Nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi không oai, nhưng chắc là có uy!” - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi không oai, nhưng chắc là có uy!”

Sao

Đẹp vì thế đã có với ông cùng 3 diva những câu chuyện mà bình thường, không dễ gì nói ra hết được, giữa họ…

 

Không hiểu được…  sự nhàn rỗi

Tổ chức live show giữa lúc thiên hạ đang phải “thắt lưng buộc bụng” thế này, ông có tính đến yếu tố “thiên thời, địa lợi…”?

– “Thiên thời địa lợi” của tôi không phải là để kiếm tiền, cũng không để tổng kết sự nghiệp mà là đã đến lúc tôi cảm thấy có thể “đánh liều” gặp lại công chúng của mình được rồi – chủ yếu là thế hệ 7X.
Khi mà sau một thời gian bươn chải, chắc là họ đã muốn được nghe nhạc và cũng muốn “gặp lại” tôi. Và cũng vì không muốn phụ lòng công chúng của mình nên tôi quyết định tự mình làm cho tử tế, thay vì phụ thuộc các ông bầu.

Cái công mà cũng là cái “tội” của Dương Thụ sau “Chat với Mozart” và “Điều còn mãi” là làm dấy lên phong trào “nhà nhà dùng nhạc giao hưởng” (kể cả các sao thị trường). Điều đó theo ông là đáng mừng hay đáng lo ngại?

– Dù sao ta cũng nên vui vì xã hội đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, dù rất nhỏ nhoi. Từ chỗ coi thường trí thức, coi thường văn hóa đến chỗ thích đóng vai trí thức, thích tỏ ra mình là người có văn hóa. Thế cũng chẳng tốt sao! Chỉ có điều làm thế rồi có khi trắng đen lẫn lộn và sẽ xuất hiện lớp người văn hóa mạo danh. Nhưng tôi tin rằng những kẻ mạo danh sẽ không thuyết phục được ai, bởi công chúng trẻ trông vậy thôi nhưng cũng tinh lắm đấy!

2012 vẻ như sẽ là một năm đột phá của Dương Thụ, khi nghe nói ông sẽ triển khai cùng lúc 2 dự án mới?

– Ngoài “Điều còn mãi”, tôi còn dự án “Giao hưởng cho tuổi 20” với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia, một concert định kỳ vào tháng 10 hàng năm cho giới trẻ có nhu cầu và điều kiện đến với lĩnh vực âm nhạc này. Còn một dự án khác (cũng định kỳ mỗi năm) là sự kết hợp giữa nhạc thính phòng đương đại với nhạc nhẹ có tên là “Cửa sổ âm nhạc”, mà “cửa sổ” đầu tiên chính là đêm nhạc nói trên.

Bằng ấy “đại sự” mà ông tính theo đuổi ở vào tầm tuổi này sao? Ông quên “thương” mình à?

– Một năm thực hiện tới 3 dự án lớn có vẻ hơi quá sức! Nhưng biết làm thế nào được, quỹ thời gian của tôi còn quá ít, tôi đã bước sang tuổi 70 rồi, phải tranh thủ thôi! Với tôi, hạnh phúc nhất là được làm việc cho gia đình, cho âm nhạc, và một chút gì đó cho xã hội khi có thể…

Người từng xin “Cho em một ngày” hóa ra cũng “lén lút” xin cho mình “một ngày” bằng một lời chào trong điện thoại, gồm bốn chữ: “Một – ngày – thong – thả!”. Như một lời nhắc khéo khi bắt đầu một ngày, dù ông hầu như chưa bao giờ chịu “nghe lời” chiếc điện thoại rất cũ và có cái màn hình bé tí của mình…

Vì sao ông lại “ki bo” với mình đến vậy? Chỉ là “một ngày” thôi mà, không được sao?

– Chắc là vì tôi không được hay như mọi người, họ biết làm nhưng cũng biết chơi. Tôi thì không biết chơi, không hiểu được sự nhàn rỗi, mặc dù cả đời cầu mong thong thả, nhàn hạ. Có thể đó cũng là bi kịch. Nhưng có lẽ cái số tôi là như thế, cái số vất vả chung thân. Nếu không có việc để làm chắc tôi khó sống nổi!

Sự dở hơi rất quan trọng!

Trước đó ông đi đâu và vì sao ông quay lại quyết liệt đến vậy?

– Tôi chẳng đi đâu cả. Đầu tư vào một công việc tử tế cần phải rất nhiều thời gian, phải tập trung. Và muốn tập trung đương nhiên phải “im lặng” hay nói cách khác là phải “lặn”. Nếu cứ có ý tưởng hay mà nhào ra làm ngay, thì thất bại là cầm chắc!

