Quang Huy: Tôi không phản bội một cộng sự để đổi lấy yên bình đớn hèn - Tạp chí Đẹp

Quang Huy: Tôi không phản bội một cộng sự để đổi lấy yên bình đớn hèn

Sao

9 tuổi theo mẹ đến phòng dựng phim và đã tập tọng xách máy đi quay phim. 13 tuổi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ đi đánh đàn. 21 tuổi thành lập công ty Wepro và tạo nên những cú hit cho thị trường VPop. 32 tuổi đạo diễn bộ phim đầu tay tạo nên một sự ngạc nhiên lớn và chiến thắng 6 giải thưởng điện ảnh… Đó là những cột mốc chính của Quang Huy, tính đến thời điểm này.

Nhưng chưa hết, gã đàn ông có ngoại hình khá mập mạp và tràn đầy năng lượng này còn thử qua cả chục cái nghề khác, từ liên quan đến không liên quan, như đi buôn xe máy, buôn điện thoại, mở quán nhậu, quán bar, tổ chức sự kiện, sáng tác nhạc, làm bầu sô, sản xuất và phát hành phim… Những năm tháng tuổi trẻ quăng mình ra đời hùng hục kiếm tiền đó cho Huy những chất liệu và trải nghiệm tuyệt vời để tái sử dụng dưới một hình thức khác; sức đề kháng mạnh trước những cơn khủng hoảng trên trời ập xuống; và cả một sự thản nhiên trước bất cứ biến động nào của cuộc sống – những thứ trải nghiệm và cảm xúc mà Huy bảo, không thứ tiền nào có thể mua nổi.

Trong một ngày cuối năm, tôi đã “đốt” Huy qua một cuộc phỏng vấn kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. Quá nhiều chất liệu cho một bài phỏng vấn với dung lượng giới hạn. Cuộc phỏng vấn bắt đầu từ một sự cố mà Huy phải mất gần 2 tháng để giải quyết, và đang sung sướng để hưởng thụ cái hương vị chiến thắng của nó.

Tôi đứng ở chỗ khô thì tội gì phải sợ những kẻ té nước

– Mất gần 2 tháng cho sự cố hoãn ngày phát hành “Chàng trai năm ấy” chỉ vì một bài hát trong phim, anh mất gì và được gì sau trận chiến ồn ào này?

– Nếu nói về tinh thần, thì đó là sự đánh mất khoảng thời gian quý báu tôi thức dậy cùng với con gái mỗi ngày, chơi với con, cùng vợ đưa con tới trường. Nếu nói mất về vật chất thì đó là tiền, rất nhiều tiền là khác, do những hệ lụy của nó. Còn cái được lớn nhất là… cái mà tiền không mua được, bao nhiêu tiền cũng không mua được. Như tình bạn, tình cộng sự, nghĩa khí của anh em dành cho tôi là cái không thể mua được, sự thản nhiên của tôi, là cái mà tiền cũng không thể mua được.

Trong mọi hoàn cảnh, tôi đều tìm thấy niềm vui. Trong mọi cuộc chiến, mọi sự trả giá, tôi luôn có những trải nghiệm và nó hoàn toàn thuộc “bản quyền” của tôi. “Cuốn sách” trong đầu tôi về xử lý khủng hoảng, chắc khó có người khác có được.


“Tôi sẽ không cho phép mình làm một điều mà 10 năm sau tôi phải xấu hổ với con của mình, rằng mình đã phản bội một cộng sự để đổi lấy sự yên bình một cách đớn hèn không được đàn ông như thế.”

– Mỗi buổi sáng thức dậy, trong khoảng thời gian đó anh nghĩ đến điều gì?

– Tôi nghĩ tôi đang chiến đấu vì cái gì? Tôi thích sự công bằng, bởi không có việc gì đúng hoàn toàn và sai hoàn toàn. Tôi luôn coi bài hát là một phần của bộ phim chứ không phải là một cá thể độc lập, như một bộ phận trên cơ thể một con người, nếu nó không thật sự bị hoại tử thì không thể tháo rời nó. Tôi có thể vì bộ phim mà xin lỗi Sơn Tùng, thay bài hát khác và phát hành đúng ngày nhưng tôi không thích điều đó. Vì để cứu được tài sản của mình trước mắt nhưng 10 năm sau ngồi nghĩ lại tôi sẽ không tha lỗi cho chính mình. Tôi sẽ không cho phép mình làm một điều mà 10 năm sau tôi phải xấu hổ với con của mình, rằng mình đã phản bội một cộng sự để đổi lấy sự yên bình một cách đốn hèn không được đàn ông như thế.

