Mẹ Khánh Thi – Xuân Huy: “Không mong các con bớt gai góc”

Xuân Huy – Khánh Thi

Tách từng cái tên ra, hẳn ai cũng biết, họ là ai. Vì cả hai đều là những cái tên số 1 trong mỗi lĩnh vực mà mình theo đuổi. Nhưng không nhiều người biết, họ là anh em ruột, bởi rất hiếm khi họ mang điều đó khoe trên mặt báo.

Vậy mà lần này, họ lại đồng ý “dắt tay” nhau lên Đẹp để chia sẻ những suy nghĩ về nhau, mà trong đời thường, hai con người ít nói ấy thậm chí còn không mấy khi có cớ và có dịp. Dù trong đó, đôi khi có cả những lời “mắng yêu”: anh giễu em “ham hố”, em trêu anh “khùng”…

Đọc thêm:
Kiện tướng dancesport Khánh Thi – “Tôi thấy tội anh Huy lắm!”
Nghệ sĩ violon Xuân Huy: “Chao ôi, hiểu Thi khó gì!”

Nghệ sĩ violon Xuân Huy

Ngày bé, Huy gần như không có lúc nào được chơi. Bố Huy dạy con tập đàn, ông không bao giờ gọi, chỉ vỗ tay hoặc vẫy tay nhắc giờ. Huy đi chơi, đứng từ xa nghe thấy tiếng vỗ tay thì biết đã đến lúc phải chạy về. Bố Huy nghiêm khắc lắm, nếu hôm nào học bài không xong, Huy sẽ bị phạt. Bị phạt thì Huy khóc, nhưng bố vẫn kiên quyết, bởi nếu hôm nay vì khóc mà không thể trả bài, thì ngày sau con sẽ vẫn khóc thôi. Vì vậy, kể cả khóc, Huy vẫn phải kéo đàn, dù không ra tiếng gì, vẫn phải kéo. Huy biết bố không bao giờ cho qua buổi học ấy, nên Huy lo học.  

Thực ra, khi bắt đầu dạy Huy học đàn, bố Huy vẫn có mặc cảm, mình chỉ là một người bình thường, con mình không phải gia đình dòng dõi nghệ thuật. Nhưng không ngờ, Huy khẳng định được bản thân rất sớm.

Về Thi, chúng tôi không hướng cho con học múa, vì biết nghề này vất vả vô cùng, thêm nữa Thi học văn hóa rất giỏi. Nhưng đến hè, khi cho con theo lớp múa để thư giãn, cuối khóa lớp tổ chức thi, Thi đứng nhất, thế là con tiếp tục học. Sau này khi học xong sơ cấp múa, Thi được phân về một đoàn văn công, nhưng con quyết định chuyển hướng sang dancesport. Tôi có phân tích nhưng Thi cá tính mạnh, chẳng ai có thể khuyên.

Hai anh em Huy – Thi đều cá tính mạnh. Huy trầm hơn Thi và sau này cũng vất vả hơn Thi. Lúc Huy đi học, không có học bổng, thời gian đầu Huy sống bằng những đồng tiền bố mẹ tằn tiện gửi sang. Ngày ấy liên lạc khó, có khi cả năm cũng không biết tin con, nên sự động viên với Huy không được liên tục như Thi sau này. Lúc Liên Xô sụp đổ (năm 1991), Huy viết thư về kể: “Mẹ ơi một tuần rồi, hôm nay con mới được ăn bánh mì với thịt bò xào không mỡ. Còn trước đó, nhiều ngày phải nhịn đói”.

Dần dần, Huy tự khẳng định được bản thân, được vào chơi trong dàn nhạc giao hưởng có tiếng và không cần bố mẹ trợ giúp nữa. Khi bố ốm, Huy về nước, các đoàn đến xin Huy về rất nhiều. Huy quyết định ở lại và bắt đầu con đường gian truân. Nhìn con phải đi một con đường vòng khá dài, trải qua nhiều khúc quanh, đến bây giờ mới đứng lại, được sống với nghề, tôi thương con mà cũng cảm phục ý chí của con.

