Nàng Thơ chỉ có thể là “Nàng”?

Hình mẫu con người trong trang phục họ thiết kế ít còn theo “chuẩn vàng” của cơ thể đàn ông hay đàn bà như khuôn mẫu cổ điển. Vậy Nàng Thơ dưới làn vải vóc lụa là kia sẽ là ai? Nàng trông có giống dáng vẻ nữ thần từng được khắc họa trong thi ca và hội họa Hy Lạp?

Freja Beha Erichsen

Khi Nàng Polyhymnia là Chiến binh La Mã

Polyhymnia là Nàng Thơ biểu tượng cho sự trầm lắng và thông thái. Nàng có gương mặt dịu ngọt nhưng không quá nũng nịu; Nàng có trí tuệ sâu sắc, đủ khiến cho nhiều gã đàn ông người trần mắt thịt phải nể phục. Trong hình hài một con người của thế giới hiện đại, gương mặt và tinh thần Polyhymnia ấy hòa hợp cùng cá tính mạnh mẽ như một chiến binh La Mã. Nàng Thơ trở nên táo bạo, vừa nữ tính vừa liều lĩnh, lúc dịu dàng lúc lại gan lì. Không ai sở hữu sự đối chọi – cân bằng như thế bằng Freja Beha Erichsen. Cô gái 25 tuổi người Đan Mạch Freja thống trị sàn catwalk và phủ kín các tạp chí thời trang bậc nhất thế giới suốt gần bảy năm qua.

Freja Beha Erichsen trong buổi trình diễn BST Xuân Hè 2012 của Chanel


Được mệnh danh là “Nữ hoàng cá tính”, Freja luôn đứng trong các vị trí cao nhất của bảng xếp hạng siêu mẫu. Tờ Vogue Paris vinh danh cô là một trong 30 siêu mẫu tiêu biểu của 10 năm vừa qua. Điều gì đã khiến cô gái này trở thành Nàng Thơ của vô vàn nhà thiết kế, làm họ phải đặt tên cô cho mẫu sản phẩm yêu thích như ví Freja của nhà Chloé hay túi xách Freja của Jill Stuart?

Cô chẳng có mái tóc vàng óng ả, bộ ngực, vòng eo và cặp mông gợi cảm như thế hệ người mẫu thập niên 90. Freja tóc nâu sậm, mình hạc xương mai, ngực nhỏ, chân tay khẳng khiu lại có nhiều hình xăm. Nhưng có lẽ, họ bị hút hồn bởi ánh mắt của Freja, cái thần thái toát ra từ cô người mẫu dong dỏng chứa một thứ quyền năng kì lạ. Ngắm nhìn Freja trong bộ ảnh mới nhất quảng bá nước hoa Valentina Assoluto của nhà Valentino, đích thực là Nàng Thơ bước ra từ tích điển, hóa thân vào một cô gái hiện đại. Nàng khoác hờ tấm váy ren trong suốt, lộ tấm lưng trắng muốt; nàng quay nghiêng mặt nhìn đăm chiêu vào khoảng không gian xa xôi nơi ánh nắng rọi vào. Polyhymnia, chính Nàng đây, Freja!

Gương mặt toát vẻ nữ thần của Freja Beha tựa trên một thân hình đặc biệt, nếu nhìn dưới lăng kính của vẻ đẹp nữ tính truyền thống. Dáng dấp và phong cách ngoài đời của Freja tiêu biểu cho trào lưu androgyny – lưỡng tính, khi đặc điểm nam nữ bị xóa nhòa. Vẻ đẹp của Freja, vượt lên trên chuẩn mực giải phẫu học về giới tính, hội tụ một cách hài hòa trong quan niệm thẩm mỹ hiện đại. Cô có thể là nàng tiên dịu ngọt trong chiếc đầm dài chấm gót trên bích chương quảng cáo Chloé mùa Xuân Hè 2012. Đồng thời, Freja cũng có thể biến thành chàng nhạc sĩ – thi sĩ Orpheus của thần thoại Hy Lạp trong bộ ảnh lịch nổi tiếng Pirelli năm 2011 do chính tay nhà thiết kế Karl Lagerfeld bấm máy.