Hơn nữa, vì sự thành công của mình mà có sự hy sinh của người khác, nhất là cộng sự của mình thì không đáng. Người xưa có câu, “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Một ông tướng công thành danh toại phải trả bằng cả vạn người lính chết khô trên trận địa – NV). Nhưng nếu một thằng tướng mà bắt vạn cốt khô không vì một chính nghĩa, không vì lẽ phải mà chỉ vì sự an nguy của nó thì đó không phải là đạo hành quân. Về mặt tình, bạn có thể thích hoặc không thích bài hát đó được viết ra sao, nhưng về mặt lý, nó không sai thì sao phải bắt nó chịu một án sai? Nếu thằng bé đang cần một cái phao, mình có vẻ như là cái phao duy nhất của nó mà mình tước đi cái phao của nó. Bản thân nó có khi sẽ không còn là chính nó nữa mà chuyển sang một con người khác. Sau này nó có thể tốt hoặc xấu đi thì tự bản thân nó chịu, nhưng trong thời điểm này, tôi không cho mình là người đạp nó xuống sông.

– Nhưng vì một người, anh bắt 100 người trong đoàn làm phim phải hy sinh, như thế có đáng không? Thẳng thắn hơn, nếu một người khác ảnh hưởng đến bộ phim, anh có “chơi tới cùng” để bảo vệ cá nhân đó, như đã từng với Sơn Tùng?

– Vài người nói tôi ích kỷ, và tôi chấp nhận. Vì ích kỷ là một đơn vị đo lường tương đối.

Nếu để giữ tiếng thơm cho tôi và cả bộ phim, thì mọi chuyện dễ hơn nhiều, đổi bài hát là xong. Tất cả đều yên bình, bộ phim an toàn và chỉ một người hận tôi thôi. Nhưng như vậy thì tôi mới chính là người ích kỷ. Với tôi, số đông không phải bao giờ cũng đúng cho dù họ gây ra được áp lực lên mình. Nếu vì 1000 người mà bất công với 1 người thì cũng là bất công. Một thằng chỉ huy mà chỉ thích chọn những lựa chọn dễ dàng thì đó không phải là chỉ huy. Khi tôi chọn đi ngược lại số đông, có rất nhiều người chỉ trích tôi ở một thời điểm nào đó, nhưng nếu tôi có cách đưa bộ phim về bờ an toàn mà không phải hy sinh bất cứ một quân nhân nào, thì tại sao tôi lại không chọn? Có những việc không nhất thiết phải trả lời ngay. Tôi chọn cách không bị đám đông tác động và để kết quả trả lời.

Quang Huy và vợ – ca sĩ, diễn viên Quỳnh Anh

– Ở thời điểm mà 80% dư luận lao vào chỉ trích, trong đó không thiếu ý kiến của các tên tuổi chuyên môn, điều gì giúp anh vững tin để tiếp tục bảo vệ Sơn Tùng và… chiến đấu tiếp?

– Tôi nhận ra một điều, sự chỉ trích đến từ cảm tính của đám đông. Còn điều mình làm là chứng minh đúng và sai, một khái niệm rất rõ ràng. Tôi không thích phản bội lại tôi. Tôi hiểu cảm giác 10 năm sau ngồi nhìn lại 10 năm trước. Trong mọi trận chiến, tôi đều muốn chiến thắng bằng kiến thức và sự trải nghiệm của mình, nó không giúp tôi tự tin mà bắt tôi phải tự tin. Trong cuộc chiến này, tôi không hề nao núng trước đám đông, vì không phải cứ té nước theo mưa thì mình bị ướt. Tôi đứng ở chỗ khô thì tội gì phải sợ những kẻ té nước! Và tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho một con đường dài hơn nếu “cuộc chiến” này tiếp tục leo thang. Tôi đã liên hệ với hiệp hội bản quyền Hàn Quốc để nếu muốn một diễn đàn lớn hơn, mang tầm quốc tế và tốn kém ra sao, tôi cũng sẽ làm!

– Nhưng anh nghĩ gì khi trong những ý kiến chỉ trích đó có khá nhiều ý kiến của những nhạc sĩ trẻ, và đương thời, những người đang ở trong dòng chảy của âm nhạc chứ không chỉ là những nhạc sĩ bảo thủ của thế hệ trước?

