Nhã Khanh: “Chị Khánh Thi chưa bao giờ là ‘tình địch’ của tôi”

PHAN HIỂN – NHÃ KHANH: DUYÊN NÀY THÌ GIỮ NGHIỆP NÀY CỦA CHUNG

Trước khi chạm tay vào tấm huy chương vàng SEA Games 30 – thành tích cao nhất từ trước đến nay của dancesport Việt trên sàn đấu khu vực, họ từng được cho là một cặp đôi kỳ lạ nhất của làng khiêu vũ thể thao nước nhà: được “tác thành” và dìu dắt bởi… Chí Anh – người yêu cũ của Nhã Khanh, và Khánh Thi – “bóng hồng” trước đó của Chí Anh, nay là “bạn cùng nhà” với Phan Hiển. Cái “tứ giác tình yêu” éo le ấy khiến đôi bạn nhảy dễ chừng phải mất hơn một năm trời không dám nhìn vào mắt nhau trên sàn tập, vì nếu không cẩn thận sẽ bị… HLV ghen. Vậy nhưng chỉ sau tuần tập đầu tiên, ngay cả khi Nhã Khanh vừa mới chân ướt chân ráo rời khỏi sở trường của mình (dòng standard) để chuyển sang dòng latin (sở trường của Phan Hiển), họ đã kịp giành ngay tấm huy chương vàng đầu tiên cho hai người tại Giải vô địch Quốc gia Singapore 2017, hạng A mở rộng.

Đọc thêm:

Phan Hiển: “Anh Chí Anh hỏi tôi: Tại sao những người phụ nữ anh yêu giờ… đều về đội của em?”

“Khi hai chị em ngồi nói về anh Chí Anh thì đã là lúc không còn tình cảm gì nữa nên mới nhìn ra được điểm tốt của người ta. Chứ kể như mà còn yêu, còn tiếc, có khi lại hận, lại chỉ thích kể xấu. OK, chuyện đó qua rồi, có liên quan gì nữa đâu, giờ là công việc. Thì đúng là anh ấy tốt thật mà!”, Nhã Khanh cắt nghĩa về việc vì sao cô và Khánh Thi không bao giờ nói xấu người cũ – điều mà Phan Hiển… lấy làm lạ.

Nhảy gì mà như hai anh em!

Không chỉ đồng ý làm bạn nhảy của Phan Hiển, chị còn đồng thời đầu quân, đứng lớp cho trung tâm đào tạo dancesport của Khánh Thi – “tình địch” một thuở của mình. Chị có thấy mình tự làm khó mình quá không?

Chị Khánh Thi chưa bao giờ là tình địch của tôi cả. Vì tình địch, theo như tôi hiểu, là họ phải cùng tranh giành một người đàn ông ở cùng một thời điểm chứ nhỉ! Đây, tôi đến với anh Chí Anh khi chị Khánh Thi đã chủ động chia tay anh ấy từ trước đó. Nên giữa chúng tôi hồi giờ chưa bao giờ là một mối quan hệ căng thẳng có tính đối kháng cả, nếu không muốn nói là luôn đủ tôn trọng để có thể xã giao hòa nhã, lịch sự, thậm chí hợp tác tốt cùng nhau trong công việc.

Trước khi mời tôi tập thử với Phan Hiển, chị Thi cũng đã từng mời tôi vào dạy cho trung tâm của chị ấy, hoặc thi đấu cho những giải đấu mà chị ấy tham gia tổ chức, nên với tôi, đó là một quyết định táo bạo mà không đường đột. Táo bạo, là vì tôi vốn sở trường dòng standard và điều đó có nghĩa để kết hợp được với Phan Hiển, tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi Hiển đang ở phong độ đỉnh cao. Nhưng cả anh Chí Anh cũng từng nhiều lần động viên tôi nên thử chinh phục dòng latin vì anh luôn tin là tôi làm được. Thật ra thì tôi cũng thích và từng học thử latin rồi đấy chứ, nhưng ngày ấy, anh Chí Anh lại hướng tôi vào dòng standard hẳn cũng vì có ý “nhường sân” cho cặp Khánh Thi – Phan Hiển ở dòng latin, chứ không lẽ hai cặp đấu với nhau trong cùng một chiếu.

