Vào một chiều mưa tháng 7, có khoảng 500 độc giả đã đội mưa tới đứng, ngồi chật cứng trong hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp l’Espace, Hà Nội để lắng nghe buổi nói chuyện (lần đầu tiên) của nhà văn Phan Việt, giáo sư Ngô Bảo Châu và dịch giả Lâm Vũ Thao về cuốn sách mới nhất của nhà văn Phan Việt “Một mình ở châu Âu”. Tính tới nay, cuốn sách đã được in tới lần thứ 3 và trở thành sách bán chạy nhất ở thời điểm phát hành (tháng 3/2013).
“Một mình ở châu Âu” không chỉ là những trang viết duyên dáng về châu Âu trong tâm tưởng nhà văn, mà còn là hành trình nội tâm của một phụ nữ tới châu Âu với tâm thế không ràng buộc, không định kiến, chỉ có những suy tư mang tính bước ngoặt cho cuộc hôn nhân của mình. Phan Việt nói chuyện có duyên, tự nhiên và thẳng thắn. Chị không giấu diếm câu chuyện của mình, mà chân thành muốn chia sẻ kinh nghiệm vượt qua nỗi sợ hãi để can đảm đối mặt với khủng hoảng và tìm thấy hạnh phúc bền vững.
“Một mình thì vẫn hạnh phúc được”
– Dù chị không tự nhận cuốn “Một mình ở châu Âu” là sách du ký, nhưng tôi vẫn có chút liên tưởng tới cuốn “Ăn, Cầu Nguyện, Yêu”. Điểm chung dễ nhận thấy nhất là tác giả của hai cuốn sách: hai phụ nữ gặp khủng hoảng trong đời sống và qua du lịch, qua trải nghiệm đã tìm được con đường giải thoát cho mình. Một người đã tìm được tình yêu đích thực, còn chị, chị có thể chia sẻ (một lần nữa) rằng chị đã tìm thấy gì?
Phan Việt là tác giả các tập truyện ngắn “Phù phiếm truyện” (2005, giải Nhì cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III); tiểu thuyết “Tiếng người” (2008), “Nước Mỹ, Nước Mỹ” (2009)… Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Phan Việt lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago và hiện là phó giáo sư ngành công tác xã hội tại Mỹ.
Đầu năm nay Phan Việt ra mắt cuốn sách “Một mình ở châu Âu” (tập đầu trong bộ sách “Bất hạnh là một tài sản”). Cuốn sách mới ra mắt của Phan Việt kể về một phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ trong một cuộc hôn nhân đầy bất an. Cô quyết định đi châu Âu một mình và sau đó hiểu rằng “nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất đời người” nhưng mỗi bước chân đi ra khỏi hôn nhân đều đầy day dứt.
– Lúc tôi đi, không thể nói là tôi có khủng hoảng; mọi thứ nó cũng không rõ ràng như sau này mình nhìn lại. Lúc đó, tôi chỉ có một số nỗi niềm dai dẳng mà nó cứ trở đi trở lại từ lâu dù mình không nói ra, nó cứ chạy ngầm trong cuộc sống của mình. Khi tôi một mình ở châu Âu thì những thứ này nổi lên rõ ràng, mình không phải đè nó xuống và không muốn đè nó xuống nữa. Như tôi cũng có nói trong sách, khi ở châu Âu, tôi thấy lại cảm giác hạnh phúc tự nhiên, hạnh phúc mà tôi biết và thoải mái bày tỏ. Nó làm cho tôi nhận rõ thà một mình mà hạnh phúc như thế này (tuy có cô đơn) còn hơn; và một mình thì cũng vẫn hạnh phúc được.
– Và một điểm chung nữa giữa chị và tác giả của “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” là cả hai đều (từng) tìm tới tôn giáo. Chị có thể nói về lý do và những gì chị đã tìm thấy ở lựa chọn này?
