Mình nói chuyện gì sau khi mình ly hôn? - Tạp chí Đẹp

Mình nói chuyện gì sau khi mình ly hôn?

Sống

Nhưng ít ai nhận ra như thế, ít ai nhận ra giá trị họ nhận được từ sự trao đổi này, họ chỉ cứ cảm thấy sự lớn lao của việc bị mất đi mà thôi. 

Lúc đó, họ ly hôn. Họ sẽ nói chuyện gì sau khi ly hôn? Sẽ vẫn trân trọng tử tế với nhau hay sẽ luôn là những bi kịch tố cáo nhau trước bạn bè, người thân hay thậm chí là dùng truyền thông báo chí bôi nhọ lẫn nhau?

Thỉnh thoảng anh chồng cũ của tôi vẫn gọi điện thăm hỏi, có dịp nào đấy như Giáng Sinh lại gửi tặng ít quà, khi tôi có chuyện cần kíp lắm không tự giải quyết được, anh cũng phụ tôi một tay.

 

Những lúc như thế, tôi tự vấn chính mình, thế tại sao chúng tôi lại chia tay nhau? Và cũng tự nhớ ra rằng, anh luôn tử tế với tôi từ khi tôi không còn là vợ anh nữa, cũng đồng nghĩa với việc anh không còn một trách nhiệm “triền miên” đối với tôi, những quan tâm giúp đỡ này chỉ là tuỳ tiện, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ cảm tính lúc đấy mà thôi. Chúng tôi đã không còn là một gánh nặng bắt buộc khi cư xử với nhau. Khi còn ở với nhau, lý do vì sao rạn nứt cũng chính là vì tôi không cảm thông được sự tuỳ tiện quan tâm của anh với những cô bạn không phải là vợ anh. Không phải đôi vợ chồng cũ nào cũng có thể đối xử tử tế với nhau sau ly hôn như chúng tôi. Rất nhiều người luôn miệng buông câu “đừng bao giờ nhìn mặt tôi nữa” sau khi ly hôn. Và đôi khi tôi tự cười một mình với câu hỏi “Mình nói chuyện gì sau khi mình ly hôn” một kiểu nhại lại tựa quyển tiểu thuyết của Raymond Carver – Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình?

Yêu rồi kết hôn – Phải chăng luôn lấy nhau vì tình?

Nhiều quan niệm cho rằng hai người xa lạ, không biết gì về nhau, đôi khi khác vùng miền, giọng nói, tính cách, thói quen, nhưng chấp nhận cùng nhau sống chung dưới cam kết cùng ký tên chung trên tờ “Giấy chứng nhận kết hôn”, chỉ có nghĩa rằng họ yêu nhau, người ra chỉ có thể lấy nhau vì tình.

Sự thật đâu hẳn là thế, có hàng vạn lý do làm người ta muốn lấy nhau, muốn thành vợ thành chồng của nhau. Có những đôi kết hôn vì nghĩa vụ gia đình, cần có vợ có chồng có con cho gia đình tiếp tục giống nòi. Có những người vì muốn quên người cũ, quên mối tình tuyệt vọng nào đấy mà bước vào hôn nhân với người mới. Có những người kết hợp với nhau vì sự thuận tiện, kiểu như góp gạo thổi cơm chung, không lấy người này thì cũng phải lấy một người nào đấy. Có những người chỉ lấy nhau vì tiền, bất kể sự khác biệt về tuổi tác hay căn bản sống.

 

Tôi có cô bạn, quan niệm về hôn nhân của cô ấy rất rạch ròi: “Đàn bà, chỉ cần xác định được vị trí của mình trong xã hội, vững vàng về kinh tế, có nhà cửa đâu ra đó, thì muốn lấy ai cũng được, lấy chồng loại nào cũng có.”

Cô ấy nói y như đàn ông. Vì đây cũng là quan niệm thông thường của những đàn ông mà tôi biết khi nói về hôn nhân đấy chứ. Một anh bạn khác của tôi nói về hôn nhân thế này: “Lấy vợ bây giờ, quan trọng nhất là nên tìm người nào có công việc căn bản, không dựa vào chồng vì kinh tế, nhỡ mình có sa cơ thất thế thì cô ấy vẫn có thể tự lập giữ vững nền móng gia đình và lo cho con cái”.

Do vậy, tuỳ vào lý do vì sao họ đến với nhau, cũng chính lý do đấy sẽ là cơ nguyên vì sao họ chia tay nhau. Cũng tương tự như người ta tìm đến nhà hàng nổi tiếng nào đấy chỉ vì một món thịt bò thật ngon, đến một ngày món thịt bò không còn ngon nữa, họ sẽ không còn lui tới, sẽ đi tìm một quán khác. Bạn đến một café vỉa hè muốn nhìn cảnh hoàng hôn trên sông lãng đãng, ngày nào đó sông tự dưng đầy rác, nắng chiều dù có rám hồng, mặt trời dù vẫn to tròn vẫn là khối lửa đỏ rực đẹp lộng lẫy cũng chẳng cứu vãn được sự bực tức chán chường.

