Lady Dior được coi như một biểu tượng bất biến theo thời gian, và cũng như người phụ nữ hiện đại, nó không ngừng thay đổi để làm mới mình. Với dự án Dior Lady Art lần thứ 4, 11 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã bước vào cuộc chơi với những phép ẩn dụ nghệ thuật thể hiện trên Lady Dior. Trong số đó, Wang Guangle gây ấn tượng với chiếc túi Lady Dior nhiều màu sắc kết hợp cùng chi tiết trong suốt (quai túi, logo, sườn túi), thể hiện cái nhìn ảnh hưởng bởi Phật giáo.
Là một trong những nghệ sĩ tiên phong của hội họa khái niệm ở Trung Quốc, nghệ sĩ Wang Guangle kể lại thế giới xung quanh thông qua các tác phẩm mang tính trừu tượng cao. Ở dự án Dior Lady Art #4, anh đã thử nghiệm với những lớp màu, những hiệu ứng chuyển động thư thái và nhiều kết cấu.
Anh có thể mô tả thật nhanh về thế giới nghệ thuật của mình?
Vũ trụ nghệ thuật của tôi chỉ hướng đến ý nghĩa của cuộc sống riêng lẻ.
Từ khi nào anh quyết định trở thành một nghệ sĩ?
Suốt khoảng thời gian học đại học, suy nghĩ về việc tốt nghiệp khiến tôi khiếp sợ. Tôi không tìm được cho mình một nơi nào trong hệ thống xã hội, tôi sợ hãi phải trở thành một phần của một hệ thống nhất định. Năm cuối trước khi tốt nghiệp, tôi đã đưa ra quyết định, vì đã vẽ suốt nửa cuộc đời nên có lẽ mình nên tiếp tục công việc ấy, và cũng vì một nhẽ, tôi phù hợp làm công việc độc lập hơn.
Anh thường lấy cảm hứng sáng tác từ đâu?
Cảm hứng đến với tôi lúc ở trạng thái nhạy cảm cao, khi tôi tập trung ngắm nhìn mọi vật xung quanh mình.
Là một trong những nghệ sĩ nổi bật tham gia vào dự án Dior Lady Art #4 lần này, anh có thể chia sẻ đôi chút về tác phẩm của mình?
Trong dự án này, tôi mang đến hai thiết kế Lady Dior – một chiếc túi cỡ lớn và một chiếc túi cỡ nhỏ cho tiệc tối với chất liệu lấp lánh hơn. Những chiếc túi Lady Dior này được ra mắt cùng thời điểm với Hội chợ Nghệ thuật Đương đại ART021 ở Thượng Hải và tôi cũng mang đến đây một tác phẩm cho nhà mốt Dior.
Ẩn ý truyền tải trong các lớp chất liệu của hai chiếc túi này là gì?
Những mảng màu sắc khác nhau mà mọi người thấy trên thân túi thực chất là những lớp chất liệu được gắn lại với nhau. Đó cũng là phương pháp hội họa mà tôi sử dụng trong loạt tranh “Coffin Paint” của mình. Điều đặc biệt là bên trong và bên ngoài túi xách không có sự khác biệt. Đây cũng là một triết lý tôi mượn từ Phật giáo, sử dụng hình ảnh những con sóng và nước biển cho phép ẩn dụ về sự sống và cái chết.
Chiếc túi xách là món phụ kiện không thể thiếu, mang theo những món đồ cá nhân. Tại sao anh lại chọn chất liệu trong suốt cho tác phẩm của mình?
Những chiếc túi trong suốt không hề xa lạ với số đông. Tôi sử dụng chất liệu trong cho hai bên sườn túi với mục đích để mọi người có thể nhìn thấy cấu trúc của các lớp chất liệu ở mặt trong. Đây cũng là tiền đề của câu hỏi về vẻ bề ngoài và bản chất cốt lõi. Người xách túi sẽ phải suy nghĩ xem mình sẽ cho mọi người thấy điều gì với chiếc túi này.