– Để trở thành một trong những quý cô của Le Bal Paris, khách mời phải xuất thân từ những gia đình hoàng gia, quý tộc, hay các gia đình có đóng góp nhiều trong các lĩnh vực nghệ thuật, chính trị… Nam Phương thuộc trường hợp nào?
– Tôi không thuộc cả hai trường hợp đó. Le Bal trước kia là buổi dạ vũ dành cho giới quý tộc giới thiệu con cái với nhau, dù giờ vẫn có nhiều công chúa, công nương được mời, song người sáng lập – bà Ophélie Renouard luôn hi vọng những khách mời đến với Le Bal là những người có đóng góp lớn đối với xã hội trên nhiều lĩnh vực. Những quý cô được mời tới dạ vũ được bà khắt khe chọn lựa từ tri thức, nhân cách, quan điểm tới những thông điệp mà họ mang tới.
– Vậy thông điệp mà Nam Phương mang tới Le Bal sẽ là…
– Là câu chuyện về những cây cầu. Từ năm 2009, Le Bal được tổ chức nhằm gây quỹ ủng hộ cho các tổ chức từ thiện. Đây là cơ hội lớn để tôi giới thiệu Quỹ Nam Phương đến bạn bè quốc tế.
– Tại sao Nam Phương lại chọn đi xây cầu, công việc vất vả và đòi hỏi sự góp sức của rất nhiều người?
Trích ngang
– Tốt nghiệp hạng ưu trường Oxford (Vương quốc Anh) chuyên ngành Triết học, Chính trị, Kinh tế
– Phó Chủ tịch Hiệp hội Oxford
– Thành viên điều hành của Diễn đàn kinh tế toàn cầu Đại học Oxford
– Đồng sáng lập và điều hành Quỹ Nam Phương. Sau 5 năm, Quỹ Nam Phương vận động được 5 tỷ đồng và hoàn tất 11 chiếc cầu.
– Ý tưởng này bắt nguồn từ những cuộc đối thoại trong gia đình Phương khi nhìn thấy cảnh nguy hiểm của trẻ em vùng sông nước trên đường đến trường, những cây cầu lỏng lẻo, bắt ngang dòng nước chảy xiết, rồi những tai nạn thương tâm. Khốn khó vậy mà các em khao khát đến trường lắm. Khi đó Phương rất muốn được đóng góp hỗ trợ những hoàn cảnh không may đó. Song ba Nam Phương nói: “Thay vì giải quyết phần ngọn, con nên làm tận gốc, để những tai nạn đó không xảy ra nữa”.
Chính vì vậy, Phương nghĩ mình có thể dùng mạng lưới nhỏ bé của mình để vận động góp tiền xây cầu cho những vùng quê hẻo lánh, người dân sẽ không còn phải vượt sông hay dùng đò để đi lại nữa. Năm 2011, cây cầu đầu tiên tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được hoàn thành, và nhận được những phản hồi tốt và rất cảm động của người dân xã Mỹ Thuận. Điều này đã truyền cảm hứng để Quỹ Nam Phương ra đời, vì Phương tin rằng dự án “Build-a-Bridge” có thể được thực hiện ở những khu vực khác trong nước và trên thế giới.
– Tính đến thời điểm này Quỹ đã xây được bao nhiêu cây cầu?
– Mười một. Và chúng tôi vừa khởi công một cây cầu nữa trong tháng 10 vừa rồi.
– Những chuyến đi khảo sát thực tế cho Phương suy nghĩ gì?
– Cần phải xây nhiều cầu hơn nữa. Hệ thống kênh rạch chằng chịt ở đồng bằng sông Cửu Long khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Nhiều người nghĩ làm từ thiện là cho đi, nhưng tôi cho rằng mình đã nhận về rất nhiều từ những câu chuyện đẹp này. Ví như cụ bà 78 tuổi ở Tiền Giang, dù nhà thuộc hộ nghèo ở sát ven sông, nhưng vẫn sẵn sàng cho đất để xây cầu, hay nhiều gia đình nghèo đến mức phải cho con nghỉ học vì không có tiền, vậy mà khi Phương và các bạn xuống, họ thết đãi hết gà lại vịt, vườn có trái nào đem ra mời hết, muốn cản mà không kịp nữa. Những cái tình nho nhỏ vậy thôi là động lực rất lớn để Quỹ Nam Phương có thể vượt qua được những khó khăn chồng chất.
– Khó khăn đó là gì vậy?
