Mai Ý Nhi - Người chơi đàn trong những câu chuyện cổ - Tạp chí Đẹp

Mai Ý Nhi – Người chơi đàn trong những câu chuyện cổ

Sao


– Chị có thấy mình đơn độc khi là người hiếm hoi chơi hạc cầm ở Việt Nam?

– Bây giờ tôi đã có học trò rồi, chứ lúc mới tốt nghiệp (Nhạc viện Tchaikovski – Liên Xô cũ) về nước sau hơn 10 năm khổ luyện, tôi đã tưởng mọi thứ phải khép lại khi cả nước không nơi nào có cây đàn harp. Và rồi, thật may mắn khi trong một lần đi nghe hòa nhạc ở Nhà hát Lớn, có người giới thiệu cho tôi gặp ông Roberto Morgado – một tỷ phú Mỹ – người đã tặng cho Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh cây piano hiệu Steinway & Sons đắt giá. Ông biết câu chuyện về một nghệ sĩ không đàn như tôi và cũng biết tác phẩm trình diễn hôm ấy cần có một người chơi đàn harp nhưng vì không tìm đâu ra được cây đàn này nên buộc phải thay bằng guitar vào dàn nhạc. Ông chẳng hứa hẹn gì nhưng ngay sau đó đã đặt hãng Lyon & Healy làm một cây đàn harp đặc biệt – loại dành cho những buổi hòa nhạc lớn – rồi gửi sang Việt Nam. Hạnh phúc vô cùng khi từ đó, tôi đã được gắn bó với cây đàn quý giá này cho đến tận hôm nay.  

Nghệ sĩ Mai Ý Nhi, cây đàn harp (hạc cầm)

– Vì sao chị lựa chọn học harp chứ không phải nhạc cụ nào khác?

– Từ bé, tôi đã được gửi vào Nhạc viện Hà Nội để học piano. Tôi không chủ động lựa chọn đàn harp mà vì khi ấy có suất học bổng dành cho tôi đi học bộ môn này tại Liên Xô. Bằng tất cả sự mơ mộng của một cô gái đã từng bị cuốn hút trước những đoạn văn miêu tả tiếng đàn của nhân vật Rémy trong “Không gia đình”, tôi đồng ý ngay, chỉ vì muốn biết cây đàn harp thực sự như thế nào. Và rồi, tôi khăn gói lên đường với sự háo hức như sắp được chạm đến một mơ ước. Đến khi thực sự được chạm vào những dây đàn và nghe thấy âm thanh rất diệu kỳ của nó, tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn.

– Sự mơ mộng đó có còn được giữ cho đến lúc này?

– Vẫn còn chứ, nhưng cũng đã có sự thay đổi cho phù hợp với lứa tuổi và sau rất nhiều thực tế mà mình đã trải qua.

– Một nghệ sĩ đàn harp có sống được với nghề hay không?

– Không phải harp, mà chính piano lại mang đến cho tôi nguồn thu nhập đủ cho cuộc sống. Nhưng tôi chưa bao giờ thôi say mê với harp. Chính cây đàn này mang đến cho tôi điều quý giá hơn mà không có của cải nào mua được, đó là nguồn cảm hứng và lòng yêu nghề một cách đặc biệt.  

– Thành công của chị cùng cây đàn harp được tạo nên bằng yếu tố nào?

– 70-80% là khổ luyện. Còn lại là khả năng thiên bẩm và lòng say mê cùng nhiều nỗ lực khác. Sự nghiêm túc đối với bộ môn này cũng là điều bắt buộc phải có.

– Với một người có ý định học harp, chị sẽ nói điều gì?

– Đây là nhạc cụ rất kén người chơi vì đòi hỏi phải có sự khổ luyện và thực sự say mê. Nếu so sánh với cây đàn piano, bạn sẽ thấy bàn phím piano bày ra sẵn hết, chỉ cần đặt đôi bàn tay xuống là có thể chơi đàn. Còn với harp sẽ khó hơn nhiều – bạn phải làm chủ đến 47 dây đàn và làm quen với thế đánh treo tay lên, trong khi chân phải điều khiển pedal. Có đến 7 pedal tương ứng với 7 nốt nhạc. Riêng chuyện đạp pedal thôi đã là cả một nghệ thuật, rất khó… Và thêm một điều là không phải ai cũng có thể mua được cây đàn đắt đỏ này. Các bạn sinh viên nếu muốn học harp, chỉ có một cách là mỗi ngày đều phải đều đặn đến trường luyện tập, bất kể mưa nắng. Không có sự say mê và kiên trì là bỏ cuộc ngay.

– Buổi diễn thành công đối với chị, cần phải như thế nào?

– Làm sao để người nghe hiểu được mình đang muốn nói điều gì với họ: niềm vui hay nỗi buồn, sầu khổ hay tràn đầy hy vọng… chứ không chỉ đơn thuần là ngồi vào đàn và trình diễn tác phẩm gì.