– Nếu nói cho rõ ngọn ngành thì nó thế này: Tôi muốn tìm cách chấm dứt việc mình bị quăng quật, phụ thuộc vào những cơn sóng của đời sống. Tôi cứ nghĩ thật phi lý khi cuộc sống của mình bị quăng quật nhiều thế; suy nghĩ của mình, tình cảm của mình, đời mình mà dường như mình không kiểm soát được; mình cứ lên xuống, trôi nổi. Nói ngắn gọn hơn thì tôi muốn một cuộc sống hạnh phúc và tự do một cách bền vững chứ không phải kiểu ăn may, phụ thuộc bên ngoài.
Ở thời điểm đi châu Âu về, có lẽ là tôi đủ chán sự trôi nổi và đủ tin là có cách chấm dứt nó, hoặc tin là mình phải chủ động đi tìm câu trả lời, không thể nào để kệ nó được. Tôi đã tìm thấy gì thì chị phải chờ đọc quyển thứ ba trong bộ “Bất hạnh là một tài sản” này; tôi sẽ kể lại chi tiết tôi đã tìm thế nào và thấy gì. Nhưng như chị cũng có thể thấy, rằng mỗi tôn giáo có cách trả lời riêng cho những câu hỏi này cho nên tôi cũng tìm hiểu.
– Chị chia sẻ rằng chị đã tìm được cuộc sống mà chị mong muốn. Chị đã giải quyết những xung đột giữa mong muốn của chị và những đòi hỏi, mong đợi từ người thân về bản thân chị và cuộc sống của chị như thế nào?
– Không, tôi biết đến cái định dạng của cuộc sống mà tôi mong muốn thôi – tức là mô hình lý tưởng ấy. Còn cuộc sống thật của tôi vẫn đang chỉ cố gắng tiệm cận cái lý tưởng. Ít nhất, về cơ bản, tôi biết là tôi muốn và tôi hợp với cuộc sống trí thức, hàng ngày được tiếp xúc với sách vở, luôn luôn học, hỏi, đọc, tìm tòi, viết, dạy học, làm việc có ích cho mọi người – thì hiện tôi đều đang ít nhiều làm những việc đó. Nhưng còn cái lớn hơn mà tôi đã nói ở trên – một cuộc sống hạnh phúc và tự do một cách bền vững – thì tôi vẫn còn đang đi tới. Giải phóng mình để đi tới tự do là một quá trình dài.
Chuyện giải quyết xung đột giữa kỳ vọng của mọi người và của tôi thì… tôi nghĩ nếu mình đủ kiên định vào lựa chọn của mình, mình cứ làm, rồi mình cho họ thấy kết quả, họ thấy mình hạnh phúc thật, mình thành công thật, mình vui với lựa chọn của mình thì họ cũng phải để yên cho mình hạnh phúc thôi. Còn nếu họ vẫn không tin rằng lựa chọn của mình là tối ưu cho mình, họ không tin mình hạnh phúc thì có những lúc ta đành phải mặc kệ họ. Tôi thì có cái may mắn là tôi không phải đấu tranh gì nhiều cả. Từ lúc tôi bé, bố mẹ tôi đã biết tính tôi là nếu tôi muốn làm gì là tôi cứ thế làm, nên các cụ cũng không can thiệp.
“Cách hạnh phúc duy nhất là sống như mình muốn”
– Chị có nhận thấy thực ra vấn đề “sống tốt/giỏi/hiền như thế nào cũng không đủ” (nhận xét của nhà văn Phan Việt – PV) chỉ là vấn đề của phụ nữ Việt, chứ không phải vấn đề của đàn ông Việt Nam?
– Nếu nói tới mấy tính đó – như tốt, hiền, giỏi – thì đúng nó chỉ là vấn đề của phụ nữ Việt Nam. Đàn ông Việt Nam chắc cũng chịu cảm giác mình không bao giờ là đủ so với kỳ vọng của xã hội, nhưng có thể nó hơi khác một tí. Có thể họ cảm thấy không bao giờ đủ giỏi, đủ giàu, đủ thành công, đủ mạnh mẽ, đủ là trụ cột cho gia đình họ. So sánh hai giới thì phụ nữ chịu nhiều áp lực hơn. Chung quy, tôi có cảm giác nó đều ở chỗ vì ta không hạnh phúc đủ và vững trong chính mình nên ta cũng khắt khe với người khác. Ai cũng như thế, nên tất cả thành ra đều không đủ đối với nhau.
