Câu chuyện cô gái Ê-đê H’Hen Niê giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 được xem là nguồn cảm hứng cho “những vẻ đẹp khác biệt”. Từ chuyện của H’Hen Niê, Đẹp xin kể về nỗ lực để thành danh của những nhan sắc lạ trong showbiz Việt như chàng trai K’Ho - K’Brơi, hai người đẹp Khơ-me – Thạch Thị Quanh Đi, Lâm Thu Hằng với nhan sắc và màu da không thể trộn lẫn. Họ, những chân dài lạ từ cái tên cho đến nhan sắc đang là minh chứng cho những nỗ lực làm nghề bền bỉ mà không phải ai cũng biết.

Feature
Close button

Cuộc gặp này diễn ra tròn một tháng sau khi H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. Từ một cô bé Ê-đê nghèo ở buôn Sút Mđưng (Đắk Lắk) trở thành hoa hậu, H’Hen Niê được xem là nguồn cảm hứng mới cho sự vươn lên trong cuộc sống. Nếu mang chuyện này đi nói với H’Hen Niê, bạn sẽ nghe được rất nhiều từ “may mắn”. Chỉ đến khi được cô kể tường tận về những gì đã trải qua, bạn mới hiểu đó là sự lạc quan của người đẹp.

Bài Ngân An

Từ khoảnh khắc đăng quang, chị đã tập quen như thế nào với sức nặng của chiếc vương miện và trọng trách được trao?
Khi chưa thi hoa hậu, tôi chỉ nghĩ đơn giản nếu đăng quang, tôi có thể đi event kiếm tiền giúp đỡ cho gia đình, để các em và các cháu có điều kiện đi học. Bước vào cuộc thi rồi, tôi nhìn mọi thứ khác đi.

Đêm chung kết, lúc nắm tay chị Hoàng Thùy (Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 - PV), tôi sợ mình sẽ trở thành hoa hậu. Trong suy nghĩ của tôi, hoa hậu là những người gia đình có điều kiện để hỗ trợ họ luôn tỏa sáng và chỉn chu, còn gia đình tôi chẳng có gì. Sau đó, tôi lo sợ áp lực dư luận nên đã khóa trang mạng cá nhân và tập trung thời gian để thực hiện những lịch trình đã lên sẵn. Bây giờ, tôi biết trọng trách của mình rất lớn và mình cần phải làm những gì để xứng đáng với ngôi vị.

Nhắc đến áp lực dư luận, có bao giờ chị thấy mình bị tổn thương vì những nhận xét thiếu thiện chí?
Có một lần tôi khóc suốt hai tiếng đồng hồ khi nghe những người bạn cũ nói rằng tôi đã thay đổi và đang tìm kiếm những người bạn cùng đẳng cấp, trong khi chỉ bởi tôi không có thời gian trả lời tin nhắn của mọi người. Họ không biết mỗi ngày tôi phải đi những đâu, thay bao nhiêu bộ quần áo và đổi lớp trang điểm bao nhiêu lần. Thậm chí, công việc bận rộn đến nỗi tôi bị sụt mất 3kg vì không có thời gian ăn uống. Tôi biết thời điểm này tôi có nhiều thiếu sót nhưng tôi không muốn bị mọi người hiểu lầm.

Mải miết với công việc, chị có biết chuyện đám đông ngoài kia đã có lúc cố gắng xây dựng cho chị hình ảnh Lọ Lem nhưng bất thành?
Tôi không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra. Với tôi, cuộc sống ngày xưa rất vui. Đó là những điều tôi có thể cất lại để kể cho con cái sau này. Vậy mà ai cũng nghĩ tôi khổ lắm, trong khi người khổ phải là mẹ tôi mới đúng.

Ngày xưa, khi mẹ mới sinh chị gái tôi, nhà không có ai trông nên mẹ phải địu chị lên rẫy. Trong lúc làm, mẹ đặt chị dưới gốc cây đậu; chỉ cần mẹ không để ý một chút là chị lại bị kiến bâu đầy người. Nhìn con như vậy sao đành, mẹ tôi lại địu chị trên lưng rồi để mặc cho cái nắng cái gió quần xung quanh mình mà nhễ nhại làm việc.

