Sinh ra vào năm 1971 ở Buôn Mê Thuột sau đó cùng gia đình tị nạn sang Mỹ, Nguyễn Thanh Việt nhìn thấy được những mảng sáng tối của chiến tranh. Hậu quả của nó không chỉ kéo dài trên mảnh đất Việt Nam mà còn ám ảnh những con người xa xứ. Nhất là khi chiến tranh ở Việt Nam trong những bộ phim Hollywood được dựng lại theo một cách khác. Ví như “Apocalypse Now” hay “Platoon”, người Việt hiện lên trên màn ảnh chỉ là những vai phụ và “nhiệm vụ” chính dường như chỉ là chết hoặc than khóc giữa những đống tro tàn của ngôi làng bị thiêu rụi.
Trong một bài phỏng vấn, Nguyễn Thanh Việt chia sẻ, ông từng cảm thấy tổn thương khi trên màn ảnh, một người Việt ngã xuống sau một phát súng và nhiều người khác trong rạp hát lại hào hứng vỗ tay cho người hùng là những lính Mỹ. Đó là lí do thôi thúc ông viết “Cảm tình viên”, để trả lại sự thật về cuộc chiến ở quê hương mình, một cuộc chiến đã bị bóp méo ít nhiều trong điện ảnh.
Ông không gán cái tên nào cho nhân vật chính của “Cảm tình viên”, phác thảo về ngoại hình cũng không được ông chú trọng. Có lẽ nó đại diện cho nhiều con người ở năm 1975, đang giằng xé mình giữa niềm tin chính trị và lòng trung thành cá nhân. Câu chuyện mở đầu bằng những dòng: “Tôi là gián điệp, một người đang ngủ, một con quỷ, một người có hai bộ mặt. Có lẽ, không có gì ngạc nhiên, tôi còn là một người có hai bộ óc, … có thể nhìn thấy mọi vấn đề từ cả hai phía. Đôi khi tôi tâng bốc mình rằng đây là một tài năng”. Nội dung chủ yếu xoay quanh cuộc đời của một điệp viên cộng sản được cài vào hàng ngũ Việt Nam Cộng hòa, sau đó vượt biên từ Sài Gòn qua Los Angeles để theo dõi nhóm phản động, tiếp tục làm công việc hoạt động tình báo.
“Cảm tình viên” trở thành sách gối đầu giường của nhiều người
Dù học thuật tốt với bằng tiến sĩ ngành tiếng Anh và hiện là phó giáo sư giảng dạy ở Đại học Southern California (Mỹ), nhưng việc được vinh danh ở giải Pulitzer có lẽ là một bất ngờ lớn không chỉ đối với Nguyễn Thành Việt mà cả cộng đồng người Việt trong ngoài nước. Bởi lẽ, việc đoạt giải thưởng này đồng nghĩa, một nhà văn Việt được xếp cạnh những những cái tên nổi tiếng thế giới cũng từng đoạt giải như Margaret Mitchell với “Cuốn theo chiều gió”, John Steinbeck tác giả của “Chùm nho uất hận” hay Ernest Hemingway nổi tiếng với “Ông già và biển cả”. Và không ít nhà văn đoạt giải Pulitzer sau này trở thành chủ nhân của Nobel văn chương.
“Cảm tình viên” từng đoạt giải Frist Novel Prize của giải Carnegie Medal và giải thưởng của Hiệp hội thư viện Mỹ châu Á/Thái Bình Dương. Đây cũng là tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2015 theo Los Angeles Times và là 1 trong 100 quyển sách đáng chú ý nhất 2015 được New York Times bình chọn.
Bài: Mỹ Khánh
Ảnh: Instagram