Nhạc sĩ Sa Huỳnh: “Tôi đang tìm hơi thở trong âm nhạc”

nhạc sĩ Sa Huỳnh

LTS: Không phải mang nỗi ám ảnh về sự thiếu hụt thế hệ kế cận như nhiều ngành nghệ thuật khác, đời sống âm nhạc là những làn sóng, lớp trước trùm lớp sau, lớp sau đôi khi lại đè lớp trước. Sau những tên tuổi Trần Tiến, Dương Thụ, Bảo Chấn tới một lứa kế cận Quốc Bảo, Huy Tuấn, Anh Quân, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, rồi những cái tên trẻ hơn, Giáng Son, Hồ Hoài Anh, Nguyễn Hải Phong… Nay, người ta nhiều khi lại ngỡ ngàng với chất âm nhạc mới mẻ nhưng không thiếu chiều sâu của những gương mặt trẻ măng, Nguyễn Toàn Thắng, Tạ Quang Thắng, Phạm Hải Âu… Như một góc nhìn mở về những đại diện mới của nhạc Việt, Đẹp kỳ này giới thiệu một gương mặt tuổi 20, đã xuất hiện khá lâu, tác phẩm không nhiều, nhưng là một cá tính âm nhạc định hình khá rõ – Sa Huỳnh.



Sa Huỳnh từng đạt giải Bài Hát Việt ở những mùa đầu (“Tác giả trẻ triển vọng” 2007 và “Nhạc sĩ Thể nghiệm sáng tạo” 2008), có thêm vài bài được các ca sĩ “chuyên trị online” thu âm – chỉ dừng lại như thế rồi cô lấy chồng ở tuổi 20. Chỉ đến khi Tùng Dương chọn một loạt sáng tác của Sa Huỳnh (“Li ti”, “Trời cho”, “Thể đơn bào”, “Cuộn”) cho 2 album “Li ti” và “Độc Đạo”, thì công chúng mới “ớ người” nhận ra một Sa Huỳnh rất khác biệt với âm nhạc tĩnh lặng và tối giản, mang thông điệp sâu sắc về bản thể con người.

Sa Huỳnh vẫn rất trẻ, cũng như tạng người cô (nhỏ nhắn và trong veo), bài hát của Sa Huỳnh khó trở thành hit, nhưng đọng sâu và khiến người ta ao ước được gặp lại, như gặp lại những giấc mơ kỳ diệu ai cũng từng có trong đời…

Tùng Dương như một diễn viên lão luyện vào vai tôi

– Quá trẻ và nhí nhảnh, đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi nhìn thấy Sa Huỳnh. Điều gì khiến âm nhạc của bạn mang màu trầm và tĩnh lặng, thậm chí có lúc như sự chiêm nghiệm của một người đang nhìn lại cuộc đời mình?

– Tôi là con một, trước nay làm gì cũng chỉ một mình, ít chia sẻ với người khác đã là thói quen từ bé. Có lẽ người bạn để tâm sự hết mọi điều chất chứa là cây piano và âm nhạc. Tôi đa sầu đa cảm, nếu giữ trạng thái đó mình luôn bị nặng nề. Viết thành nốt nhạc thì mình được nhẹ nhõm, như một kiểu trút ra – có điều bài hát lại thành buồn! Tôi tự thấy mình đang ở trong một trạng thái khá lùng bùng của tuổi trẻ, nó bồng bềnh và hoang đường lắm…

– Khi còn trẻ hầu như ai cũng có những giấc mơ bay, nó khiến chúng ta đôi khi điên rồ, đôi khi tuyệt vọng, đôi khi thấy mình hoàn toàn cô độc. Giữa những lùng bùng ấy, bạn hay nghĩ về điều gì?

– Bây giờ tôi đi làm, nuôi con, cùng chồng gánh vác công việc gia đình… Tôi hay nghĩ về các mối quan hệ thoáng qua hay sâu sắc, nó luôn đan xen, làm cho mình phải nhìn lại bản thân. Như tuổi 12-20 thì tôi vồ vập lắm, bây giờ rụt rè và ngại ngần hơn. Tôi không biết mình đang thiếu hay đang dư thừa? Nhưng tôi không vội vàng nữa, cố gắng giữ cho mình một nhịp chầm chậm thế này. Tôi hợp với piano – thứ nhạc cụ cô đơn, độc tấu là độc thoại. Hiện tại tôi hay đệm đàn cho khoa thanh nhạc. 

Khi đệm đàn, tôi nhận ra người hát và người đàn phải có cùng một nhịp thở, tìm thấy sự nương tựa vào nhau để ra một sản phẩm âm thanh đẹp đẽ nhất. Từ đó, tôi nghĩ về hơi thở trong âm nhạc, nó cần có nhiều khoảng lặng hơn.Trước, tôi hướng đến tìm hiểu bên ngoài mình để nạp vào, nghe “điên cuồng” để học và chiêm nghiệm. Bây giờ tôi khoan nghe, xem cái gì là mình đã. Khi tôi gặp chị, là lúc tôi muốn nhìn sâu vào trong chính mình.

