Hành trình kiếm tìm người đàn ông mất ngủ vô địch!
Hồi còn lang thang làm báo ở khu vực Miền Trung mà địa bàn tìm kiếm thông tin là ở Quảng Nam tôi đã phong thanh nghe về chuyện mất ngủ của một người đàn ông. Dân “đi địu” (đi tìm kỳ nam) mạn Trung Phước thường nhỏ to với nhau rằng, trên đó có một người đàn ông không bao giờ thấy ngủ và không thèm… buồn ngủ.
Thậm chí những ngày mưa gió không đi rừng được, cánh “nẫu” “đi địu” lại lấy ông ra làm chuyện thách đố bên những cuộc rượu.
42 năm mất ngủ nhưng ông Ngọc vẫn hồn nhiên.
Nhiều tay “nẫu” đã cá cược với nhau để đến thức canh xem thực sự ông già đó có ngủ hay không, dĩ nhiên là có những khoản tiền cá cược đi kèm.
Vì tiền, lại thêm sự tỷ thí nên nhiều tay “nẫu” đến, ăn trực, nằm chờ thức canh ông. Một ngày, hai ngày, ba ngày rồi cả tuần luân phiên nhau thức… Cuối cùng, cả cánh cá cược đều lăn ra ngủ bù vì chẳng thấy ông già kia chợp mắt lấy vài giây.
Đem cái sự phong thanh về ông già đạt “ghi-net” về mất ngủ nhưng không xác định được danh tính này đi “làm quà” và sự may mắn cuối cùng cũng đã đến với tôi.
Tôi biết con gái ông Thái Ngọc trước khi biết ông. Trong những lần ghé thăm nhà sách lớn nhất Đà Nẵng nằm bên bờ sông Hàn để tán chuyện với mấy cô gái đứng quầy xinh xắn, tôi thao thao bất tuyệt lấy chuyện ông già mất ngủ này ra kể.
Tôi kể chuyện “ở vùng núi kia, có người đàn ông suốt đời không ngủ… sống cùng người vợ tảo tần dưới một thung lũng đọng đầy gió trăng…”.
Đang say sưa và đưa mắt để tìm sự cảm phục của các cô gái thì tôi bất chợt nghe thấy tiếng thở dài đánh “sượt”. Chả có vẻ gì thấy lạ lùng, một cô gái buông giọng: “Tưởng chuyện chi, hóa ra đó là chuyện của cha em!”.
Tìm hiểu thì biết cô gái ấy tên Mai, con gái ruột của ông Thái Ngọc. Sau ít phút “tét” hỏi, tôi đã biết đích xác người đàn ông ấy hiện đang cùng người vợ ở ở thung lũng Nà Trăng, vùng Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam. Vậy là, một ba lô, một xe máy, tôi tìm lên đường theo lời chỉ dẫn của Mai.
Không hiểu trời đất run rủi thế nào mà vừa tấp vào một hiệu may để hỏi thăm đường, tôi lại nghe cô gái có đôi mắt trong veo đang ngồi bên bàn máy may, bảo: “Cha em đó!”. Giật mình, tôi hỏi thì được biết cô gái này tên là Cúc. Cúc là chị của Mai và là 2 trong số sáu người con của ông Thái Ngọc.
Các con ông đều mỗi người một nghề và đều tự lập. Sống cùng ông bà trong trang trại ở thung lũng Nà Trăng hiện nay chỉ có anh con trai đã 30 tuổi nhưng chưa chịu lấy vợ tên là Thái Thắng.
Cả sáu người con ông Ngọc đều lập gia đình muộn nhưng ai cũng quý mến và rất hiếu hạnh với người cha không bao giờ…thèm ngủ của mình.
Theo lời những người dân quê mộc mạc vùng Trung Phước thì bất cứ ai dù tình cờ hay cố ý, hỏi chuyện về ông Thái Ngọc đều nghe các con ông trả lời, bắt đầu bằng câu:“Cha em đó!”
