Nghề nail trên đất Mỹ: Nguyễn Minh Tâm - Từ cựu tướng lĩnh thành thợ nail - Tạp chí Đẹp

Nghề nail trên đất Mỹ: Nguyễn Minh Tâm – Từ cựu tướng lĩnh thành thợ nail

Sống

Từng làm việc tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa, vì tình thế, ông Nguyễn Minh Tâm di cư sang Mỹ từ năm 1975. Rời xa quê hương khi đã ở tuổi tứ tuần, ông phải xoay xở đủ mọi cách để nuôi sống cả gia đình nơi xứ lạ. Nhưng mở trường dạy làm nail là điều ông chưa bao giờ nghĩ tới.

Vị khách kiên nhẫn của người cựu lính tha hương

Một tay bế đứa con trai vừa tròn 1 tuổi, tay kia nắm chặt người vợ đang mang bầu 7 tháng, chen chúc giữa hàng kilomet người xếp hàng ở sân bay Mỹ, lòng ông Tâm lúc đó dấy lên nỗi lo mưu sinh trong những ngày tháng trước mắt. Ở tuổi tứ tuần bỗng trở thành kẻ tha hương và phải gây dựng lại cuộc đời tại một nơi hoàn toàn xa lạ, ông chỉ tâm niệm một điều sống chết rằng mình phải bảo vệ cả gia đình, dù chưa biết sẽ làm điều ấy như thế nào.

Ông Tâm tại beauty salon của mình năm 1978

3 năm đầu nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ông làm việc cho một trung tâm cứu trợ người Việt định cư tại Mỹ. Nhờ vậy ông có cơ hội tiếp xúc và hỗ trợ nhiều người Việt Nam mới chân ướt chân ráo tới đây. Không ngôn ngữ, không bằng cấp, không quan hệ, làm nail là lựa chọn tốt nhất của họ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của người Việt tại Mỹ là tiếng Anh.

Tại tiệm, các thợ nail thường phải giao tiếp với khách qua người quản lý như một thông dịch viên. Do không thạo tiếng, người Việt không thể tới các trường dạy làm nail để học lấy bằng, vậy nên đa số người Việt tại Mỹ thời ấy đều làm nail trái phép, tức là nếu bị chính quyền phát hiện, cả thợ và chủ đều sẽ bị phạt.

Nhận ra nhu cầu cấp thiết trong việc mở một trường đào tạo nghề nail cho người Việt tại Mỹ, năm 1978, ông Tâm lập tức nghỉ việc và xúc tiến kế hoạch táo bạo này.

Khó khăn có, may mắn cũng có. Ông được người bạn nhượng lại một mô hình trường dạy làm nail. Nhưng khi rủ vài người bạn già đồng hương làm cùng, tất cả những gì ông nhận được là cái nhìn nửa nghi ngờ, nửa như trách móc. Ông nhận ra những tia thất vọng trong ánh nhìn của họ. Những lần gặp gỡ đồng hương từ đấy cũng thưa thớt dần. Người đàn ông 40 tuổi khi ấy không tránh khỏi tủi thân, nhưng để sống trong một xã hội hoàn toàn mới, không còn cách nào khác ngoài phải chấp nhận và thích nghi, ông hiểu mình bây giờ không còn là tướng lĩnh chỉ tay năm ngón, lãnh đạo hàng trăm người như xưa nữa.

Những ngày đầu, ông phải tự đi học làm nail. “Đàn ông 40 tuổi đêm đêm tập giũa, mài, sơn, vẽ, tự mình cũng thấy kì chứ! Khách hàng đầu tiên và duy nhất lúc đó là vợ tôi. Chắc chắn không thể kiếm đâu ra một vị khách kiên nhẫn với… cái xấu được như vậy. Căn nhà nhỏ của chúng tôi lúc nào cũng nồng nặc mùi hóa chất bốc lên từ những lọ sơn móng tay đủ màu lăn lóc khắp nơi. Tập tành vài tháng rồi cũng đến ngày vợ mình có bộ móng đẹp, lúc đó tôi mới đủ tự tin đứng lên bục giảng dạy nghề cho người khác”, ông cười xòa kể lại.

Kết hợp với việc Việt hóa chương trình học và tiếp cận khu vực nhiều người Việt sinh sống, trường Advance Beauty College của ông mau chóng thu hút được hàng trăm học viên mỗi tháng. Sau hơn 40 năm, trường đã có 5 cơ sở ở California và đào tạo thành công gần 50.000 học viên, bao gồm cả người Việt Nam và các nước khác.

Vợ chồng ông Nguyễn Minh Tâm tại trường dạy nghề năm 1989

Nghề truyền thống của cả gia đình

Hai con của ông Tâm sau khi lấy xong tấm bằng bác sĩ và thạc sĩ đều quay trở về giúp ông gây dựng trường đào tạo nail của gia đình. Cháu ông cũng đang được tập huấn để có thể tiếp nối gia nghiệp trong tương lai. Các thế hệ cứ thế điền vào nhau, chẳng vị trí nào khuyết.

Không chỉ trong gia đình ông Tâm, làm nail cũng trở thành nghề truyền thống của nhiều gia đình Việt tại Mỹ. Thế hệ những người làm nail đầu tiên thường đưa người nhà từ Việt Nam sang Mỹ làm cùng.

“30 năm trước, từng có nguyên một gia đình 8 người tìm đến tôi học nghề, hàng ngày họ dắt nhau đi học rất chăm chỉ đúng giờ, về nhà thì luyện tập cho nhau. Hay có 3 chị em gái kia lần đầu tới Mỹ, vừa xuống sân bay là đến ngay trường tôi để kịp giờ học đầu tiên, tôi vẫn xúc động mãi. Đến giờ, họ đều thành công và sống sung túc với nghề này”, ông Tâm kể về những học viên mình từng đào tạo.

“Ở Mỹ, nhắc đến nail là người ta nhắc đến người Việt. Nhưng dân ta nhiều người hay chê nghề này thấp hèn, có người thậm chí còn mặc cảm, giấu gia đình ở Việt Nam về việc sang Mỹ làm nail. Tôi nghĩ đều là lao động cả, cớ sao phải mặc cảm, cớ sao lại phân biệt sang hèn thiệt hơn?”, ông Tâm tiếp lời.

Giáo viên và học sinh trường Advance Beauty College trong ngày Tết truyền thống Việt Nam

Anh Nguyễn Tâm con trai ông, người đã từ bỏ tấm bằng bác sĩ sau 8 năm học miệt mài để về tiếp quản công ty của bố từ năm 1999 thì chưa bao giờ hết ngạc nhiên vì tốc độ phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp này: “Năm nào tôi cũng nghĩ chắc ngành nail sẽ phát triển chậm lại tại đây vì nó đã gia tăng với tốc độ quá nhanh. Nghĩ vậy 20 năm rồi mà vẫn không thấy nó chậm đi, lại còn phát triển nhanh hơn trước nữa”.

Ngành nail của người Việt tại Mỹ theo thời gian cứ thế lớn dần. Họ làm giàu từ nail và tiếp tục xây dựng thương hiệu Việt Nam trong ngành công nghiệp 8 tỉ đô của xứ sở cờ hoa. Không còn bó hẹp trong các cửa hàng hay trường đào tạo nữa, người Việt giờ đây đã mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất dụng cụ, hóa chất làm nail, vận hành tự chủ một guồng quay từ A tới Z.

“Người Việt phải tự hào vì đã chi phối ngành công nghiệp làm nail tại Mỹ suốt 40 năm qua”, hai cha con ông Tâm đồng tình chia sẻ. Với họ, nghề nail có ý nghĩa nhiều hơn một thứ nghề mưu sinh.

NAIL – NỖI CÔ ĐƠN SAU NHỮNG ĐỒNG ĐÔ LA MỸ

Tippi Hedren, nữ minh tinh Hollywood từng nổi tiếng một thời với bộ phim kinh dị “The Birds” có lẽ không hề ngờ rằng cái ngày bà mang thợ làm móng của mình dạy nghề cho 20 phụ nữ Việt tại trại tị nạn Hope Village (California) năm 1975 lại trở thành ngày khai sinh ra một “nghề truyền thống” của người Việt tại Mỹ. “Giữa nghề may và nghề đánh máy, họ đã chọn nghề nail”, Tippi từng kể trên không ít báo đài về việc những người phụ nữ Việt đã bị thu hút bởi bộ móng của mình ra sao.

Hơn 40 năm qua, không ít những “giấc mơ Mỹ” của người Việt đã được hiện thực hóa từ những đồng đô la họ góp nhặt từ nghề sơn sửa móng. Người Việt chiếm hơn 50% trên tổng số 212.519 nhân công ngành nail đang làm việc trên toàn nước Mỹ, tập trung đông nhất ở Texas (76%), California (69%), Georgia (73%), Florida (62%), đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp trị giá 8 tỉ đô xứ cờ hoa. Trung bình mỗi ngày họ kiếm được 150 đô la, số tiền không tưởng với những người lao động ở quê nhà. Nhưng đằng sau công việc “hái ra tiền”, có một mảng tối trong cuộc sống của những người Việt làm nail trên đất Mỹ.

Bằng hàng chục cuộc nói chuyện xuyên lục địa với các nhân vật trong chuyên đề này, chúng tôi hi vọng có thể mang đến cho bạn hình dung rõ hơn về hai mặt của nghề nail, thứ nghề “thương hiệu” của người Việt ở Hoa Kỳ.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Minh họa: Nha Đam

Đọc thêm
– Nghề nail trên đất Mỹ: Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những người đồng hương
– Nghề nail trên đất Mỹ: Nỗi khổ lớn nhất là khổ tâm
– Nghề nail trên đất Mỹ: Cái giá của sự giàu có
– Nghề nail trên đất Mỹ: Nguyễn Minh Tâm – Từ cựu tướng lĩnh thành thợ nail
– Nghề nail trên đất Mỹ: Bên trong một tiệm nail

Tác giả: Thu Hằng

16/07/2019, 11:09