– Tôi không nghĩ nhạc sĩ nào của thế hệ trước cũng bảo thủ, như nhạc sĩ PGS-TS Thế Bảo, một người không hề quen biết Sơn Tùng, đã có những phản biện rất xác đáng. Và không phải nhạc sĩ trẻ đương thời nào cũng có một cái đầu cấp tiến. Nếu nói một cách ôn hòa nhất thì vấn đề nằm ở chỗ chúng ta ngộ nhận giữa quan điểm cá nhân với lý thuyết. Nhiều người không chấp nhận những gì ngoài suy nghĩ của họ và cho rằng như vậy là sai. Họ không cho mình một khả năng tiếp cận vấn đề không giống như họ tưởng tượng, rồi cho rằng nó sai trái và ra sức bài xích nó, chứ không cho nó một cơ hội được khác biệt. Bởi cho đi một cơ hội cũng là cho mình một cơ hội.

– Có nhiều người đôi khi không nghĩ như vậy nhưng họ hùa theo đám đông, hùa theo những tiếng nói thuận chiều để tấn công một cá nhân nào đó; Một dạng tâm lý đám đông đang nở rộ như nấm sau mưa trên mạng xã hội. Anh nói gì về lối hành xử “trên đội dưới đạp” đó?

– Đã có nhiều lần tôi từng thông cảm cho một người bạn của mình về lối hành xử như vậy, nên tôi cũng không thể chỉ trích một người không phải bạn mình. Nếu nhìn tích cực thì họ không ác ý mà chỉ ngộ nhận thôi. Nhưng qua chuyện vừa rồi, tôi cũng nhận ra nhiều người thừa cơ hội đó để nói với thiên hạ là “tôi không làm như Sơn Tùng”. Tại sao lại mượn cái đầu của một chú nhóc 20 tuổi để ngồi lên?

Trong trận chiến này, nếu tôi bỏ cuộc thì đó sẽ là một tiền lệ xấu. Vì nếu mình thua trong trận này thì không chỉ Sơn Tùng thua mà rất nhiều nhạc sĩ trẻ khác thua, và chúng ta đẩy họ vào sự hoang mang, tước đi của họ một quyền lựa chọn. Có thể đó là một lựa chọn hay hoặc dở, nhưng đó vẫn là một sự lựa chọn. Và chúng ta có thể dùng nhiều diễn đàn để chứng minh nó dở, nhưng chúng ta không được quyền phán xét đúng sai rồi tước đoạt sự lựa chọn của họ.

Điểm giống nhau của những người chịu đốt là họ… hừng hực

– Tuổi 20 của anh và Sơn Tùng giống và khác nhau điều gì?

– Tuổi 20 của tôi và những ngôi sao do tôi tạo ra cũng gặp nhiều sóng gió. Và tôi thấy được một điều, những người nào chịu đốt thì họ giống nhau ở chỗ họ luôn… hừng hực. Tôi cũng nhìn thấy nhiều người giỏi nhưng họ quá thận trọng, không dám đốt mà ngồi đó than vãn hoặc đổ cho hoàn cảnh. Và đôi lúc tôi cũng không biết họ thận trọng cái gì. Những người tuổi 20 tạo được một cái gì lớn lao là vì họ dám “đốt” họ. Thay vì không biết sợ cái gì thì tạm thời coi như không sợ đi, có dấn thân sẽ biết sai ở đâu và phải sợ điều gì.

Tuổi 20 của tôi lao chung với Phúc. Lắm lúc tôi và Phúc lao qua một cái vực mà không hề biết, đến khi ngoái lại chỉ biết “wow” lên là đẹp quá. Giờ tôi cũng thích đốt, nhưng mình có nhiều kinh nghiệm hơn, quái hơn, biết điều tiết nhiệt hơn để không làm mất sức của mình và những đứa nhỏ. Nhưng trong nghề này, tôi luôn thích tìm đường mới để đi nên luôn tạo ra thử thách cho mình để giữ lửa, bởi để đi đường dài, tôi muốn giữ được nguồn năng lượng đó chứ không muốn mất đi. Cái khác biệt là trước đây mình không biết cách giữ, để nó đốt cạn nhiệt thì thôi, giờ thì mình xài ít hơn, nhưng có kỹ năng để giữ nó cháy lâu hơn.


– Khi nhìn những người trẻ dám đốt, nó mang cho anh cảm hứng gì?

