“Năm sau con lại về” – Khi Hoài Linh đã trở nên nhàm - Tạp chí Đẹp

“Năm sau con lại về” – Khi Hoài Linh đã trở nên nhàm

Review
Cách đây vài tháng, Hoài Linh từng ra rạp với một phim hài mang tên “Tía ơi” vốn dĩ là một kịch bản kịch được chuyển thể thành phim điện ảnh, thì lần này, “Năm sau con lại về” cũng là một trường hợp tương tự. Từng xuất hiện ở kịch sân khấu, đến nay thì câu chuyện của “Năm sau con lại về” được đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu viết lại. 

Phim kể về ông bà Lương xuất thân trong xóm lao động nghèo nhưng chăm chỉ làm lụng vất vả để nuôi đứa con trai duy nhất ăn học. Cậu con trai cũng chăm chỉ học hành, đạt được học bổng toàn phần đi Mỹ du học. Sau 10 năm ở đất khách quê người, cậu yêu và quyết định cưới một cô gái có gia đình giàu có bên Mỹ.

Sợ rằng với gia cảnh nghèo hèn, con trai mình sẽ bị vợ tương lai coi thường, ông bà Lương quyết định “chơi sang”, vay mượn tiền của giang hồ để mướn căn biệt thự sang trọng đón con trai, nói rằng mình vừa trúng số độc đắc, muốn giành bất ngờ cho con. Tuy nhiên, cô con dâu lại nghi ngờ sự giàu có của ba má chồng là giả tạo, ông bà Lương phải nhờ ông bạn hàng xóm là Sáu xe ôm tìm đủ mọi cách để lấp liếm cho lời nói dối của mình, thậm chí là mướn cả một nhà hàng giả vờ khai trương. Tuy vậy, giấy không gói được lửa, đám giang hồ kéo đến đòi nợ làm cho mọi chuyện vỡ lở, nhưng đó cũng là lúc cậu con trai và cô con dâu nhận ra sự bất hiếu của bản thân mình.


 

Con át chủ bài Hoài Linh năm nay vẫn ký hợp đồng “độc quyền phim Tết”, tức là bà con nào muốn được coi phim Hoài Linh đóng thì chỉ có thể coi “Năm sau con lại về”. Thật lòng mà nói, các vai diễn của Hoài Linh càng về sau thì lại càng… nhàm, tròn vai nhưng không có gì mới mẻ, coi phim này, lại thấy lối diễn đó, câu thoại đó sao mà quen quen, đã coi ở phim kia rồi, mới coi ở kịch nọ xong.

Nếu năm ngoái, Hoài Linh và Việt Hương kết hợp cùng nhau quá ăn ý trong “Nhà có năm nàng tiên” thì đến năm nay, Hoài Linh diễn vai phụ, chủ yếu xuất hiện để gây cười bằng hình ảnh mặc quần đùi, áo ba lỗ chạy xe khắp phố phường, hay những màn hóa thân vào nhân vật cổ trang. Vai diễn của Hoài Linh chẳng có gì ấn tượng hay làm người xem phải nhớ. Dĩ nhiên với danh tiếng và sức hút của cái tên Hoài Linh, lượng khán giả đến rạp coi “Năm sau con lại về” sẽ vẫn đông, nhưng coi rồi lại để về nói với nhau rằng: “lần sau có Hoài Linh thì chưa chắc phim đã hay.” Thêm vào đó, tính sơ sơ trong mấy tháng cuối năm, Hoài Linh liên tục xuất hiện với “Đại náo học đường”,“Tía ơi”“Năm sau con lại về”, chưa kể mấy liveshow hài sân khấu, thì có lẽ cái gì nhiều quá nhìn cũng ngán.