– Rất nhiều nghệ sĩ có được sự thăng hoa vào những thời khắc họ đau khổ và buồn bã nhất. Chị có nằm trong số đó không?

– Lúc quá buồn, tôi không thể chơi đàn. Cảm hứng của tôi thường đến từ niềm vui nhiều hơn. Tôi đã có một giai đoạn cảm thấy khó khăn khi ngồi vào đàn, đó là lúc ba tôi mất.

– Chị đã bao giờ nghe lời khuyên hãy bỏ harp vì phải mất rất nhiều công sức khổ luyện mà lại chẳng nhận được gì nhiều?

– Rất may mắn là chưa, mà ngược lại, tôi luôn nhận được sự khuyến khích, đặc biệt là từ gia đình. Chồng tôi cũng là người bạn học từ bé, cho đến lúc sang Nhạc viện Tchaikovski lại đi cùng nhau. Anh ấy học kèn cor nhưng chúng tôi có cùng niềm say mê với âm nhạc và có thể thấu hiểu, chia sẻ được nhiều điều.

– Đó có phải một câu chuyện tình lãng mạn?

– Ôi, hồi đi học năm mười mấy tuổi, chúng tôi cãi nhau chí chóe suốt ngày. Suốt 5 năm học trung cấp ở Liên Xô, chúng tôi vẫn chỉ là những người bạn. Mãi đến khi lên đến đại học mới bắt đầu để ý theo kiểu khác, rồi yêu lúc nào không hay. Giờ chúng tôi sở hữu chung hai cậu con trai, lớn cả rồi. Chàng lớn là sinh viên nhạc viện, chơi kèn clarinette. Cậu nhỏ cũng có năng khiếu âm nhạc nhưng chúng tôi muốn cho con thử sức ở ngành nghề khác.

Nghệ sĩ Mai Ý Nhi, cây đàn harp (hạc cầm)

– Bộ tam bố – mẹ và con trai đã bao giờ biểu diễn cùng nhau?

– Một buổi diễn chỉ có ba chúng tôi thì chưa, nhưng cả nhà đã có vài lần cùng diễn chung trong dàn nhạc giao hưởng của nhạc viện.

– Ngoài âm nhạc, chị còn niềm yêu thích nào khác?

– Tôi thích nấu ăn, vì vậy rất thích xem chương trình truyền hình “Master Chef”. Được nấu những bữa ăn cho chồng con là niềm hạnh phúc của tôi.

– Có thể đếm được những tác phẩm chị đã trình bày cùng cây hạc cầm suốt nhiều năm qua?

– Nhiều lắm, và tôi chưa bao giờ đếm cả. Trong đó có “Odysse” của tác giả Knut Vaage – tác phẩm hiện đại đầy màu sắc mà tôi được chơi cùng nhóm BIT 20 của Na Uy. Gần đây nhất là những tác phẩm của Tchaikovski trong vở ballet cổ điển “Kẹp hạt dẻ” mà tôi rất thích. Tôi phải dành rất nhiều thời gian để luyện tập khá công phu.

– “Một buổi diễn trong mơ” của riêng mình – chị có thường nghĩ đến không?

– Tôi vẫn nghĩ hoài mà chưa biết khi nào mới thực hiện được. Mọi thứ chỉ cần rất đơn giản trong một nơi ấm cúng, không cần phải hoành tráng. Tôi sẽ chơi những bản nhạc yêu thích. Tôi cũng có những người bạn sẵn sàng biểu diễn với mình trong tam, tứ tấu… Và tôi còn có những học trò nữa – chúng tôi sẽ chơi hòa tấu 2, 3 cây đàn harp.

Nghệ sĩ Mai Ý Nhi

– Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật: bố là NSND Mai Khanh, mẹ là Lê Thị Lệ Chi – diễn viên kỳ cựu của đoàn Ca múa nhân dân Trung ương trước đây.

– Cho đến nay, chị vẫn là người duy nhất tại Việt Nam giảng dạy môn đàn harp.

– Người thầy đầu tiên của chị khi học ở bậc trung cấp tại Liên Xô là bà giáo Margarita Feodorovna Maslennikova – người nổi tiếng với những kỹ thuật cơ bản (cách ngồi, đặt tay…) nhưng là nền tảng quan trọng đối với người chơi đàn harp.

– Người thầy ở bậc đại học là NSND Vera Dulova – một tên tuổi lớn về hạc cầm của Liên Xô và thế giới. Chính bà đã truyền kinh nghiệm dựng bài và cách thể hiện một tác phẩm trên cây đàn harp đầy cảm xúc như thế nào cho cô học trò người Việt Nam duy nhất.

 
Bài: Như Thảo – Ảnh: Phan Võ

logo 

Thực hiện: depweb

21/10/2014, 10:31