà bản thân anh đã đủ vững vàng về tài chính và tâm thế để ẵm bồng con bằng niềm hoan hỉ. “Sự thật, đối với nhiều người đàn ông, khi bế con trên tay lần đầu tiên, họ vẫn chưa cảm nhận được đấy là con mình. Nó khác với phụ nữ, khi đứa trẻ ở trong bụng người mẹ 9 tháng 10 ngày, sự gắn kết bao giờ cũng mãnh liệt hơn. Mình phải chăm sóc, gần gũi với con khoảng vài tháng sau đó thì tình yêu thương mới dần trọn vẹn.” Nhưng sau hết thảy, bản năng làm bố là điều khiến những người đàn ông trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, dù ở tuổi nào và có bất đắt dĩ hay không.

Thấy tuổi thơ còn thiếu của mình trong tuổi thơ của con

Có thể, với Mạnh Bi “cú sốc” có con ở tuổi 23 từng là điều nằm ngoài dự kiến. Nhưng khi chọn cách đối mặt và chịu trách nhiệm với nó, điều tưởng là sai hóa ra lại đúng. Giờ đây khi nhắc về bọn trẻ, giọng anh lại rộn ràng, hệt như những ông bố bà mẹ “cuồng” con khác. “Vừng cũng là nằm ngoài kế hoạch của hai vợ chồng. Nhưng nhờ thế mà lại thành may, khi hai đứa suýt soát tuổi nhau lại dễ chơi với nhau. Sáng nào anh Muối cũng nói đưa em Vừng đi học trước, rồi chiều em Vừng lại cùng bố mẹ đi đón anh Muối. Hai đứa cứ ríu rít với nhau. Hai vợ chồng thay vì chỉ tập trung chú ý vào con thì có thời gian rảnh để quan tâm, chăm sóc đối phương…”, Mạnh Bi cứ mải mê kể về hai cậu con trai bằng niềm hạnh phúc không giấu diếm.

Vấn đề đau đầu duy nhất của Mạnh Bi là làm thế nào để hai con luôn cảm thấy được bố mẹ yêu thương ngang bằng nhau.“Tôi chủ trương ngay từ đầu, không để ai nói với Muối ‘Mẹ có em thì con ra rìa’, với người lớn đó là nói đùa, còn với trẻ đấy là sự thật”, Mạnh Bi chia sẻ.

Và khi phải trở thành trọng tài trong những cuộc ầm ĩ của con, Mạnh Bi cũng giữ vững tinh thần “nếu anh Muối sai thì anh Muối xin lỗi em Vừng và em Vừng cũng vậy”. Hoặc nếu chẳng may hai đứa trẻ tranh nhau đồ chơi, anh luôn nói lí lẽ cho con hiểu: “Khi mua, bố đã cho con chọn, dù bây giờ con có thấy nó xấu, còn cũng phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.”

Những gì anh hướng cho các con hiện tại quá khác về hình dung của một ông bố trẻ tuổi. Nhưng với Mạnh Bi, anh muốn con được dạy dỗ một cách nghiêm túc nhất, điều mà anh đã từng thiếu. Bởi từ bé, sau khi bố mẹ sinh thêm em thì Mạnh Bi chuyển về sống với ông bà. Dù nhận được rất nhiều tình yêu thương nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của bố mẹ. Có thể chính vì thế mà suốt một thời gian dài, anh sống rất hời hợt, vô tâm.

Mạnh Bi muốn con được dạy dỗ một cách nghiêm túc nhất, điều mà anh đã từng thiếu.

Đáng ngạc nhiên là trong hành trình này, các con cũng là người dạy cho anh những bài học đáng giá. “Lần đó tôi hỏi con ‘Muối có muốn tặng gì cho cô giáo không?’, con bảo ‘Mua kẹo’. Hai vợ chồng tôi cười nghiêng ngả vì thấy trẻ con nghĩ thật đơn giản. Chứ người lớn là biết ngay phải tặng son, tặng nước hoa gì đấy. Lúc đưa Muối vào siêu thị, Muối chọn mấy cái kẹo bánh và quay sang nói với tôi ‘Cô giáo thích ăn cái này’. Tôi mới giật mình, vì không ngờ con biết quan sát từ mấy chuyện vụn vặt. Ngay cả cô giáo cũng ngạc nhiên, vì bánh đó cô hay ăn vào những ngày vội vàng không kịp bữa sáng. Sự quan tâm của con khiến tôi học được nhiều điều.”

