Từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước (nghe xa như một thời đại nào khác), tôi có dịp tiếp xúc với anh Sơn, thoạt đầu sơ giao sau đó thân tình. Anh Sơn, vào lúc ấy, đã ăn mặc rất khác, và đã gây được ảnh hưởng đến nhiều người trong giới nhạc. Bao giờ cũng là quần khaki màu nhạt, áo sơ mi cổ mềm in hoa hoặc màu xanh lá đậm (màu ưa thích của anh Sơn, nên những người em anh khi mở nhà hàng đã chọn màu này làm chủ đạo), áo thì dài tay xắn lửng, giày luôn là da lộn. Đó là những tháng ngày tôi có mặt ở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố thường xuyên, và sáng nào cũng gặp anh. Lối ăn mặc ấy, tưởng là dễ theo, thật ra kén người và nếu tạo được một thứ “chữ ký” bằng trang phục, lại càng khó. Anh Sơn là người duy nhất mặc một lối nhất quán, qua bao nhiêu năm cho đến tận khi anh gần mất.
Ba lô da khoác một bên vai, cũng là đặc trưng anh Sơn. Có dạo tôi chơi thân với Vĩnh Trinh và được nghe kể, anh Sơn rất khó tính vấn đề ăn mặc: chỉ “vậy thôi” đấy, mà bộ nào phải ra bộ ấy, vải áo bằng chất liệu gì (toan, vải gai, nỉ sọc, khaki) phải đi với quần nào, màu gì, dày mỏng dài ngắn ống rộng hẹp ra sao, và giày màu gì. Lối ăn mặc của người sành là làm mình chìm đi, chứ không phải nổi bật trong đám đông. Ăn mặc sao cho phải ngắm kỹ, để ý kỹ mới nhận ra sự tinh tế, ấy là biết ăn mặc. Thấy nhiều người bắt chước anh, nhưng phần không hợp tạng, phần chưa đủ hiểu biết về trang phục, nên không ai giống anh Sơn được.
Trên tầng hai nhà anh Sơn, có một khoảng terrace rộng dùng làm chỗ tiếp khách. Ghế là ghế mây, tất cả sơn đen, chừa lại một chiếc sơn trắng là ghế anh Sơn ngồi. Đối xử trọng thị lắm, Vĩnh Trinh mới mời tôi ngồi vào ghế đó trong một bữa ăn trưa muộn. Anh Từ Huy có lần bảo tôi, ghế anh Sơn phân biệt bằng màu trắng không phải kỳ thị chủ khách, mà ngồi ghế ấy anh Sơn đẹp hơn. Tinh tế từ chỗ ngồi, ở vào cái thời chưa ai để ý gì đến chỗ ăn chỗ ở, quả thật anh Sơn sành, có hơi cầu kỳ và cầu toàn nữa.
Căn nhà của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đường Phạm Ngọc Thạch
Từ khung cửa sổ nhìn ra
Những nhạc phẩm của anh đều được thuê kẻ nhạc bởi Lê Ngô Tài (người có nét vẽ nốt nhạc và tuồng chữ đẹp nhất trước năm 75 ở Sài Gòn) và sau này là Phạm Đăng Khương, in ấn chỉn chu, sắp chữ sương kính nghiêm cẩn, in trên loại giấy tốt. Chăm chút các ấn phẩm cũng là biểu hiện sành điệu, sành ở đây là biết cách sống đẹp, không phải xa hoa phù phiếm. Có thời tôi sưu tập gần đủ các nhạc tập của anh, không cuốn nào cẩu thả xấu xí. Nhiều cuốn đẹp sững sờ. Bạn có để ý cặp kính anh Sơn đeo không (không phải chỉ có một cặp) – tròn, gọng đồi mồi. Đó là đồi mồi thật gia công bằng tay, không phải thứ nhựa giả đồi mồi các hiệu kính bây giờ làm. Tôi không thấy anh dùng bút máy nhiều, nhưng chắc là vẫn yêu bút. Bởi vì anh Sơn viết chữ đẹp, thuộc loại đẹp nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, nên nhiều khi chính anh cho in thủ bút chữ và nhạc vào các ấn phẩm. Viết đẹp không phải tự nhiên mà được, phải luyện tập. Thi hào Vũ Hoàng Chương từng chăm chút chữ ký như thế nào, thì anh Sơn cũng vậy: tập viết, tập vẽ hình con cá (anh Sơn thuộc cung Song Ngư), thử rất nhiều để chọn ra một cách viết đẹp nhất, sao cho mỗi trang giấy ghi chép trở thành những họa phẩm. Ấy là sành, rất sành. Là phong nhã.
Mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn trong căn phòng nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường ngồi sáng tác
Của một thời quá vãng, người Sài Gòn như anh Sơn đã hiếm. Giờ, chắc không tìm ra ai.
Bài: Quốc Bảo
Sành điệu một thời Các bài viết trong chuyên đề: |