Mất ngủ từ khi biết “mần chuyện ấy”
Nghe vợ báo có khách, ông Ngọc đang trầm mình tránh nắng ngoài suối, cứ ở trần, chạy chân đất về nhà. Có hai điều khiến tôi ngạc nhiên về người đàn ông vừa gặp, đó là màu da và đôi mắt. Da ông Ngọc đen nhưng là màu đen rất hiếm gặp của đồng hun, bóng nhẫy trên các cơ bắp săn cứng đã khô quắt do tuổi già.
Suốt buổi chuyện trò, tôi không hề thấy ông Ngọc chớp mắt. Cảm giác của tôi là người đàn ông này có đôi mắt to, sâu, sáng, đen và hồn nhiên hơn bình thường.
Trước khi tìm đến với người đàn ông 42 năm không ngủ này, tôi đã đi tìm hiểu. Được biết mất ngủ là một trong những triệu chứng của bệnh tật mà trong đó bệnh tâm thần chiếm nhiều nhất.
Thông thường, nếu mất ngủ kéo dài đến khoảng một tháng mà không có sự can thiệp sẽ dẫn đến những rối loạn về tâm lý và hệ thần kinh, là những nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần.
Vợ chồng ông Thái Ngọc bên lò nấu rượu
Nhưng ngồi trước người đàn ông này, tôi không hề thấy ông có chút ưu tư hay già nua mỏi mệt. Đã 72 tuổi, nhưng trong đôi mắt người đàn ông “không thể nào ngủ được”, tôi vẫn đọc thấy nét tinh nghịch hồn nhiên của đứa trẻ đang còn cưỡi lưng trâu.
Như bao người khác tò mò muốn gặp ông, câu đầu tiên tôi tìm hiểu là ông mất ngủ từ khi nào và nguyên nhân từ đâu. Với vẻ mặt hết sức hồn nhiên của một người quen lao động, ông trả lời: từ khi biết ‘mần chuyện ấy” chứ khi mô.
Không chút giấu giếm, ông Ngọc kể, chứng không thèm ngủ của ông bắt đầu lúc ông tròn 20 tuổi và biết vụng trộm “mần chuyện ấy” với một cô gái hái dâu. Ông bảo, ngày ấy ông cũng trẻ, cô gái kia cũng trẻ, đều đam mê, đều vụng dại và đều có… nhu cầu khám phá nhau cả.
Không chút cưỡng mình, sau những lần hẹn hò, ông và cô gái kia đã nảy sinh “chuyện ấy” trong một đêm trăng đầy tháng. Trăng trên trời cao vọi, gió sông, gió đồng mơn trớn, ông và cô gái trẻ, hai cơ thể sung mãn tuôn trào sức sống ấy đã trao cho nhau những nụ hôn, những cái vuốt ve bẽn lẽn và đi đến cao trào.
Rồi ai về nhà nấy nhưng cái cảm giác được “nếm trải” cứ cựa quậy sống lại trong ông từng khắc từng giờ với cảm giác lâng lâng. Như tạo ra một thứ men thăng hoa, luôn đem cho ông sự tỉnh táo đến lạ kỳ. Thế rồi ông mất ngủ thật.
Năm 22 tuổi, ông Ngọc được cha mẹ cưới cho một cô gái đẹp nổi tiếng trong vùng. Ngỡ tưởng có vợ, có hạnh phúc lại thêm sự bận bịu của sinh nhai và con cái ông sẽ ngủ được. Nhưng lạ kỳ thay chứng mất ngủ lại đến ngày một trầm trọng hơn tuy ông không còn nhớ cô gái kia nữa.
Ngày qua ngày, cơn mất ngủ lại đến và kéo dài hơn thường lệ và đến năm 1970, lúc này ông bước vào tuổi thứ 30 (ông Ngọc sinh năm 1940) thì ông đã… hoàn toàn không thể ngủ được.