– Tại sao anh quyết định dừng tất cả mọi việc khi cuộc sống đang thuận lợi và đi du lịch?
– Lý do đầu tiên là tôi rất thích gặp mọi người. Tôi thực sự rất thích đi du lịch, vì tôi sẽ được gặp những con người mới mẻ. Tôi cũng rất thích nói chuyện. Hiện giờ, trên Facebook của tôi có chừng 55.000 “fan”, và sẽ còn tăng lên nữa. Mọi người trên Facebook nhắn tin cho tôi rất nhiều, nhưng tôi cố gắng trả lời hết, vì tôi muốn nói chuyện với tất cả.
Lý do thứ hai là trước khi tới Việt Nam, trước khi tới Cuba, New York, Ấn Độ… tôi cũng đã đọc nhiều sách về những nơi này, nhưng chỉ khi sống ở đó, tôi mới nhận ra cuộc sống thật sự rất khác so với những gì người ta viết. Khi đi du lịch, bạn sẽ học được nhiều hơn là việc ngồi một chỗ và đọc về trải nghiệm của người khác. Có một câu nghe cũ, nhưng luôn đúng: du lịch mới chính là trường học của cuộc đời.
Và lý do cuối cùng là vì tôi rất thích chụp ảnh. Tôi thích ghi lại khoảnh khắc của những con người.
– Tôi biết đây là câu hỏi rất quen thuộc với anh, nhưng tôi rất muốn biết tại sao lại là Việt Nam, tại sao anh lại chọn dừng chân ở đất nước chúng tôi sau khi đã đi tới hơn 30 nước?
– Năm 2007, tôi ủng hộ tiền cho một tổ chức phi chính phủ Pháp hoạt động vì trẻ em.Tôi tới Việt Nam vì muốn nhìn thấy đất nước này và gặp gỡ những trẻ em Việt Nam. Sau đó, cứ mỗi năm tôi lại tới Việt Nam một lần, và đến năm 2011 thì tôi thực sự không muốn quay trở lại Pháp nữa.
Tôi nghĩ: Ok, mình ở lại đây cũng được, vì mình thích con người nơi đây. Họ rất hay cười, và quá dễ dàng để trở thành bạn của họ. Kể cả khi tôi gặp một anh lái xe taxi đang cau có, tôi nói: Thư giãn đi anh! Vậy là anh ta cười tươi và cởi mở với tôi ngay. Đó cũng là lý do vì sao tôi chụp nhiều ảnh chân dung của người Việt Nam đến vậy.
Bạn hãy nhìn người đàn ông đang hút tẩu trong bức ảnh này. Ông ta khá hài hước và thân thiện, dù có hơi khùng một chút. Khi chụp ảnh xong, tôi muốn đưa ông tiền để giúp đỡ, nhưng ông nói ông không cần tiền. Tôi đến và chọn sống ở Việt Nam, vì có rất nhiều người nghèo đã mời tôi tới nhà họ, ăn cơm cùng họ, cùng uống trà và nói chuyện. Tôi nghĩ ông cụ trong bức ảnh rất thông minh và cư xử lịch thiệp, và cả trong cách suy nghĩ cho tương lai nữa, như nhiều người Việt Nam khác.Tiền rất quan trọng, nhưng không phải thứ quan trọng duy nhất.
Một lý do khác nữa đến từ con người nhiếp ảnh gia trong tôi. Bạn không thể khám phá Việt Nam trong 2 tuần được. Những khách du lịch khác tới Việt Nam, rồi họ đi Hạ Long, tới Huế, Đà Lạt, Sài Gòn… nhưng như thế không bao giờ đủ. Tôi đã ở Việt Nam 2 năm rồi, càng sống ở đây lâu, tôi càng nhận ra mình chẳng biết gì cả. Bạn biết không, đây là Việt Nam, đây là đất nước mà càng đi nhiều thì tôi càng nhận ra có quá nhiều gương mặt, quá nhiều sắc màu, nhiều dân tộc, nhiều nụ cười… Tôi nghĩ mình sẽ ở đây và chụp ảnh 10 năm nữa, vì tôi muốn nhìn thấy mọi thứ.
Réhahn và nhân vật trên bìa sách của mình
– Nói về nụ cười, tại sao anh lại đặt tên dự án chụp những con người Việt Nam của mình là “Hidden smile” (Nụ cười ẩn giấu). Tại sao nụ cười ở đây lại ẩn giấu?
– Đáng lẽ bạn phải giải thích cho tôi về điều này, vì đây mới chính là nụ cười Việt Nam.