Mẹ tôi cho đến bây giờ vẫn chưa nói được tiếng Việt. Mỗi lần nghe mẹ dặn có đưa ai về nhà chơi thì nhớ nói cho người ta trước điều đó, tôi lại thấy thương.

Bao nhiêu tuổi chị mới ý thức được rằng gia đình mình không hề khá giả?

Thật ra tôi không ý thức được điều đó vì xung quanh, nhà nào cũng nghèo. Việc đi chợ khó khăn, thịt lại là thứ xa xỉ nên từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ được ăn cá. Nhiều khi thấy bạn bè có quần áo đẹp, tôi cũng thích nhưng chưa bao giờ dám đòi hỏi mẹ mua cho cái gì. Nếu muốn có tiền ăn vặt, tôi đi nhặt hạt cà phê còn sót lại sau vụ thu hoạch hoặc hái trái cây để bán lấy vài đồng bạc nhỏ. Lúc đó, ước ao lớn nhất của tôi là trở thành cô bán hàng rong vì lúc nào tôi cũng thấy cô cầm một cọc tiền.

Hè năm cấp hai lên cấp ba, tôi theo dì đi làm thuê. Làm cỏ, cào bồn hoặc cắt cành khô, người ta thuê làm gì thì làm đó. Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng sáu mươi nghìn đồng. Làm mấy ngày như vậy, số tiền kha khá nhận được khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi đưa mẹ phần lớn số tiền để dành may đồ đi học, chỉ giữ lại năm nghìn đồng. Vì tôi cao nhất nhà nên không mặc ké được đồ của anh chị, cũng không thể mua đồ may sẵn mà phải cắt may riêng.

Cuộc sống không đầy đủ đó có phải là động lực khiến chị quyết tâm hơn cho việc học?

Tôi học lớp 1 những 3 năm: 4 tuổi đi học với chị gái vì ở nhà không có ai trông, 5 tuổi đi học với chị hàng xóm, và 6 tuổi thì đi học một mình. Ngay từ khi bước chân đến lớp, tôi đã ý thức mình phải học giỏi vì tôi hiểu mẹ sinh tôi ra rất đau đớn, nuôi tôi rất khổ sở nên tôi không muốn làm mẹ khổ tâm thêm nữa. Mưa bão, đau ốm như thế nào tôi cũng ráng đi học.

Biết chị thích học như vậy, tại sao ba mẹ chị vẫn cố thuyết phục chị lấy chồng ở tuổi 13?
Ở buôn tôi, mọi người quen với nếp sống đó. Năm tôi học lớp 8, nhìn con gái người ta có người yêu, mẹ ra chợ mua một tuýp sữa rửa mặt và một hộp kem trắng da rồi về thuyết phục tôi bôi lên cho trắng để nhanh có người yêu, nhưng tôi không chịu. Đó là lần đầu tiên tôi cãi mẹ.

Vì chuyện lấy chồng, dù là người khá tâm lý, chẳng bao giờ bắt ép con cái làm gì nhưng có lần mẹ cũng giận tôi mất một tuần. Năm đó tôi vừa học xong lớp 12, mẹ muốn tôi lấy một anh đẹp trai, gia đình khá giả, sống cách nhà khoảng 4km nhưng tôi nhất quyết lắc đầu. Một phần vì tôi còn muốn đi học, phần còn lại vì gia đình tôi làm gì có tiền để chịu thách cưới của nhà người ta (Người dân Ê-đê vẫn theo chế độ mẫu hệ nên nhà gái chịu thách cưới của nhà trai - PV).

