Một người Úc trầm lặng

Hà Nội, với David, là một hình ảnh biểu trưng cho việc sống đời sống và số phận của mình bằng một sự thản nhiên khó hiểu. Tất nhiên là David yêu Hà Nội, yêu bằng một tình cảm phức tạp, lẫn lộn giữa dịu dàng, bao dung, đau đớn và có một chút dư vị hơi buồn bã, cay đắng.

Và dù sao thì David luôn có cảm giác mình là một kẻ ngoài cuộc khi sống ở đây.

David Payne sống trong một căn hộ chung cư xinh đẹp ở phố Đội Nhân, Hà Nội. Căn hộ của anh có rất nhiều đồ đạc thân quen, như anh nói, những đồ đạc từng lớn lên cùng tuổi thơ của người Việt Nam, những đồ đạc giản dị gợi nhớ về ngôi nhà của ông bà chúng ta. Sự thân quen cũng tỏa ra từ mọi thứ của David, từ những cuốn sách cũ tiếng Việt quý giá, hiếm hoi anh mua trong những hiệu sách ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội… – những nơi chốn là phát hiện thú vị của riêng anh; những poster phim cũ anh treo trên tường; bộ bàn ghế gỗ từ thời bao cấp, hoặc xa xôi hơn thế; và cuộc trò chuyện với anh về một họa sĩ đương đại của Việt Nam.

***

Năm 2009, David bắt đầu viết blog Hanoi Ink. Khi ấy, anh đã sống ở thành phố này được 10 năm, và anh chợt nhận ra kiến thức của mình về văn học Việt Nam rất chắp vá. Dù cho tới bây giờ, cũng giống như lúc vừa đặt chân tới Hà Nội, David vẫn phải vật lộn với cuộc sống nơi đây, trong thành phố này, nhưng có nhiều thứ đã thay đổi đáng kinh ngạc: anh cảm nhận được sự tinh tế và duyên dáng của những bài thơ của Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp… anh đọc, cuốn sách tiếng Việt của Trần Dần, Phạm Công Thiện… anh yêu, với âm điệu, hương vị và những ấn tượng.

***

David nghĩ rất nhiều về Hà Nội. Anh buồn nhiều, vì Hà Nội đã mất đi Zone 9, một quận nghệ thuật – thứ thành phố này khao khát có được, hơn là những trung tâm thương mại hay những tòa nhà sang trọng. Và Hà Nội cũng mất đi nhiều thứ đẹp đẽ khác. Nhưng dù sao thì Hà Nội vẫn là Hà Nội, nơi đây rộng lớn hơn nhiều so với quận nghệ thuật và tất cả những thứ khác ấy. Anh nói rằng sự mất mát này cũng nói lên rằng nếu bạn không lên tiếng, không đấu tranh vì điều bạn yêu, thì đừng bao giờ mong mỏi bạn sẽ giữ lại được nó.

***

Hơn một thập kỷ sống ở Hà Nội, nhưng cuộc sống nơi đây chưa bao giờ hết thách thức với David. Sống ở đây, nhiều người nước ngoài cảm thấy dường như chỉ có mình họ thấy khổ sở vì giao thông, vì bệnh viện, vì cách người ta phục vụ trong quán ăn, nhà hàng… nhưng nếu vào các diễn đàn của phụ nữ trên mạng, trên báo chí, người Việt Nam cũng đang than thở những điều y hệt. Những người Việt Nam cũng đang phải xoay xở y như David, với quản lý chung cư, với tổ dân phố, với các bác sĩ, y tá…

David Payne

Sống ở Việt Nam chừng ấy thời gian, David nói rằng anh vẫn thấy ngạc nhiên khi dự những bữa tiệc sang trọng ở đây, nơi người ta tổ chức một sự kiện cỡ 5 sao để tôn vinh ai đó, có các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn, và người ta ngâm thơ của nhân vật chính trong bữa tiệc; và cùng lúc ấy, có một thế giới khác của những kẻ sáng tạo thực sự đang phải vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tạo ra các tác phẩm thú vị. Anh thấy rõ là hai thế giới này không liên quan lắm đến nhau, và anh không biết nên giải thích thế nào.

“Đời là bể khổ” – đây là một câu nói cửa miệng của nhiều người dân trong thành phố, và khi nghe câu nói đó, ngay lập tức David đã thấy yêu Hà Nội rồi. Câu nói này vừa hài hước, vừa mỉa mai, vừa cay đắng, và nó thể hiện đúng những mất mát, đau khổ mà cuộc sống mang tới. Câu nói này từ giáo lý nhà Phật, nhưng khi người Việt Nam nói câu đó, nó không còn liên quan tới Phật giáo nữa, mà ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều.

