Nhà văn Trang Hạ: "Nếu cuộc đời bạn thất bại, sao lại đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục?" - Tạp chí Đẹp

Nhà văn Trang Hạ: “Nếu cuộc đời bạn thất bại, sao lại đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục?”

Sao

Tôi hi vọng từ bây giờ những lời buộc tội thầy cô nên chấm dứt

Câu chuyện em học sinh (Phan Văn Huy – Trường THPT Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) được 27 điểm 3 môn thi nhưng không vào đại học, trong mắt nhiều người là bất thường, nhưng tôi thấy đó là chuyện bình thường. Ở quốc gia nào hay thời đại nào, con người đều có những sự lựa chọn riêng. Có người lựa chọn dựa theo tiêu chí tiền – trường nào trao học bổng thì họ học; có người lựa chọn theo tiêu chí tiền đồ (tiền + đồ)  – ngành nào có tương lai kiếm lắm tiền thì họ học; có người lại lựa chọn theo đam mê. Vì vậy, lựa chọn của em học sinh kia là chuyện hoàn toàn bình thường. Nên nếu chúng ta thấy bất thường thì tôi cho rằng những thứ trong đầu chúng ta mới cần xét lại. Có lẽ bởi từ lâu chúng ta quen với những thứ méo mó, nên bây giờ trước điều bình thường lại cảm thấy khác lạ. Vậy vấn đề nằm ở chúng ta chứ không nằm ở sự lựa chọn của em học sinh được 9 điểm mỗi môn kia.

Nhà văn Trang Hạ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Còn chuyện một em học sinh lớp 6 mới đây tuyên bố, nếu ngành giáo dục không thay đổi phương cách quản lý thì khi trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục em sẽ làm, quả là một phát ngôn thú vị. Nhưng thú vị không có nghĩa là có giá trị. Bởi phát biểu của em chỉ gây sốc vì em đã nói những câu đáng ra là của người lớn. Và điều em gây chú ý nằm ở số tuổi của em chứ không nằm ở nội dung em nói ra. Vì phát biểu của em hết sức chung chung và giáo điều, không đưa ra căn cứ, không giải pháp, không trải nghiệm, nói toàn thứ đã quá thừa người nói trong suốt thời gian qua, và quá thiếu hiệu ích trong xã hội này. Thứ giáo dục Việt Nam đang cần là những chính sách cụ thể với những chuẩn cụ thể. Vì vậy, tôi đồ rằng, nếu trở thành bộ trưởng thực sự trong tương lai, em sẽ là một bộ trưởng thậm chí rất… tệ.

Trong quan điểm của tôi, cá nhân các thầy cô không có trách nhiệm với cuộc đời con cái các bạn. Tôi hi vọng từ bây giờ những lời buộc tội cô giáo hãy chấm dứt.

Tôi có ba đứa con, con lớn đang học Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Con thứ hai đang học tiểu học và một cháu đang học mầm non. Cách đây 10 năm, kể từ khi con lớn nhất đến trường cho tới hôm nay, mỗi lần có dịp đón con đi học về, lúc nào tôi cũng hỏi con: “Hôm nay ở lớp có gì vui không con?, trong khi đa số phụ huynh đứng bên cạnh tôi đều hỏi con của họ: “Hôm nay con được mấy điểm?, điều ấy từng làm tôi cảm thấy áy náy, như thể mình không phải là một người mẹ tốt vậy. Nhưng tôi vẫn kiên định nghĩ rằng, quan trọng nhất của cha mẹ là phải quan sát con cái để xem chúng thích gì và có sở trường về cái gì chứ mình không cố gắng so sánh con với một đứa trẻ khác, cũng như không cần so sánh con với một cái chuẩn nào đó, chẳng hạn như cái chuẩn điểm số.

Tôi vẫn nghĩ, nếu nền giáo dục này chưa thay đổi được, thì mỗi ông bố bà mẹ đều nên có cách nhìn thay đổi về nó trước tiên, để đỡ gây áp lực cho con cái. Trong quan điểm của tôi, cá nhân các thầy cô không có trách nhiệm với cuộc đời con cái các bạn. Tôi hi vọng từ bây giờ những lời buộc tội cô giáo hãy chấm dứt.

Sinh viên chuẩn bị ra trường (Ảnh chụp tại Hoàng thành Thăng Long – Nguyễn Công Đại)

Câu chuyện hai anh em Nguyễn Tăng Tiên: anh thì làm hiệp sĩ còn em là cướp khiến bạn nghĩ tới điều gì? Rõ ràng hai anh em họ cùng thụ hưởng một nền giáo dục, lại cùng ăn chung nồi cơm của mẹ, sao lại trở thành hai người khác nhau. Điều này chỉ có thể lý giải rằng, cá tính và sự tự nhận thức, tự giáo dục, thậm chí hành trình giáo dục trọn đời của mỗi người là điều quan trọng nhất.

Vì vậy, tôi cho rằng làm cha mẹ không gì tốt bằng việc tạo điều kiện để các con tự học, tự giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là một nạn nhân

Trong câu chuyện dư luận lên án Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là một nạn nhân. Bản thân xã hội chúng ta đang thiếu hụt triết lý làm người. Mục tiêu của giáo dục hiện tại chỉ là: đào tạo ra con ngoan – trò giỏi. “Con ngoan” là theo cách mà xã hội muốn, “trò giỏi” là giỏi theo đánh giá bằng điểm số của thầy cô chứ không phải theo đánh giá khả năng cá nhân đa dạng của các em. Tức là giáo dục của chúng ta nặng tính khuôn mẫu.

“Tôi thậm chí nghĩ, việc lên án của đám đông về câu chuyện giáo dục chỉ là những cơn – phẫn – nộ – theo – mùa.”

Các bậc phụ huynh và các em học sinh hiện đang trách cứ sự thay đổi của Bộ Giáo dục, nhưng tôi nghi ngờ về chuyện sẽ có phụ huynh lên tiếng đòi hỏi những điều cụ thể cho con em họ.

Hãy nhìn lại câu chuyện đề án giáo dục 34 nghìn tỉ, lỗi cuối cùng được cho là do một nhân viên đánh máy, nhưng có ai truy ra người đánh máy tắc trách đó là ai hay không, lý do vì sao đề án đó xuất hiện trên bàn nghị trường không?! Tất cả những việc chưa đúng ấy đều có một đối tượng chịu trách nhiệm chung chung là: Bộ Giáo dục.

Vì vậy, việc lên tiếng chung chung của mạng xã hội hay một bộ phận người nào đó, tôi cho rằng nó không có tác dụng, chưa kể đến việc nó không hề mang tới một giải pháp cụ thể nào. Có chăng, cái được sau những “cơn lên đồng” của dư luận chỉ làm cho đám đông nguôi ngoai cơn tức giận tạm thời. Sau đó, chính họ lại lặng lẽ chấp nhận tất cả. Có thể chính những người nóng giận ấy lại góp sức đun đổ cánh cổng Trường Thực nghiệm, lại âm thầm mua suất vào trường công trái tuyến với giá ngàn đô.

Nhà văn Trang Hạ cho rằng, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân mình trước tiên

Tôi thậm chí nghĩ, việc lên án của đám đông về câu chuyện giáo dục chỉ là những cơn – phẫn – nộ – theo – mùa. Tháng 9 họ phẫn nộ về giáo dục, Tết Nguyên đán họ phẫn nộ về hàng tiêu dùng bị làm giả, tháng 7 sinh viên thi đại học lại có cơn phẫn nộ về việc chọn trường, tháng 6 khi sinh viên ra trường họ lại phẫn nộ về tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tăng cao. Và ngồi đây, tôi nghĩ, sang năm bằng giờ chúng ta lại phải chứng kiến sự “lên đồng” tập thể của dư luận đối với Bộ Giáo dục. Tôi không nhìn thấy sự tích cực nào ở trong đấy cả.

Tôi có một anh bạn, cả năm 2014 anh nghỉ việc ở nhà đã đọc sách, nghiên cứu, tìm tòi để viết khoảng 10 bài báo dẫn hướng giáo dục, tự giáo dục và tự trưởng thành trên các ấn phẩm báo chí lớn, góp phần định hướng xã hội. Những bài anh viết đều có giá trị định hướng quan điểm sống, định hướng gìn giữ những giá trị trong gia đình. Tôi thấy không có nhiều người thực sự tìm cách tích cực như vậy để đánh động đám đông. Điều ngạc nhiên là, cách mà đám đông dùng phổ biến là ngồi viết một cái status và “chửi bới” những điều bất như ý.

Tôi nghĩ, ở thời điểm hiện tại, các bậc phụ huynh thay vì ngồi đấy than phiền về chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại sao họ không dành thời gian động viên con mình đưa ra quyết định đúng đắn trong việc chọn trường. Nếu như năm nay các em chỉ có cơ hội trong 30 ngày để lựa chọn trường mình có thể theo học, thì chúng ta phải tận dụng khoảng thời gian này. Còn nếu chúng ta ngồi viết status lên án ai đó, bộ ngành nào đó, thì thời gian sẽ trôi qua nhanh lắm. Trước tiên chúng ta phải tự tìm giải pháp cho cuộc đời của mình và cho con cái của mình. Và bạn làm ơn đừng lớn tiếng phê phán ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những thất bại của cuộc đời bạn hay cuộc đời con bạn. Bởi ta là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của cá nhân mình. 

Tôi từng tự nhận mình là nạn nhân của công cuộc cải cách giáo dục “không giống ai” năm 1980-1981 của Việt Nam. Viết xấu, chữ lệch, dốt ngoại ngữ… Nhưng 30 tuổi nhìn lại mới thấy, chỉ là chính tôi đã không tự tìm những cách tích cực nhất để giải quyết vấn đề của bản thân, mà lại dành nhiều năm đời mình ra để ôm một mối oán trách vô bổ.

Đó là lý do, hoặc bạn xắn tay áo nhảy vào làm, hoặc bạn thôi chửi!

Nhà văn Trang Hạ


logo

Thực hiện: depweb

17/08/2015, 08:39