‘Nhà bùa’ có 20 vợ và nỗi tủi nhục cuối đời

Làm bùa cướp vợ người, cuối đời chết cô đơn

Ông Hoàng Văn Nhẻo (có người gọi ông tà Nhẻo), ngụ ở xã Thạch Kiệt, Thanh Sơn (Phú Thọ) nổi tiếng lẫy lừng khắp vùng Tây Bắc. “Ông ta vừa giỏi làm bùa, vừa giỏi chuyện lôi kéo phụ nữ nên có tới 20 vợ”, ông Đồng trầm ngâm nói và cho chúng tôi địa chỉ nhà ông Nhẻo.

Đến bản Dùng, xã Thạch Kiệt vào đúng buổi chiều chập choạng tối. Căn nhà sàn rộng thênh thang hàng trăm m2 của “nhà bùa” Hoàng Văn Nhẻo dựa lưng vào núi ngoảnh ra sông Bứa khang trang nhất bản giờ trở nên lạnh lẽo. Từng cơn gió thổi thốc vào phía trong nhà làm phất phơ những đồ trang trí bàn thờ – nơi ông Nhẻo vẫn làm bùa khi xưa càng làm thêm thê lương.

Thầy bùa Hoàng Văn Nhẻo lúc còn sống.

Theo lời người dân bản Dùng, “nhà bùa” Hoàng Văn Nhẻo đã chết được hơn 2 năm nay. “Ông Nhẻo lúc còn trai trẻ thì vợ con đề huề, phụ nữ theo ông nhiều không đếm xuể. Nhưng lúc cuối đời thì thê thảm, chết trong sự cô đơn, tủi nhục. Khi ông Nhẻo còn sống, ông không chỉ nổi tiếng về cách làm bùa mà còn gọi ma hay trừ tà đều giỏi”, bà hàng xóm tên Lưng nói.

Chúng tôi đi tìm những người kiểm chứng từ UBND xã Thạch Kiệt. Một cán bộ văn hóa xã nhiệt tình tìm cách mở khóa đưa chúng tôi vào tận trong ngôi nhà ông Nhẻo. Mạng nhện chăng khắp lối đi, nền nhà gỗ lim đã phủ một lớp bụi dày. “Lúc ông Nhẻo còn sống, lúc nào chỗ này cũng chật ních khách làm bùa. Người dân nơi đây gọi bùa yêu là một tên gọi khác: nèm. Ông Nhẻo dùng rất nhiều loại lá rừng quanh nhà quanh bản để làm nèm. Kia là một loại cỏ, trông giống như rau răm, được ông ấy trồng quanh nhà chắc cũng để làm nèm”, vị cán bộ văn hóa nói.

Nhiều người được thầy Nhẻo làm nèm cho đều thành công trong việc “dụ” người nên ngày càng đông khách. “Có những hôm, cái bản heo hút này đón hàng trăm người. Xe máy, ô tô nêm chặt ngõ thầy Nhẻo. Người nằm la liệt chờ đợi phía dưới thang nhà. Tiền kiếm được từ việc làm nèm, ông Nhẻo dư sức chu cấp cho 20 bà vợ cùng hàng chục đứa con” – ông Minh, trưởng bản Dùng, kể.

Theo lời ông Minh, “thầy bùa” Nhẻo không chỉ giỏi làm nèm mà còn kiêm luôn công việc cúng ma nên kiếm tiền rất dễ. Tuy nhiên, vì đồng tiền, nhiều khi cũng làm việc ác giúp người thất đức. “Mặc dù nhiều vợ là vậy, nhưng từ cuối đời, ông Nhẻo phải sống lẻ bóng một mình. Bà thì bỏ đi biệt xứ, bà về quê mang theo con cái, bà đã chết, những bà ở lại xóm Dùng thì cũng không ngó ngàng gì đến ông”.

“Ông ấy dùng nèm mà chài các cô gái trong bản say như điếu đổ. Đến năm 42 tuổi, ông Nhẻo đã có 12 bà vợ. Nhiều bà vợ ở tận các bản khác, thậm chí ngoài huyện khác của Phú Thọ nữa kia. Đến năm 70 tuổi, ông Nhẻo có tất thảy 20 bà vợ. Người phụ nữ nào mà ông thích là ông cưới được ngay. Xung quanh bản Dùng này có tới 16 nóc nhà là của vợ con ông Nhẻo”, bà Lưng khẳng định.

“Trước khi chết một năm, ông Nhẻo như biết mình sẽ gặp họa nên nói: ‘Cả đời tôi đã làm việc thất đức, thả nèm chài hại người rất nhiều. Ngày xưa, tôi cứ thấy gái đẹp là thả nèm cho theo mình. Tôi cướp cả vợ đẹp của người khác, làm tan nát gia đình họ. Thầy bùa có giỏi đến đâu, nếu làm việc xấu, việc ác thì không thể tránh được họa khi về già. Giờ tôi đang phải gánh hậu quả đây. Tôi có tới 20 bà vợ, mấy chục đứa con, mà tôi phải ở một mình, chắc cũng chết một mình trong căn nhà to này”, trưởng bản Minh kể.

Chiêm bao thành nhà bùa lừng lẫy

“Trong vô khối những thầy bùa xứ Mường, thì người làm bùa có tiếng cao thủ nhất xứ là Quách Văn Tản. Ông ấy trở thành ‘nhà bùa’ lại càng là kỳ duyên: Nằm mơ mà nên!”, ông Bùi Văn Hải, Phó chủ tịch, phụ trách văn hóa xã Yên Phú, Lạc Sơn, Hòa Bình nói.

Trong lúc vui chuyện, ông Hải nói: “Nhà ông Tản trên xóm Thung ấy, cũng là chỗ thông gia với tôi. Cả làng cả xã này người ta vẫn bảo ông ấy là thầy bùa tài nhất. Chả biết phải không nhưng hiện giờ ông ấy đang sống với vợ hai trên đỉnh núi Thung, kém tới hơn 20 tuổi.

Loại cây các thầy bùa thường dùng.

Người ta bảo là do ông ấy đặt cái quần của mình lên quần của bà ấy, rồi bà ta cứ thế theo về đấy. Ở khắp huyện Lạc Sơn này, vợ chồng nào có trục trặc hôn nhân cũng đến nhờ thầy hàn gắn. Trai gái chưa ưng nhau, nhờ thầy làm bùa “mần’’ vào nắm muối, củ gừng, cái lược là quấn quýt không rời. Người đang yêu chết mê chết mệt cũng chỉ cần “mần” là “ai đi đường nấy ngay”, thậm chí, người ở cách xa hàng nghìn cây số thầy chỉ cần lẩm bẩm vài câu chú là tức tốc trở về.

Con đường lên núi tìm đến nhà thầy bùa Tản là một dải đá nhỏ quanh co, ôm lấy sườn núi. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút, đi phải vịn lấy những tảng đá bên đường hay tóm lấy đám cỏ dại, phải nhấc chân từng bước một. Đi đến 4 km mới thấy một ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi. Một người đàn ông thấy khách bước ra. Thân hình ông rắn rỏi, nước da trắng và dáng người mảnh khảnh, mái tóc cũng chỉ điểm vài sợi bạc. Đây chính là “nhà bùa” Quách Văn Tản đã 60 tuổi.

“Nhà bùa” Quách Văn Tản.

Ông Tản nghiện thuốc lào nặng, ông cầm cái ống điếu dài vượt mặt rít 3, 4 hơi dài nhả khói, lim dim kể: “Bố mẹ, ông bà tôi chưa có ai là thầy bùa cả. Trước đây tôi cũng là người bình thường. Đến năm khoảng hơn 40 tuổi, thằng con trai thứ khi ấy ốm liệt giường, chạy chữa thuốc thang mãi chưa khỏi. Một đêm đang ngủ thì nằm mơ thấy một cụ già hiện lên bảo: Phải làm một bàn thờ, sau người phù hộ cho gia đình êm ấm, con cái khỏe mạnh”.

Tỉnh dậy, ông Tản kể cho vợ nghe. Nhưng vốn trước đó, ông chưa từng tin vào những chuyện ma quái, bùa chú… nên chỉ xem đấy như một giấc mơ bình thường. Tuy nhiên, càng ngày thì giọng nói của người trong mơ đến càng nhiều. Ngay cả những lúc thiu thiu ngủ, hay thậm chí nằm chợp mắt buổi trưa ông Tản cũng nghe văng vẳng bên tai.

Đến lúc này, tôi sợ quá mới lập bàn thờ ở góc nhà theo lời chỉ dạy của ông già trong mộng. Sau đó thì con trai khỏi bệnh, bản thân tôi cũng nghe rõ hơn, không bị cứng hàm nữa mà người cũng khỏe hẳn ra. Những bài khấn làm bùa về sau này cũng là do người già đọc cho, tỉnh dậy cứ thế mà khấn lâu dần thành quen. Có người biết thế nhờ giúp tác thành cho đôi lứa. Một đôi, hai đôi thành công. Rồi hàng chục đôi tìm đến, tôi trở thành thầy bùa lúc nào không hay”, nhà bùa lừng lẫy kể về cái duyên với chuyện làm bùa.

Theo thầy Tản, người đến xin bùa làm mâm cơm (tiền đặt lễ, chai rượu, đĩa xôi, con gà hoặc thịt lợn) thành tâm quỳ trước bàn thờ, thầy sẽ khấn rồi ‘‘mần” vào củ gừng, nắm muối, cái khăn… Tùy theo mức độ khó dễ mà người xin bùa phải lên nhờ giúp nhiều hay ít.

Sau đó, người xin bùa khi đến gặp người mình muốn “bỏ bùa” cứ mang bùa theo bên mình là được. Người nào theo đuổi mãi cô gái không đồng ý, dắt bùa theo người là cô gái kia phải yêu mê mệt. Người nào chán chồng, người nào muốn bỏ vợ cũng nhờ đến thầy, thầy mần cho là đường ai nấy đi…

Theo lời ông Phó chủ tịch Hải thì không biết thực hư thế nào, nhưng tính nguyên trong xã, thầy Tản cũng đã hàn gắn hàng chục gia đình. Những người ở tỉnh xa như Hà Nội, Hà Nam, thậm chí cả Đăk Lăk, TP.HCM… cũng tìm về nhờ thầy giúp. Tuy nhiên, theo “nhà bùa” Tản: “Không phải ai cũng làm bùa thành công. Người nào không hợp mệnh thì khó lòng mà thành được. Nhưng 10 người cũng thành công được đến 8, 9”.

Theo BĐ&CS


From the same category