David Payne làm việc ở Việt Nam hơn 14 năm. Anh tham gia các hoạt động hợp tác phát triển quốc tế khác nhau của Liên Hợp Quốc với các đối tác của họ tại Việt Nam. David Payne còn là thành viên của ban nhạc Ngũ Cung (Pentatonic), một nhóm nhạc Việt Nam nổi tiếng với những ca khúc lấy cảm hứng từ phong tục, tập quán và truyền thống lâu đời của các dân tộc vùng Tây Bắc.

Nhiều người bạn Việt Nam của David đã chuyển qua Úc sống, nhiều người bạn Hà Nội khác thì chuyển vào Sài Gòn, nhưng có lẽ cả anh và những người bạn ấy đều yêu Hà Nội từ tận đáy lòng. Vậy nhưng cuộc sống nơi đây chưa bao giờ là dễ dàng cả. Anh ngạc nhiên vì tôi thấy đời sống đơn giản và nhẹ nhõm, và đó cũng là điều anh thấy yêu ở người Việt Nam – những người luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan.

Dù sao thì Hà Nội vẫn là Hà Nội. David hiểu rằng nếu sống ở đây và có thái độ tích cực với chuyện phải đối mặt với các thử thách – như làm sao để trải qua các trận lụt một cách bình an, như cách người dân vượt qua tất cả khó khăn một cách nhanh nhẹn, đơn giản và có phần hơi ngây thơ (buộc ghế nhựa vào chân để bước trên nước như trong một bức ảnh hài hước mà cư dân mạng chia sẻ sau trận lụt) thì cuộc sống cũng chẳng có nhiều điều để phàn nàn. David nói rằng dường như mọi người ở đây đã tìm thấy thứ gọi là nghệ thuật sống. Ở một thành phố ồn ào, ô nhiễm, vậy mà người ta vẫn đi tập thể dục ngoài đường mỗi ngày, họ vẫn trồng hoa ở những ban công nhỏ xinh đẹp. Mọi thứ vẫn tuyệt vời. Và ở nơi đây, cũng thật dễ dàng để gặp những người thú vị bạn muốn gặp, cả những người Việt Nam và những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới – những người tạo nên một phần rất phong phú trong cuộc sống của David hôm nay.

Những điều khiến David yêu Hà Nội thực sự rất phức tạp. Có những lý do hiển nhiên anh đã chia sẻ với những người bạn, như về sự quyến rũ của thành phố này, của những cái hồ, ở kiến trúc, ở năng lượng tràn đầy… Và những lý do khác thì riêng tư hơn, như những gì David đã trải qua để hình thành nên con người anh.

David nói với tôi rằng anh không phải là một người nước ngoài sẽ nói rằng ôi Hà Nội thật quyến rũ, con người Việt Nam thật thân thiện – tôi sẽ dễ dàng tìm được nhiều người nói như thế ở ngoài kia. Nhưng nói như thế là bạn chẳng hiểu gì về Hà Nội, về Việt Nam cả. Và với anh, những lời lẽ đó không phải của một kẻ yêu Hà Nội, yêu Việt Nam. Với anh, khi yêu ai đó, bạn phải yêu họ như họ vốn thế, chứ không phải yêu một thứ khuôn mẫu sáo rỗng nào đó. Với David, yêu là phải chấp nhận tất cả mọi góc cạnh của họ, chấp nhận cả những góc tối, những niềm vui và nỗi buồn. Và những trải nghiệm ở Việt Nam của anh còn rộng rãi hơn thế.

David Payne

Tất nhiên là David yêu Việt Nam, nếu không thì tại sao anh lại ở đây những 14 năm? Nhưng tại sao anh vẫn cảm thấy mình như một kẻ ngoài cuộc? Vì sao anh lại quan tâm tới Việt Nam nhiều đến mức ấy? Thực ra chính David cũng không hiểu nổi những điều này. Anh hỏi tôi rằng tôi đã bao giờ nghe nói về Hội chứng Stockholm – cái tên mà các nhà khoa học đặt cho cảm xúc và trạng thái tâm lý của những người chuyển từ sợ hãi, căm ghét sang thông cảm và quý mến chính những người đã bắt cóc, đe dọa mình? Chuyện này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng hóa ra, đời sống của anh, những kết nối cảm xúc của anh đã lệ thuộc vào Hà Nội từ rất lâu rồi.

CHUYÊN ĐỀ: TÔI YÊU VIỆT NAM!

Ba người đàn ông nghề nghiệp khác nhau, tới từ 3 quốc gia khác nhau, từng hoặc đang sống tại 3 thành phố khác nhau (Tp. Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội). Giữa họ chỉ có điểm chung duy nhất: một tình yêu tha thiết đối với Việt Nam.

Đọc thêm:

– Sự lãng mạn tồn tại giữa “cuộc chiến”
– Một người Úc trầm lặng
– Réhahn Croquevielle: Tôi yêu đất nước của những nụ cười ẩn giấu

Tổ chức và thực hiện: Linh Hanyi


From the same category