Nghề nail trên đất Mỹ: Nỗi khổ lớn nhất là khổ tâm

“Người Việt thường khéo tay, chịu khó nhưng giao tiếp kém nên không được chủ Mỹ nhận làm. Ở nội đô New York, thợ Hàn Quốc, Trung Quốc thường được coi trọng hơn, còn thợ Việt Nam, Lào, Campuchia hay người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mexico luôn ở tầng đáy. Họ phải làm việc nhiều giờ hơn với mức thu nhập tính ra chỉ bằng một nửa”, Phạm Thảo Ly, người đã có 15 năm làm nail trên đất Mỹ đúc kết.

Thị trấn Greece, quận Monroe thuộc xứ lạnh của nước Mỹ, thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt. Tháng 5 đến tháng 9, trời ấm áp nên các tiệm nail khá đông khách. Thời gian còn lại là mùa đông lạnh giá, có khi cả ngày không có khách, những người thợ buồn chán chỉ ngồi chơi không, thu nhập giảm đáng kể. Họ mong chờ được bận rộn vào mấy tuần lễ Giáng sinh – mùa người dân đi làm đẹp, rồi lại ngồi chơi đến mùa hè. Rất nhiều thợ nail người Việt không chịu được nên bỏ về xứ nóng để kiếm tiền quanh năm.

Có một thời điểm quá buồn chán, Ly chuyển xuống Dallas (Texas). Ở đây tiệm nail còn nhiều hơn quán cà phê Starbucks. Đi vài bước lại gặp ông chủ và thợ người Việt. Thời tiết ấm áp nên kinh doanh nail ở vùng này đông khách hơn hẳn, song giá dịch vụ cũng rất rẻ nên muốn kiếm nhiều thì phải làm nhiều hơn. Thợ ở đây thường làm cật lực 10-12 tiếng mỗi ngày, thời gian nghỉ ngơi rất hiếm hoi, họ thường phải tranh thủ nhắm mắt, ngả lưng ngay trên ghế ngồi của khách hoặc gục xuống bàn làm móng. Sự cạnh tranh giữa các cửa tiệm vô cùng gay gắt. Làm hơn 2 năm trong một spa rất lớn có gần 30 thợ, vì không chịu được cuộc sống quá bon chen, Ly quay về Greece, tự mở một tiệm riêng.

Làm nail giá rẻ là đặc điểm của tiệm nail người Việt. Nếu bạn thấy bảng giá 60-80 đô la cho mỗi bộ móng thì chắc chắn đó là tiệm của người Mỹ hoặc Hàn Quốc trong khu phố lớn, nếu giá chỉ bằng một nửa, biết ngay chủ tiệm là người Việt Nam.

“Không hiểu sao cùng là người Việt mà trên đất khách không có tình với nhau?”

Đó là cách người ngoài nhìn vào, còn Ly thường nhận ra đồng nghiệp của mình qua đôi bàn tay, cái bụng, tấm lưng và da mặt. Nếu bạn nghĩ người làm nail phải sơn móng cầu kỳ, tay chân nõn nà để lấy được lòng tin của khách hàng thì đã nhầm. Những người làm nail thường có đôi bàn tay thô ráp, bong tróc, ngón cái bị chai và sưng to. Nhìn vào cơ thể mình, Ly còn chắc chắn người làm nail đa phần béo bụng, lưng gù vì cả ngày ngồi cắm mặt vào tay, vào chân của khách.

Phạm Thảo Ly tại tiệm nail do mình làm chủ ở thị trấn Greece

15 năm trên đất Mỹ gắn liền với kìm, giũa và đủ loại hóa chất, Ly đã gặp nhiều người đồng nghiệp có vùng trán và cằm nổi đầy mụn, bôi đủ loại thuốc cũng không khỏi. Tất cả bọn họ đều bị dị dứng với hóa chất từ sơn móng, nước tẩy. Vùng da nào khẩu trang không che được, vùng da đó sẽ mọc mụn. Cơ địa da của Ly may mắn tốt hơn nhưng cô rất sợ mùi hóa chất, đeo ba bốn lớp khẩu trang vẫn thấy váng vất đau đầu. Mùa hè năm 2004, ngày đầu tiên bước chân vào cửa tiệm nail của dì và chú ruột ở Greece, Ly ngay lập tức bị mùi sơn móng và nước tẩy nồng nặc xộc thẳng vào mũi khiến đầu óc quay cuồng như say bia, mắt cay xè. Dì của Ly bảo cô ngồi xuống massage chân cho khách, cô lập cập làm theo, khách nói gì cũng chỉ hiểu bập bõm, không dám ngẩng mặt lên nhìn họ.