Việc “tác thành” tôi làm bạn nhảy của Phan Hiển, tuy người trực tiếp thuyết phục tôi là chị Khánh Thi nhưng sáng kiến nghe đâu là từ anh Chí Anh. Vì trước giờ, anh Chí Anh bao giờ cũng để ý tìm bạn nhảy cho tôi. Cũng như anh ấy vẫn tiếp tục làm việc cùng chị Khánh Thi cả khi hai người đã chia tay. Việc nào ra việc đó, một khi đã xác định rõ ràng với nhau như thế và đều hiểu rõ rằng, đó là cùng vì một mục tiêu chung thì chẳng có gì là “làm khó” cả.

Nhưng hẳn sẽ khó tránh khỏi những gượng gạo ban đầu chứ, khi đứng vào vị trí mới: bạn nhảy của Phan Hiển, trong một cái “tứ giác tình yêu” khá là tế nhị này?

Cái đấy thì đúng là có. Thậm chí, còn là hẳn một vấn đề, đến nỗi trong hơn một năm đầu, chúng tôi còn gần như không nhìn vào mắt nhau trên sàn tập lẫn sàn thi đấu, hoặc giả nếu có, thì cũng chỉ là diễn, mà không hề là cảm xúc thực – điều tối cần để giúp cho những bước nhảy được thăng hoa. Nội việc bạn nhảy là chồng của huấn luyện viên cũng đã khiến mình thấy cần phải “giữ ý tứ” rồi. Mà Hiển thì lúc đầu rõ là rất miễn cưỡng, ấy là lúc anh ấy đang tính nghỉ thi đấu, lại cũng không được thoải mái khi tập với tôi, một chuyện mà theo anh là “kỳ hết sức”. Gặng hỏi thì Hiển mới chịu nói thật, kêu là anh chán lắm rồi, muốn nghỉ lắm rồi. “Ủa, sao thế còn tập làm gì?”. “Thì cứ tập thử thôi!” – Hiển hồi đó cứ có cái kiểu bất cần gì đó, rất khó làm việc. Phòng tập cứ gọi là im phăng phắc vì không đứa nào chịu nói câu nào, cho đến khi tôi chịu không nổi, phải bảo Hiển: “Em cần được trao đổi, được giúp đỡ nhiều hơn”, thì không khí mới dần được cải thiện.

Bước sang dòng sở đoản, có những kỹ thuật mới, khó, mình chưa có làm ngay được, trong khi bạn nhảy của mình thì đã ở đỉnh cao. Cũng như trước đó, ở dòng sở trường, mình chỉ toàn được khen, được Vàng thôi, giờ tự dưng thấy mình kém, mình không làm được. Cái cảm giác đó nó rất là bứt rứt khó chịu. Vậy mà kỳ lạ là chỉ sau đúng một tuần tập thử với nhau, lúc mà tôi còn gần như chưa kịp làm quen với dòng latin và chỉ mới kịp xem băng để học gạo, hai đứa đã kịp về nhất 4/5 điệu, còn 1 điệu về nhì, chỉ sau nước chủ nhà, tại giải vô địch quốc gia Singapore 2017 hạng A mở rộng.

Nguyên một năm đầu phải nói là đi lên bằng kỹ thuật chứ không bằng cảm xúc. Dân làm nghề bảo: “Nhảy gì mà như hai anh em!”. Câu đó, trong cái nghề này ý là chê đấy, ý là rất tệ, rất dở, nhảy không có cảm xúc. Nhảy, nó phải như là đang yêu nhau cơ! Cũng may, thành tích từng bước đẩy thứ hạng của hai đứa lên rất nhanh và cũng nhờ thế mà giúp hồi sinh lại nhiệt huyết, ươm mầm cảm xúc. Nghề này, nói thế, nó cũng có máu ăn thua đấy chị! Thể thao mà, nó rõ là chuyện thắng thua. Phải thắng thì mới nuôi được máu lửa!