– Ở Sơn Tùng, tôi nhìn thấy sự kiên định, điều tôi luôn theo đuổi trong con đường này và là điều tôi trân trọng ở những người khác. Sơn Tùng kiên định đến mức chịu được sự chỉ trích và công kích của người khác, điều không hề dễ với một cậu bé 20 tuổi. Khi một nghệ sĩ chịu được một sức ép lớn mà không gục xuống thì cái lợi cuối cùng là khán giả của họ. Sóng gió không ai muốn chọn mà cũng không ai có quyền tránh. Tôi luôn trân trọng những người vượt qua sóng gió mà không gục ngã, và họ đáng tin hơn những ông thầy ngồi một chỗ đọc 8.000 cuốn sách xử lý khủng hoảng mà trong đời ông ấy chưa gặp một cơn khủng hoảng nào. Cho nên khủng hoảng đến với ai là bài học của người đó. Bài học của Tùng sản sinh năng lượng và từ năng lượng này sản ra nhiều năng lượng tích cực và cảm hứng khác.

Wanbi Tuấn Anh là một ví dụ khác. Nếu Wanbi chỉ chờ chết thì đó chỉ là một câu chuyện thương tâm về một ca sĩ trẻ gặp bạo bệnh, nhưng Wanbi cố gắng từng phút một để sống với tuổi trẻ của mình thì rõ ràng nó mang lại một nguồn năng lượng và cảm hứng lớn cho người khác. Trong lòng tôi đã từng cám ơn Wanbi, và chắc đến một lúc nào đó, tôi cũng sẽ cám ơn Sơn Tùng, bởi vì họ dám sống và cho tôi cảm hứng. Họ không cúi đầu và kiên định tới cùng. Nếu lúc đó Sơn Tùng xuống tinh thần thì tôi chiến đấu vì cái gì? Nếu nó đầu hàng và đòi rút bài hát ra khỏi phim thì tôi biết chiến đấu vì điều gì? Nhưng nó đã dám đương đầu đến cùng, và nó mang đến cho tôi cũng như khán giả của nó một nguồn cảm hứng lớn. Và càng có nhiều cảm hứng thì càng có nhiều ước mơ tích cực.

Giấc mơ điện ảnh đã có từ lâu

– Những chất liệu của những năm tháng tuổi trẻ quăng mình vào đời sống, cảm xúc tràn đầy và cái nhìn lý tưởng, hướng thượng về tuổi trẻ, về tình bạn, tình bằng hữu trong showbiz đã được Huy “tái sử dụng” trong bộ phim đầu tay “Thần tượng” của năm ngoái và năm nay là “Chàng trai năm ấy”. Chỉ trong vòng 2 năm, từ một kẻ tay ngang, Huy đã kịp giới thiệu chân dung của một đạo diễn, nhà làm phim có phong cách cá nhân rõ nét. Nguyễn Quang Huy của dòng phim giải trí, cũng như Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp của dòng phim nghệ thuật là những chân dung mới mẻ của điện ảnh Việt Nam, và điều đặc biệt, họ đều tự học và tự làm phim ở trong nước. Những gương mặt trẻ này, rõ ràng đã phá vỡ được những giới hạn nặng mùi yếm thế “Việt Nam không làm được”!

– Ý định làm phim của anh, nó có từ trước trong lộ trình của anh, hay chỉ là một cơn bộc phát chợt đến?

– Thực ra ý định làm phim của tôi đã có từ khi lập công ty Wepro. Tôi muốn sản xuất nhạc, làm MV, làm phim và thậm chí là làm sống lại sân khấu cải lương, thứ nghệ thuật mà tôi không hiểu nhiều nhưng tôi cho rằng đó là một trong những di sản đáng tự hào của người Việt. Còn nói xa hơn thì trong tôi có dòng máu điện ảnh của mẹ tôi, một người làm phim và dòng máu âm nhạc của bố tôi, một người dạy nhạc. Mẹ cho tôi thẩm mỹ, ngôn ngữ điện ảnh, quan điểm góc nhìn. Bố cho tôi nhịp, nhạc và sự phóng khoáng. Tôi vẫn nhớ cái mùi phim nhựa cũ lưu trữ trong phòng lạnh, tiếng băng chạy rè rè mỗi lần theo mẹ lên trường quay. Những cảm xúc đó ở rất lâu trong tôi. 