– Nhìn sâu vào mình, để tìm…

– … Hơi thở! Nghe, viết, chơi nhạc – đều phải có điều đó. Viết nhạc cũng là viết những câu có dấu chấm, dấu phẩy, như mình thở một hơi rồi nghỉ, nó không liên tục. Các nốt nhạc chỉ là âm thanh, còn để tạo ra âm nhạc là thời gian. Có nốt được ngân đến 6 giây, nhưng có nốt chỉ 1 phần 10 giây, thậm chí có nốt im bặt! Những giây khắc đó quý giá lắm, khi làm âm nhạc mình suy nghĩ về điều đó là mình tiến bộ.

 nhạc sĩ Sa Huỳnh

– Ca sĩ Tùng Dương nói với tôi, “Phải đặt mình vào đôi mắt của Sa Huỳnh, phải đồng cảm mới hát được nhạc của cô ấy. Nếu hời hợt, lột tả không đúng, thì cùng bài hát ấy nhưng cất lên sẽ nhạt lắm!”. Vậy, nếu không vào vòm họng Tùng Dương, thì nhạc của Sa Huỳnh có thể sẽ rất nhạt?


– Tùng Dương như một diễn viên lão luyện đóng vai tôi. Anh ấy co lại, để hòa nhập với tâm hồn của tôi, kích cỡ của tôi. Nhạt ư? Có thể Tùng Dương nói đúng đấy. Bài hát là một tấm gương, nó luôn khúc xạ và phản chiếu tâm hồn người hát nó. Bài hát – tấm gương của tôi, Tùng Dương đã soi vào, và chúng ta thấy kích cỡ con người nghệ sĩ của anh ấy.

– Và vì con người quá “mặn” ấy, bạn đã tự nguyện trong một ràng buộc bất thành văn: Sa Huỳnh là độc quyền khai thác của Tùng Dương?

– Anh Dương biết tôi có nhiều tác phẩm, nhiều phong cách. Thỏa thuận của Tùng Dương với tôi là: “Em có bài mới gửi anh nhé, nếu hợp anh dùng, còn không hợp thì em tìm các bạn trẻ khác”! Cam kết giữa tôi với Tùng Dương chỉ lỏng lẻo vậy thôi. Tôi thấy với mọi mối quan hệ, đừng lao đi tìm hay hắt hủi, cứ để nó bay qua mình tự nhiên như thế. Bây giờ tôi đang cộng tác với Nguyễn Trần Trung Quân, Võ Hạ Trâm nữa. Nhưng những bài tâm đắc nhất tôi vẫn luôn muốn đưa cho Tùng Dương đầu tiên.

– Tùng Dương có kiểu rất “đè” cá tính người ta. Đóng góp tác phẩm trong 2 CD quan trọng nhất của Dương, bạn tự thấy Sa Huỳnh còn nguyên vẹn trong đó không, hay đã ít nhiều bị con người ngùn ngụt năng lượng và độc đoán ấy áp chế?

– Album “Li ti” đúng là tôi thấy mình bị áp chế, thấy khác 80% so với ý đồ ban đầu, nhưng tôi vẫn vui vẻ vì rất yêu quý giọng hát Tùng Dương. “Li ti” anh ấy làm từng trải quá, tôi thì trong sáng hơn, có lẽ do nền giao hưởng đã làm màu sắc âm nhạc bị trầm đi. Bản phối của anh Quốc Trung tôi thích hơn, nó rất chắc và có một dòng chảy bên trong tiết tấu. Nhưng tôi cũng tin rằng anh Nguyễn Công Phương Nam và Tùng Dương đã tìm cách xử lý tác phẩm hiệu quả nhất. Đến “Độc đạo”, nhạc sĩ Nguyên Lê đã sử dụng đúng chất liệu tôi hình dung trong đầu. Tôi thấy quý trọng sự nhạy cảm và thái độ tôn trọng tác giả của ông. Tôi luôn xúc động khi nghe các bản phối của Nguyên Lê và Quốc Trung, họ rất nâng đỡ và tôn trọng, đồng thời tạo thêm đất cho âm nhạc của tôi, cho ca sĩ có được không gian sáng tạo.

Tôi chỉ nổi loạn trong đơn độc của mình

– Khi quá nhiều người cố gắng để biến báo, đa chiều, nguy hiểm, thì sự trong sáng và bình ổn lại là một giá trị hiếm hoi. Bạn có yên tâm để giữ sự tĩnh lặng trong âm nhạc của mình không?