Ba chữ “Thái thượng hoàng” có vẻ rất thích hợp để diễn tả vị thế và cái uy của Dương Thụ trong làng nhạc?

– Bên giới giải trí thì người ta tha hồ phong nhau là vua, ông hoàng…, chẳng ai chấp, vì đó chỉ là nói vui thôi mà! Còn trong lĩnh vực nghệ thuật nghiêm túc, chúng ta không được phép lộng ngôn. Một người như tôi đâu có vị thế gì. Tôi chỉ là một người làm việc độc lập, không dựa dẫm, xin xỏ ai, tự mình nghĩ ra, tự mình làm và vận động người khác cùng làm. Tình yêu nghề và sự yêu quý tôn trọng đồng nghiệp cùng khả năng kiên định theo đuổi những gì mình yêu thích (không chỉ cho riêng mình) cộng với hiệu quả công việc – những điều ấy ở tôi có lẽ đã thuyết phục được những người trong giới nhạc mà tôi từng cộng tác. Cái mà bạn gọi là “uy” chắc là ở đấy! Tôi không oai, nhưng chắc là có uy tín. Mà oai thì để làm gì, chuyện đó thật vớ vẩn!

Âm nhạc của ông thường gây ấn tượng ở sự ngây thơ. Sự ngây thơ ấy đến từ đâu? Tới giờ này, có còn?

– Tôi vụng về từ bé, lại có tính lơ đãng. Trong gia đình, thuở bé, tôi là người đáng thất vọng nhất. Ông anh cả bảo tôi là thằng “ngố tầu”, mẹ tôi bảo “thằng Thụ chẳng được cái gì, chỉ được mỗi cái thật thà”. Ai nói gì mình cũng tin, cũng tưởng thật, vì thế nên hay bị bạn bè trêu. Bây giờ cũng vẫn còn “hơi hơi” như thế. Thêm nữa là tôi không chỉ sống với con người. Có lẽ khoảng thời gian để sống với thiên nhiên quanh mình cũng nhiều không kém. Cây cối, hoa cỏ, chim muông, vật nuôi những nơi tôi ở, tôi đến đều là bạn bè thân thiết. Tôi trò chuyện với chúng hàng ngày, trò chuyện trong im lặng. Nếu thấy tôi những lúc như thế chắc bạn sẽ cho là dở hơi. Nhưng sự dở hơi quan trọng với tôi lắm! Nó cho tôi tình yêu với những gì là sự sống xung quanh mình, cho tôi năng lượng để giữ cho mình tồn tại được theo cách bạn nói là sự ngây thơ.

Lúc nóng, tôi là kẻ thất thế…

Điều gì là gạch nối giữa “con chim bay lên trong nắng, vỗ cánh bay vào ngày xanh thắm…” và “có những chân trời xanh thế”? Vì sao trong âm nhạc của ông rất hay có màu “xanh” và “chân trời” – như thể ông đang muốn gieo hy vọng, trong khi cái giọng thì lại đượm buồn?

– Viết là nhớ, là mơ về một cái gì đấy, nó ám ảnh và tự nhiên thành giai điệu, thành hòa thanh, tiết tấu và lời ca. Cái “ngày xanh thắm”, cái “chân trời xanh thế” cũng chỉ là những biểu tượng nghệ thuật. Nó không phải là những câu tả cảnh, mà tả tình. Tại sao ta lại nhớ, bởi vì ta biết rằng mình không thể quay trở lại những cái đã sống qua: tuổi thơ, mối tình đầu, ngôi nhà cũ… Tại sao ta lại mơ? Vì ta hiểu cuộc đời thực chẳng bao giờ như ta muốn. Vậy nên hy vọng đấy mà cũng thoáng buồn đấy! Đó là cái thật của nội tâm tôi chứ tôi không có ý gieo hy vọng cho ai, mà cũng chẳng dám tạo nỗi buồn cho ai.

Ông cũng hay nhắc tới “mùa đông” nữa, vì sao vậy? Cái rét là sự ám ảnh?

– “Nơi ấy mùa đông, xa lắm mùa đông…” – câu mở đầu của một bài hát rất buồn viết vào năm 1978 trong một căn phòng tối tăm một đêm cúp điện. Mùa đông là miền Bắc, là Hà Nội, là tuổi thơ tôi và một phần tuổi trẻ của tôi. Mùa đông là cái mùa nghèo nhất, khắc nghiệt nhất, nhưng nó rất thật và cũng rất giống tôi nên tôi yêu nó. Nhưng rốt cuộc tôi đã bỏ cái mùa đông của mình để vào sống với cái mùa hè của vùng đất mới. Vì thế mùa đông và cái rét càng trở nên ám ảnh hơn…

Nỗi buồn nào theo ông là đáng giá?

