>> Xem show ở Việt Nam đắt hay rẻ?
Ông Trần Thanh Tùng (Tùng John) – Giám đốc Công ty Mỹ Thanh – Nhà tổ chức series chương trình “In the Spotlight”:
“Chương trình ca nhạc không phải là một mặt hàng tiêu dùng để có thể dễ dàng hạ giá.”
– Anh nghĩ sao về ý kiến này của nhạc sĩ Quốc Trung: “Với chỉ 60 – 70 euro đã có thể xem một live show ở châu Âu với chất lượng âm thanh, ánh sáng và công nghệ tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp hơn hẳn, nhưng để xem một live show ở ta (dĩ nhiên là không so sánh được về đẳng cấp) thì phải bỏ ra cùng số tiền đó, thậm chí còn đắt hơn thế…”?
– Tôi cũng chưa có kinh nghiệm tổ chức show ở nước ngoài nên không thể bình luận gì được về sự so sánh này. Khi tổ chức một live show ở Việt Nam, chúng tôi chỉ xác định giá vé dựa trên tổng chi phí đầu tư cho chương trình đó.
– Giá vé xem biểu diễn ở ta theo anh là đắt hay rẻ? Phần đông khán giả chọn mức nào?
– Giá vé của các chương trình biểu diễn hiện nay rất khác nhau, phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm tổ chức, nội dung chương trình, nghệ sỹ tham gia… Riêng với series “In the Spotlight” của chúng tôi thì giá vé thường dao động trong khoảng từ 500.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Trong đó, các mức giá 500.000 đồng và 1.000.000 đồng được áp dụng cho ghế ngồi ở tầng 2. Thông thường, giá vé hạng thấp nhất và hạng cao nhất bao giờ cũng được bán hết trước tiên.
– Theo anh, giá vé ở ta vì sao đắt: chi phí đầu vào (trong đó có nhiều khoản “bất thành văn”)? Chưa đủ khấu hao (vì diễn quá ít đêm)? Trong đó, khoản chi nào theo anh là bất hợp lý nhất?
– Theo tôi, số lượng ghế ngồi của các địa điểm tổ chức hiện nay tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh còn hạn chế, nên doanh thu không đủ để bù chi phí. Khoản chi nào bất hợp lý ư? Tôi không dám bình luận. Nhưng đối với chúng tôi, chi phí cao nhất là chi phí dành cho nghệ sỹ và âm thanh, ánh sáng.
– Xin hỏi thực, mấy chương trình “In the Spotlight” vừa qua của anh đã có lãi?
– Không những là dừng ở mức độ “lấy công làm lãi”, mà còn nói thẳng ra là lỗ. Kể cả những số có được những tên tuổi “hot” như Tuấn Ngọc, Mỹ Linh, Trần Tiến… cũng chưa có chương trình nào lãi cả. Hi vọng những chương trình tiếp theo sẽ tốt hơn.
– Anh có lo rằng khi cơ hội thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật cao cấp ít đi (chỉ vì bị túi tiền và giá vé làm khó), người ta sẽ tặc lưỡi, chấp nhận hạ chỉ tiêu xuống những sản phẩm thứ cấp (miễn là rẻ tiền và miễn phí)? Và như thế, thói quen bỏ tiền mua vé thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao – vốn không dễ hình thành ở khán giả thủ đô, lại càng dễ bị mất đi?
– Tôi không nghĩ như vậy. Những khán giả sành nhạc của thủ đô rất khó tính về nghệ thuật, và họ sẽ không bao giờ “tặc lưỡi”. Nếu ví tiền không rủng rỉnh tại một thời điểm nào đó, họ thà ở nhà còn hơn là đi xem những chương trình chất lượng thấp. Chương trình ca nhạc không phải là một món hàng tiêu dùng để có thể dễ dàng hạ giá.
T.Q (thực hiện)
Nhạc sĩ Dương Thụ – Người đang theo đuổi dự án dài hơi “Cửa sổ âm nhạc”:
“Không nhất thiết nghèo là không đến được với nghệ thuật!”
“Giá vé xem live show ở ta quả là quá cao, cao đến mức tôi sợ luôn! Nhưng giá thuê nhà hát, thuê âm thanh ánh sáng, thuê đạo diễn và cát sê ca sĩ như hiện tại cũng là giá ‘khủng’.
Nếu vé bán không cao thì làm sao có tiền để thanh toán chi phí cho đêm diễn. Đấy, một thực tế rất Việt Nam. Người Việt mình bó chân nhau. Xăng lên, điện lên thì mọi thứ đều lên. Người người lên giá, nhà nhà lên giá.
Khoảng cách giàu nghèo chắc chắn là cái barie đáng ngại giữa người nghèo với nghệ thuật. Muốn thưởng thức nghệ thuật thì phải được học hành tử tế, phải được tiếp xúc với nghệ thuật thường xuyên. Muốn vậy phải có tiền. Ai cũng có chút ít tiền dù là người nghèo.
Vấn đề ở chỗ là tiền dùng vào việc gì. Ngày xưa tôi rất nghèo những vẫn nghe được nhạc cổ điển, vẫn có đàn để học và chơi nhạc, vẫn mua được tổng phổ và mua vé để xem các chương trình giao hưởng. Làm được như thế vì đêm ngủ có 5 tiếng, ngày học một buổi đi làm 2 buổi; nghỉ hè, chủ nhật đi làm không sót một ngày nào, chấp nhận ăn đói mặc rách, không chơi bời hưởng thụ để dành tiền cho việc học, cho việc bồi bổ văn hóa. Cho nên cũng là tùy, không nhất thiết cứ nghèo là không đến được với nghệ thuật.
Tất nhiên là tôi rất yêu mến và cảm phục những người được gọi là giới tinh hoa (mà chúng ta hay gọi là ‘số ít’). Nhưng ‘tinh hoa’ của ta đôi khi lại rất nghèo. Mình muốn hát cho họ nghe nhưng họ không đủ tiền mua vé – điều ấy ngẫm ra buồn lắm. Để giải quyết điều này chỉ có thể trông cậy nhà đài thôi. Các nước họ đều làm thế cả. Vì thế mà chương trình của tôi đang tính là sẽ cố gắng vận động VOV và VTV, chẳng biết có được…”
T.Q (ghi)