Nhưng khó khăn chỉ thực sự đến khi Ly phải đi làm thuê trong một tiệm nail xa lạ vì người dì chuyển qua tiểu bang khác. Cửa tiệm đó có chủ và 15 thợ đều là người Việt Nam. Ly được chủ quý vì giỏi tiếng Anh nhất lại có khả năng vẽ móng. Có hôm thợ cứng nghỉ, Ly được làm thế chỗ. Thấy cô làm nhanh, cười nói với khách vui vẻ, những người thợ còn lại nói máy nói móc sau lưng cô bằng tiếng Việt. Đó là ngày đầu tiên Ly ôm gối khóc vì uất ức, không hiểu sao cùng là người Việt mà trên đất khách không có tình với nhau.

15 năm trước Ly 19 tuổi, một mình bay qua Mỹ tìm việc. Cô mang theo 300 đô la, tiếng Anh đủ để giao tiếp cơ bản và ước mơ có nhiều tiền đón em qua du học.

Giờ thì Ly đã là chủ một tiệm nail, có nhà riêng và xe hơi. Ước mơ đón mẹ và em qua Mỹ cô đã thực hiện được. Song con đường hơn một thập kỉ sống và làm giàu nhờ nghề nail trên đất Mỹ vẫn chưa khi nào dễ dàng. Với Ly, nỗi khổ lớn nhất của người Việt khi đi làm nail là khổ tâm. Vừa phải làm thợ ở bên này, vừa phải lo cho gia đình ở Việt Nam, chịu áp lực từ cả chủ, đồng nghiệp và khách hàng. Những ích kỉ, tranh giành có lẽ cũng đến từ gánh nặng cơm áo và cả gia đình mà mỗi người Việt xa xứ đều phải gánh vác trên lưng.

NAIL – NỖI CÔ ĐƠN SAU NHỮNG ĐỒNG ĐÔ LA MỸ

Tippi Hedren, nữ minh tinh Hollywood từng nổi tiếng một thời với bộ phim kinh dị “The Birds” có lẽ không hề ngờ rằng cái ngày bà mang thợ làm móng của mình dạy nghề cho 20 phụ nữ Việt tại trại tị nạn Hope Village (California) năm 1975 lại trở thành ngày khai sinh ra một “nghề truyền thống” của người Việt tại Mỹ. “Giữa nghề may và nghề đánh máy, họ đã chọn nghề nail”, Tippi từng kể trên không ít báo đài về việc những người phụ nữ Việt đã bị thu hút bởi bộ móng của mình ra sao.

Hơn 40 năm qua, không ít những “giấc mơ Mỹ” của người Việt đã được hiện thực hóa từ những đồng đô la họ góp nhặt từ nghề sơn sửa móng. Người Việt chiếm hơn 50% trên tổng số 212.519 nhân công ngành nail đang làm việc trên toàn nước Mỹ, tập trung đông nhất ở Texas (76%), California (69%), Georgia (73%), Florida (62%), đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp trị giá 8 tỉ đô xứ cờ hoa. Trung bình mỗi ngày họ kiếm được 150 đô la, số tiền không tưởng với những người lao động ở quê nhà. Nhưng đằng sau công việc “hái ra tiền”, có một mảng tối trong cuộc sống của những người Việt làm nail trên đất Mỹ.

Bằng hàng chục cuộc nói chuyện xuyên lục địa với các nhân vật trong chuyên đề này, chúng tôi hi vọng có thể mang đến cho bạn hình dung rõ hơn về hai mặt của nghề nail, thứ nghề “thương hiệu” của người Việt ở Hoa Kỳ.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Minh họa: Nha Đam

Đọc thêm
– Nghề nail trên đất Mỹ: Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những người đồng hương
– Nghề nail trên đất Mỹ: Nỗi khổ lớn nhất là khổ tâm
– Nghề nail trên đất Mỹ: Cái giá của sự giàu có
– Nghề nail trên đất Mỹ: Nguyễn Minh Tâm – Từ cựu tướng lĩnh thành thợ nail
– Nghề nail trên đất Mỹ: Bên trong một tiệm nail


From the same category