Người Trung Quốc đổ xô tới Đông Nam Á mua thịt hổ và tay gấu - Tạp chí Đẹp

Người Trung Quốc đổ xô tới Đông Nam Á mua thịt hổ và tay gấu

Hậu Trường

Theo AFP, nhóm Cơ quan điều tra môi trường (EIA) đã ra báo cáo cho biết hoạt động mua bán diễn ra tại một tổ hợp resort ở (Đặc khu kinh tế Tam giác vàng nằm tại tỉnh Bokeo của Lào) khu vực biên giới giữa Lào, Myanmar và Thái Lan, nơi khách hàng có thể “mua bán tự do nhiều sản phẩm làm từ động vật đang bị đe dọa.”

Số ngà voi, sừng tê giác và da báo trái phép vừa thu giữ trưng bày trong cuộc họp báo tại Hong Kong. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan điều tra môi trường cùng nhóm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) còn thấy các nhà hàng ở khu vực này đã đề tên các món ăn làm từ thịt hổ, tay gấu và tê tê trong thực đơn của họ. 
Nhiều người Trung Quốc tin rằng thịt và các phần cơ thể của động vật quý hiếm có khả năng chữa bệnh hoặc tăng cường sinh lý.
Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường đã kêu gọi quốc gia Đông Nam Á có tổ hợp resort kể trên khẩn trương thành lập lực lượng chuyên trách để chống hoạt động buôn lậu và thu giữ các sản vật bất hợp pháp.
“Trung Quốc cũng cần phải hiểu và chấp nhận rằng hoạt động buôn bán da của các con hổ nuôi nhốt ở nước này chẳng mang lại ích lợi gì ngoài việc làm tăng nhu cầu tiêu thụ (sản phẩm từ động vật quý hiếm)”– thành viên Debbie Banks của cơ quan này nói.
Theo báo cáo trên, khu vực diễn ra hoạt động buôn bán thịt động vật hoang dã kể trên “không khác gì một vùng lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc.” 
Nơi này hoạt động theo giờ Bắc Kinh, tuyển dụng chủ yếu là người lao động Trung Quốc và trưng ra nhiều biển hiệu sử dụng tiếng Trung Quốc.
Các điểm tương tự cũng mọc lên ở Myanmar, nơi thậm chí một số thị trấn vùng biên đã trở thành các khu chợ buôn bán công khai động vật quý hiếm. 
Nhưng nơi này còn cung cấp cả gái mại dâm và dịch vụ cờ bạc cho du khách Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu thụ thịt và bộ phận cơ thể động vật quý hiếm của Trung Quốc đã làm tăng mạnh hoạt động buôn lậu các mặt hàng này ở khu vực Đông Nam Á.
Nhà chức trách Việt Nam và Thái Lan thường phát hiện nhiều vụ buôn bán lớn các động vật bị đe dọa, với khách hàng mua chúng tới từ phương Bắc. 

Tuy nhiên các nhà bảo tồn nói rằng những vụ bắt giữ kiểu này mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” buôn lậu động vật quý hiếm vào Trung Quốc.

Theo: Linh Vũ/Vietnamplus

Thực hiện: depweb

19/03/2015, 20:34