Nhưng tôi biết để đi theo con đường này tôi phải học bài bản. Tính tôi có tiền là đi học. Năm 17 tuổi tôi sang Úc học sản xuất âm nhạc bằng tiền của mẹ tôi, rồi tôi bỏ về vì nhớ không khí đi làm. Còn khi thành lập Wepro, tôi quyết định học bằng tiền sinh lãi của công ty. Tôi từng xách một đoàn sang Hongkong, thuê đạo diễn và êkíp Hongkong sản xuất MV để tận mục sở thị. Cú đấy tuy tốn kém, nhưng về nhà vẫn thấy chưa đã, làm sao để chất lượng hình ảnh MV của mình có thể bằng nước ngoài khi làn sóng Hàn Quốc bắt đầu tràn sang? Thế là “bưng” nguyên cả một êkíp Hàn Quốc sang làm trước mặt mình. 

Thời điểm đó (năm 2006) tôi bỏ ra 2 tỷ đồng để thuê êkíp Hàn Quốc về chỉ để xem họ làm MV bài bản ra sao. Lúc chồng 1 tỷ bằng tiền mặt lên bàn để ký hợp đồng tôi không hề nao núng vì lúc đó một cái MV chỉ chừng vài chục triệu. Tôi là như vậy, mua một món đồ hiệu thì nâng lên đặt xuống tiếc rẻ, nhưng để đầu tư cho Wepro và học hỏi thì một khi đã máu – đừng hỏi bố cháu là ai. Sau cú đó là có nghiệp. Tôi bám sát từng công đoạn và học từng bước một. Trước ngày ra set ngồi với đạo diễn. Xong ôm lấy ông quay phim, quay phim xong ôm lấy ông dựng phim. Giữa giờ thì ngồi với ông sản xuất. Tất cả băng “behind the scenes” tôi giữ lại hết làm chất liệu. Hồi đó, tôi chỉ học để làm MV ca nhạc.

Nhưng phải nhiều năm sau, ý định làm phim mới đến lúc tôi đang chán với âm nhạc. Hồi đó đi làm event túc tắc để kiếm cơm, nhưng đó không phải là cuộc sống mà tôi thích. Có một thời gian khoảng 3 năm gần như tôi bế tắc và nằm nhà, vợ nuôi. Và “Thần tượng” ra đời trong giai đoạn đó. Tôi có cái may là trong mọi quyết định của tôi, đều có sự ủng hộ rất lớn của gia đình và những người cộng sự của mình.

– Bộ phim nào mang đến cho anh cảm hứng lớn và khiến anh muốn chuyển sang làm phim?

– Có lẽ đó là “Dòng máu anh hùng”. Nếu nói bộ phim này là lý do khiến tôi muốn chuyển sang điện ảnh thì không đúng, nhưng nó mang đến cho tôi một cảm xúc rất mạnh. Tôi xem bộ phim này rất tình cờ, chỉ là để giết thời gian trong một ngày nghỉ lễ rảnh rang. Và đó là bộ phim Việt Nam đầu tiên mà tôi bị cuốn hút không cưỡng được. Hấp dẫn từ đầu tới cuối. Sau này nhiều người nói nó có chỗ này chỗ kia chưa được, nhưng tôi không quan tâm. Với tôi cái… mẹ gì trong phim này cũng hay hết và nó lấy được sự tôn trọng của khán giả dành cho đạo diễn của nó, dù lúc đó tôi mù tịt điện ảnh chẳng biết ông ta là ai. Hôm đó ra khỏi rạp, tôi đi bộ miên man trên đường như bị nhập, vì cảm xúc vẫn bám theo tôi quá mạnh. Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam phải cám ơn bộ phim đó, vì nó mang lại cho giới làm phim và khán giả quá nhiều cảm xúc. Những thứ mà trước đó không ai nghĩ ở Việt Nam có thể làm được.

Tôi tận hưởng cảm giác của nhiều cuộc chiến thắng ngược đời

– Những giá trị nào mà anh luôn hướng tới trong đời sống cũng như sự nghiệp của mình?

– Đó là gia đình, bằng hữu và cộng sự. Tôi coi đó là thước đo của sự thành đạt. Trong tử vi có 12 cung, có cung phụ mẫu (cha mẹ), cung tử tức (con cái), cung phu thê (vợ chồng), cung nô bộc (bạn bè), cung huynh đệ… Nó như những căn phòng trong mỗi căn nhà và có sự cân xứng với nhau. Kiến trúc của một con người cũng phải có những căn phòng đó, và mình phải xây dựng và bảo trì nó. Người xưa có câu, “Áo gấm dạ hành trong đêm”. Thành công mà không có gia đình chia sẻ, không có bóng dáng cộng sự, bằng hữu thì thành công đó không trọn vẹn. Tôi chưa nghĩ mình thành công, nhưng nếu thành công mà những cánh cửa đó không được mở, không được lan tỏa thì chỉ có thể gọi là một thành công mà không phải là sự thành đạt.

