Nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân: Tôi chọn số 7

Bản năng người phụ nữ luôn tự giới hạn mình

– Tại sao chị lại luôn chọn sáng tạo các tác phẩm về hình ảnh, tâm trạng của người đàn bà?

– Đây là điều tự nhiên, chứ không phải tôi chủ động. Tôi cảm thấy mình nói về nội tâm của người phụ nữ dễ hơn, là cuộc sống cụ thể, là những gì gần gũi, là mình, là những diễn biến xung quanh mình hàng ngày. Gọi là duyên cũng được.

Nhưng trong tác phẩm của tôi, hình ảnh người nữ không hẳn là cơ thể người nữ, mà chỉ là một dấu hiệu, tín hiệu nào đó, như là mây, là trăng, là hoa… nhưng bao giờ cũng mềm mại.

– Nói về người phụ nữ mà thể hiện sự mềm mại, mượn trăng, mượn hoa, mượn mây… chị có sợ bị cũ kỹ và ước lệ?

– Xã hội hiện đại hơn, người phụ nữ có vẻ quyết đoán hơn, cứng rắn, mạnh mẽ hơn, nhưng dù sao cũng là vẻ bề ngoài. Bên trong họ vẫn là sự nữ tính, như Xuân Quỳnh nói, vẫn đợi chờ, khắc khoải… Người phụ nữ càng cứng rắn bên ngoài bao nhiêu thì bên trong nội tâm càng mềm mại bấy nhiêu. Cái buồn của người phụ nữ cũng lắng hơn.

Khi nhìn tác phẩm của mình, tôi cũng không nhận ra vẻ nữ tính, nhưng dưới góc nhìn của những người đàn ông, họ nói rằng đá đấy, đồng đấy mà vẫn mềm, là do phụ nữ làm.

Nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân và người mẫu Hà Đăng

Nghệ sĩ Mai Thu Vân và con gái – người mẫu Hà Đăng, hiện đang học Thiết kế Thời trang

– Đàn ông sáng tạo về phụ nữ, lấy cảm hứng từ phụ nữ, và phụ nữ thể hiện hình ảnh, tâm trạng của chính giới mình trong tác phẩm… theo chị có sự khác biệt?

– Tôi không phải là đàn ông để biết họ nghĩ gì, nhưng có một thực tế là: người phụ nữ nhìn giới mình thì hay nhìn vào nội tâm, và hay nhìn ra tâm trạng, còn người đàn ông đa phần thể hiện vẻ đẹp cơ thể gợi cảm. Không phải không có những tác phẩm của những người đàn ông thể hiện chiều sâu tâm hồn phụ nữ, nhưng có lẽ do bản năng, nên cái nhìn của họ về người phụ nữ đa phần như thế.

– Tôi thấy chị là người có cuộc sống khá tròn trịa, êm ấm. Chị có nghĩ rằng nếu đánh đổi nhiều hơn thì mình cũng sẽ nhận được nhiều hơn, với tác phẩm, với sáng tạo?

– Đó là số phận, không phải những người nghệ sĩ khác cố tình có nỗi đau trong đời thường để dồn vào tác phẩm. Nỗi đau của tôi không lớn quá, mà chỉ có những nỗi buồn nhè nhẹ, nên tác phẩm của tôi cũng chỉ đến thế thôi, không rực rỡ, vang dội hay ghê gớm gì cả. Tôi vẫn nói: mình không phải là vĩ nhân. Tôi biết mình thế thôi.

– Và chị hài lòng với lựa chọn này?

– Tôi thấy thế là đủ, tôi không muốn có điểm 10 và điểm 3. Tính cách tôi như thế, bây giờ bảo cực đoan hơn cũng không được. Tôi không dám, không chịu được đau đớn.

– Chị cũng khuyên con gái chỉ nên lấy điểm 7?

– Đúng. Có người cảm thấy thế là nhạt nhòa, tôi thấy thế là đủ.

– Nhạt nhòa vậy có nên làm nghệ thuật không?