Thường các cuộc hôn nhân đều là một sự trao đổi. Họ trao đổi sự tự do cá nhân để hy vọng có được một mái ấm gia đình. Họ để cho tuổi thanh xuân của mình trôi đi trong trách nhiệm gia đình để đổi lại sự an toàn và đôi khi cũng là an nhàn. Họ tạm thời bỏ qua vui chơi hội hè triền miên pha loãng để đổi lấy sự chia sẻ đậm đặc chỉ với một người.

Nhưng ít ai nhận ra như thế, ít ai nhận ra giá trị họ nhận được từ sự trao đổi này, họ chỉ cứ cảm thấy sự lớn lao của việc bị mất đi mà thôi. Đến một lúc nào đấy, những cảm giác “mất” sẽ to sẽ phình ra bao trùm che phủ luôn những cảm xúc hạnh phúc “được”.

Rồi người ta chia tay nhau than phiền rằng người kia đã không còn như trước, nhưng con người không ai không thay đổi cả.

Họ xa nhau chỉ vì họ không thay đổi được người kia theo cách họ muốn mà thôi.

Lúc đó, họ ly hôn.

Người ta kết hôn thế nào thì sẽ ly hôn thế đấy

Khi người ta lấy nhau vì tình, họ cho nhau ngọt ngào dịu dàng, phủ đắp nhau dư thừa hưng phấn, đến một ngày một người sẽ không còn tình để cho nữa, người kia không còn chỗ để chứa sự dư thừa này. Vậy đó, họ chia tay nhau cũng vì tình.

Và sau ly hôn, họ kêu gào đòi lại mớ tình yêu họ nghĩ rằng đã phí phạm trong cuộc hôn nhân đấy, thậm chí đòi lại cả tuổi xuân. Mà quên mất rằng người kia cũng đã từng có tuổi xuân.

Khi người ta lấy nhau vì tiền, họ bù đắp cho nhau những thứ họ không có bằng những gì tiền mang lại. Cho đến khi họ cho rằng tiền không mua được tuổi trẻ, sức khoẻ thì họ chia tay nhau.

Vậy đó mà sau khi chia tay, họ sẽ quyết liệt đòi lại tuổi trẻ và sức khoẻ từ người kia bằng tiền, chỉ vì ngoài tiền ra thì còn gì có thể bù đắp được cho sự mất mát của họ trong hoàn cảnh này đâu? Những gì họ không có khi đến với nhau, làm sao họ lấy được sau khi chia tay?

Người ta thắc mắc vì sao họ đối xử với nhau không tử tế hậu ly hôn. Vì sao không thể duy trì tình bạn, vì sao không cư xử với nhau ít ra như người với người, hoặc tệ lắm cũng nên lịch sự như với người từng ngủ chung với mình trên một chiếc giường, hay tại sao không thể tôn trọng ba của con gái mình, mẹ của con trai mình?

Nhưng đâu phải thế, những gì họ đối xử với nhau hậu ly hôn không hề khác với cách cư xử trước khi ly hôn. Chỉ là trần trụi hơn, thẳng thắn hơn, không còn nỗi ngại ngần lo sợ là sau khi mình nói như vậy, hành động như thế rồi mà vẫn còn phải nhìn mặt nhau hằng ngày và sống với nhau suốt cả đời. Những gì họ cho nhau hậu ly hôn thật ra chính là sự đậm đặc kết tinh một cách trễ tràng của đời sống chung trước ly hôn mà thôi.

Nếu họ biết cách sàng lọc, nhìn ra được những sự tử tế với nhau khi còn chung sống, họ sẽ tiếp tục tử tế với nhau sau khi ly hôn. Nếu họ chỉ quyết định nhớ đến sự tệ bạc với nhau khi còn chung sống, hệ luỵ của sự tệ bạc này có khi sẽ thành những mối hận day dứt cả đời.

Trong phim “The Vow” có một câu bà mẹ nói với con gái về chuyện bà quyết định tiếp tục chung sống với chồng, sau khi bà biết ra ông ta đã có lần quan hệ lén lút với cô bạn của con gái. Bà nói rằng “Mẹ quyết định ở lại với bố vì những chuyện tốt ông ấy đã làm cho mẹ, thay vì những chuyện tồi tệ ông ấy đối xử với mẹ”.

Cũng vậy, sau khi ly hôn, nếu người ta nghĩ về những lúc họ đã từng tử tế với nhau khi còn chung sống, không có lý do gì để họ không tiếp tục tử tế với nhau mãi mãi.

Cũng như tôi, biết ra rằng, để được chồng cũ đối xử tử tế, hãy nên mãi là một người vợ cũ, người bạn, người mà anh không còn phải quan tâm và nhìn thấy hằng ngày.

Bài: Chị Đẹp


logo

Xem thêm: 90% lý do thật sự của ly hôn là bởi tình dục?

 

Thực hiện: depweb

17/04/2014, 14:20