Hiển làm việc với tôi và chị Thi rất cực, cái đứa nhảy cùng thì luôn bảo: “Đi tập! Đi tập! Đi tập!”, rồi cái người ở cùng cũng lại suốt ngày bảo thế, không hơn. Còn câu cửa miệng của Hiển thì luôn là: “Ôi trời, lại tập nữa à?”. Lười lắm, ham chơi lắm, may mà giỏi!

Trong khi người dễ oải nhất đáng ra phải là chị chứ nhỉ, khi khó khăn chủ yếu dồn vào chị: vừa phải rời Hà Nội, đồng thời rời bỏ sở trường đỉnh cao của mình để nương theo sở trường của bạn nhảy?

Cũng chính vì thế mà lúc đầu tôi đã phải từ chối lời mời của chị Khánh Thi tới 3 lần. Sau đó nhận lời thì cũng chỉ với ý định tập thử xem sao, tuần bay vào bay ra 3 ngày một, cho đến lúc không chịu nổi tiền vé máy bay. Nơi ăn chốn ở cũng là một chuyện phải đau đầu. Hồi mới vào Sài Gòn để tập thử với Phan Hiển, tôi ở nhờ nhà chị Khánh Thi, cùng mẹ chị ấy và Ku Bi. Rồi có một hôm, tôi lên mạng đọc được cái tít báo và comment rằng: “Rước ‘tình địch’ về nhà, Khánh Thi khác nào ‘cõng rắn cắn gà nhà”, “Cô kia biết đường biết lối thì lo mà cuốn gói đi chứ còn ở đó”…, ôi tôi choáng thực sự! Tự ái nổi đầy mình. Stress. Vậy là tôi quyết định đi thuê nhà, cũng mệt vì đủ thứ phải lo: tiền nhà, tiền đi tập huấn, thi đấu, cứ mỗi lần đi thi về là y như rằng nợ ngập đầu ngập cổ, nên ngoài những lúc bận đi chinh chiến, sểnh ra tý nào là tôi lại lao đi dạy, tôi đúng nghĩa là nhịn ăn nhịn mặc, bóp mồm bóp miệng để tích cóp tiền mới theo đuổi được nghề. Tôi có thể cả năm không dám mua một đôi giày mới nào nhưng mỗi tháng lại phải mua tới 3 đôi giày tập, giá mỗi đôi cả triệu bạc…

Sẽ trở nên mạnh mẽ khi có được mục đích sống rõ ràng

Phan Hiển lấy làm lạ rằng cả chị và Khánh Thi đều chưa bao giờ kể xấu gì người cũ, khác hẳn thói thường mà Hiển thấy…

À thì có gì đâu! Khi hai chị em ngồi nói về anh Chí Anh thì đã là lúc không còn tình cảm gì nữa nên mới nhìn ra được điểm tốt của người ta. Chứ kể như mà còn yêu, còn tiếc, có khi lại hận, lại chỉ nhìn thấy cái xấu của họ mà thôi, hoặc chỉ thích kể xấu cho bõ tiếc. OK, chuyện đó qua rồi, có liên quan gì nữa đâu, giờ là công việc. Thì đúng là anh ấy tốt thật mà, nhất là trong công việc, cả trong đời thường cũng thế, sao mình có thể nói khác được…

“Tại sao những người phụ nữ anh từng yêu đều về với đội em?”, cảm giác của chị khi nghe Chí Anh hỏi Phan Hiển câu đó là gì?

Ô, xem nào, Hiển nghe thấy thế à? Sao tôi lại nghe thành: “Em cảm thấy thế nào khi những người phụ nữ từng ở bên cạnh anh giờ qua bên đội em hết?”. Tôi thấy sao ấy à? Tôi thì chỉ thấy hài hước, vì lúc ấy tất cả đều say, mỗi tôi là tỉnh (cười).