Tôi đã gặp rất nhiều người, và khi tôi nói tôi muốn chụp ảnh họ bằng tiếng Việt, họ cười nhưng đưa tay lên che miệng. Tôi biết rằng họ cho thế là lịch sự, và nó rất Việt Nam. Ví dụ khi một bà cụ cười, và bà lấy tay che miệng, bạn không thể nhìn thấy miệng bà, nhưng đôi mắt và những nếp nhăn của bà đang cười.
Nụ cười này thật tuyệt, tôi thấy nó rất dễ thương, rất quyến rũ.Tôi nghĩ những khách du lịch khác chỉ tới đây vài ngày nên không nhận ra. Nhưng hãy tin tôi đi, tôi đã đi nhiều nơi rồi, và tôi chưa từng thấy nụ cười như thế ở đâu cả, tôi không thấy người Trung Quốc, người Lào, người Thái Lan hay người Indonesia làm thế bao giờ.
– Có một chuyện khác tôi muốn thắc mắc: Tại sao anh hay chụp người nghèo Việt Nam? Tôi thấy trong ảnh của anh là những người già có cuộc sống vất vả, hoặc các em bé trông rách rưới, bẩn thỉu. Tôi biết anh thấy họ đẹp, nhưng thực ra tôi không thích người nước ngoài biết đến Việt Nam chỉ qua vẻ đẹp của sự nghèo khổ.
– Trước tiên, tôi nhìn Việt Nam bằng đôi mắt của tôi, và tôi thấy mọi thứ khác bạn. Nhiều người Việt Nam cũng hỏi tôi trên Facebook: Tại sao anh không chụp người ở Sài Gòn, ở Hà Nội? Tin tôi đi, tôi là một người phương Tây, và tôi biết những người nước ngoài muốn gì. Bạn nghĩ rằng khách du lịch tới đây để nhìn thấy những thành phố hiện đại và những con người Việt Nam hiện đại? Những đồng hương của tôi không trả hàng nghìn đô la và hàng chục tiếng trên máy bay để nhìn những thứ giống hệt ở Pháp, chúng tôi cũng không muốn ăn McDonald. Ở thành phố quê hương tôi, dù dân số chỉ 15.000 người mà đã có tới 10 nhà hàng McDonald rồi. Chúng tôi tới đây để nhìn những người dân tộc thiểu số trên núi, chúng tôi muốn nhìn những phụ nữ mặc áo dài… Nếu tôi xuất bản một cuốn sách ảnh về đô thị, tôi sẽ không giới thiệu và quảng bá được hình ảnh Việt Nam khác biệt, mộc mạc và giản dị mà họ muốn thấy đâu.
Tôi tự thấy mình có trách nhiệm quảng bá hình ảnh đất nước này – với những phong cảnh tuyệt đẹp, tôi cũng muốn khách du lịch nhận ra rằng Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhưng vẫn có những người cần sự giúp đỡ. Hãy tới đây và giúp họ, và chúng ta không bao giờ được quên những người này. Tôi bán được tới 400 cuốn sách trong hơn 1 tháng qua, cho những người ở 25 nước, từ Mỹ tới Nhật tới Pháp, Úc… Và mọi người khi nhận sách đều nói: Ôi đẹp quá, khi nhìn những bức ảnh này, tôi thực sự muốn lên máy bay tới Việt Nam ngay lập tức. Đó chính là điều tôi muốn.
Và điều cuối cùng, tôi không hề muốn bạn hiểu nhầm tôi. Tôi là một người phương Tây, và tôi thấy vẻ đẹp trong cả sự mộc mạc, giản dị. Bạn hãy nhìn vào bức ảnh này – trong ảnh, đứa bé khá bẩn thỉu. Mọi người thường nhìn vào ảnh và bảo: Sao lại chụp đứa bé này? Trông nó bẩn quá. Tôi bảo: Đúng, trông nó rất bẩn, nhưng con tôi cũng thế. Con tôi đang sống ở Pháp, mới 20 tháng tuổi, và khi ăn thì nó cũng bẩn như thế, nó bôi hết thức ăn lên mặt mũi, quần áo. Không phải riêng trẻ em Việt Nam, mà tất cả mọi đứa trẻ đều có lúc trông rất bẩn. Cũng không phải chuyện đứa bé giàu hay nghèo, mà chỉ là chuyện của trẻ con thôi, chúng ăn uống, đùa nghịch, chẳng bận tâm gì cả và trông đều bẩn như nhau. Tôi muốn chụp lại những khoảnh khắc hồn nhiên như thế.
