Chuyên đề: Nước mắt danh hài
Chúng ta thường mặc định danh hài gắn liền với tiếng cười. Nhưng đời người, hỉ – nộ – ái – ố luôn song hành như một định luật bất biến. Vậy nên, nếu chỉ gắn danh hài với tiếng cười, vẻ như chúng ta đang nhìn cuộc sống ở một chiều đơn giản.
Khi chương trình dành riêng cho các nghệ sĩ hài Ơn giời, cậu đây rồi khởi động trên VTV3 vào mỗi tối cuối tuần, chúng tôi biết, nhiều người có một nơi để giải tỏa những căng thẳng sau một tuần bộn bề. Nhưng, để có những tiếng cười, mang đến cho khán giả, những nghệ sĩ hài đã sống một cuộc đời phía sau ra sao? Khi đặt câu hỏi đó, Đẹp Online rất muốn lý giải, muốn tìm một lời đáp về cuộc đời của những người “bán tiếng cười”.
Samuel Beckett từng nói: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Với mỗi người bắt đầu khóc, ở nơi nào đó khác một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy”. Và chúng tôi tin vào điều đó khi lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ hài trong chuyên đề lần này!
Đẹp Online xin lần lượt giới thiệu các bài viết!
Trấn Thành: Đừng ví cảm xúc như một… nồi canh
Thúy Nga: Đời tôi nước mắt nhiều hơn nụ cười
Tổ chức & thực hiện: Hải Khôi – Lê Hạnh
Khi không thể khóc, tôi giã từ sân khấu.
– Nếu chỉ xem anh trên truyền hình, dễ đưa ra kết luận: Trấn Thành là người đàn ông mít ướt nhất của showbiz Việt đấy!
Là một nghệ sĩ, tôi chấp nhận và nghe mọi bình phẩm về mình. Mà kể cả không nghe, người ta vẫn gán cho mình những biệt danh họ muốn thì làm gì được ai nào?
Tôi biết có những người khóc nước mắt ngược vào trong, có những người hoàn toàn không khóc được, có những người rất dễ khóc. Tôi là dễ khóc, có thể do tuyến lệ tôi tràn trề, cấu trúc sinh học cơ thể tôi là vậy, biết làm sao đây. Nhưng, tôi thà làm một người đàn ông mít ướt còn hơn làm người đàn ông không rơi lệ được – bởi lúc đó tôi biết mình đã cạn kiệt cảm xúc, trở thành cỗ máy lạnh lùng. Một ngày nào đó còn rơi lệ, tức là cảm xúc tôi vẫn còn, tôi vẫn có thể tiếp tục làm công việc này. Còn khi nhìn thấy những điều đáng xúc động mà Trấn Thành này không thể khóc, đó cũng là lúc tôi giã từ sân khấu.
Là một MC hoạt ngôn, sắc sảo và đặc biệt là vô cùng hài hước, ấy thế mà khán giả lại chứng kiến rất nhiều lần Trấn Thành rơi lệ trên sân khấu.
– Thật ra thì, đàn ông “mít ướt”, theo anh, có “chết” ai không?
Mít ướt là người đàn ông đụng cái gì cũng khóc, còn tôi đúng chuyện tôi mới khóc, nên không thể gọi tôi là “mít ướt” được. Có điều tôi cũng chẳng muốn làm… mít sấy.
– Slogan của anh là: “Đời tui là phải vui, không vui không phải tui”… thế mà, anh lại hay khóc giữa bàn dân thiên hạ. Có mâu thuẫn không nhỉ?
Tôi chẳng thấy có gì là mâu thuẫn cả, ai bảo phải buồn mới khóc, đôi khi tôi khóc vì tiếc nuối, vì tôi hạnh phúc, vì được xem những tiết mục thăng hoa, hoặc khóc vì xúc động. Mà tôi có khóc vì buồn đi chăng nữa thì có sao, khoảnh khắc ấy ai dám nói trong đời mình không có? Quan trọng, sau nỗi buồn mình biết cách hóa giải, trở lại thành con người yêu đời. Đó là lý do tôi nói: “đời tui là phải vui, không vui không phải tui”.
À, mới đây ồn ào chuyện một người đàn ông khóc lóc thảm thiết ở Singapore vì bị lừa mua iPhone 6 giá quá “chát” đấy. Vì khóc mà anh ấy được cả cộng đồng nước bạn quyên tiền ủng hộ. Kể ra, khóc ở trường hợp này cũng có lợi nhỉ! Anh có cổ vũ không?