– Nỗi buồn đáng giá nhất là nỗi buồn của những tâm hồn khỏe mạnh, trong sáng. Vì trong sáng, vì khỏe mạnh mà buồn. Những nỗi buồn gắn với khát vọng sống, khát vọng nghề nghiệp, gắn với tình người, với xã hội, với nơi mình sinh sống, với đất nước. Những nỗi buồn ấy trở thành động lực, có thể tạo nên sự nghiệp, tạo thành những sản phẩm tinh thần và vật chất cho xã hội.

Âm nhạc của một người đàn ông lớn tuổi vì sao lại có nhiều bài hát ru thế nhỉ? Đó là Dương Thụ ru người hay ru mình?

– Thuở bé, tôi sống với vú nuôi nhiều hơn là với mẹ. 14, 15 tuổi đã bắt đầu tự lập, sống xa gia đình. Cái âu yếm dịu dàng trong thể loại hát ru chính là giấc mơ của tôi. Tôi chẳng dám viết để ru người, mà là ru mình!

Vì sao “em” của ông hầu hết là cỏ cây hoa lá mà không phải là một “nàng thơ” hay “bóng hồng” nào? Khó bảo như Dương Thụ mà… sợ vợ sao?

– Dĩ nhiên sống thì phải nể vợ rồi! Nhưng chuyện này chẳng liên quan gì đến âm nhạc. Cỏ cây hoa lá không thì cũng chưa hẳn. Cũng có những người con gái mà mình không biết tên, họ đi qua mình, đánh thức trong mình những cảm xúc mà vì thời gian và công việc nó đã bị vùi lấp. Nên nếu có “nàng thơ” hay “bóng hồng” trong âm nhạc của tôi thì cũng chỉ đến cỡ đó là hết!

Nể thì nể, nhưng… nóng vẫn nóng, với cả vợ lẫn… 3 diva, tôi nghe nói thế? Sự nóng nảy – đó có phải là “gót chân Asin” của ông không?

– Dĩ nhiên đó là tật xấu của tôi. Cái này hại tôi nhiều lắm! Tôi đã cố gắng kiềm chế mình. Nhưng càng nén nhịn, cái nóng nảy càng bị dồn ép, thì khi lỡ không kiểm soát được, nó lại càng bùng phát rất ghê gớm. Lúc ấy tôi như một thằng điên. Rất may sự “điên loạn” này thường chỉ xảy ra lúc tôi một mình, hoặc ở trong nhà. Người chịu đựng những cơn nóng ấy là vợ tôi. Tất nhiên có lúc, ít thôi, các cộng sự của tôi cũng bị, nhưng họ hiểu tôi nên bỏ qua. Đúng là tôi chỉ mạnh khi nào bình tĩnh, nhẹ nhàng. Còn lúc nóng, tôi là một kẻ thất thế.

Dương Thụ không nghèo – đó là vì ông ấy sống được bằng nghề, hay… không cần sống bằng nghề?

– Trước kia sống bằng nghề nhạc thì nghèo. Bây giờ nếu thực sự giỏi nghề thì chẳng ai nghèo cả. Tôi chưa giỏi nghề lắm thế mà cũng sống được đấy! Người tự trọng không thể sống nghèo. Người có gia đình còn phải nỗ lực hơn nữa. Cao ngạo với những giá trị tinh thần của mình mà phải đi xin rượu, để vợ con ở nhà nheo nhóc là không thể chấp nhận được!

Đẹp+… số này là câu chuyện của nhạc sĩ Dương Thụ: những trải nghiệm của ông trong cuộc sống, công việc; và tình cảm của những cộng sự thân thiết dành cho ông, họ nói gì về người nhạc sĩ tài hoa, người thầy tin cậy của mình

Bài viết đã đăng:

>> Nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi không oai, nhưng chắc là có uy!”

>> Dương Thụ trong mắt 3 Diva 

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo:

>> Nhạc sĩ Dương Thụ với 3 Diva

Thực hiện: Thư Quỳnh
Nhiếp ảnh: Quang Khuê, Trọng Tùng
Trang điểm: Đỗ Nguyên – Phước Lợi 

Thực hiện: depweb

04/10/2012, 10:12