Thỉnh thoảng tôi cũng gặp những đứa trẻ đang khóc.Nhìn mắt em bé trong bức ảnh này rất buồn, vì em đang chơi với bạn thì bị bỏ lại. Nhưng em có buồn vì nghèo không? Bạn có thể nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của bạn: Ôi em bé này nghèo quá, và vì thế mà em buồn. Hoặc bạn có thể nghĩ: Em chỉ là trẻ con thôi, trẻ con luôn có những vấn đề của chúng, giống như người lớn, người già… Ai cũng có vấn đề của mình, nhưng vấn đề đó không chỉ tới từ chuyện họ nghèo, hay họ bẩn thỉu. Tôi vẫn gặp những người nghèo nhưng họ rất hạnh phúc.
Gia đình tôi không giàu.Tới tận năm 26 tuổi tôi mới có hộ chiếu và đi du lịch. Khi còn nhỏ, tôi luôn mơ được tới những vùng đất tuyệt đẹp trên màn ảnh, vì thế, tôi đã làm việc rất chăm chỉ cho tới tận 2 năm trước. Ở Pháp tôi kiếm được nhiều tiền lắm, nhưng tôi dừng lại tất cả để tới Việt Nam sống, và bây giờ tôi cũng là người nghèo thôi.
Tôi nghĩ điều bạn cần làm là tự hào về đất nước và văn hóa của mình. Bạn rất may mắn được sống ở một đất nước đẹp đến thế, và bạn cần tự tin hơn nữa. Việt Nam có một câu chuyện dài và khó khăn, nhưng tương lai của các bạn rất tươi sáng, ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, mọi thứ đều sẽ ổn và người Việt Nam rất hạnh phúc. Đừng e ngại khi phải thể hiện những điều đó.
Những con người trong ảnh của tôi nghèo, nhưng họ đang cười, và đó là lý do khiến tôi yêu Việt Nam. Tiền không phải là lý do duy nhất khiến các bạn hạnh phúc. Tôi nghĩ bạn nên tìm thấy nhiều hơn những vẻ đẹp trong sự khó khăn, vẻ đẹp trong sự cũ kỹ, tầm thường.
– Thành thật mà nói, đã có khá nhiều nhiếp ảnh gia chụp vẻ đẹp của con người và phong cảnh Việt Nam, từ miền núi tới đô thị. Những bức ảnh chân dung người già và trẻ em của anh đối với tôi cũng không quá xa lạ. Anh nghĩ điều gì làm nên sự khác biệt trong các bức ảnh của anh?
– Tôi chỉ có thể nói với bạn về sự khác biệt trong cách tôi chụp ảnh, chứ tôi cũng không thực sự biết ảnh của mình có đẹp hơn hay không. Sự khác biệt duy nhất là: tôi dành nhiều thời gian hơn cho nhân vật trước khi chụp ảnh họ. Nhiều lúc tôi gặp những người, kể cả Việt Nam và nước ngoài, chỉ dành 5 phút để chụp một bức ảnh, họ đến và đi. Nếu tôi đột ngột tới trước mặt bạn và nói: “Cười nào!” thì bạn có thấy thoải mái không? Bạn có là chính bạn trong bức ảnh không?
Điều khác biệt thứ hai là mỗi câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh. Như bức hình chụp một ông cụ râu dài này, khi tôi đưa ảnh ông cụ vào trong sách, rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đã muốn tới Việt Nam để nhìn thấy ông. Có thể bạn không hiểu đâu, nhưng khi còn nhỏ và sống ở Pháp, tôi hay xem phim Châu Á và thấy trong phim luôn có những ông già như thế – những ông già với bộ râu trắng như cước, rất hiểu biết, tốt bụng và thậm chí giỏi… kung-fu. Vì thế, khi tới Việt Nam, tôi rất muốn gặp những ông già như vậy. Bạn biết không, chắc chắn đây là giấc mơ của những người chụp ảnh, ai cũng muốn gặp một ông già như thế. Khi tôi đăng bức ảnh này lên Facebook, nhiều nhiếp ảnh gia khác từ Thái Lan, Lào, Australia… nói: Ôi, anh may mắn quá!
Chuyên đề: Tôi yêu Việt Nam!
Ba người đàn ông nghề nghiệp khác nhau, tới từ 3 quốc gia khác nhau, từng hoặc đang sống tại 3 thành phố khác nhau (Tp. Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội). Giữa họ chỉ có điểm chung duy nhất: một tình yêu tha thiết đối với Việt Nam.
Bài liên quan:
– Sự lãng mạn tồn tại giữa “cuộc chiến”
– Một người Úc trầm lặng
– Réhahn Croquevielle: Tôi yêu đất nước của những nụ cười ẩn giấu
Tổ chức và thực hiện: Linh Hanyi