Dàn diễn viên gạo cội như Việt Anh, Chí Tài, Thanh Thủy, Nhật Cường xuất hiện trong phim nói chung là đúng vai trò và thực hiện mục đích làm nền. Việt Anh, Thanh Thủy vào vai ông bà Lương khá tốt, những cảnh hai ông bà vì giữ thể diện cho đứa con trai của mình mà phải vò đầu bứt tóc suy nghĩ khiến người xem vừa thấy tội, vừa thấy buồn cười mà lại vừa thấy giận. Nhật Cường, Chí Tài diễn theo kiểu đem sân khấu hài lên màn ảnh rộng, ngoài vài câu thoại ngô nghê làm người ta bật cười xong rồi thì cũng không có gì đáng chú ý.

Nhóm vai phụ của Trường Giang, Long đẹp trai… đến từ sân khấu Nụ cười mới cũng diễn theo kiểu bưng những mảng miếng tấu hài vào phim, nên nếu ai thích coi tấu hài sẽ cười rất thoải mái, thích thú, còn những ai khó tính hơn thì thấy rằng nhóm nhân vật này đang làm cho bộ phim vốn dĩ đã không tốt lại càng tệ hơn.

 

Trong cùng 1 thời gian, Lê Khánh có hai vai diễn ở hai bộ phim khác nhau là “Cô dâu đại chiến 2”, “Năm sau con lại về”. Nếu như trong  phim của Victor Vũ, Lê Khánh duyên dáng, hài hước và làm người coi thích thú ra sao, thì ở phim của NSND Trần Ngọc Giàu, sự duyên dáng của Lê Khánh gần như mất sạch. Vào vai cô con dâu Việt Kiều ham tiền, hung dữ, lấn lướt chồng, những tưởng rằng vai của Lê Khánh sẽ có nhiều diễn biến tâm lý, là nút thắt của cả đường dây kịch bản, nhưng đến cuối cùng, Lê Khánh cũng chỉ là một vai phụ nhạt nhòa, chọc cười người khác bằng vài mảng miếng không mới lạ, đồng thời có tâm lý ngây ngô đến mức phi logic.

Quý Bình, trong vai cậu con trai của ông bà Lương, trước đây khá thành công ở phim truyền hình và sân khấu kịch, nhưng đến khi vào phim lần này, vai diễn của Quý Bình cũng nhạt nhẽo đến độ chẳng có gì để diễn ngoài chuyện làm cho khán giả ngồi tức tối rằng làm sao mà có một thằng con trai lại nhu nhược đến như vậy. Thực ra chuyện này cũng chẳng trách Quý Bình được, mà phải trách người tạo ra cái nhân vật như vậy.

 

Điểm sáng duy nhất của cả bộ phim này, có lẽ là vai diễn của NSND Ngọc Giàu, trong vai mẹ của Sáu xe ôm (Hoài Linh), sự lạc quan dù hoàn cảnh nghèo khó, những câu thoại hài đúng lúc, đúng chỗ với đứa con trai, hay những câu vọng cổ chín mùi, có lẽ là thứ đẹp nhất của cả bộ phim.

Trong thị trường phim Việt sôi động như hiện tại, có lẽ không có hình thức marketing nào tốt bằng truyền miệng, nếu một bộ phim đủ hay, người đi xem về sẽ nói với bạn bè rằng nên đi coi đi, còn nếu nó dỡ, lời khuyên sẽ là “mày đừng phí tiền”. Thế nên, nếu chỉ mượn  những tên tuổi nổi tiếng để làm mồi câu khán giả, không tập trung vào thứ quan trọng nhất của một bộ phim là khâu kịch bản, thì cũng chỉ thu hút được một nhóm nhỏ ban đầu. Đây có lẽ là điều mà “Năm sau con lại về” nên nghĩ tới sớm hơn.

Bài: Chú Hề
Ảnh: Galaxycine

 >>> Có thề bạn quan tâm: Năm 2013, điện ảnh Việt Nam đã đón nhận nhiều “thảm họa” như “HIT: Hoàng tử & Lọ lem”, “Biết chết liền”, “Yêu anh em dám không”… thì đến đầu năm 2014, danh sách phim thảm họa đã được mở màn bằng cái tên “Cưới chạy.”


 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

20/01/2014, 00:37