– Nghệ thuật có nhiều con đường. Người ta nói tuổi 50 biết được mệnh trời, từ lâu tôi đã biết tạng của mình như thế.

Khi sinh con ra, tôi cũng cảm nhận con mình ở chừng mực nào, nên chẳng đẩy con thành thiên tài làm gì, nếu cố có khi lại thành đẩy nó xuống vực. Tôi cảm thấy hạnh phúc với điều mình làm, chứ lúc nào cũng chật vật, đau đớn với điều mình không làm được thì đau khổ suốt đời.

– Tự mình biết mình có phải cũng là cái tạng của chị?

– Không, ngày xưa tôi cũng vật vã nhiều lắm, không phải muốn làm cái gì to lớn, mà là muốn làm nhiều, nhưng không đủ thời gian để làm, lúc nào cũng tức tối. Bây giờ, tôi đã 50 tuổi, không còn cái bốc đồng ấy nữa.

Già thì không nên lấy cái già của mình để ép con trẻ làm theo, nhưng nên cho chúng hiểu biết về sự trải nghiệm của mình để rồi cũng sẽ đến lúc chúng già. Đây là cách của tôi. Còn cách của người khác, như ông Bill Gates chẳng hạn, có thể là phải trả giá, phải thất bại, phải rơi xuống vực… thì mới lớn lên được. Đây có lẽ cũng là sự khác nhau giữa người nam và người nữ. Phụ nữ thì cứ muốn êm ả, bình thường như thế thôi.

– Tức là luôn giới hạn mình để có được bình yên?

– Tự giới hạn mình, nhưng không phải do lý trí, mà là bản năng. Tôi chẳng tự răn mình phải làm thế, mà tự mình luôn ra những quyết định như thế. Tôi chẳng biết đàn ông lý trí đến đâu, nhưng lý trí nào của phụ nữ cũng là quyết định từ bản năng.

– Vậy là “Tôi muốn nhưng tôi không làm”, vì tôi tự giới hạn?

– Không phải, mà là “Tôi muốn và tôi sẽ làm”, nhưng là những ước muốn nhỏ bé thôi.
Có lần chồng tôi nói là nhìn tôi tưởng nhẹ nhàng thế thôi, nhưng thực ra rất ương bướng, cái quyết liệt ấy nó ngấm ngầm, nó sâu bên trong chứ không bộc phát ra bên ngoài. Tôi và Hà Đăng đều là những người đã muốn là làm, và làm hết sức mình. Có cái làm được, có cái không, và từng đau khổ, nhưng có được chừng này là vui rồi, khỏi phải lo nghĩ nhiều.

– Vậy tiêu chuẩn hạnh phúc của chị là tất cả các mặt của đời sống đều được 7 điểm?

– Đúng, mọi thứ cứ vừa vừa là được. Tôi nhận thiệt về mình để được thanh thản. Mẹ tôi dạy: Bớt bát thì mát mặt. Tất cả mọi thứ đều cần được cân bằng, đặc biệt khi mình không phải người xuất chúng. Cái tạng của người xuất chúng khác lắm, họ dám làm tới mức không nặng lòng với dư luận, kiểu như người chẳng cần biết đến ai, không phải là ích kỷ, mà quả là đầu óc họ thế. Còn mình, làm cái gì cũng sợ ảnh hưởng đến người khác, nên phải chọn con đường bình thường.

Nghệ thuật cũng thế mà đời sống cũng thế, đó là điều tự nhiên, và cũng là lý do tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn cách đây mấy năm. Người ta hay đánh giá rằng tôi cũng có chút thành đạt, mà gia đình cũng tròn trịa. Mình làm cho cha mẹ mình hạnh phúc, làm cho con cái được tự hào với bạn bè là có gia đình hạnh phúc, thì mình cũng hạnh phúc.