– Tôi nghe vợ anh nói anh là một người luôn xây dựng lộ trình cho mình. Anh đã dựng nên một lộ trình 15 năm từ khi mới khởi nghiệp và gần như đã đạt được. Lộ trình 15 năm tiếp theo của anh là gì?

– Tôi thích nhìn thấy mấy bà vợ cười! Vợ của ông già tôi, vợ của ông già vợ tôi và vợ của tôi. Bạn bè thì cuối ngày chỉ cần ngồi uống với nhau vài chai bia, tôi muốn giúp họ thành công và kéo họ vào thành công của mình.

Trong công việc hiện tại, tôi không quá đam mê âm nhạc, tôi cũng không đam mê điện ảnh. Điều tôi muốn là xây dựng được một nền giải trí lành mạnh. Tôi muốn giúp những người sáng tạo trẻ có được một môi trường tốt để phát huy đam mê của họ; muốn ngành giải trí Việt Nam có hệ thống hơn. Tôi nghĩ càng có nhiều người làm cho ngành giải trí tốt lên thì tất cả đều tốt hơn. Tại sao Việt Nam không có công ty giải trí nào niêm yết ở sàn chứng khoán? Tại sao chưa có những cú bắt tay ở tầm quốc tế? Tôi nghĩ nghệ sĩ VN nhiều người giỏi lắm. Nếu họ có cơ hội bươn ra được quốc tế thì sẽ có nhiều điều kiện để tỏa sáng hơn. Tôi đã đến và quan sát ở khoảng cách gần một số nền giải trí lớn ở châu Á để thấy rằng, tài năng của họ cũng bình thường thôi, đứng cạnh Mỹ Tâm là… tắt điện luôn. Noo Phước Thịnh, Đông Nhi… cũng rất giỏi, nếu có những công ty lớn có tầm nhìn lớn thì họ mới lớn được. 10 năm nữa nếu không còn làm trong ngành giải trí mà đọc báo thấy nghệ sĩ trẻ Việt Nam vươn ra được bên ngoài biên giới thì đó là niềm hạnh phúc của tôi.

– Hình như anh luôn che giấu con người nghệ sĩ của mình đằng sau con người kinh doanh, quản trị?

– Giấu làm gì, chẳng qua là tôi không có khao khát được ghi nhận tên mình. Tôi chỉ khao khát những gì tôi làm ra, những nghệ sĩ hợp tác với tôi được tỏa sáng. Không ai thấy mình có máu nghệ sĩ thì đâu có gì phải bi kịch đâu. Mình bán rẻ nó, phản bội nó để được vinh danh hay được lợi lộc cá nhân mình thì mới là bi kịch. Làm quản trị cho nghệ thuật từ từ cũng được phong danh nghệ sĩ thôi, những ông anh nuôi trong quân đội cũng được gọi là người lính tuy không cầm sung chiến đấu đấy thôi.

– Nhưng hình như anh đang “hy sinh” con người nghệ sĩ của mình cho con người quản trị?

– Nếu còn năng lượng để sáng tạo để làm đạo diễn, tôi sẽ không bao giờ lãng phí và tôi sẽ đốt hết nó thì thôi. Nhưng một ngày nào đó, tôi biết mình không còn cảm xúc và năng lượng thì tôi sẽ ngừng lại và ủng hộ đám trẻ phát triển. Đó là cách nhìn của quản trị chiến lược. Lúc đó nếu có một tiếng gọi cần một nhà sản xuất, một nhà đầu tư như mình, tôi vẫn sẽ cống hiến. Nó cũng là một nguồn năng lượng mà nếu để không thì rất phí. Bởi ở lâu trong ngành này tôi biết, chúng ta đang thiếu những nhà quản trị chiến lược. Anh tài đến trời thì cũng chỉ một mình anh tỏa sáng được thôi.

