Nguyễn Linh Chi: Con linh dương mơ trở thành báo gấm - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Linh Chi: Con linh dương mơ trở thành báo gấm

Sống

Da ngăm đen lốm đốm tàn nhang, tóc cạo undercut với một chỏm buộc gọn trên đầu, áo sơ mi oversize, giày gót nhọn màu đỏ, sự xuất hiện của Chi trong một quán cà phê giờ nghỉ trưa chẳng khác nào thỏi nam châm thu hút sự hiếu kỳ của những người xung quanh. Nhìn Chi như thế, không biết có ai đoán được cô là một runner cự phách?

Khi về đích, tôi muốn mình vẫn uống được bia

Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu mỗi khi chị cán đích là gì?

“Cảm ơn trời, không phải chạy nữa rồi!”, sau đó tôi sẽ nhìn lại quãng đường mình vừa chạy.

Không phải một điều gì đó đại loại như “thật tự hào vì mình đã vượt qua bản thân” ư?

Không, tôi cũng là người mà, đâu thể chạy hoài được.

Còn về chuyện vượt qua bản thân, nhiều người cũng từng hỏi tôi câu này rồi, và câu trả lời của tôi luôn là: “Không, vì tôi chưa bao giờ vượt qua giới hạn của chính mình”. Vượt qua giới hạn bản thân là gì? Là khi bạn kiệt sức nhưng vẫn cố hoàn thành đường chạy. Chỉ những người từng trải qua cảm giác đó mới hiểu được niềm vui của việc vượt qua bản thân. Còn tôi, chưa có một giải chạy nào mà tôi xỉu ở vạch đích. Tôi thường nghĩ: “Vượt qua giới hạn của bản thân rồi thì sao, tiếp theo mình sẽ làm gì?”. Mình sẽ sống vui hơn, khỏe hơn, lấy đó làm động lực để thực hiện những điều lớn lao hơn à? Đó có thể là lý do của nhiều người, nhưng tôi thì không. Khi về đích, tôi muốn mình vẫn phải vui vẻ, tươi cười hớn hở và uống được bia.

Chị có cho rằng cách nghĩ “vượt qua giới hạn của bản thân” thực chất lại là tự đặt ra giới hạn cho mình?

Đúng vậy. Tôi không tự đặt ra mục tiêu gì. Điều hạnh phúc nhất tôi cảm nhận được khi chạy chính là cảm giác tự do trong từng bước chân. Và tôi vẫn chưa bao giờ chạm đến ngưỡng của mình. Thật lòng đấy! Hơn nữa, chắc là tôi cũng có chút năng khiếu chạy. Tôi từng ngưỡng mộ nhiều người vì họ chịu khó đầu tư tập luyện, nhưng theo tôi thấy, thường công sức họ bỏ ra 10 thì kết quả nhận về chỉ được 8, còn tôi, tôi thấy mình hên vì bỏ ra 7 lại được 9.

Chị thấy thế nào mỗi khi được chạy?

Giống như đang lái xe trên đường. Trong 3-5km đầu tiên, những suy nghĩ hỗn loạn kiểu: giải quyết deadline thế nào, hôm nay sếp vui hay buồn, khách hàng nào đang khó ở, nhân viên của mình có bạn nào cần giúp đỡ, không biết ở nhà đã ai cho chó ăn hay chưa… giống như những làn xe mắc kẹt ở vòng xoay Hàng Xanh vào giờ cao điểm. Sau đó khi đi vào đường xa lộ, những suy nghĩ vặt vãnh bị rơi lại trên đường chạy, đám xe hỗn loạn ấy được phân làn, trở nên gọn gàng, không còn rối vào nhau nữa. Ở giai đoạn sau cùng, khi tiến vào “cao tốc”, tôi có thể cảm nhận được cơ bắp đang giãn ra, hơi thở đều dần giống như một buổi thiền. Lúc ấy, tâm trí tôi trở nên rõ ràng và rành mạch hơn. Khi chạy, tôi luôn nghĩ mình là một con linh dương đang thỏa sức phóng thật nhanh trên đồng cỏ, mơ về ngày nào đó mình sẽ trở thành một con báo gấm.

NGUYỄN LINH CHI (1982)
Giám đốc điều hành mảng Digital của tập đoàn Havas Group Việt Nam

Tốc độ chạy nhanh nhất:
39 phút cho quãng đường dài 10km.

Lý do chạy?
Để giữ thân hình khỏe khoắn, tính cách điềm đạm và suy nghĩ rành mạch.

Điều hạnh phúc nhất khi chạy?

Sự tự do trong từng bước chân.

Môn thể thao này giúp chị nghiệm ra điều gì?