Là một cô gái quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn ở buôn nghèo, chị biết gì về Sài Gòn để quyết định liều lĩnh đi theo con chữ?
Hè lớp 5 lên lớp 6, buôn tôi có đoàn sinh viên tình nguyện lên dạy học. Khi ra về, một chị đã tặng tôi chiếc áo thể dục có ghi tên trường. Chiếc áo rất “oách” đó tôi để dành mặc trong những dịp quan trọng. Rồi mấy lần tôi nghe người ta nói với nhau lên Sài Gòn để chữa bệnh nên Sài Gòn trong tôi chỉ đơn giản là nơi có nhiều trường đại học và bệnh viện.

Ba năm học ở Sài Gòn, tôi may mắn được hỗ trợ chỗ ở, chỉ phải đi làm kiếm tiền đóng học phí và sinh hoạt. Nhờ làm giúp việc, mỗi tháng tôi kiếm được tầm 1,5-2 triệu đồng/tháng trong khi chi phí ăn học chỉ mất khoảng 800 nghìn. Ngoài tiền ăn, tôi không chi tiêu gì, cũng không biết quán cà phê hay trà sữa là như thế nào. Hai cái Tết đầu tiên tôi ở lại Sài Gòn kiếm thêm vì tiền công những ngày này được trả gấp đôi. Hết Tết, tôi mới về nhà. Tôi không tủi thân gì, còn thấy vui vì kiếm được tiền mang về lì xì cho mọi người trong nhà. Trước tôi, trong phạm vi 3-4 buôn xung quanh, không có ai lên Sài Gòn học, nên tôi có thể được xem là người tiên phong. Học ở Sài Gòn khoảng 2 năm, tôi quyết định ở lại luôn vì biết về quê, gia đình cũng không có điều kiện xin việc cho tôi.

Nói như vậy, ngay từ khi chưa đăng quang hoa hậu, đối với những người trong buôn, chị đã là người mang lại cảm hứng cho thế hệ sau?
Khi về quê, tôi được rất nhiều người biết. Ai cũng nói muốn con họ được như tôi. Hiện tại, tư tưởng của người Ê-đê còn rất hạn hẹp. Xã hội còn rất nhiều điều hay mà người Ê-đê chưa biết. Thế nên, tôi luôn tự dặn lòng phải cố gắng truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ Ê-đê.

Khó khăn lớn nhất của chị khi sống và học tập tại Sài Gòn là gì?
Đó là ngôn ngữ. Ban đầu nó chính là rào cản giao tiếp khiến tôi gặp khó khăn trong việc học những cái mới. Gặp ai, tôi cũng chỉ ngồi nghe họ nói chứ không dám thắc mắc, trao đổi. Chỉ khi bắt đầu đi làm người mẫu, công việc bắt buộc phải tiếp xúc với nhiều người mới mỗi ngày nên tôi dần trở nên năng động.

Từ một cô bé gày gò với làn da không đều màu đến một người mẫu được nhiều nhà thiết kế để mắt đến, chị đã chinh phục chặng đường khó khăn ấy như thế nào?
Công việc người mẫu khiến tôi thích thú nên tôi đã nghỉ hết việc làm thêm để toàn tâm toàn ý cho nó. Chỉ cần có người gọi, tôi sẽ đi mà không cần đắn đo giá cát-sê. May mắn là mọi người nhìn thấy tôi có nét riêng nên tôi nhận được khá nhiều lời mời. Nhờ đó, tôi có tiền để hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Gia đình tôi ngày xưa lúc nào cũng nằm trong vòng xoáy nợ nần. Tới mùa, mọi người vay tiền trồng cà phê, đến vụ thu hoạch thì bán cà phê để trả nợ, và mùa sau lại vay tiếp. Cứ thế, nợ cũ chồng nợ mới, vòng luẩn quẩn đó chẳng mấy ai thoát ra được.

