Salman Rushdie là nhà văn từng phải chịu án fatwa (án tử hình do giáo chủ Hồi giáo ở Iran Ayatollah Khomeini tuyên) bị săn đuổi và đốt sách khi xuất bản tiểu thuyết “Satanic Verses” (tạm dịch: Những vần thơ của quỷ) năm 1989, khai thác đề tài những kẻ khủng bố Hồi giáo và được coi là phỉ báng đạo Hồi. Vào thời điểm đó, nhiều cửa hàng sách ở Anh bị đánh bom vì bán cuốn sách, một chủ NXB ở Nauy bị bắn vì mua bản quyền ấn hành cuốn sách, một dịch giả người Nhật của cuốn sách bị đâm chết ở Tokyo, 37 người dân bị thiệt mạng trong một vụ tấn công dịch giả Thổ Nhĩ Kỳ của cuốn sách.
Trong suốt hơn 10 năm, Rushdie sống trong sợ hãi. Ngay cả khi Khomeini qua đời, bản án dành cho nhà văn vẫn chưa bị xoá bỏ một cách chính thức. Năm 1998, Salman Rushide được tự do sống ngoài ảnh sáng sau nhiều năm phải ẩn lánh, và từ năm 2000, ông chính thức chuyển tới sống ở New York.
Năm 2012, Rushdie xuất bản cuốn hồi ký “Joseph Anton: A Memoir” kể về cuộc đời ông sau khi tác phẩm gây tranh cãi “The Satanic Verses” ra mắt.
– Xin hỏi ngài Rushdie, ngài có cái nhìn lạc quan về thế giới không?
– Không. Tôi nghĩ thật khó để trở thành nhà văn ở thời điểm này của lịch sử thế giới và đồng thời là một người lạc quan. Nhưng dù sao, chuyện đen tối lại làm nên một hài kịch hay hơn.
– Điều gì thúc đẩy ông viết?
– Tôi chẳng làm gì khác được. Tôi luôn muốn viết. Chỉ có một kế hoạch khác tôi có trong đời là tôi từng muốn trở thành diễn viên. Nhưng chuyện đó không thành công. Tôi luôn nghĩ rằng nếu có một bộ phim làm từ “Midnight’s Children” (“Những đứa con của nửa đêm”), phần tôi thích đóng nhất là làm người tiên tri. Tôi nghĩ, vì tôi đã tạo nên rất nhiều plot của tiểu thuyết, nên nếu bộ phim được làm, tôi nên đóng vai nhà tiên tri.
– Bây giờ thì bộ phim được làm rồi. Ông có tham gia trong đó không?
– Ông đạo diễn có thuê tôi, nhưng tôi tự sa thải bản thân, vì điều cuối cùng bạn muốn xảy ra với cảnh phim là khiến khán giả phải nghĩ: “Đấy có phải là Salman Rushdie không?”. Điều đó có thể khiến cho sự chú ý của bạn hướng đi chỗ khác. Chúng tôi cắt cảnh đó khỏi phim rồi.
– Tệ nhỉ. Ông mới xuất bản một cuốn tự truyện về những trải nghiệm của ông về đời sống ẩn dật trong suốt 10 năm sau khi xuất bản cuốn “The Satanic Verses” (Những vần thơ của quỷ) khiến giáo chủ Ayatollah Khomeini đã phải tuyên án tử hình (fatwa) với ông. Ông có cảm thấy ổn không khi cuối cùng cũng thoát được khỏi chuyện đó?
– Có. Tôi đã đợi rất lâu để nói điều này, vì tôi muốn chạm tới điểm mà tôi đã ở xa đủ khỏi chất liệu để có thể viết về nó một cách khách quan. Tôi không muốn trở thành một kẻ kể lể sướt mướt. Tôi không muốn sách của mình giống một tập truyền hình thực tế Oprah. Vì thế tôi đã đợi tới 23 năm kể từ khi chuyện đó xảy ra. Tôi đã đợi để viết, không chỉ về những năm tháng phải chịu fatwa, mà còn về cuộc đời thời thanh niên của tôi. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ mình viết được hồi ký.
– Tại sao không?
– Nếu người ta hỏi tôi sớm hơn, tôi có thể nói rằng: “Tôi không thích. Tại sao tôi lại phải viết hồi ký?”. Tôi không hứng thú với việc viết về chính mình. Lý do mà tôi trở thành nhà văn là vì tôi muốn viết về những người khác.
– Ông không phải là kiểu người đặc biệt hoài cổ phải không?
– Không. Tôi chỉ không may mắn nhận được lời nguyền phải có một cuộc sống thú vị thôi.
– Ông có trở thành một nhà văn khác hôm nay không, nếu ông không từng bị đe doạ?
