Người phát biểu câu này là một cán bộ cấp cao của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nói tiếng Anh như gió và đi nước ngoài như đi chợ. Còn những người có đồng quan điểm như thế cũng là các doanh nhân liên tục đi công tác hoặc du lịch nước ngoài. Tôi vặn lại: “Tại sao thế? Tại sao các anh đi được mà vợ các anh thì không?”. Họ bảo: “Thế đấy. Mình thì đi được nhưng vợ thì tuyệt đối không. Đấy là nguyên tắc”. Tôi phân tích kỹ lưỡng về sự bất công đó và hỏi: “Thế chẳng lẽ các anh coi vợ là nô lệ còn các anh là chủ nô à? Các anh thì có thể uống rượu mạnh trong quán bar trên đại lộ Champ Elysees và mặc sức phi ngựa trên cao nguyên Lệ Giang, còn vợ các anh chỉ cho phép úm lấy cái bếp và thú vui lớn lao nhất là được cấp tiền đi shopping thôi à?”. Họ có vẻ đuối lý và nói nhỏ: “Quan trọng là ‘nó’ có phàn nàn gì đâu. ‘Nó’ cũng chấp nhận như thế”.
Tất nhiên, đó chính là mấu chốt của vấn đề. Cũng giống như tôi hay đưa ra lời khuyên với các trò vừa ra trường mới đi làm: “Nếu sau một thời gian làm việc, các em cảm thấy mình đảm nhận rất tốt công việc thì cũng nên yêu cầu được tăng lương. Nếu không, ít có người chủ doanh nghiệp nào tự động ngỏ ý muốn tăng lương cho nhân viên lắm, trừ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường có barem cho các nấc lương từ trước theo thâm niên công tác. Vì muôn đời, mối quan hệ giữa người thuê và người làm thuê vẫn là bản chất bóc lột”.
Rất hiếm ông chồng nào tình nguyện thi thoảng đưa vợ đi du lịch ở những vùng đất lạ (hoặc nếu bản tính của họ không thích di chuyển thì tự nguyện để vợ đi một mình cùng bạn bè). Có bận tôi đi dự một đám cưới và có người bạn giới thiệu tôi với một người họ hàng quê Bạc Liêu kèm theo chú thích: “Anh này nói rằng ở Bạc Liêu phụ nữ không bao giờ được đi đâu hai ngày vì bất cứ lý do gì trừ về nhà mẹ đẻ ăn giỗ. Có đúng vậy không hả anh?”. Người đàn ông Bạc Liêu gật đầu với vẻ hãnh diện của một chúa đất: “Đúng vậy. Đi bất cứ đâu đều phải xin phép, còn đi qua đêm ư? Oh nooo”. Tôi không hiểu có đúng ở Bạc Liêu phụ nữ phải chịu cảnh lấy những ông chồng như vậy không hay chỉ có vợ anh ta là duy nhất, nhưng tôi nhìn người đàn ông dự tiệc cưới bằng đôi mắt của người đồng bằng nhìn người rẻo cao mới hạ sơn. Và mặc dù anh ta có chèn thêm một từ tiếng Anh vào câu nhưng vẫn không làm cho anh ta bớt ấu trĩ và hèn kém đi tẹo nào. Tại sao những người đàn ông lại trở nên ấu trĩ và hèn kém khi họ ngăn cản vợ/người yêu họ ra xã hội?
Thứ nhất, ấy là họ không bao giờ có đủ cảm giác tự tin để nghĩ rằng: “Cho dù cô ấy đi khắp trái đất này cũng không bao giờ tìm đâu ra một người đàn ông hấp dẫn và biết yêu thương, hiểu cô ấy như người đàn ông mà cô ấy đang có. Cô ấy càng đi càng có cơ hội để nhận thức và so sánh rằng cô ấy đang nắm giữ thứ gì trong tay”. (Nhìn chung thì loài người hiếm khi có được cảm giác tự tin này trong mối quan hệ tình cảm, trái lại lúc nào họ cũng nghĩ “Cho nó đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhỡ đâu nó gặp đứa nào hơn mình thì sao”).
Thứ hai, họ không bao giờ đủ thông minh để nghĩ rằng: Cứ để cô ấy học hỏi được nhiều và mình cũng sẽ phải cố gắng để có đủ tri thức như cô ấy (Trái lại, những người đàn ông ngăn vợ đi học tiến sĩ thay vì cũng lo trau dồi kiến thức bản thân thì chỉ biết ngồi đó mà lo lắng nhỡ đâu nó thông minh hơn mình. Tôi cần phải nói ra sự thật này, rằng có rất nhiều người đàn ông có vị trí cao trong xã hội đưa ra quan điểm: “Tôi không bao giờ lấy vợ thông minh hơn mình và kiếm được nhiều tiền hơn mình”).
Thứ ba, họ không đủ lòng yêu thương và hy sinh để mang lại niềm vui cho người kia, trái lại chỉ biết người kia mang lại niềm vui cho mình bằng cách nhất nhất làm theo ý mình.
Thứ tư, những người giống người đàn ông Bạc Liêu kia ấu trĩ ở chỗ, cái ý nghĩ mà họ đang nghĩ về việc vợ họ có thể làm khi ra khỏi nhà hai ngày trở lên thì rất có thể xảy ra 15 phút ở một chỗ bất kỳ như chiếc bàn làm việc và ghế xoay trong một văn phòng cao ốc chẳng hạn.
Và rất tiếc rằng nhiều phụ nữ tình nguyện chịu sự trị vì của những ông chồng ấu trĩ luôn thích sử dụng chính sách mị dân/ngu dân từ thời thực dân. Nếu trong một gia đình chỉ có hai người, bạn không thể tự quyết được bất cứ việc gì ngoài việc mua thực phẩm và đồ gia dụng trong gia đình thì tốt nhất không nên phấn khởi kêu gọi bình đẳng ngoài xã hội. Mọi ý kiến giữa các thành viên trong gia đình đều nhất thiết phải trao đổi với nhau, đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau, nhưng đừng dần dần biến nó thành sự xin phép và cho phép. Và nếu như trong xã hội chúng ta còn rất nhiều phụ nữ thiếu quyền tự quyết thì việc các nghệ sĩ vẽ cái vật kia rất to ra giữa triển lãm cũng chẳng giải quyết thêm được vấn đề gì.
Bài: Càn Khôn