“Tỉnh” thì thử trả lời thay Phan Hiển xem nào?

Hơi khó nhỉ? Vì cái câu đó nó không dành cho tôi. Khó nhỉ! Khó quá! Chưa nghĩ ra.

Có điểm chung nào giữa hai người phụ nữ “cùng đội” không?

Ngoài đời thì chắc khác, nhưng trong công việc thì phải nói là cực giống nhau ở cái sự khó tính, cầu toàn. Khác chăng là chị Thi thì hay nói ra miệng, còn tôi thì cứ lầm lầm lì lì trên sàn tập, cho tới khi làm kỳ được thì thôi, không xong không về. Nên là Hiển làm việc với tôi và chị Thi rất cực, cái đứa nhảy cùng thì luôn bảo: “Đi tập! Đi tập! Đi tập!”, rồi cái người ở cùng cũng lại suốt ngày bảo thế, không hơn. Còn câu cửa miệng của Hiển thì luôn là: “Ôi trời, lại tập nữa à?”. Lười lắm, ham chơi lắm, may mà giỏi!

Chị có biết là có lúc HLV của chị cũng… ghen chị không? “Can tội” nhảy với chồng cô ấy?

Biết chứ! Chắc là cũng có lúc đấy! Dù không ai nói ra cả. Tại cái nghề này nói chung nó khó lắm chị, không thể chưng cái mặt lạnh như tiền mà nhảy với nhau được, mà đôi khi tôi chỉ cần cười với Phan Hiển một cái là chị Thi đã… ghen rồi (cười). Cũng may là ai cũng hiểu, mục tiêu mới là trên hết.

Người đâu mà lạ nhỉ: tự đi kiếm bạn nhảy về cho chồng, thuyết phục năm lần bảy lượt, quyết không cho chồng bỏ thi đấu, xong rồi… ghen?

Mê nghề nó là thế đấy chị! Ngoài cuộc nhìn vào thì có thể bảo đấy là sự hy sinh, nhưng trong cuộc thì chỉ có thể nói là say nghề thôi, chẳng ai bảo tôi hy sinh vì ai cả. Biết bao lo nghĩ khác còn gây áp lực hơn nhiều, trước mỗi kỳ thi đấu, chứ mấy phút nghĩ linh tinh kia thì đã là gì! Ngay cả anh Chí Anh tuy không phải là người hướng dẫn trực tiếp bọn tôi như chị Thi, thậm chí còn là đối thủ tại giải vô địch Quốc gia, nhưng hễ lúc nào phát hiện ra điều gì đó không ổn là anh lại lo lắng nhắn tin ngay, kiểu như: “Em với Trường (tên thật của Phan Hiển) phải lo mà giảm cân ngay lập tức!”…

Giữa dằng dặc lo toan và những giọt mồ hôi, đã bao giờ là cảm giác tủi thân khi trong cái “tứ giác tình yêu” kia, giờ đây chỉ có mỗi mình mình là lẻ bóng?

Cũng buồn chứ chị! Nhưng không vì thấy người ta có đôi có cặp mà mình cứ cuống lên. Buồn đây là vì mình chỉ có một mình ở một nơi xa, rồi thì đêm đêm đi về khuya khoắt, mệt mỏi, có những cái lo, cái khổ không nói ra được với ai. Tiền nhà có tháng không có trả vì toàn bộ tiền lương, tiền đi dạy đã dồn hết cho thi đấu, tập huấn… Đến ngủ nhiều lúc cũng phải nhịn, để tranh thủ đi dạy, kiếm thêm tiền. Hết tiền, nợ tiền cũng không dám kêu bố mẹ vì không muốn nhà lo lắng quá, lại lôi cổ mình về. Nhà tôi cũng không phải dạng nhà có điều kiện, tôi quả thật không hiểu sao mình có thể đi theo nghề nhảy từ bấy đến giờ. Cũng không thể làm phiền bạn bè vì ai cũng có cuộc sống riêng của họ. Facebook thì không phải là nơi để than thở… Đấy, cứ không nói ra được như thế, cứ phải “sống chung với lũ” như thế, đi đến đâu biết đến đó, nên đôi khi tôi bị stress thật sự, đêm nằm cứ tấm tức khóc.