Nàng Erato của mọi giới

Trong thần thoại Hy Lạp, Erato tượng trưng cho nguồn cảm hứng từ dục vọng, ái tình. Thú vị hơn, Nàng có khả năng bắt chước tài tình, có thể vì Nàng nhanh chóng nắm bắt được cốt lõi bản chất của đối tượng Nàng nhắm đến. Nếu ví một Nàng Thơ đương thời với khả năng biến hóa sự gợi cảm của bản thân như Erato, thì hẳn người ta nghĩ đến cái tên Andrej Pejic, chàng trai người Úc tóc vàng hoe. Tạp chí dành cho giới mày râu FHM, chuyên khai thác hình ảnh người phụ nữ với vẻ đẹp rất căn bản nhờ số đo ba vòng nóng bỏng, đã từng xếp Andrej vào danh sách 100 người đàn bà đẹp nhất thế giới năm 2011. Đáng ngạc nhiên thay, khi cả cánh đàn ông “thẳng” cũng phải ngưỡng mộ nét đẹp này.

Andrej Pejic trong BST Haute Couture Xuân Hè 2012 của Jean Paul Gaultier

Được phát hiện tại Melbourne, Andrej Pejic nhanh chóng trở thành tên tuổi nổi bật trong giới thời trang Paris nhờ gương mặt xinh đẹp hơn cả phái nữ: đôi mắt xanh biếc sâu thẳm, gò má xương xương, cặp môi đầy, làn da trắng sứ, mái tóc dài mượt cộng với thân hình thanh mảnh hợp chuẩn siêu mẫu. Andrej là Nàng Thơ Erato của nhà thiết kế Jean Paul Gaultier, người luôn thổi những luồng gió phá cách đẫm chất gợi tình vào các bộ sưu tập của mình tại tuần lễ thời trang Paris. Mùa Couture 2011, Andrej là người mẫu “đinh” cho Jean Paul Gaultier, uyển chuyển trên sàn catwalk, tràn đầy vẻ quyến rũ nữ giới trong bộ váy cưới trắng kiêu kì.

“Khi là phụ nữ, tôi gợi cảm; khi là đàn ông, tôi lịch lãm”. Y như lời tự mô tả bản thân, Andrej mang vẻ đẹp thanh khiết của thần linh, có chút yếu ớt đàn bà pha trộn vẻ lạnh lùng nam giới. Chàng trai gốc Bosnia, con của chuyên gia kinh tế và luật sư, cũng mang trong mình tố chất thông minh của một Nàng Thơ trọn nghĩa. Andrej đọc Leon Trotsky, một triết gia chính trị nổi tiếng, và dự tính theo đuổi ngành luật như mẹ mình sau khi giải nghệ người mẫu. Từ năm 14 tuổi, Andrej bắt đầu thử nghiệm với vẻ ngoài của mình, vượt qua ngưỡng giới hạn nhận thức thông thường về nam nữ. Trò chơi đó từng bước xây dựng một hình tượng Nàng Erato ngày nay, nguồn cảm hứng cho bất kể giới tính nào.

Andrej Pejic trong trang phục Xuân Hè 2011 của Jean Paul Gaultier dành cho nam giới

Vở bi kịch có hậu của Nàng Melpomene

Khi Nàng Melpomene trút bỏ vai diễn buồn bã dưới lốt người đàn ông, Nàng trở lại chính bản chất nữ tính mềm mại, đó chính là niềm hạnh phúc linh thiêng nhất. Nàng Melpomene thời hiện đại đã mang vai diễn ấy trong suốt gần 30 năm. Câu chuyện này thực chất nói về Lea T, siêu mẫu chuyển đổi giới tính đầu tiên được công nhận, tôn trọng và yêu mến trên sàn diễn thời trang quốc tế.