Lúc Huy bỏ làm ở các dàn nhạc trong nước, tôi và bố Huy đều buồn. Bên kia các ban nhạc vẫn gọi, nhưng Huy quyết định ở lại. Hình như có lúc Huy cũng tiếc với quyết định ấy. Nhưng Huy “lì” lắm, không bao giờ nói ra suy nghĩ của mình. Những lúc con ngồi trầm tĩnh một mình, thậm chí không muốn ai đến gần, tôi hiểu rằng con đau khổ, nhưng chẳng bao giờ dám hỏi. Những ngày tháng nhìn con lầm lũi ẩn dật làm đàn, sửa đàn, tôi thấy xót xa. Bây giờ, may mắn Huy đã trở lại và sống với tiếng đàn của mình.

Hai mẹ con bà Phạm Thị Đông và con gái Khánh Thi

Hai đứa đi hai con đường khác nhau. Khánh Thi vất vả vì theo con đường mất rất nhiều sức lực. Khi đi làm việc, Thi cũng phải gánh vác trách nhiệm nặng nề. Là mẹ, tôi chỉ biết lo cho con cái ăn, nghe ngóng con cần gì thì mang tới, nhưng cũng chỉ là những việc nhỏ. Còn cuộc đời và hướng đi, những bão giông trên con đường ấy cả Huy và Thi đều đối diện một mình.

Tôi nhớ, khi bắt đầu làm đàn, Huy thức thâu đêm. Cặm cụi đóng cửa suốt ngày cưa, đục. Một lần 3 giờ sáng, Huy vẫn cặm cụi dưới xưởng đàn (thực chất là cái nhà cấp 4 của gia đình), một lúc thì chạy lên nhà kêu: “Bố ơi thành công rồi!”. Tôi từng không bao giờ nghĩ con mình có thể làm được ra một cây đàn thủ công như thế. Tôi không phiền lòng gì về con, chỉ thương con vì đam mê mà vất vả. Huy cá tính khác biệt, định việc gì, mọi người nói cứ nói, việc Huy làm vẫn cứ làm. Huy bình thường “cạy miệng” không nói một câu, chỉ nói chuyện với ai đó khi thấy “hợp tần số”. Khánh Thi cũng chẳng nhiều lời. Nhà tôi không ai nói nhiều. Nhưng các con tôi đều hiểu, nếu có quyết định thế nào, vẫn luôn có mẹ đằng sau ủng hộ.

Gần đây Huy hay bảo tôi: “Mẹ ơi, bây giờ mẹ tuổi gì, mẹ có hiểu không?”, ý là phải nghỉ ngơi, phải ra Hà Nội, gần cháu nội và để con dâu phục vụ. Lúc tìm hiểu lấy vợ thứ hai, Huy còn bảo, lần này không tìm hiểu người theo nghệ thuật nữa, tìm một người bình thường để có thể phụng dưỡng mẹ. Tôi đã bảo Huy, con lựa chọn cuộc sống là sống cho mình. Nhưng qua đó, tôi hiểu các con tôi đều đáp lại bằng hiếu nghĩa, tình cảm. Xuân Huy từng trải qua những điều bất như ý trong hôn nhân và Thi cũng chưa chịu xây dựng gia đình. Nhưng tôi không buồn. Vì người già hay nghĩ về tâm linh. Trong lĩnh vực này, so ra, Huy phải quan tâm nhiều hơn, còn Thi rất mạnh mẽ. Tuy các con chưa trọn vẹn như bố mẹ, nhưng tôi hiểu đó là số phận của con mình.

Cả Huy và Thi đều chọn lựa một con đường không dễ đi, nhưng đã đi trọn vẹn con đường của mình. Lẽ ra Huy phải thành danh từ lâu lắm rồi, nhưng đến giờ, dù vẫn còn những vất vả, Huy vẫn một lòng với đam mê. Vậy là tôi hài lòng, vì ít nhất tôi biết rằng, sự hy sinh của mình không bị các con lãng quên, không trở thành vô nghĩa.

Nếu các con bớt cá tính và gai góc thì biết đâu cuộc đời thuận buồm xuôi gió hơn. Nhưng dẫu vậy tôi cũng không ước đổi cá tính các con mình. Vì tôi hiểu, mọi điều trong cuộc đời đều có chỗ của nó…

Tổ chức: Thục Khôi – Hellos.

Nhiếp ảnh: Phục Nguyễn – Thai Pham

Trang điểm: Minh Lộc – Đạt Hí

Stylist: Johnny Mạch – Thành Đào

Trang phục: Lam, Valenciani 

logo


From the same category