Trao đổi với chúng tôi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, cách làm, cơ chế bao cấp cho – nhận của chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay là chưa đúng.
Kinh nghiệm của các nước đi trước đã đúc rút ra các nguyên tắc cơ bản. Trong đó, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đặc biệt là UN Habital – tổ chức về quyền định cư của con người của Liên hợp quốc, trước đó đã có rất nhiều tham vấn, khuyến nghị có chiều sâu về câu chuyện giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp song hiện nay chúng ta đang xa rời.
Chưa phát huy vai trò cộng đồng
– Chính sách nhà cho người thu nhập thấp đang ở tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Doanh nghiệp kêu thiếu vốn hoàn thiện thì có gói tín dụng, kêu thiếu người mua thì xem xét mở rộng đối tượng. Bản chất vấn đề là gì, thưa ông?
– PGS.TS Đặng Hùng Võ: Lúc này chúng ta chỉ nghe tiếng nói của nhà thầu xây dựng chứ chưa nghe tiếng nói của người có thu nhập thấp. Chúng ta chưa có chưa có đường dây nóng nào, chưa có một nơi nào để nghe, tiếp thu ý kiến của họ. Rõ ràng, khi thực hiện chính sách cho đối tượng này thì cái đích là phải nghe người có thu nhập thấp chứ không phải là nghe chủ đầu tư.
Ông Đặng Hùng Võ (ảnh Lao động) |
– Có nghịch lý là phát triển nhà ở thu nhập thấp lại dùng tới nguồn vốn vay thương mại cho chủ đầu tư. Nếu người mua cũng vay vốn ngân hàng thì họ phải chịu hai lần lãi suất rất cao. Trong khi giá nhà doanh nghiệp đưa ra hiện mới là tạm tính, quyết toán sau khi hoàn thành công trình thì giá thành chính thức còn có thể tăng lên?
– Đấy mới là câu chuyện thuộc thể chế quản lý bất cập. Tức là bây giờ lại nói dân cứ mua đi, sau này mới quyết toán, không phủ định quyết toán sẽ cao lên. Mà hơn nữa, giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, chúng ta không thể dùng nguồn tín dụng của thương mại. Không nước nào làm cách này mà họ dùng quỹ. Hiện nay chúng ta đã có quỹ tiết kiệm nhà ở rồi nhưng chắc là chưa được bao nhiêu.
– Ông có nhận xét gì về cơ chế hỗ trợ phát triển nhà thu nhập thấp mà chúng ta đang áp dụng hiện nay?
– Cơ chế hỗ trợ của ta hiện nay vẫn dùng cơ chế xin – cho, hiện nguyên hình một cơ chế của thời bao cấp. Nhà nước cho thì tìm người xin. Chúng ta trao cho chủ đầu tư xây dựng rồi giao cho họ được tiếp nhận đơn, tuyển chọn, xét duyệt đưa người nghèo vào đây. Chúng ta dùng một chính sách gọi là tiền đăng hậu kiểm (cứ cho nhà đầu tư làm rồi cơ quan nhà nước kiểm tra sau). Nhưng liệu cơ quan Nhà nước đi kiểm tra được bao nhiêu trường hợp, cơ chế nào giám sát việc đối tượng có đúng hay không?
Thừa biết rằng một cơ chế như vậy sẵn sàng phát sinh ra các đầu nậu đứng giữa đi tập hợp những người đạt tiêu chuẩn nghèo, thậm chí là có thể mua bán tiêu chuẩn với nhau.
Tư duy đồng bộ
– Theo ông chương trình nhà ở thu nhập thấp cần tuân thủ những nguyên tắc cốt yếu nào?
– Để giải quyết được vấn đề thì động lực phải bắt đầu từ cộng đồng những người có thu nhập thấp. Trước hết đấy là việc của họ, họ phải nỗ lực vươn lên, làm mọi cách để dành quyền lợi của mình.
Toàn bộ quá trình giám sát kiểm soát phải có sự có mặt của cộng đồng và cộng đồng ấy tạo động lực, giám sát, chiến đấu vì quyền lợi của họ. Chính sách của Nhà nước không thể thành công nếu không xuất phát và lợi dụng được sự tham gia của cộng đồng này một cách cao nhất. Hiện nay mối quan hệ đang xác lập là giữa Nhà nước với người cụ thể nào đấy mà được chính quyền địa phương lựa chọn. Cộng đồng ấy đang bị đứng ra ngoài, đó là điều không đúng.
Bên cạnh đó, ta cũng cần sự động viên của xã hội – tức là cộng đồng lớn hơn. Ở các nước phát triển, họ có các loại hình doanh nghiệp xã hội, họ có những tổ chức phi chính phủ hoạt động đúng mục tiêu vào những vấn đề xã hội bức xúc. Hiện chúng ta chưa tận dụng được kể cả sức mạnh lớn hơn của cộng đồng xã hội để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp.
– Vậy những cơ chế hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, đất đai, thuế… có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?
– Trước hết các ưu đãi về tiền, tài chính cho nhà thu nhập thấp chỉ là một việc và không phải là tất cả. Cái thiếu nhất hiện nay, hơn cả tiền là câu chuyện về thể chế, như tôi đã nói. Tức là ta chưa có đủ thể chế để tạo dựng, phát triển được nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Thứ hai, về đất đai hiện nay nhà ở cho người thu nhập thấp thuộc diện Nhà nước hỗ trợ thì được miễn tiền sử dụng đất. Đấy là cơ chế tốt nhưng chưa đủ. Hiện tại tuy đất đai Nhà nước không thu tiền, nhưng các chủ đầu tư vẫn phải giải phóng mặt bằng. Như thế, câu chuyện đất đai chỉ đóng ở đó thì chưa phải là chính sách tốt nhất, hợp lý nhất để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp. Ta cần một khung pháp luật đất đai rộng hơn, đa dạng hơn vì quyền lợi của người có thu nhập thấp.
Nhìn rộng ra là chính sách đất đai dành cho người nghèo. Ví dụ, những xóm nghèo đang tồn tại thì chúng ta có công nhận đất đấy hay không; người nghèo, người thu nhập thấp có quyền tiếp cận, giữ đất đai không,… rồi mới nói đến chuyện xây gì trên đất.
Chúng ta nên lưu ý rằng người nghèo cần hơn ai hết đất đai là vì họ bám đất để sống. Bám chung cư họ khó sống nổi. Thà rằng họ ở xa hơn nhưng họ bám đất thì có thể tổ chức được kinh tế hộ gia đình với một mức độ dịch vụ sơ khai. Đấy là cái chúng ta phải gắn người thu nhập thấp với đất đai. Đất đó phải gắn với không gian dịch vụ bởi người có thu nhập thấp thì hoàn cảnh, lao động, sinh kế của họ rất đa dạng. Cần khẳng định thêm vai trò không thể thiếu của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị.
Không có thể chế thì có tiền cũng tiêu không hợp lý. Không có đất thì tiền cũng không biết gác vào đâu, vì thế câu chuyện thứ ba mới là tài chính.
– Để giảm giá nhà như mong muốn thì vừa qua xuất hiện một số hô hào của những người làm chính sách là doanh nghiệp làm nhà thu nhập thấp cần tiếp tục giảm lợi nhuận định mức. Ông nghĩ thế nào?
– Hạ giá nhà thu nhập thấp thì phải bắt đầu từ việc kiểm soát việc hình thành giá. Giờ muốn để kiểm soát xem cấu thành giá nhà là bao nhiêu thì chỉ có một giải pháp công khai. Cứ để lùng bùng, ông chủ thầu xây dựng như một cái hộp đen, không ai biết ông làm gì ở trong đấy cả thì làm sao mà giảm được.
Tôi lấy ví dụ từ thể chế, cách giải quyết của một số nước đi trước: đó là họ cho trực tiếp cộng đồng những người có thu nhập thấp vay tiền. Cộng đồng này có quyền lựa chọn chủ thầu xây dựng. Còn ta thì Nhà nước trao quyền, tạo điều kiện để chủ thầu xây dựng chủ động trong cuộc chơi này. Điều đó chắc chắn sai.
Vậy tại sao ta lại không động viên một cộng đồng của người có thu nhập thấp, dùng các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng này. Họ là người có thể vay tiền nhà nước, động viên tiền từ cộng đồng hay đứng ra quyên góp xã hội để tăng nguồn lực… Cơ chế này đã và đang được áp dụng ở Thái Lan, Indonesia.
– Xin cảm ơn ông!