Người về miền xuôi - Tạp chí Đẹp

Người về miền xuôi

Tin Tức

Các bài viết liên quan:
Từ ý tưởng tới hiện thực
GLK 2012 chuẩn bị xuất xưởng
Tại sao lại là GLK?
Trước giờ “G”
Chính thức khởi hành
Vào miền biên ải
Đêm phấn khích
Chinh phục cực Bắc
Khúc cua biết nói
Chạm vào cảm xúc
Dòng máu off-road
Nhìn lại, rồi đi tiếp
Đường xa không mỏi
Trao quà tại Sìn Hồ
Chinh phục cực Tây
Dưới chân Pha Đin

Ở giữa gian khó, con người thật dễ tìm niềm vui

Ngày 11/11, từ cao nguyên Mộc Châu xanh tươi qua “bốn mùa như gió, bốn mùa như mây”, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 6 xuống Mai Châu của một thời đoàn quân Tây tiến, đi vào đường 15A dọc sông Mã xuống trục đường Hồ Chí Minh, nghỉ chân tại Diễn Châu (Nghệ An).

Vậy là cả cung đường từ đồng bằng Bắc Bộ lên trung du, qua Đông Bắc rồi vắt sang Tây Bắc đã in dấu bánh xe GLK và bước chân đoàn Autocar Vietnam Roadtrip 2012. Chúng tôi về miền xuôi, đi trên khúc ruột miền trung đang thay da đổi thịt sau những vết thương lịch sử và khổ đau bao đời.

Nhưng câu hát từ “Trường ca Con đường cái quan” của nhạc sĩ Phạm Duy cứ văng vẳng trong tâm trí chúng tôi, về những hình ảnh của phong cảnh, tập quán, khối tình người mộc mạc như phiến đá tai mèo: “Người về miền xuôi, đem theo tình người miền núi/nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi”.

Về miền xuôi, nhưng chúng tôi không quên ngày chợ phiên hằng tuần rộn ràng sắc màu, khi đồng bào lại tụ họp để mua mua bán bán, hay chỉ đơn giản là đi chơi chợ, gặp gỡ người quen, ăn miếng mèn mén, uống ly rượu nồng. Ở giữa gian khó, con người thật dễ tìm niềm vui. Từ Xín Mần sang Bắc Hà, qua Sapa tới Sìn Hồ, nếu bạn có dịp đi Tây Bắc, xin hãy đến vào ngày chợ để chung vui.

Chúng tôi vẫn nhớ những gương mặt trẻ thơ trên tấm thân nhỏ bé đen đúa khẽ run trong gió lạnh bên đèo Mã Pí Lèng, có chút ngại ngùng trong từng lời chân chất, rằng mỗi tháng chỉ có 1-2 lần được ăn thịt, nhưng cách chúng nói cười khi được khách qua đường cho xem tấm ảnh vừa chụp trên máy lại đầy sinh khí, chừng như khoảnh khắc hiện ra trên thiết bị số hóa xa lạ chẳng khác gì áo ấm, miếng ngon. Sự sống nơi đây thật mãnh liệt.

Chia sẻ nụ cười, điều đó chưa bao giờ là khó, dù có hiểu nhau đang nói gì hay không 

Làm sao có thể quên lúc mỏi mệt, dừng chân, ghé qua ngôi nhà tồi tàn như túp lều dưới xuôi tận sâu trong bản Dìn Lủng, mà ở đó chỉ một người biết nói tiếng Kinh, nhưng sẵn lòng đem cơm, mang nước ra mời. Đó có phải là cách họ nói dõng dạc nhất hai tiếng “đồng bào”? Chúng tôi biết ghi mối thịnh tình ấy vào đâu trong nhật ký hành trình?

Nên, chúng tôi về miền xuôi mà hành trang tâm tưởng còn bao nhiêu nỗi niềm tình người miền núi…

Viết từ Đồng Hới (Quảng Bình).

Theo autocarvietnam.vn

Thực hiện: depweb

14/11/2012, 12:42