Doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh là một người như thế!
Là người gốc Bình Định nhưng có hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất Buôn Mê, cô tự hào thừa nhận, chất Buôn Mê đã ăn sâu vào huyết mạch, vào hơi thở lẫn cách nói năng, cách sống của mình. Cô cũng là người kế thừa, phát huy trọn vẹn di sản Buôn Mê, đặc biệt là di sản cà phê đã gắn liền với mảnh đất này hơn 100 năm.
10 tuổi, cô theo ông bà, cha mẹ đến Buôn Mê. Đến năm 12 tuổi, cô làm công nhân cho đồn điền cà phê của người Pháp. Cô bé Ngọc Anh 12 tuổi lúc bấy giờ đã có niềm đam mê đặc biệt dành cho cây cà phê. Đến năm 15 tuổi, cô được một người thầy, đồng thời cũng là một kỹ sư tại Viện nghiên cứu cà phê trung tâm thực nghiệm Eakmăt xin cho làm công nhân tại đây, để rồi sau giải phóng (1975), cô cùng gia đình bắt đầu gầy dựng rẫy cà phê riêng.
Không những thế, với những hiểu biết về kỹ thuật trồng cà phê, chế biến cà phê học hỏi từ người thầy Pháp, người phụ nữ nhiệt huyết, mạnh mẽ này đã đứng ra vận động nông dân cùng trồng cà phê. Cô hướng dẫn họ chọn giống cà phê Robusta ngon nhất, đậm nhất, được thiên nhiên ở vùng đất này ưu đãi nhất để giúp gầy dựng nên những nương rẫy cà phê bạt ngàn trên chính mảnh đất Buôn Mê.
“Tôi làm du lịch cũng là muốn cho du khách thưởng thức đúng hương vị cà phê Buôn Mê Thuột, là để quảng bá, bảo tồn di sản cà phê Buôn Mê.” – Doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh
Năm 1992, cô quyết định kinh doanh cà phê để đưa sản phẩm cà phê Buôn Mê đi xa hơn, nhằm giúp người nông dân có thể tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Đó cũng là cách để nữ doanh nhân này lưu giữ, bảo tồn, phát triển di sản cà phê Buôn Mê mà chính cô đã say đắm khi lần đầu nếm thử hương vị của nó. Cà phê Buôn Mê theo đánh giá của cô là có vị đậm, hương nồng nhưng không gắt, không chua, không chát và có hậu dịu nhờ nguồn nước tinh khiết, không khí mát lành, mảnh đất màu mỡ và cả tình yêu của người chăm bón. Nó cũng giống như tính cách nồng nhiệt, chân thành, mộc mạc của người Buôn Mê vậy!
Là một người làm kinh doanh, nhưng trăn trở lớn nhất của cô không phải là lợi nhuận, mà là việc bảo tồn trọn vẹn hương vị cà phê Buôn Mê chính gốc. Cô yêu cà phê Buôn Mê và quyết liệt giữ đúng cái gốc đậm, nồng, chất ấy. Cô đặt ra tiêu chuẩn cao để người nông dân khi trồng hay bán sản phẩm cho cô luôn đảm bảo đó là thứ tốt nhất như chỉ hái khi quả chín mọng, phơi sấy ngay khi hái, không ủ qua đêm và không để ẩm. Chỉ như thế, cô mới đảm bảo cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến cà phê rang xay trong và ngoài nước sản phẩm đúng chất Buôn Mê, đúng hương vị mà người Buôn Mê rất đỗi tự hào.
3 đời gia đình cô gắn bó với cà phê, riêng cô cũng đã đạt được những thành công trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng người phụ nữ này vẫn mãi trăn trở về một di sản cà phê Buôn Mê chưa thể vươn ra thế giới. Trăn trở đó đã thôi thúc cô phát triển khu du lịch sinh thái Kotam. Nơi đây, không chỉ có bến nước, văn hóa nhà dài của người Buôn Mê được phục dựng lại, mà còn có những đồi cà phê bạt ngàn xen lẫn quy trình phơi, rang, xay, chế biến cà phê để du khách có thể mục sở thị. Cô muốn du khách đến đây có thể trải nghiệm chuyến viễn du 9 tháng 10 ngày của những hạt cà phê qua sương gió, nắng hạn, mưa giông, qua hành trình lột xác, gạn đục khơi trong để đạt đến hương vị thơm ngon, nguyên bản nhất. Cô nói: “Tôi làm du lịch cũng là muốn cho du khách thưởng thức đúng hương vị cà phê Buôn Mê Thuột, là để quảng bá, bảo tồn di sản cà phê Buôn Mê.”
Mảnh đất Buôn Mê, những người con Buôn Mê luôn thầm cảm ơn những người như cô – không sinh ra ở Buôn Mê nhưng hồn cốt vẫn là người Buôn Mê với những tâm huyết thấu hiểu cà phê đến tận cùng!