Người mẫu Thùy Dương: Đừng núp sau bàn phím để làm điều ác

Tôi đã từng nghĩ gì “up” đấy
 

Quay về thời mười tám tuổi, cái tuổi của sự bồng bột và hiếu thắng, tôi là một cô gái cá tính nhưng thật ra đang chẳng biết gì và quá đỗi ngây ngô. Tôi khi đó mới tốt nghiệp phổ thông, lại đi theo ngành truyền thông đa phương tiện nên bị rơi vào cảm giác không sống nổi, nếu thiếu… máy tính.

Thời ấy việc giải trí duy nhất của giới trẻ là trang blog Yahoo 360. Và nhanh chóng để cho bằng bạn bằng bè, tôi có ngay một trang blog 360 rất màu mè và hoành tráng (tôi vốn thích trang trí). Như một đứa “trẻ trâu”, tôi nạp tất cả các thông tin từ việc học, việc gia đình, chuyện tình cảm tuổi ô mai và đăng toàn bộ lên blog ấy. Thầy cô chấm bài không công bằng, nhà bị cắt mạng, bố mẹ ông bà làm tôi không hài lòng, tôi cho “lên bài” hết. Sau mỗi bài viết trên blog, được bạn bè vào an ủi, tôi càng đắc thắng và cho rằng, blog của mình là trang cá nhân, chuyện của mình thì mình viết, ai ngứa mắt thì có thể “lượn”. Tôi của ngày hôm qua đơn giản chỉ là như vậy. Thậm chí tôi còn cho rằng  phụ huynh làm gì biết đến blog yahoo 360, như vậy thì càng thoải mái!

Bỗng một hôm, bố nhắn tin nói rằng, ông đã đọc hết những bài viết trên trang 360 của tôi. May thay khi bố tôi vừa phát hiện, yahoo 360 tuyên bố đóng cửa. Lạ là, thái độ của ông vẫn bình thường, ông chọn sự im lặng và thể hiện bằng hành động, vẫn thương yêu con cái và coi như không có gì xảy ra. Tôi dần hiểu ra vấn đề và không bao giờ đem chuyện gia đình lên mạng để kể lể nữa.

Người mẫu Thùy Dương

Nhưng đó là cách giải quyết giữa những người trong gia đình với nhau, còn ngoài xã hội đâu có đơn giản như vậy. Lúc này trang mạng xã hội Facebook đang thịnh hành, quan điểm tường nhà tôi, tôi muốn viết như nào thì kệ tôi – vẫn còn đó. Nhờ Facebook, những hình ảnh của bạn bè trong giờ thực hành photoshop chụp tôi đăng lên, tôi được một vài nhiếp ảnh thời trang mời hợp tác. Rồi tôi trở thành người mẫu ảnh từ lúc nào không hay! Vừa làm mẫu ảnh, tôi lại chân ướt chân ráo tham gia cuộc thi Next Top Model vào năm 2011, con đường người mẫu chuyên nghiệp của tôi mở ra từ đó. Bây giờ ngồi nghĩ lại, Facebook chính là phương tiện đầu tiên đưa tôi đến với nghề người mẫu.


Nhưng giờ thì không thể cứ “nóng” là trút vào Facebook

Khi vừa thi Next Top Model xong, lượt theo dõi và lượt kết bạn của tôi trên Facebook ngày càng tăng nhanh. Tôi nhớ đã có vài lần thức rõ khuya chỉ để chấp nhận hàng trăm lượt kết bạn trong ngày. Đó cũng là khi tôi dần nhận thức được, Facebook của mình bây giờ không còn là trang nhật ký cá nhân nữa, không thể cứ nóng lên rồi trút hết vào đấy, cũng không thể tùy tiện chia sẻ những khoảnh khắc đẹp về tình yêu, hay đi đâu cũng check-in. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc dùng trang Facebook của mình để chia sẻ niềm vui và cả những khó khăn trong công việc, để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề mẫu.

Thực tế, cái gì cũng có hai mặt, Facebook tuy chỉ là một mạng “ảo” nhưng lại như một xã hội thu nhỏ tồn tại cả cái tốt và cái xấu. Cuộc sống ngoài Facebook, chuyện người này không thích người kia là bình thường, nhưng khi trên Facebook thì có thể trở thành chuyện lớn. Nghề người mẫu xưa nay đã lắm thị phi, định kiến chân dài “đi khách” như là cái “gông” khó gỡ, nay có mạng xã hội, việc một người mẫu bị ai đó ghét, lập tài khoản “ảo” tố “đi khách” càng dễ xảy ra. Bởi họ chỉ cần núp sau bàn phím và gõ. Và chuyện đó cũng đã xảy ra với bạn của tôi.

Có một Facebook “ảo” gửi một đoạn tin nhắn tới hộp thư của tôi: “cô X đang bị công an điều tra vì đi làm gái”, kèm theo lời nhắn, nếu biết thông tin gì về cô X hãy cung cấp thông tin. Đọc một tin nhắn như vậy, có thể có người giật mình, nhưng chỉ cần để ý, cách dùng từ “làm gái” của tài khoản này tôi đã biết đây chỉ là tài khoản “ảo”. Tôi tự hỏi, nếu bạn tôi “đi khách”, tại sao nó vẫn cứ hỏi tìm chỗ thuê nhà và lúc hết tiền vẫn khóc lóc gọi cho tôi?!

Nhưng tin nhắn ấy làm cho rất nhiều người không rõ thực hư tin là thật. Họ kháo nhau ồn ào, cho đến khi vì quá bức xúc, tôi đã viết vài dòng để phản bác trên trang của mình. Lập tức vài đồng nghiệp khác cũng chụp màn hình đoạn tin nhắn đó và lên án tài khoản “ảo”. Tôi kể câu chuyện này để muốn nói rằng mọi người nên tỉnh táo trước việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, cần tỉnh táo để biết đâu là “ảo”, đâu là thật. Và đặc biệt, đừng vội vàng share đi những thông tin “ảo” để gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Xã hội ngày càng phát triển, tôi tin rồi sẽ có ngày thông tin trên mạng xã hội của mỗi người cũng quan trọng như thông tin cá nhân của họ ở ngoài đời vậy. Mong rằng các đơn vị quản lý internet sẽ có biện pháp kiểm soát những tài khoản ảo, chuyên tung những tin thất thiệt gây hoang mang cho cư dân mạng, làm ảnh hưởng danh dự của người khác.

Là một người tin vào Phật pháp, tôi rất sợ gây ra khẩu nghiệp. Ngay cả những lời nói trên mạng xã hội thôi chúng ta vẫn có thể gây ra khẩu nghiệp, vì một lời trên Facebook thì còn được nhiều người biết đến hơn là một câu nói bên ngoài. Share một thông tin nhưng không biết chọn lọc cũng có thể gây ra khẩu nghiệp rồi.

 

Người mẫu Thùy Dương

logo


From the same category