– Tôi đang ở trong trạng thái hời hợt nhất của mình, không vồ vập, không trốn tránh. Buồn thì cũng bình tĩnh, vui thì hít một hơi. Nhưng tôi mừng khi thấy mình không bị chai lì, vẫn xúc động khi được va chạm với những điều mới. Nhìn ba tôi (nhạc sĩ Triều Dâng) ốm liệt giường vẫn giữ được cho mình sự mãnh liệt trong âm nhạc, tôi kính ngưỡng điều ấy lắm. Tôi cố giữ sự bình ổn cho thế giới tinh thần của mình. Tôi là người nhiều lo lắng, sinh ra đã lo lắng sẵn rồi, như thể mình đầu thai đã có sẵn một mối lo trong tiềm thức… Có thể tôi chỉ nổi loạn trong đơn độc của mình thôi, cái phần ẩn sâu kín. Còn trong đời sống, tôi là người bình ổn. Tôi điên thể lặng, nhìn không thấy gì, nhưng có thể bùng ra đến đáng sợ. Tôi có nỗi lo lắng là mình sẽ bục tung như một ngọn núi lửa, và phá hủy những ổn định mình đang có.

– “Những ổn định mình đang có” – bạn muốn ám chỉ đến hôn nhân?

Đến thời điểm này tôi vẫn đang hài lòng về hôn nhân. Tôi không buông thả, cứ đóng khung cho truyền thống và ổn định trước đã. Bây giờ chúng tôi hướng đến tương lai chung là đứa con, dành dụm âm nhạc cũng để cho con. Từ con, thấy mình giàu có ra nhiều, mọi điều đều bắt đầu từ đó.

nhạc sĩ Sa Huỳnh 

– Bạn và nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng kết hôn sớm quá. Gia đình thường làm người ta bị thui chột sáng tạo, tôi thấy mấy ông nghệ sĩ bảo vậy. Nhiều người cũng tiếc rẻ khi Duy Hùng bỏ môi trường âm nhạc đang tốt ở Hà Nội để theo vợ vào Sài Gòn…


– Yêu nhau lâu sẽ khiến mình chây lười hơn, tôi nghĩ thế. Chúng tôi, người ở Sài Gòn, người ở Hà Nội – không có điều kiện để gặp nhau, tình yêu cứ bị “lúng ta lúng túng”. Lúc đó tôi muốn có điều gì rạch ròi, tình cảm không bị mơ hồ vì xa cách, không bị cảm giác lộn xộn. Về sống chung một nhà không còn những thắc mắc mơ hồ như lúc yêu nữa. Các tình huống hôn nhân của chúng tôi cũng cổ điển và y hệt những cuộc hôn nhân khác. Bây giờ tôi đang yên bình trong sự đơn giản. Anh Hùng đã phải chịu hy sinh rất nhiều cho tôi, khi quyết định vào Sài Gòn. Không chỉ hy sinh bạn bè, gia đình, mà còn cả môi trường âm nhạc. Tôi mừng khi giờ đây anh Hùng trở lại viết khá nhiều, nhạc của chúng tôi một người dương tính, một người âm tính, bổ sung cho nhau thấy sáng sủa hơn.

– Nhưng nếu không làm vợ, làm mẹ sớm thế, biết đâu Sa Huỳnh đã bùng nổ?

– Chắc chắn tôi sẽ điên loạn hơn! Nhưng tôi không thích trạng thái đó vì nó tiêu cực, tôi sợ lắm, nó làm tôi rơi vào hỗn độn. Việc làm vợ, làm mẹ hay chứ. Nó khiến tôi sống bình ổn, yên tĩnh và sâu hơn. Đến một lúc nào đó khi âm nhạc và đời sống đủ trải nghiệm, mình sẽ tự trở thành con người mình muốn. Tôi không muốn làm quá cái gì hết, để mình “chín” tự nhiên thì tốt hơn.

– “Con người mình muốn” trong đích đến âm nhạc của bạn là gì?

– Bây giờ tôi tập cho âm nhạc của mình có hơi thở, như một cách Thiền, để lắng nghe và kiểm soát mình. Tìm được hơi thở trong âm nhạc thích lắm, thấy mình rất bay! Tôi chỉ muốn có hơi thở tốt nhất, thoải mái, suôn mượt và thật tự nhiên.

 

Tôi cứ dựa dẫm vào những thương yêu quanh mình: ba, mẹ, chồng, con, thậm chí là cả cây đàn. Tôi tự thấy mình nhiều xao động, như một dây leo cần nương vào mọi người. Trạng thái duy tình cũng rất tiêu cực, nó luôn khiến mình phải bám vào sự thương yêu như một tồn tại duy nhất. Nếu không được hoặc không thể thương yêu nữa, tôi nghĩ mình không còn tồn tại!
(Nhạc sĩ Sa Huỳnh)

 

Bài: Quỳnh Tun – Ảnh: Dy Duyên

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Tìm được người đồng hành với mình rất khó. Nhạc sĩ bây giờ rất nhiều, ca sĩ cũng thế nhưng để làm việc chung thì cần nhiều lý do”. Trang Pháp nói vậy. Những lý do của Trang hẳn cũng có lý lẽ của nó, vì gần như chỉ mới hai năm, con đường âm nhạc mà cô chọn lựa cùng sự hỗ trợ của Dương Khắc Linh đã ngày càng rõ ràng hơn.


From the same category