Có thể hiểu đó cũng là lý do khiến chị quyết định ủng hộ 70% số tiền có được khi đăng quang hoa hậu cho hoạt động từ thiện. Nhưng hứa trước khi biết kết quả là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Khi bỏ ra số tiền rất lớn đó để làm từ thiện thay vì mang về nhà, chị có sợ những người trong gia đình sẽ buồn?
Cầm số tiền thưởng 200 triệu đồng, tôi rất lo vì có một số tiền lớn như thế lại chẳng mang về được cho ba mẹ bao nhiêu. Nhưng mẹ đã khiến tôi bật khóc khi gọi cho tôi và dặn đi dặn lại: “Con đã hứa những gì thì con phải làm”. Mẹ còn nói nếu được thì không phải là 70% mà hãy chia hết số tiền đó đi và tôi quyết định nghe lời mẹ.

Ở thời điểm này, nhìn lại chặng đường đã qua, chị có suy nghĩ gì?
Tôi không thể ngờ cuộc đời lại đưa đẩy và cho tôi nhiều sự may mắn đến thế.

Trang phục CHUNG THANH PHONG Phụ kiện NGÔ MẠNH ĐÔNG ĐÔNG

Feature
Close button

Trước khi trở thành Hoa hậu Biển 2008 và chính thức bước chân vào làng thời trang, tôi từng là một vận động viên thể thao. Để nói về bản sắc của mình, tôi nghĩ đó là đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng chấp nhận thách thức. Tôi muốn chứng minh rằng nếu biết tự tin, phấn đấu và nghị lực hơn trong cuộc sống, những người anh em đồng bào dân tộc chắc chắn sẽ khẳng định được vị trí trong xã hội hiện đại và hội nhập.

Đầm và giày CHUNG THANH PHONG

Bông tai LA FIANCÉE DU FACTEUR

Feature
Close button

Ngày tôi khăn gói xuống Sài Gòn học Đại học Y, người ta đua nhau bàn tán, gọi tôi là “đứa dân tộc”. Họ dè bỉu rằng tôi chỉ là ”hàng đặc cách” mà không hề biết những năm cấp 3, tôi là đứa học giỏi nhất nhì trường.

Năm thứ hai đại học, tôi đến với cuộc thi Vietnam’s Next Top Model một cách rất tình cờ. Được chọn casting, tôi cũng nghĩ chỉ là thi cho vui, nào ngờ lại vào được nhà chung. Giai đoạn đầu tôi rất nhút nhát và ngại giao tiếp. Đó là tính cách của đại đa số các bạn đồng bào dân tộc thiểu số. Song sau đó, để tiếp tục

theo nghề, tôi buộc phải thoát ra khỏi vỏ bọc. Đến nay, những lời kỳ thị trong showbiz vẫn tồn tại nhưng rất ít và chỉ diễn ra sau lưng thôi. Có thể vì tôi không phải là cái tên quá to tát để người ta phải để ý, phần khác vì tôi chọn lối sống không bon chen.

Nhờ thu nhập từ nghề người mẫu, tôi trang trải được tiền học phí và sinh hoạt. Sau này, dù có chọn bác sĩ là nghề chính, tôi vẫn sẽ nhận lời đi show để cuộc sống lúc nào cũng thú vị và có nhiều màu sắc.

Phụ kiện CHUNG THANH PHONG

Feature
Close button

Xuất thân là một cô gái dân tộc Khơ-me, ban đầu, tôi chỉ định lên Sài Gòn học trang điểm để về quê kiếm sống. Song người tính không bằng trời tính, tôi học hoài vẫn bị cô giáo chê là không hợp với nghề làm đẹp cho người khác.

Rẽ sang hướng người mẫu, con đường tôi đi khá dễ dàng. Ban đầu cát-sê chỉ vài trăm ngàn thôi nhưng dần dần, theo cơ chế thị

trường, giá cũng cao lên. Ai nói nghề này phải đánh đổi vất vả chứ với tôi thì không. Tôi cũng không phải người chạy theo hàng hiệu nên thu nhập từ nghề đối với tôi như thế là đủ.

Tính đến giờ, tôi đã hoạt động trong nghề mười mấy năm, quen với ánh đèn studio rồi nên dù hiện tại đã dành phần lớn thời gian cho việc kinh doanh nhưng khi có yêu cầu, tôi sẵn sàng bỏ hết để đi chụp.

Trang phục CHUNG THANH PHONG