– Những thành viên tham gia Quỹ Nam Phương đều là người trẻ, làm việc trên tinh thần tự nguyện. Để hoàn thành một cây cầu mất nhiều thời gian và công sức, từ khâu vận động góp vốn cho đến khi hoàn công, Phương và các bạn nhiều đêm mất ngủ lắm. Hiện tại phần lớn thời gian Phương học ở nước ngoài, đây là môi trường tốt để Phương có thể tiến hành truyền thông và kêu gọi đầu tư cho dự án. Còn việc điều hành do em trai Phương (Đinh Bá Khang) phụ trách.
Dạ hội Le Baldes Débutantes (Le Bal)
Sự kiện được tổ chức thường niên ở Paris (Pháp), với sự tham gia của khoảng 20-25 cô gái trong độ tuổi 16-22 đến từ nhiều nước trên thế giới. Từ năm 2009, bà Ophélie Renouard đã biến Paris Le Bal đã trở thành một sự kiện mang tính quốc tế ý nghĩa với việc quyên góp cho quỹ Enfants d’Asie, một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em khu vực Châu Á. Le Bal từng được tạp chí nổi tiếng Forbes bình chọn là 1 trong 10 bữa tiệc thời trang hấp dẫn nhất hành tinh.
Việc xây cầu được thực hiện theo mô hình cộng hưởng, theo đó Quỹ Nam Phương hỗ trợ 70% kinh phí, địa phương sẽ huy động phần còn lại hoặc phụ trách thi công. Với sự đồng hành như vậy dự án sẽ khuyến khích địa phương và người dân có trách nhiệm hơn với thành quả nhận được.
– Sau 5 năm, “mạng lưới nhỏ bé” của Nam Phương đã lớn cỡ nào rồi?
– Ban đầu chỉ là những người bạn quốc tế học cùng Phương tại Oxford, nghe Phương kể về hệ thống kênh rạch và cơ sở hạ tầng thiếu thốn ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng Phương tổ chức những hoạt động văn hóa Việt Nam để gây quỹ, mời khách đến nói chuyện hay vận động hành lang. Các hoạt động này chiếm một nửa thời gian của Phương tại trường Oxford.
Sau 5 năm, các đại sứ của Quỹ Nam Phương xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ có học sinh, sinh viên mà còn có cả những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như đạo diễn Philip Noyce, ca sĩ Văn Mai Hương, ca sĩ Phương Vy…
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán và truyền thông nên Quỹ Nam Phương hiện thu hút được sự tham gia của các cá nhân và tổ chức từ khắp nơi trên thế giới.
– Áp lực lớn nhất của Nam Phương là kêu gọi vốn hay làm việc với nhà thầu?
– Cả hai đều không phải. Càng đi nhiều càng thấy mình phải làm nhiều. Những tình cảm của người dân chất phác mới chính là áp lực với Phương. Mọi người thương và giúp đỡ mình nhiều vậy mà làm không xong nữa thì kỳ lắm.
– “Người đi xây cầu” thì chắc phải mạnh mẽ lắm nhỉ?
– Không đâu. Mình hay khóc lắm. Nhiều khi xem phim thấy nhân vật tội nghiệp là khóc như mưa, khóc nhiều hơn cả diễn viên nữa.
– Ngay lúc này, Phương mong ước điều gì?
– Một cây cầu cho trẻ em vùng núi phía Bắc. Phương vừa được xem một đoạn clip ghi lại cảnh lũ cuốn trôi một đoạn cầu khi các em nhỏ đang mấp mé bước sang, sợ quá. Lại có nhiều việc để làm nữa rồi.
1 giây/1 câu hỏi
1. Sở thích?
– Cưỡi ngựa và bắn cung.
2. Làm gì khi rảnh rỗi?
– Đọc sách. Tất cả các loại sách, truyện tranh, báo, tiểu thuyết, thơ,…
3. Cuốn sách đang đọc?
– Tác phẩm thơ của Simon Armitage – “Mother any distance”.
4. Ba từ để đánh giá về mình?
– Trách nhiệm, logic, hết mình.
5. Ba từ mọi người hay nói về Phương?
– Cả tin, năng động, tinh tế.
6. Kỉ niệm ấn tượng nhất?
– Được là một trong những công chúa của đêm dạ hội Le Bal Paris.
7. Nick name thích nhất?
– Có lẽ là “Most Eligible Bachelorette” (tạm dịch: Cô gái đáng ao ước), do các sinh viên Oxford bình chọn dựa trên những hoạt động đóng góp cho cộng đồng.
Bài: Khánh Hà