Bạn nhảy của chị nói rằng không biết “con ong chăm chỉ” này sẽ… yêu vào lúc nào, với một lịch trình kín mít hàng ngày như vậy? Bập vào yêu đương rõ sớm, rồi giờ là… nhịn yêu, lẽ nào là tâm lý “con chim sợ cành cong”?

Ôi, tôi thậm chí còn không có thời gian cho bố mẹ nữa chứ đừng nói là người yêu! Ngày nào về tới nhà cũng đã non khuya, chỉ muốn lăn ra ngủ, mà đến ngủ cũng không yên nữa, vì cứ phải tính tiếp ngày mai sẽ làm gì. Tôi thì chẳng sợ cái “cành cong” nào cả, và nếu bảo không có ai theo đuổi thì cũng không phải, nhưng các bạn ấy lại chưa cho tôi thấy dấu hiệu của sự trưởng thành, chín chắn, để mà có thể thông cảm với cái nghề chuyên đi sớm về muộn và… suốt ngày ôm người khác như cái nghề này của tôi. Nên không thể cố yêu cho vui, cho có được.

Điều gì đã khiến một cô gái vướng tình đầu sâu nặng từ năm 14 tuổi, được cha mẹ “cưng như trứng mỏng” vì là con một, khi vào đời lại trở nên độc lập và mạnh mẽ như vậy?

Tôi nghĩ khi người ta có được một mục đích sống rõ ràng, đó chính là lúc người ta trở nên mạnh mẽ nhất, sự nao núng không bao giờ bắt nạt được họ. Mục đích sống của tôi trên hết và trước hết chính là dancesport. Chính vậy mà ngay sau tấm huy chương vàng SEA Games 30, tôi đã phải tiếp tục lao lên sàn tập để chuẩn bị cho những cuộc thi lớn bé sau đó, có cuộc thi phải mất tới hàng năm trời chuẩn bị như SEA Games 31 tới đây tại Việt Nam. Không chỉ SEA Games, mong muốn của tôi, mà cũng là mục tiêu anh Chí Anh đặt ra cho chúng tôi trước khi từ giã nghiệp thi đấu là lọt vào top 6 châu Á. Khó vô cùng. Chỉ 2 năm nữa thôi. Tới lúc đó mà không giải quyết được chuyện đó thì thôi cũng nghỉ thi đấu được rồi!

Xin cảm ơn chị!

NHỮNG GẠCH NỐI

Mẹ chồng – nàng dâu, người yêu cũ của người yêu, tình bạn trong showbiz… – những mối quan hệ thường khiến chúng ta ngờ hoặc khi nhìn nó dưới “thói thường”. Vậy nhưng vẫn có những câu chuyện, những “cặp bài trùng” có thể khiến ta nghĩ khác. Để tin rằng, nếu chúng ta biết ứng xử văn minh, biết làm chủ mọi tình huống, biết đặt cái tôi của mình sang bên cạnh khi cần thiết, và trên hết là sự chân thành, bao dung, cởi mở, thì đó là lúc hiện ra những gạch nối đẹp, nối hôm nay với hôm qua, nối lạ thành quen, thường tình thành đặc biệt…

Thực hiện: Thư Quỳnh
Ý tưởng & sản xuất hình ảnh: Hellos.
Trợ lý sản xuất: Huey

Đọc thêm
– Cựu người mẫu Minh Anh & Hoa hậu Trương Quỳnh Mai: Về thu xếp lại
– Doanh nhân Dương Thanh Thủy – Mẹ chồng Hoa hậu Đặng Thu Thảo: Tôi có nhiệm vụ phải thương Thảo

Nhiếp ảnh: Phong Nguyễn
Trang điểm: Andy Phan


From the same category