Trước đây tôi là người rất nóng tính và dễ mất kiên nhẫn. Nhưng khi chạy được 5 năm, tôi trở nên điềm đạm, bình tĩnh hơn trong công việc và cuộc sống. Giống như Haruki Murakami trong cuốn “Tôi nghĩ gì khi tôi chạy bộ” có nói, ông coi chuyện viết văn như chạy bộ đường dài, việc chạy 3 tiếng sẽ giúp việc ngồi viết 6 tiếng liên tục mỗi ngày trở nên dễ dàng hơn, hay nói đơn giản là để bản thân tập luyện với sự kiên nhẫn. Thời gian nghiệm ra điều ấy tùy thuộc vào mỗi người, có thể là 1 năm, 2 năm thậm chí 5 năm.

Chạy rất vui, hãy để bản thân vui càng lâu càng tốt

Chị chưa từng xỉu ở vạch đích có phải vì các đường chạy chưa đủ độ khó với chị?

Đúng vậy, tôi là người khá thực tế và tỉnh táo, chưa bao giờ tôi đăng ký một giải chạy quá tầm nên dĩ nhiên không có thách thức hay tai nạn nào từng gặp trên đường chạy. Tôi không cố vượt qua giới hạn của bản thân một phần bởi tôi rất sợ chấn thương. Đối với tôi, chạy là thú vui, không phải công việc. Mà khi đã là thú vui thì ta nên để nó vui càng lâu càng tốt. Nếu chấn thương thì phải ngưng tập, điều trị, thậm chí không có khả năng chạy nữa, lúc ấy thì không thể vui được nữa rồi.

Chị duy trì niềm vui ấy như thế nào?

Mỗi ngày tôi cố gắng chạy ít nhất 8km, cuối tuần thì nhiều hơn, sao cho duy trì được 80-100km mỗi tuần. Thời gian chạy lý tưởng của tôi là vào sáng sớm. Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, tôi hạn chế tinh bột, ăn nhiều hạt, bông cải luộc và thịt gà.

Cung đường quen thuộc của tôi là sân vận động Hoa Lư, Dinh Độc Lập, hoặc xung quanh khu tôi ở tại Nhà Bè. Trong đường phố Sài Gòn, nếu bạn nhìn thấy một người cao khoảng 1m6, mặc quần short, áo ba lỗ, áo ngực thể thao, không đội nón, không đeo tai nghe và có kiểu đầu như thế này thì có thể chính là tôi đấy!

Đâu là đường chạy mà chị thích nhất?

Tôi thích những hành trình chạy núi, chắc vì nhà tôi ở Đà Lạt và tôi đã làm quen với hành trình núi đầu tiên. Có những chặng chỉ còn một mình tôi giữa thiên nhiên, đó là khi tôi có thể lắng nghe bản thân, tự nghiệm ra nhiều điều. Lúc đó tôi cảm thấy tự do tuyệt đối.

Phong trào chạy bộ đang lên rất cao trong cộng đồng, các giải chạy lớn nhỏ diễn ra hàng tháng, hàng tuần, chị có tham gia vào những cuộc thi đó?

Tôi không còn tham gia những giải ấy nữa mà chỉ tập trung vào các giải chạy marathon. Tôi từng gặp những người đi chạy với mục đích hết sức dễ thương là để có… ảnh đẹp, nhưng dù mọi người đi chạy với động cơ gì thì mục đích cuối cùng cũng là để sống vui, sống khỏe, kết nối cộng đồng, tạo ra những giá trị tích cực cho bản thân, cho những tổ chức từ thiện…

Hiện tại, bên cạnh những giải chạy offline còn có những giải chạy online tựa như UpRace. Cụ thể, bạn chỉ cần đăng ký, sau đó chọn chạy ở đâu, bao xa tùy ý, rồi cập nhật kết quả lên hệ thống và kêu gọi mọi người cùng chạy, thách đố giữa nhóm này với nhóm khác. Các giải chạy online có thể diễn ra lâu hơn một buổi chạy offline, tận dụng được những tính năng công nghệ và ưu điểm lan tỏa cộng đồng của mạng xã hội.

Chạy là niềm vui, nhưng chị có quan tâm đến thành tích không?

Tôi đang lên kế hoạch gặt thêm những kỉ niệm cho hành trình chạy bộ của mình, cụ thể là gom được huy chương của sáu giải chạy lớn trên thế giới. Tôi đã có Boston, trong năm nay tôi sẽ có thêm Berlin, New York, năm sau thêm Tokyo, Chicago và London, nếu không có gì bất ổn. Hy vọng cuối năm sau tôi sẽ là người thứ 5000+ giành được huy chương sáu ngôi sao từ sáu giải chạy này.

2011: Hoàn thành cự li 21km ở Siem Reap, giải chạy Angkor Wat International Half Marathon
2013: Đạt giải nhì cự li 100km tại Sa Pa
Hoàn thành đường chạy Sài Gòn – Đà Lạt dài 300km trong 7 ngày
2015: Hoàn thành đường chạy dài 128km thuộc giải chạy Angkor Ultra Trail
2017: Đạt giải ba tại Techcombank Marathon, đồng thời hoàn thành đường chạy 100km vượt đèo Col Ferret của dãy núi Alpine (độ cao 2.537m) thuộc giải chạy địa hình UTMB ở Mont Blanc (Thụy Sĩ)
2019: Tranh tài ở nội dung 42.195km của Boston Marathon – một trong sáu giải marathon danh giá nhất thế giới – với thành tích 3 giờ 9 phút 31 giây

Tôi sẽ còn làm những điều kỳ cục hơn nữa

Chị kiếm được bao nhiêu tiền từ các giải chạy chuyên nghiệp?

Ôi làm gì có! Phải là top 3 thế giới thì bạn hãy nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Trời ơi, đi Boston tôi tốn một mớ tiền chứ làm gì được đồng nào ngoài huy chương.

Vậy tôi nên hỏi ngược lại, chị đã phải trả những cái giá nào để được chạy?

Đầu tiên là sẽ bị mất ngực, dần dần thì đến bụng và mông. Dân chạy bộ hay tập thêm squat để người không lép. Thêm nữa, da mặt tôi hơi nám vì trước đây tôi khá bất cẩn, đi chạy không đội nón và không dùng kem chống nắng thường xuyên. Trong làng chạy nhiều người gọi tôi là Chi Kenya vì tôi vừa ốm, vừa đen, vừa ít mỡ.

Quan niệm về cái đẹp của tôi hơi khác mọi người. Da lốm đốm cũng đẹp, ngực nhỏ cũng có cái hay. Người ta gọi tôi là Chi Kenya, tôi cũng không thấy phiền. Cái giá mà tôi phải trả chắc chỉ là vất vả hơn một chút khi đi bơi và thi thoảng là đôi lời phàn nàn từ ba mẹ.

Ba mẹ chị thường nói gì?

Ba mẹ hay nói tôi ốm quá, và tôi đáp lại: “Con ốm nhưng con khỏe”. Hay gay gắt hơn là vài năm trước, khi tôi chạy 300km từ Sài Gòn về Đà Lạt trong 7 ngày, câu đầu tiên mẹ nói khi mở cửa đón tôi là: “Khi nào thì con mới ngưng làm những điều kỳ cục như thế này?”. Tôi phản ứng lại: “Ok, con sẽ còn làm tiếp những thứ kỳ cục hơn nữa!”. Tôi nghĩ lúc đó cả tôi và mẹ đều không sẵn sàng để đối thoại.

Sống vui khỏe có ích là điều quan trọng nhất mà mỗi người cần hướng tới. Những chuyến chạy cho tôi thấy có nhiều người đã làm được điều đó mà không cần tuân theo cái chuẩn nào. Khi tôi không chọn đi theo “mẫu số thành công” chung, đương nhiên sẽ vất vả hơn, nhưng nó khiến tôi cố gắng nhiều hơn, không phải để chứng tỏ bản thân mà là để những người yêu thương mình nhận ra: đó không phải là con đường sai trái.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

                                                            FEATURE – CHẠY!

“Chạy bộ là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thủy. Rất lâu trước khi chúng ta nguệch ngoạc vẽ lên trên vách hang động hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệ thuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – Người Chạy Bộ” – nhà báo Christopher McDougall viết trong cuốn sách “Sinh ra để chạy”.

Ai cũng có thể chạy, chỉ cần một lý do. Loài người nguyên thủy chạy để tránh thú dữ, chạy để kiếm ăn. Loài người văn minh chạy để kết nối cộng đồng, để khỏe, để thử thách sức chịu đựng của bản thân hoặc để đua với cuộc sống. Lắng nghe câu chuyện của những người chạy bộ trong chuyên đề này, rất có thể bạn cũng sẽ tìm được cho mình một lý do để chạy.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Sản xuất: Hellos. – Trợ lý sản xuất: Huey
Nhiếp ảnh: Khánh Nguyễn
Trang điểm: Andy Phan (Duy Quang, Linh Chi, Thịnh Pencil), PSI (Thu Thủy)

Đọc thêm
– Trang Hạ: Thiền động của một người chạy
– Thịnh Pencil: Chàng họa sĩ tìm được vợ nhờ… chạy bộ
– Hoa hậu Thu Thủy: Nếu muốn chạy, luôn có một con đường
– Trần Duy Quang: Chạy bộ là cuộc hành xác dễ gây nghiện
– Nguyễn Linh Chi: Con linh dương mơ trở thành báo gấm

Tác giả: April

12/08/2019, 11:00