– Xung đột giữa được sống như mình mong muốn và phải sống như gia đình/xã hội mong muốn thực ra là mối bận tâm lớn của nhiều phụ nữ Việt. Chị có giải pháp gì có thể gợi ý cho họ không? Liệu có nên bỏ qua mong muốn của những người xung quanh để được sống như mình muốn?
– Từ lâu tôi đã nghiệm ra là để được sống cuộc sống như mình muốn thì người ta phải đấu tranh giành lấy cuộc sống đấy chứ nó không phải là một đặc quyền sẵn có mà mình có thể đòi hỏi, bắt người khác cho không mình đâu. Vả lại, mình có đấu tranh như thế mình mới biết nó là cuộc sống mình thực sự muốn chứ không phải là kiểu thích thú nhất thời, thích do lười, do chiều chuộng bản thân. Tôi thì tin cách duy nhất để hạnh phúc là phải sống như mình mong muốn; tôi cũng tin là khi một người hạnh phúc, những người xung quanh cũng sẽ hạnh phúc; cho nên mình đấu tranh cho hạnh phúc của mình thì rồi những người xung quanh cũng sẽ được hưởng.
Đôi khi, trong tất cả các lựa chọn của mình, chỉ có lựa chọn khó nhiều và khó ít chứ không có lựa chọn dễ, thế thì mình phải chọn cái lựa chọn nào mà nó có nghĩa lâu dài. Đã chọn rồi, thì lên kế hoạch rõ ràng để thực hiện nó chứ không phải chỉ có ao ước trong đầu, sau đó thì mình cứ thế làm thôi. Trong cuốn “Một mình ở châu âu”, tôi có lấy câu đề từ “Sợ thì cũng phải làm” vì tôi rất hiểu là muốn có cái gì thật của mình thì phải đấu tranh, bắt đầu từ những sợ hãi trong chính mình.
-Theo chị, cái giá phải đánh đổi cho cuộc sống ấy có là xứng đáng?
– Cũng tuỳ hoàn cảnh từng người. Với tôi thì có. Về cơ bản tôi cho là xứng đáng vì mình hạnh phúc thật thì mình sẽ muốn làm người khác hạnh phúc. Vậy là tốt cho tất cả chứ.
Nhà văn Phan Việt và bố mẹ tại Mỹ
– Hiện giờ, chị có cần nỗ lực để bảo vệ và để tiếp tục được sống cuộc sống đó không?
– Có chứ. Mỗi lúc mình muốn làm thêm một việc mới hoặc đẩy cuộc sống của mình lên thêm một nấc thì mình lại phải nỗ lực, phải đấu tranh chứ. Nhưng cái mà tôi phải nỗ lực nhất từ xưa tới nay thực ra không liên quan nhiều đến người xung quanh mà chỉ liên quan đến chính tôi. Cái tính tôi là lúc nào cũng muốn thử xem mình có thể làm đến đâu nếu mình cố hết sức, thế nên lúc nào mình cũng đang cố gắng… cố gắng dạy tốt ở trường, rồi cố gắng viết tốt… Nhưng mà thực ra như thế rất vui, vì mình cố không phải vì mình bị bắt buộc, mà vì mình muốn. Tôi sống đơn giản lắm, ngoài những chuyện công việc và đầu óc, đời sống hàng ngày của tôi rất đơn giản.
– Và câu hỏi cuối, tại sao tới bây giờ chị lại quyết định viết sách “á văn chương” mà không phải là văn chương thuần túy nữa?
– Đến cái lúc mình cảm thấy điều đó là cần thiết thì mình viết. Viết xong bộ này tôi lại quay lại viết văn.
– Xin cảm ơn chị!
Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Nhân vật cung cấp