Lea T trong trang phục Haute Couture Thu Đông 2012 của Givenchy by Riccardo Tisci

Chuyện đời của Lea T quả ly kì tựa như một vở kịch mấy hồi gay cấn. Sinh ra trong gia đình danh giá, có địa vị xã hội, Leandro Cerezo, tên khai sinh của Lea, là một cậu bé trai con của thiên tài bóng đá người Brazil Toninho Cerezo, cầu thủ từng thi đấu suốt nhiều mùa World Cup, và một phụ nữ vô cùng sùng đạo Thiên Chúa. Được nuôi dưỡng trong môi trường khép kín, bảo thủ ở Brazil và Ý, nơi mà khuôn sáo giới tính bị định đoạt rõ rệt qua vẻ bề ngoài: đàn bà nảy nở khêu gợi đối nghịch với đàn ông vạm vỡ cường tráng. Cảm nhận sự khác biệt về tâm tính, cùng một niềm khao khát tiềm ẩn trong thể chất và tâm lý, Leandro thấy lạc lõng giữa thế giới phân chia nam nữ bao quanh mình.

Suốt bao năm tháng vô định đó, Leandro vô tình gặp và kết thân với Riccardo Tisci tại London, khi anh này vừa tốt nghiệp trường nghệ thuật Central Saint Martins. Chính Riccardo là người động viên Leandro tìm lại thực thể cá nhân – tố chất nữ giới. Chàng trai Leandro dần dần cải biến thành cô gái Lea T thực thụ, thông qua các biện pháp hỗ trợ hoóc môn và giải phẫu. Chữ T trong cái tên Lea T chính là tri ân của cô dành cho Riccardo Tisci. Và Riccardo lại một lần nữa đưa người bạn thân tới chân trời mới mẻ khác, để cô trở thành hình tượng Nàng Thơ cho Givenchy, nơi anh giữ vị trí giám đốc sáng tạo.

Vận lên người bộ váy xa xỉ Haute Couture, hay phô diễn đường nét mềm mại trên bộ ảnh quảng cáo thời trang Givenchy, Lea T tự tin trong cơ thể mới, truyền niềm vui sống mãnh liệt vào mẫu thiết kế của Riccardo. Nhà tạo mẫu này ca ngợi Nàng Thơ Lea T như một nữ thần, nữ tính, mỏng manh và đầy quyền quý. Không chỉ Riccardo tìm thấy niềm hứng khởi từ Lea T, Carine Roitfeld, cựu chủ bút tờ Vogue Paris từng cho đăng tít “LEA, tái sinh”. Bài báo đặt bên cạnh hình ảnh Nàng ngực trần, mặt mộc, tóc xõa tự nhiên, lấy tay che chỗ kín khi chưa trải qua phẫu thuật. Tấm ảnh này gây tranh cãi không ít, nhưng người xem vẫn phải thảng thốt trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của Lea, làn da nâu mịn màng, chân mày cong, ánh mắt sáng mà đượm buồn, sống mũi thanh tú và đôi môi rộng gợi cảm.

 

Lea T trong BST Haute Couture Xuân Hè 2011 của Givenchy by Riccardo Tisc 

Lea T trong BST Thu Đông 2011-2012 của Givenchy by Riccardo Tisci

Nàng Thơ, dù Nàng trong hoàn cảnh nào chăng nữa, tố chất bẩm sinh rồi sẽ được phát hiện. Nàng yêu cuộc sống, dâng tặng cho cuộc sống niềm vui tích cực, ý chí vượt qua thử thách, đồng thời mang một trí tuệ cùng thần thái khiến sự sáng tạo tự bộc phát ở những người xung quanh Nàng. Nàng Thơ, dù đời thực Nàng có phải vị nữ thần quyền uy hay không, người đời sẽ tôn kính Nàng vì bản thân Nàng, chứ không phải vì Nàng tự vinh danh mình là một Nàng Thơ trên trần gian.

Bài: Arlette Quỳnh Anh

Ảnh: Chanel, Givenchy, AFP

Chuyên đề Nàng Thơ

Bài viết đã đăng:

>> Nàng Thơ: Nguồn cảm hứng bất tận

>> Nàng Thơ chỉ có thể là “Nàng”

 


From the same category