Ví dụ: Cả ngành giải trí mình bây giờ chỉ có vài ngôi sao tỏa sáng, mà xác suất để một vài ngôi sao cùng nghỉ làm việc là rất cao. Khi nào ngành giải trí có hàng chục Mỹ Tâm, hàng chục Hồ Ngọc Hà, hàng chục đạo diễn bảo chứng phòng vé… thì chúng ta mới có một ngành giải trí lớn. Bởi chính ta đang bị phụ thuộc vào những cá nhân nhỏ. Và trong ngành quản trị, con người là rủi ro nhiều nhất. Nếu có một sự quản trị chiến lược thì ngành giải trí Việt Nam mới có được những giá trị cốt lõi, muốn vậy phải luôn ủng hộ lớp trẻ.

– Anh không có thần tượng trong điện ảnh, cũng không có thần tượng trong âm nhạc. Vậy ai là thần tượng của anh?

– Huấn luyện viên bóng đá Jose Mourinho. Ông này có một phẩm chất lãnh đạo cực mạnh. Triết lý của ông là cả đội bóng dù toàn ngôi sao lớn nhưng ông không cho phép ai là ngôi sao trong đội bóng của ông cả, chỉ có ông mới là ngôi sao. Dĩ nhiên ông sẽ mang tiếng háo danh và ích kỷ. Nhưng tại sao mỗi khi ông ra đi, có những cầu thủ bất trị vẫn phải rơi nước mắt vì ông? Ông luôn có những phát ngôn gây sốc chỉ để nhận lấy mọi áp lực về mình khi cả thế giới lên án sau mỗi trận thua. Ông yêu thương vợ con vô điều kiện và không bắt cầu thủ nào phải chịu áp lực khi thất bại. Đó là phẩm chất của một người đàn ông, một người chồng, một người thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ!

– Điều gì giúp anh cân bằng sau những trận sóng gió?

– Bà già tôi đã từng khóc bao nước mắt vì tôi, giờ tôi chỉ nhìn thấy bà cười thôi. Gia đình tôi đang có cũng thế. Trong nhiều năm về trước, nhiều lúc tôi như một thằng bất tài. Nhiều lúc tôi có rất nhiều tiền, nhiều lúc tôi chẳng có gì, thậm chí mang nợ. Tôi cũng không có sự khéo léo hay tài ăn nói. Cái tôi có duy nhất là sự kiên định và làm họ tin. Đó là hạnh phúc của tôi. Bởi bao nhiêu tiền để mua được nụ cười trong gia đình? Bao nhiêu tiền để mua được bản thân mình nếu vì mình thiếu kiên định mà đánh mất chính mình?

Tôi có những cách cân bằng vô cùng bình thường nhưng rất hiệu quả, như đá một trận banh, đọc một vài trang sách (tôi đọc ít sách nhưng đọc rất nhiều lần). Có những lúc bị áp lực hay hoang mang thì được vợ hoặc bạn bè kéo mình vào một cuộc vui, một chuyến du lịch là lập tức lấy lại được sự cân bằng ngay. Hay đôi khi, rất đơn giản, bắc một nồi canh lên bếp, bật lửa lên là cảm thấy máu đã được điều hòa.

– Anh nói nhiều đến cảm hứng. Vậy chất “doping” của anh là gì?

– Cái cảm giác sung sướng của chiến thắng cuối cùng, đó là một sự tò mò rất lớn vì tôi chưa đi đến đó. Mỗi chiến thắng tôi đã và đang có chỉ là những trận đấu, tôi vẫn đang trên đường chinh phục giải đấu của đời mình.

Tôi đã từng tận hưởng nhiều cảm giác của những chiến thắng ngược đời. Tôi thích người ta nghi ngờ mình, càng nghi ngờ càng thích và sau đó chứng minh điều tôi làm được, hình như tôi có cái chất “láu cá”, hí hửng của một thằng đàn ông thích chinh phục người khác bằng niềm tin. Cái ôm chặt của Hứa Vĩ Văn, Hoàng Thùy Linh, Vĩnh Thụy sau buổi ra mắt “Thần tượng” cũng là chất “doping” và tôi thèm những cái ôm chặt đó vì trước đó họ cũng nghi ngờ chính tôi. Tôi thích chiến thắng bằng niềm tin chứ không bằng vụ lợi.

 – Cuối cùng, cái đẹp lý tưởng trong “Thần tượng” và “Chàng trai năm ấy” là cái đẹp mà anh tin nó đẹp thật hay anh muốn lãng mạn hóa nó?