– Không. Nếu bạn không biết chút gì về đời tôi – nếu bạn chưa từng đọc một thứ gì về cuộc đời tôi và tất cả những gì bạn có chỉ là những cuốn sách – và nếu bạn đã đọc những cuốn sách của tôi thì chẳng có gì lạ xảy ra vào năm 1989 cả. Tôi không nghĩ rằng bạn có thể thấy có một sự kiện lớn trong cuộc đời một người viết, vào một khoảnh khắc thôi, và nó khiến các cuốn sách sau đó trở nên hoàn toàn khác. Tôi nghĩ những cuốn sách có sự tiếp nối của riêng chúng, và chúng đang tạo ra hành trình của riêng mình.
– Bây giờ ông còn phải cảnh giác để sống nữa không?
– Không. Đã hơn mười năm kể từ khi tôi có yêu cầu phải cẩn thận về mọi thứ. Đã rất lâu rồi. Tôi đã sống ở New York và London trong 10 năm, và tôi đã có một đời sống hoàn toàn hướng về phía trước.
– Tôi nghe nói rằng “Những đứa con của nửa đêm” đã bị kiểm duyệt trong quá trình in ấn và từng có một cái tên khác. Có phải từng có nỗi sợ các cuộc biểu tình của những kẻ Hồi giáo cực đoan?
– Không. Chuyện xảy ra khi bạn đang quay phim ở Ấn Độ – không chỉ Ấn Độ, mà ở Nam Á – là nếu có một cuốn sách hoặc một dự án nào đó khiến truyền thông hứng thú, họ sẽ cực kỳ tập trung vào nó. Và điều đó trở thành một nỗi khó khăn có thật. Vì thế lý do để đặt một cái tên ngớ ngẩn cho quyển sách là vì chúng tôi không muốn thu hút sự chú ý. Làm phim đã đủ khó rồi, khỏi cần phải có những người đó ở xung quanh, cứ đòi tham dự hoặc phỏng vấn rồi những chuyện khác nữa.
– Ông có nổi tiếng ở Ấn Độ không?
– Có, một chút. Không giống như Madonna, không giống như là U2, không phải kiểu nổi tiếng đó. Tôi có thể đi loanh quanh một cách hoàn toàn bình thường.
Sau tất cả, hầu như cuộc đời của một nhà văn diễn ra trong những hoàn cảnh rất riêng tư, trong sự cô lập để nỗ lực làm công việc của mình.
– Tại sao cuốn hồi ký của ông lại không viết ở ngôi thứ nhất?
– Vì tôi luôn có ý nghĩ rằng tôi không muốn cuốn này trở thành một kiểu nhật ký hay tự thú. Tôi không muốn nó là một quyển sách viết để trả thù. Tôi biết tất cả những thứ tôi không muốn ở nó, nhưng tôi không biết tôi muốn nó là như thế nào. Mỗi lúc tôi cố gắng, tôi đều không thành công, vì thế, tôi đặt nó sang một bên.
Và rồi tôi nhận ra một trong số những thứ tôi không thích đó là tôi là ngôi thứ nhất, cứ suốt ngày tôi thế này tôi thế kia, tôi cảm thấy thế này, mọi người nói thế kia về tôi. Giống như một kiểu yêu bản thân lố bịch. Vì thế, vào một thời điểm nhất định, tôi nghĩ: hãy để mình nhìn những chuyện xảy ra như mình đang viết tiểu thuyết, về một người thứ ba. Và tôi đã có cuốn sách.
– Điều đó khiến cuốn sách được đọc như một tiểu thuyết, hoặc như là ông nói về chính mình trong cuốn sách, nhưng lại không phải là một tiểu thuyết hay của Rushdie, vì toàn kịch tính và những chuyện như là siêu thực.
– Một trong những cách để tôi diễn đạt cuốn sách với chính bản thân mình là nói về bức tranh của tôi vẽ một thế giới đã đổ vỡ. Chúng ta đều như thế – chúng ta đều có một bức tranh về thế giới chúng ta sống, và chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết hình dáng của nó như thế nào, chúng ta đang sống ở đâu. Một từ khác để nói về chuyện này là ‘sự minh mẫn’. Và rồi đột nhiên thật khó để biết được thế giới có hình gì, tôi đang đứng ở đâu, chúng ta phải hành động thế nào. Một từ khác để nói về chuyện đó là ‘không tỉnh táo’. Tôi đã thực sự sống như thế ngày này qua ngày khác.
– Ông có lời khuyên nào cho ai đó có thể đang phải sống trong những mối đe doạ giống ông ngày xưa?
– Tôi có hai lời khuyên. Thứ nhất là: Đừng thoả hiệp. Đó là câu hỏi về tự nhận thức, biết được bạn là ai và vì sao bạn làm điều bạn đang làm. Hãy đứng lên vì điều đó. Điều thứ hai là nếu tôi được làm điều đó một lần nữa, tôi sẽ không sống ẩn dật và lẩn tránh nữa. Tôi sẽ nói: Tôi có một ngôi nhà, tôi đang trở về nhà. Hãy bảo vệ tôi.