Tôi cũng tin, bất cứ cái gì cũng có duyên của nó. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ấy khóc ở nước ta. Sự thật sẽ buồn đấy, sẽ có người quan tâm nhưng số người chỉ trích nặng nề sẽ nhiều hơn. Bởi tôi biết, hiện nhiều bạn trẻ chỉ canh chừng xung quanh mình có chuyện gì xảy ra rồi… ném đá.
Không thể đếm nổi số lần Trấn Thành rơi lệ bởi trên sân khấu, vì thế anh được gọi là “người đàn ông mít ướt” của showbiz Việt.
Khóc chắc chắn rất lợi hại
Khóc không chỉ có cái lợi, cũng không chỉ có cái hại, mà chắc chắn khóc… rất là lợi hại. Tôi chắc, sau mỗi giọt nước mắt chúng ta có khoảng lặng riêng để suy nghĩ. Thứ hai, khóc là cách xả stress rất tốt. Thứ ba, khi còn khóc được, chúng ta biết mình chưa chai sạn. Chưa kể, đôi khi khóc còn gây được sự đồng cảm. Và ở một góc độ khoa học, khóc còn xả được năng lượng thừa trong cơ thể
– Bật mí một chút thì, anh có nhớ cái vụ phải khóc thực sự vì “đau” trong đời Trấn Thành là diễn ra trong bối cảnh nào? Còn vui quá mà phải khóc, ấy là khi nào!
Tôi có những nỗi đau rất lớn khi chứng kiến người ảnh hưởng đến mình ra đi mãi mãi. Tôi từng khóc vì đau khi nhìn thấy thi thể của má Kim Ngọc lúc chưa tẩm niệm, giây phút đó, tôi biết mình đã mất đi một người mà mình coi như mẹ, biết rằng khán giả đã mất đi một nghệ sĩ huyền thoại. Cũng như tôi đã khóc khi Whitney Houston (thần tượng của tôi) vì dùng thuốc quá độ mà giọng hát bị phá hủy. Tôi khóc vì xót thương thần tượng mất đi sự mãnh liệt trong nội lực của mình, tôi càng khóc nhiều hơn khi hay tin cô qua đời.
Và thường khi hạnh phúc tôi cũng khóc. Chẳng hạn khi tôi xem một số tiết mục trong chương trình So you think you can dance. Hoặc tôi cũng hay khóc khi đứng trước những gì hoành tráng như lúc đứng trên sân vận động, trước sự uy nghi của hàng ngàn, hàng triệu con người hướng cùng đến một điều chung (thế vận hội, một buổi đồng diễn, hay tập kết dưới màu cờ tổ quốc), những lúc ấy tôi thường thấy may mắn vì mình là một sinh vật tồn tại trong đó, và tôi cảm động.
Có một kỷ niệm về lần khóc rất đặc biệt, đó là khi tôi xem vở Ngàn năm tình sử của nghệ sĩ Thành Lộc tại sân khấu Idecaf. Khi vở diễn kết thúc, một dàn diễn viên mặc đồ cổ trang, trong trạng thái đầm đìa nước mắt và cơ thể rệu rã sau sau vai diễn, họ cùng nắm chặt tay nhau, dùng tất cả năng lượng còn lại hiên ngang bước thẳng ra sân khấu. Cả rạp đứng dậy vỗ tay, khán giả cũng cứ đứng như thế và vỗ tay rất lâu. Tôi cũng đứng đó khóc như một đứa trẻ. Tôi khóc vì ít khi thấy khán giả ở nước mình đứng cổ vũ nghệ sĩ lâu như vậy. Và tôi nhận thấy đây mới là món quà xứng đáng nhất mà nghệ sĩ nhận được sau những nỗ lực. Giá trị đôi khi đâu chỉ là tiền. Lúc ấy, tôi đã ước họ cho tôi đứng ké trên cái “thánh đường” đó 3 phút thôi cũng được
Trấn Thành chia sẻ: “Tôi dễ khóc là do tuyến lệ tôi tràn trề, cấu trúc sinh học cơ thể tôi là vậy, biết làm sao đây?”
Đàn ông hay đàn bà khóc đều không có gì đáng sợ. Sợ nhất là khóc đàn đúm, khóc hùa, khóc giả tạo. Chẳng có gì đáng sợ hơn khi ngửi thấy mùi, cảm thấy vị của sự giả tạo đó mà vẫn phải nhìn thấy nó.
– Anh từng nói sợ sự chia tay. Xin hỏi, ngoài đời, có cuộc chia tay nào khiến Trấn Thành rơi nước mắt chưa?
– Chia tay người yêu, mất đi một người mình từng yêu thương rất nhiều, buồn lắm, phải khóc chứ. Và những lúc mất đi người thân như bà ngoại tôi chẳng hạn.
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Bài: Lê Hạnh
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp