Ngô Thanh Hòa – Không có gì là muộn cả - Tạp chí Đẹp

Ngô Thanh Hòa – Không có gì là muộn cả

Giải Trí

Rất kín tiếng khi được hỏi đến những chuyện riêng tư cá nhân, nhưng lại không ngưng được khi nói về đam mê ẩm thực của mình. Thanh Hòa xứng đáng với danh hiệu Best Chef trong Men Of the Year 2014 không phải bởi vì anh đạt được thành tựu gì, có hoạt động nổi trội xuất sắc gì, mà với tôi, đó chỉ đơn giản là cách anh dám thay đổi, chạy theo đam mê, dù đã bước sang ngưỡng 40.  

– Anh có bất ngờ khi nhận được giải Best Chef của Men Of The Year năm nay?

– Thật ra mà nói cũng hơi bất ngờ, tôi cũng không biết là mình đã có những thành tựu gì trong 2014 cả, điều duy nhất trong năm vừa qua tôi đã làm được chính là tập trung làm những gì mình đam mê. Suy đi nghĩ lại, cho đến giờ phút hôm nay, có thể không phải mình phải có thành tựu, có tất cả mọi thứ, mới được nhận giải mà có thể từ những việc mình đã làm nhỏ nhặt. Giống như nấu ăn ở nhà hàng vậy, người ta hay có món đặc biệt gọi là Special of the day, nó không phải là một món quá tuyệt vời hay hoành tráng, cao siêu, mà vì nó là một món khác biệt so với cái thực đơn trong ngày hôm đó.

– Theo anh, điểm khác biệt của anh nằm ở đâu?

– Với kiến thức tôi có từ 8 năm học Marketing, và những kinh nghiệm từ khi làm việc ở nước ngoài, trở về Việt Nam tôi chọn làm bếp, nó hoàn toàn đi ngược với những gì mọi người nghĩ tới. Mọi người hỏi tại sao lại chọn nghề làm bếp, một công việc khá cực và không được tôn trọng nhiều ở xã hội

Thực ra cái đam mê này, tôi chỉ mới phát hiện sau này thôi. Mỗi lần khi tôi vào bếp nấu một món ăn nào đó, cảm thấy thật sự thích thú, một cái động lực để biến đam mê của mình gắn bó với sự nghiệp của mình. Và đó là cái khác biệt của tôi.


– Anh có thể kể sự kiện đặc biệt nào giúp anh phát hiện ra đam mê này?

– Đó là quãng thời gian đi làm phục vụ trong một nhà hàng Ý, có một món ăn tôi rất thích trưa nào cũng ăn. Đó là món mì fettuccini với pesto kèm rau rocket, vắt chanh và phô mai, gà phi lê nướng. Khi mình thưởng thức, sự hài hòa giữa các gia vị rất lạ, nó quyện lại với nhau theo một cách đặc biệt. Rồi đi hỏi cách nấu, tôi mất 1 năm trời mới học được một món. Sau khi tôi học món đầu tiên như vậy, bắt đầu có thói quen thích tìm hiểu những món khác, từ những đầu bếp mình gặp, từ những nhà hàng mình đi ăn.

– Anh có cảm thấy mình tìm được đam mê khá muộn?

– Tôi thấy không có gì là muộn cả. Tôi có một người bạn, bà ta là một nhà tâm lý học hơn 60 tuổi. Khi bà ta 35 tuổi có 2 con, làm giám đốc marketing cho một hãng thời trang danh tiếng. Và khi 40-50 tuổi bà ta trở lại học đại học với đam mê trở thành nhà tâm lý học, và đã thành công. Dù muộn, có thể trễ, nhưng còn hơn là không bao giờ. Sự học hỏi, tìm tòi trong chính bản thân chúng ta không nên bao giờ ngừng lại.


– 8 năm học về Marketing có giúp gì cho anh trong chuyện làm đầu bếp không?

– Có chứ. Trước khi mình nấu ăn cho một người khác, bản thân mình phải biết cách làm sao để giới thiệu cho họ biết mình là ai bằng cách tiếp chuyện và giới thiệu bản thân, thuyết phục người ta hơn. Đến khi người ta thưởng thức món ăn của mình, người ta sẽ hiểu được rõ hơn, tìm được một cái chất gì đó thú vị hơn.

– Vậy Masterchef có phải là một chiến dịch marketing cho anh không?

– Thực sự mà nói, là không. Trước khi về Việt Nam, tôi đã nghĩ nếu có chương trình này, tôi sẽ tham gia. Thực ra tôi muốn tham gia để xem mình sẽ đi được bao xa. Ai mà nghĩ tôi thi là để marketing là họ không hiểu tôi rồi. Nếu đúng là như vậy thì tôi sẽ phải khác sau chương trình rồi chứ không như bây giờ, có thể tôi đã phát triển thương hiệu với những chiến lược cụ thể hơn. Tôi đâu nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng đâu, nghĩ mình vào top 10 là may mắn lắm rồi.


– Và mơ ước của anh?

– Một ngày nào đó, tôi mơ ước có một nhà hàng nhỏ, không có menu, mình sẽ ra hỏi khách và tự gợi ý những món ăn tại chỗ cho khách theo ý họ. Đối với tôi mỗi lần vào bếp là cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, nên được vào bếp hàng ngày cũng là một mơ ước.

–  Tại sao anh không mở ngay nhà hàng khi kết thúc cuộc thi?

– Có lẽ bởi vì tôi là người rất cầu toàn. Cá nhân vẫn nghĩ mình cần trau dồi hơn nữa và phải đi một cách từ từ. Tôi không muốn mọi người đón nhận nhà hàng của mình vì cái danh hiệu Masterchef. Danh hiệu này chỉ giống như là một chương của cuộc sống, nó chỉ là bắt đầu cho một con đường mới, không phải là đỉnh điểm. Và nó cũng không quyết định tất cả, mà chính là ở mỗi món ăn, nó phải có chất lượng thì người ta mới nhớ mãi. Một người đầu bếp có thể mất đi, nhưng những món ăn mới có thể sống mãi.

– Vậy đối với anh, thế nào mới là ngon, là chất lượng?

– Là sự kết hợp hoàn hảo của hương vị, giác quan của người cảm nhận, không gian, những người mình ăn chung, rất nhiều thứ nữa. Đôi lúc còn phải dựa vào những sự công nhận của người khác dành cho mình trên những sự đánh giá phù hợp.

– Được biết anh đi sang Úc năm 21 tuổi. Quá trình học mất 8 năm, rất chậm rãi từ cao đẳng, lên đại học rồi cao học. Làm việc tại Úc thêm 10 năm. Điều gì khiến anh quay trở lại Việt Nam, và đặc biệt là Phan Thiết?

– Tôi quay lại Sài Gòn là vì muốn gần gũi với bố mẹ mình hơn, cả hai đều đã có tuổi và cần có sự quan tâm chăm sóc về cả tinh thần lẫn sức khỏe.

Còn Phan Thiết là quê hương của tôi, nơi tôi trải qua tuổi thơ rất cực. Tôi vẫn có những giấc mơ về Phan Thiết khi ở nước ngoài, nó là cái gì đó rất đẹp tuy khổ. Chính cuộc sống hồi đó khiến tôi có động lực để vượt qua những khó khăn khi ở nước ngoài. Bây giờ Phan Thiết vẫn thiếu thốn hơn so với Sài Gòn, tạo ra nhiều khó khăn về mặt công việc cho bản thân. Nhưng tôi nghĩ rằng, không có con đường nào dễ dàng cả. Phải tự mình đi. Và đặc biệt, mười mấy năm rồi tôi chưa có cơ hội làm việc ở Phan Thiết, được đóng góp cho quê hương cũng là mong muốn từ lâu.

Men of  the Year 2014

Đến hẹn lại lên, giải thưởng Men of the Year do Thể Thao Văn Hóa& Đàn Ông bình chọn hàng năm đã đi đến năm thứ 9 và là năm thứ 4 được tổ chức tiệc công bố trao giải.

Men of the Year 2014 có tất cả 12 hạng mục, phần lớn là những hạnh mục cá nhân, tôn vinh hoặc bình chọn cho những gương mặt có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực của họ.

Bài cùng chuyên đề:

Đạo diễn Quang Huy: Tôi không phản bội một cộng sự để đổi lấy yên bình đớn hèn

Ca sĩ Đức Tuấn: Có thể “Tổ” chỉ đãi tôi một ít


– Diễn viên Trần Bảo Sơn: Không còn dạo chơi với điện ảnh nữa

Diễn viên Kim Lý: Đẹp, cởi, hót và còn  gì nữa?


– NTK Lý Giám Tiền: Muốn thành công phải dũng cảm

Quốc Trung – “Thiếu cảm hứng thì không thể sản sinh ra năng lượng được”


– Cha con kỹ sư Trần Quốc Hải, Trần Quốc Thành: Giấc mơ lớn cha và con

Vận động viên cử tạ Thạch Kim Tuấn: Năm 2014 chỉ gói trong một từ: “Tuyệt”

– Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: Tôi không có việc gì khác để làm ngoài làm kiến trúc

MC Phan Anh: Làm bố là lúc tôi đẹp trai nhất

Tóc Tiên – Phụ nữ yếu đuối, đàn ông ngu ngốc

Text: Hong Quang
Photo: Tuan FR.
Make-up: Justin Vu

Thực hiện: depweb

12/01/2015, 07:41