Nhập siêu giảm, đừng vội mừng - Tạp chí Đẹp

Nhập siêu giảm, đừng vội mừng

Tin Tức
Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 125,92 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 62,933 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 62,991 tỷ USD. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu chỉ 58 triệu USD, từ mức nhập siêu 158 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Đây là mức nhập siêu thấp kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm qua, với con số nhập siêu đều gần lên tới gần 10 tỷ USD.

Những con số đáng suy nghĩ

Trước đó, tổng kết 6 tháng đầu năm, nhập siêu cũng đã xuất hiện xu hướng giảm mạnh. Nếu nhìn qua có thể cho là việc kiềm chế nhập siêu có tác dụng. Tuy nhiên, đây chỉ mới được xem là “bề nổi” của ‘tảng băng trôi”. Sâu xa hơn, nhập siêu giảm bất thường báo hiệu nguy cơ kinh tế Việt Nam đang suy trầm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 6/2012 đạt 19,42 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt kim ngạch 9,89 tỷ USD, tăng 2% và nhập khẩu là 9,53 tỷ USD, giảm 6,8%. Như vậy, trong tháng 6, nước ta đã xuất siêu 360 triệu USD thay vì mức ước nhập siêu 150 triệu USD mà Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó.

Từ kết quả trên cho thấy, cán cân thương mại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm thâm hụt 158 triệu USD, bằng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mức nhập siêu thấp giúp giảm thiểu thâm hụt thương mại, khắc phục dần sự bất đối xứng trong cán cân thương mại với các nước cũng như giảm thiểu nguy cơ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, nhập siêu giảm liên tục trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

 

Trước hết, từ trước tới giờ, hầu hết các ngành công nghiệp trong nước đều phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu, máy móc nhập khẩu từ nước ngoài. Nhập siêu giảm là tín hiệu cho thấy sự ngưng trệ và đình đốn của sản xuất trong nước.

Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ: “Nhập siêu giảm là mặt tích cực nhưng tôi nhìn nhận nó ở mặt lo lắng. Bởi doanh nghiệp ngưng sản xuất nên ngưng nhập nguyên liệu, thị trường giảm sức mua, chứ không phải do một biện pháp điều hành kỳ diệu của Bộ Công thương”.

Bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế – cũng cho rằng, việc nhập siêu sụt giảm mạnh đang là một nỗi lo. Theo bà, nhập siêu giảm mạnh chứng tỏ sản xuất trong nước suy giảm dẫn đến nhu cầu nguyên nhiên, phụ liệu sản xuất cũng giảm. Điều này phản ánh mối lo ngại về tình hình “không mấy sáng sủa” cho sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Những cảnh báo trên đây cũng hoàn toàn ứng với thực tế hàng tồn kho đang tăng mạnh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố trong những tháng qua.


Lo ngại dài hạn

Bên cạnh đó, sản xuất trong nước suy giảm, các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng sẽ kéo theo sự giảm sút trong xuất khẩu. Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định: Việt Nam hạn chế việc nhập khẩu hàng tiêu dùng nhưng trên thực tế hàng tiêu dùng của chúng ta chiếm khoảng 9% trong tổng số nhập siêu. Phần nhập siêu lớn từ nguyên nhiên vật liệu và những công nghệ để sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng, thậm chí có những mặt hàng chúng ta xuất khẩu 100% thì lại nhập khẩu đến 70-80% nguyên phụ liệu (yếu tố đầu vào). Như vậy, chúng ta kiềm chế nhập khẩu để giảm nhập siêu thì cũng có nghĩa là chúng ta kiềm chế xuất khẩu. Điều này là gây trở ngại đối với những doanh nghiệp xuất khẩu.

Trên thực tế, cũng đã có những dấu hiệu đáng lo lắng về sự giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Tính đến ngày 30/04/2012, tổng số doanh nghiệp hoạt động chỉ chiếm 71,6% doanh nghiệp đăng ký (463,800/ 647,600). Trong số doanh nghiệp không còn hoạt động, có 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có 17.735 doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ. Số lao động mất việc làm cũng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, nếu giảm nhập siêu chỉ tập trung vào biện pháp thương mại trong khi nới lỏng ở biện pháp đầu tư thì sẽ không đạt kết quả. Gần đây, nhập siêu qua dự án nước ngoài rất lớn. Do đó, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cho hàng xuất khẩu, cần có giải pháp quản lý chặt nguồn hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu và thiết bị qua con đường dự án đầu tư của nước ngoài.

Như vậy, song song với giảm nhập siêu, Việt Nam cần có một chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực của ta như nông sản, chăn nuôi,… Nếu không làm được như vậy, việc giảm nhập siêu không những không thúc đẩy kinh tế phát triển mà ngược lại, sẽ còn đẩy nền kinh tế Việt Nam vào giai đoạn suy thoái và khủng hoảng kéo dài.

Trong một báo cáo gần đây, vừa công bố, ngân hàng ANZ dự báo, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ thâm hụt trở lại trong 6 tháng cuối năm, khi mà các gói hỗ trợ của Chính phủ khuyến khích nhu cầu nội địa, kéo theo sự gia tăng của nhập khẩu. Tuy nhiên, với lạm phát giảm, ngân hàng này dự báo, tiền đồng của Việt Nam sẽ chỉ đối diện với mức giảm giá rất nhẹ trong thời gian còn lại của năm. Cụ thể, theo ANZ, tính đến cuối năm nay, tỷ giá USD/VND sẽ xấp xỉ 21.500 đồng, tương đương mức giảm giá 2% của tiền đồng cho cả năm 2012.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

25/07/2012, 07:55