Trả lời:
Chào bạn, theo kích thước khu đất của bạn đưa ra, ta có thể xác định căn nhà của bạn sẽ theo dạng ống, nghĩa là dài và hẹp. Đối với một căn nhà dạng ống và có nhu cầu kinh doanh, ta sẽ phải ưu tiên xử lý các vấn đề sau:
Vì mảnh đất của bạn có lợi thế 3 mặt tiền, nên thiết kế 2 lối ra vào riêng biệt cho 2 không gian khác nhau ở tấng 1: lối ra vào chính hướng Tây – to và rộng – sẽ dành cho kinh doanh. Mở một khoảng sân rộng để xe cộ cho khách một cách thuận tiện. Lối vào hướng Đông dành cho gia đình. Cổng vào của gia đình dẫn tới một khoảng sân để xe và trồng cây, tiếp đó là phòng bếp và ăn. Cầu thang để ở vị trí trung tâm ngôi nhà. Đối với nhà ống, ta nên thiết kê một giếng trời ở cầu thang để đón không khí tươi mới, có cửa đóng mở được. Giữa không gian kinh doanh và không gian ở được ngăn bằng cửa để bảo đảm an toàn và riêng tư. WC tầng 1 nên đặt dưới vế thang để tiết kiệm diện tích và tạo sự gọn gàng cho không gian.
Tầng 2, bố trí không gian sinh hoạt chung ngay không gian thang lên, tạo sự mở rộng chào đón và thoải mái khi mọi thành viên trong gia đình đều thường xuyên tiếp cận khu vực này. Ngoài ra không gian sinh hoạt chung được tiếp cận với giếng trời, rất sáng, thoáng và mát mẻ. Phòng ngủ bố mẹ và phòng ngủ con gái bố trí ở hai đầu tầng nhà, mỗi phòng đều có một WC riêng cùng một ban công/lôgia đề hóng gió và đưa cây xanh vào gần không gian thư giãn.
Tầng 3, bố trí phòng con trai ngay trên phòng bố mẹ cùng WC riêng và một ban công/lôgia riêng. Không gian giữa tầng để bố trí bàn thờ. Bố trí khu thờ cạnh không gian cầu thang, dưới giếng trời để không khí luôn trong lành, thông thoáng. Phần còn lại của tầng 3, ta có thể bố trí không gian sân ngoài để giặt giũ, phơi phóng và trồng cây, hóng gió. Mặt tiền phía Nam nên trổ nhiều cửa sổ để lấy sáng cho các phòng và đón gió mát.
Sau đây là một vài hình ảnh minh họa cho ý tưởng kiến trúc:
Không gian cửa hàng trong không gian dạng ống.
Góc thư giãn bên giếng trời luôn đem lại hiệu quả tốt.
Tư vấn bởi KTS Minh Ngọc (Achita Group)