Mạnh Bi thừa nhận rằng, trước đây, anh không biết yêu thương thế nào là đủ, không biết chăm sóc người khác ra sao, không biết hỏi han và thương nhớ da diết mỗi khi đi công tác, không biết thể hiện tình cảm cá nhân ra bên ngoài. Bốn năm làm bố, hai đứa trẻ đã dạy anh thay chữ “có” vào những chỗ “không”. Và anh nhận ra: “Tôi nhìn thấy tuổi thơ còn thiếu của mình trong tuổi thơ của con.”

Sự nghiệp thăng hoa từ những cột mốc gắn liền với con cái

“Tôi nhớ có một ngày đi làm về, Muối chạy ra đón tôi trong cái ngõ bé xíu. Hằng ngày, con cũng phải chơi loanh hoanh trong cái khu đầy tệ nạn. Tôi thấy thương con mình.”- anh trầm ngâm nói. Đó cũng là lí do khiến anh thay đổi bản thân mình lần nữa.

Mạnh Bi thừa nhận, nhiếp ảnh là niềm đam mê không thể rời bỏ, nhất là những bộ ảnh thời trang đầy tính nghệ thuật. “Nhưng cái nghệ thuật ấy không nuôi nổi gia đình mình. Vì có khi, tiền vé bay vào Sài Gòn chụp hình cũng chỉ ngang ngửa tiền nhuận ảnh, còn âm thêm tiền ăn ở.” Mạnh Bi quyết định liều một phen, chuyển hướng sang hướng kinh doanh chụp ảnh cưới. Trên thực tế, rất ít những người làm thiên về nghệ thuật có thể sống sót trên thương trường. Vì việc quản lí, vận hành, marketing… luôn là bài toán khó giải.

Sau gần một năm tự mày mò lẫn hỏi han người đi trước, Mạnh Bi cũng xây dựng khá thành công thương hiệu riêng. Bây giờ nhìn lại, anh cảm thấy hoàn toàn hài lòng với những gì mình đang có. Dù đam mê của bố có lúc phải gián đoạn nhưng đổi lại các con có một cuộc sống đủ đầy hơn.

Những đứa con không chỉ giúp anh tạo dựng nên dấu mốc trong sự nghiệp mà còn giúp anh trưởng thành. Như cách anh biết nhẫn nại, kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn: “Có những ngày tôi trở về nhà sau một ngày làm việc rất tệ và cứ như vậy mà nhăn nhó với con. Tôi không hề ý thức được điều đó, vài lần sau đấy tôi mới nhận ra mình đang làm con buồn. Bây giờ tôi dần tập được cảm xúc của công việc thì phải đặt ngoài cửa, còn bước vào nhà lại trở thành ông bố vui vẻ của Muối và Vừng.”

Có thể suốt chiều dài tuổi đôi mươi của người khác là những cuộc rong chơi còn với Mạnh Bi nó chật ních tiếng cười khóc của bọn trẻ. Nhưng người ta vẫn thường nói “Mỗi đứa trẻ là một món quà” và món quà này bao giờ cũng xứng đáng để mình phải hi sinh nhiều điều khác.

Chuyên đề: NHỮNG ÔNG BỐ 9X
“Khi nào người đàn ông trưởng thành?” Câu trả lời đáng tin nhất hẳn là từ những người đàn ông đang vô tư lự bỗng dưng bị “trói” bởi một đứa trẻ. Nhân Ngày của Cha, mời bạn cùng Đẹp lắng nghe câu chuyện của các bố 9X để nhận ra hành trình bỉm sữa ấy đã đổi thay một người đàn ông như thế nào.
Đọc thêm:
Đạo diễn Ứng Duy Kiên: “Trước khi có con tôi như la bàn loạn hướng”
Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi: Từng “sốc” khi có con ở tuổi 23
Ông bố 9x Jay Quân: bỏ hút thuốc, không chơi game, bớt nhậu từ ngày có con

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Ngọc Anh Hoàng

Thực hiện: Mỹ Khánh

15/06/2019, 11:00