“Đừng thấy đỏ mà tưởng chín”
Quân bảo, năm rồi, điều khiến anh hài lòng nhất là Anh Em thường xuyên “có việc”, khi mà lúc này, để có một đêm nhạc tử tế có nghĩa là phải có một ban nhạc tử tế, là phần nghe không thể bị lấn át bởi phần nhìn. Chưa kể, còn nhân việc Hà Nội bỗng dưng “soán ngôi” của Sài Gòn, khi liên tục được chọn là bến đỗ đầu tiên (thậm chí duy nhất) của nhiều show diễn lớn trong năm. “Chuyện này, tôi thấy có gì đáng ngạc nhiên đâu nhỉ? Vì nguyên nhân, có khi chỉ đơn giản là vì hầu hết chủ nhân của những live show ấy đều là người Bắc…” – Một lý giải đơn giản nhất (nhưng vẻ như có lý nhất) trong số những người tôi từng hỏi. Và vì thế, Quân không quá lạc quan về cái gọi là “thiên thời, địa lợi…” của anh và Anh Em nói riêng, cũng như của làng nhạc nhẹ nói chung. “Nếu có, thì cũng mới chỉ là một tín hiệu lạc quan mà thôi! Chừng nào, nghệ sỹ vẫn chưa thể là người dẫn dắt công chúng, thì theo tôi, chúng ta chỉ nên lạc quan vừa phải, “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”!” – Anh nói.
Một tín hiệu, nhưng cũng đủ để người từng kêu chán trước những vàng thau ấy, ấm lòng: “Để có được điều đó, tôi nghĩ công của truyền thông vừa qua là không nhỏ. Cảm giác như năm qua là một năm họ… “sửa sai”, sau một thời gian trót tung hô quá đà những giá trị ảo và giờ là lúc họ “định thần”. Vả, sau nhiều lần ăn “dưa bở”, khán giả nhà mình cũng phải khôn ra nhiều chứ, trong phép tính: nếu bỏ tiền ra thì cái họ thu được về là gì. Thêm một điều đã gần như trở thành quy luật, từng được Hollywood tổng kết: Hễ năm nào kinh tế toàn cầu suy thoái là năm đó lập tức họ kiếm bộn tiền. Vì nghệ thuật lúc đó là cách người ta xả stress chăng, lại đang lúc rỗi việc? Showbiz Việt năm rồi “mát số”, tôi nghĩ một phần hẳn cũng còn nhờ “hưởng lộc” từ quy luật đó…”
“Bịt tai trước cái dở không phải là cách hay”
– Vậy, anh có lo không, nếu năm nay, kinh tế sẽ… khởi sắc?
– Đấy, đang lo đây! (cười) Nhưng tôi nghĩ, sau bằng ấy thời gian “bén hơi” nhau, dễ gì thôi nhau được! Lẽ nào lúc “tắt lửa tối đèn” có nhau được mà lúc trời sáng thì lại nỡ quên nhau?
– Nghĩa là, đương nhiên “thừa thắng xông lên”?
– Với cá nhân tôi thì chỉ đơn giản là làm nghề thì phải có sản phẩm. Và 2013 có thể nói là một năm có khá nhiều đầu việc với chúng tôi: đầu tiên là một cái đĩa cho con gái Anna, tiếp đó là “Chat với Mozart 2” (hiện đã lên được list bài, cũng vẫn với sự hợp tác của nhạc sĩ Dương Thụ) cho Mỹ Linh và cuối cùng là một cái sự không thể lùi được nữa là một cái đĩa riêng cho Anh Em và kèm theo, có thể là một tour diễn.
– Gồm toàn những bản hit?
– “Hit” thì người ta biết hết rồi còn gì, làm nữa mà làm gì! Trừ khi là lúc biểu diễn trên sân khấu. Phải là những bài mới thì mới thể hiện được những gì chúng tôi đang muốn nói…
– “Chat với Mozart” thì sao? Anh có nghĩ so với cuộc “chat” lần đầu, thì lần này, có thể sẽ dễ dàng hơn sau cái bắt tay ngày càng chặt hơn giữa nhạc thính phòng và nhạc nhẹ?
– Chính xác! Khi tai nghe của khán giả giờ đây rõ ràng đã cởi mở hơn. Và cái gọi là âm nhạc bác học đã không còn bí hiểm và xa cách như người ta từng nghi ngại…
– Con gái anh, như định hướng của ba mẹ, sẽ thuộc về dòng nhạc chính thống. Nhưng anh có nghĩ, một ngoại hình sáng sân khấu như thế mà không theo nhạc thị trường thì… kể cũng hơi phí?
– Lãng phí hay không thì tôi không biết, nhưng vấn đề là Anna không thể trở thành một ca sĩ thị trường được, một khi cháu đã trót được trang bị một nền tảng như thế. Nếu như khái niệm nhạc thị trường cần hiểu ở đây là những bài hát dễ nhớ mà cũng dễ quên, và người hát thuyết phục khán giả chủ yếu bằng yếu tố ngoại hình.
– Nhưng hơn ai hết, anh hẳn thừa biết con mình không hề sở hữu một chất giọng khỏe?
– Đúng là lâu nay, chúng ta thường có thói quen cổ vũ những chất giọng khỏe. Nhưng một mặt, một chất giọng nhẹ nhàng nếu tìm đúng thể loại thì cũng có thể hát hay như thường. Với chất giọng của Anna, tôi nghĩ điều đáng kể nhất là khi nghe đĩa của cháu, sẽ không ai có thể nói rằng cháu giống ai. Kể cả Mỹ Linh. Mà có muốn giống cũng không được, cũng như không nên. Và mong muốn của Anna, hơn thế, còn là trở thành một nhà sản xuất, giống bố cháu.
– Mỹ Linh (cũng như hai diva còn lại) vẫn tiếp tục đắt sô trong năm qua, điều đó theo anh có thể trao cho một ca sĩ trẻ như Anna lời nhắn nhủ gì?
– Đấy là kết quả tất yếu của cả một quá trình phấn đấu không ngừng của một người có nghề và luôn đầy ắp tâm huyết muốn làm những điều tử tế. Mà để có nó, đôi khi người ta sẵn sàng chấp nhận những năm tháng “xịt” (mà thật ra là không hề ngưng nghỉ). Một triết lý làm nghề đương nhiên không có ở những người ưa ăn xổi, dù sự ăn xổi ấy có thể giúp họ trụ hạng dễ dàng trong một thời gian…
– Có lần, tôi nhìn thấy anh ở hàng ghế khán giả, trong một chương trình… không đáng xem. Điều gì đã khiến anh đánh xe từ Sóc Sơn sang Hà Nội chỉ để xem nó?
Bịt tai trước cái dở theo tôi không phải là một cách hay trong nghề này. Có sao đâu nhỉ, vì tôi đứng đó đâu có nghĩa là tôi ở đó!
Text: THƯ QUỲNH
Photo: TUẤN FR.
TTVH & ĐÀN ÔNG 1/2013