Có cuốn sách nào đó đã viết: Phụ nữ phải tu 7 kiếp mới được làm đàn ông, vậy là làm đàn ông sướng hơn làm phụ nữ. Người đàn ông là trụ cột trong gia đình, nhưng cái cột đứng được hay không phải nhờ cái kèo, cái giằng, người phụ nữ chính là cái giằng, cái kèo ấy. Nhiều ông bà đã 70, 80 tuổi mà đi đâu vẫn khoác tay nhau, tôi thấy rất nể người phụ nữ trong gia đình ấy, vì tôi biết đó là công của họ.

nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân

Cái giá phải trả là nỗi khổ trong niềm vui

– Việc chị và con gái – người mẫu Hà Đăng, mỗi người đi một con đường khác nhau, có phải là dự định ban đầu không?

– Con gái tôi làm thiết kế thời trang, cũng là nghệ thuật, nhưng không do định hướng từ nhỏ, tôi chỉ theo sát con trên con đường ấy để xem mình có hỗ trợ được gì không.

Tôi nghĩ con tôi chững chạc, có hiểu biết, cứng cáp rồi học nghệ thuật cũng chưa muộn, thậm chí còn sâu hơn, nên tôi khuyên con nên học ngành gì đó trước. Tôi cũng biết học nghệ thuật là phải trả giá. Làm nghệ thuật mà không có đam mê thì chẳng làm được gì, không như các ngành khác – không phải không cần nhiệt tâm, mà chỉ cần làm đúng là đủ, còn nghệ thuật thì phải rút tâm sức mình ra để làm cái gì… hơn cả đúng.

Tôi không khuyên con nên làm gì, tôi chỉ cần con tôi hài lòng vì được làm những gì chúng thích. Tôi cũng hay nói với con: mình không phải là người quá tài ba, xuất sắc để biết trước tương lai, nên cứ định hướng trước một năm, hay nửa năm cũng được, mỗi một chặng đường mình làm tốt nhất có thể, rồi sẽ có những cánh cửa được mở ra.

– Biết rằng làm nghệ thuật sẽ phải trả giá nhiều, chị có lo lắng cho con gái không?

– Tôi lo, nhưng không phải lo rằng con mình sẽ sống bằng gì, có thành công lừng lẫy không. Tôi cũng biết con tôi chẳng phải thiên tài. Nhưng cũng không phải lo quá, cứ từng bước, thực hiện từng kế hoạch, vui vẻ biết mình đi đúng thì bước tiếp, thất bại thì đi hướng khác sao cho hợp lý. Có thể cách của tôi là cách của một người nghệ sĩ, nên rất cảm tính.

– Cái sự trả giá mà tôi muốn hỏi, là chuyện phải trăn trở nhiều, suy nghĩ nhiều, đau đớn nhiều…

– Đó là cái đau đớn, trăn trở trong niềm vui sướng. Cái vất vả, mệt mỏi ấy nó là tự thân. Không làm được điều mình muốn cũng khổ lắm, nhưng nỗi khổ này chỉ có người sáng tác mới hiểu được. Người ngoài không hiểu, nghĩ là mình khổ, nhưng với người nghệ sĩ, đó là cái khổ trong niềm vui.).

Nhà điêu khắc Mai Thu Vân, giảng viên khoa Điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, từng tham gia nhiều trại điêu khắc quốc tế trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Mỹ…). Gần đây nhất, tác phẩm của cô được chọn là 1 trong 3 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi thiết kế tượng ngoài trời theo chủ đề Syrena – Melusina, một biểu tượng của thành phố Luxembourg.

 

Bài: Linh Hanyi
Nhiếp ảnh: Sáng studio
Trang điểm: Cao Tuấn Đạt
Trang phục: Chu La
Địa điểm: Tadioto bar & cafe, Hà Nội

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Em có kể cho Vinh nghe một câu chuyện của bạn em. Chỉ vì bố đi vắng suốt ngày mà khi vẽ bức tranh về chủ điểm gia đình, con của bạn em đã vẽ 2 người: nó và bà vú em. Hết! Và cả em và Vinh cùng thấy rằng, không thể để con mình về sau cũng sẽ vẽ một bức tranh như thế. Chắc chắn là không thể như thế!” – Vợ tiền đạo Công Vinh tâm sự.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

 


From the same category