– Cả hai. Cá nhân tôi thì tôi không nỡ nhìn nó xấu. Nếu mình làm trong giới này mà người ngoài lẫn người trong giới không tin thì mình còn thuyết phục được ai? Tôi không cố để lãng mạn hóa, nhưng tôi tin nghệ sĩ mình nếu có chăng chỉ là không biết cách tốt thôi chứ không phải họ xấu. Và trong phim của mình, tôi muốn làm họ nhận ra cách để tốt lên trong thế giới này.

Quang Huy nói gì về…

…Hứa Vĩ Văn

Tôi quý trọng niềm đam mê, tình yêu điện ảnh của Văn. Tôi cảm kích tình cảm, sự tận tụy Văn dành cho mọi dự án Văn tham gia, trong đó có 2 bộ phim của tôi. Tôi tôn trọng sự chia sẻ kinh nghiệm Văn dành cho các diễn viên trẻ mà không có sự tính toán hay phiền toái nào. Và tôi muốn cùng Văn phá vỡ khung vai an toàn mà mặc nhiên mọi người đã đóng khung cho Văn bao lâu nay, đó là những gì tôi có thể làm để trả học phí cho những gì tôi đã học từ Văn trong điện ảnh. Cảm ơn đạo diễn Linh Phanxine và nhà sản xuất Jenni Trang Lê đã “tác hợp” cho tôi và Văn hợp tác cùng nhau.

…Ngô Kiến Huy

Huy thông minh, nhạy cảm và là một người bạn tốt, bạn kiểu “không showbiz” cũng được. Huy luôn là người giữ lửa cho bạn diễn trong những lúc diễn viên phải chờ lâu, hay mệt mỏi giữa cái nắng Nha Trang. Nếu là cầu thủ thì Huy là người luôn làm cho phòng thay đồ được yên bình và nhiều tiếng cười để cả đội có tinh thần thi đấu dành chiến thắng. Tôi tin, nếu Huy nghiêm túc với nghiệp điện ảnh thì con đường của Huy rất dài.

…Sơn Tùng M-TP

Lần đầu tôi gặp Tùng để ngỏ lời mời casting, tôi biết đây là một thằng nhóc rất dị. Lần thứ hai gặp là lần casting, tôi hoàn toàn bị chinh phục. Buổi quay đầu tiên, tôi hoang mang vì Tùng không phải là Tùng mà tôi từng bị thuyết phục, cậu ta lóng ngóng và hoàn toàn hỏng cảm xúc. Tôi quyết định nói chuyện ngay với Tùng. Ngày hôm sau, Tùng nỗ lực rất nhiều vì đã biết phải nỗ lực chỗ nào. Từ đó về sau, tôi không còn thấy Tùng trên trường quay nữa, mà chỉ gặp Đình Phong thôi.

…Phạm Quỳnh Anh

Là người tôi luôn hiểu từng sợi cơ mặt, mọi màu cảm xúc suốt hơn 10 năm làm việc và yêu nhau. Nếu như nhân vật người mẹ trong phim “Thần Tượng” do Quỳnh Anh đóng là tình cảm thiêng liêng của người mẹ mà tôi vay mượn hình ảnh vợ tôi dành cho con gái của mình, thì với “Chàng trai năm ấy” tôi phải giải bài toán khó hơn là phản bội những gì tôi đã hiểu vợ tôi để giao cho cô ấy một nhân vật trái ngược hoàn toàn với những gì cô ấy đã xây dựng trong bao năm nay. Tôi biết ơn vợ vì sự mạo hiểm mà cô ấy đón nhận để chiến đấu cùng tôi.

…Hari Won

Đây là một cô gái tràn đầy năng lượng, người có thể từ trường quay về vào lúc 1 giờ sáng và thức dậy tập thể dục vào lúc 4 giờ sáng. Người có thể trong lúc tập diễn xuất húc ngã một thằng đạo diễn gần 100kg đai đen Taekwondo như tôi. Người luôn nói “cám ơn” và “xin lỗi” đến từng người trong êkíp và luôn ghi chép cẩn thận vào kịch bản tất cả mọi điều tôi hướng dẫn. Với một người như vậy, thành công chỉ là vấn đề thời gian.

…Quang Huy

Bây giờ thì tôi rất mãn nguyện với tất cả diễn viên của tôi và tôi biết ơn họ!

Text: Lam Le
Photo: Tuan F.R
Stylist: Huyen Coco
Make-up: Le Trien Luong, Vu Tilybi

Thực hiện: depweb

06/01/2015, 08:56